Chung kết Young Marketers 5 – Khi người trẻ nâng tầm “Thương hiệu quốc dân”

Chung kết Young Marketers 5 – Khi người trẻ nâng tầm “Thương hiệu quốc dân”

Bên cạnh những kế hoạch Marketing đầy thú vị cho giới trẻ hay đầy tính nhân văn cho những vấn đề xã hội, liệu rằng các bạn sinh viên đam mê Marketing có đủ khả năng, đủ chín chắn để vươn đến việc nâng tầm một “thương hiệu quốc dân”? Đó chính là thách thức của Young Marketers mùa thi thứ 5, vòng Chung kết – thách thức của sự trưởng thành.

Ngày 10/12 vừa qua tại trung tâm hội nghị Gem Center, 4 nhóm thí sinh của cuộc thi Young Marketers đã có 4 bài dự thi đầy màu sắc cho vòng thi chung kết. Thử thách giành cho các bạn trẻ là xây dựng được một platform vì cộng đồng dài hạn cho Biti’s trong 10 năm nhằm tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội, đồng thời qua đó củng cố và phát triển vị thế, giá trị thương hiệu nhân cột mốc 35 năm hành trình “Nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s.

Đánh giá vòng thi chung kết là 5 gương mặt Ban Giám Khảo uy tín trong ngành:

  • Chị Đặng Thu Hà, Vice President, Marketing, MARICO Southeast Asia.
  • Chị Phạm Nhã Uyên, Regional Marketing Manager, Coca-Cola Indochina
  • Anh Indraneel Guha – Co-Founder & Planning Head, Ki Saigon
  • Chị Phạm Cao Huệ Chi, Head of Strategic Planning & Insights, BAT
  • Chị Vưu Lệ Quyên, Vice President, Sales & Marketing, Biti’s (Giám Khảo Khách Mời)

Không chỉ dừng lại ở kế hoạch Marketing trong 1 năm hay 3 năm, mà tại vòng thi chung kết của Young Marketers, các thí sinh sẽ phải đi sâu hơn vào tìm hiểu thương hiệu, để có thể mở rộng tầm nhìn của mình với một platform marketing vì cộng đồng có thể nâng tầm thương hiệu trong vòng 10 năm! Nấc thang thách thức vẫn không ngừng cao hơn, khó hơn qua các vòng thi, cũng như qua hành trình 5 năm của Young Marketers. Và thế hệ trẻ đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rõ: họ chính là tương lai của một thế hệ Marketer đủ giỏi, đủ táo bạo, đủ can đảm để thay đổi cuộc chơi lớn!

Nhóm Xưởng Xẩm
Bùi Thị Hoàng Yến / ĐH Kinh Tế HCM & Nguyễn Công Dũng / ĐH Sân Khấu Điện Ảnh HCM

Xưởng Xẩm mở đầu buổi thi thật ấn tượng với một nghiên cứu khoa học về não bộ chứng minh rằng: Khi cơ thể được vận động, bộ não sẽ tập trung hơn, làm việc chính xác hơn; Từ đó, những đứa trẻ tập thể dục/vận động nhiều sẽ có kết quả học tập tốt hơn. Đây chính là điểm thuyết phục các bậc phụ huynh nên nhìn lại, trong thực trạng hiện nay có rất nhiều trẻ em lười vận động (đặc biệt ở thành thị), chính vì phụ huynh và cộng đồng coi trọng thành tích học tập nhiều hơn vận động thể chất.

Hiểu được rằng sự vận động có ảnh hưởng tích cực đối với trẻ em nhất là ở cấp tiểu học, và đi bộ chính là hình thức vận động dễ dàng nhất nhưng buồn chán nhất, Xưởng Xẩm đưa ra ý tưởng đi bộ theo điệu nhạc vòng quanh khuôn viên trường cho học sinh tiểu học trước giờ vào lớp, nhằm tăng sự vui vẻ, thú vị của những hình thức đi bộ, giúp các em vận động nhiều hơn để tiếp thu bài học tốt hơn.

Xưởng Xẩm đề xuất hành trình hợp tác với chính phủ, tổ chức họp báo, thí điểm và triển khai rộng khắp tại các trường tiểu học, trước hết là ở những thành phố lớn. Và Biti’s chính là đơn vị kiến tạo nên platform này, tạo nhiều điều kiện cho các em vận động – đi bộ nhiều hơn, giải quyết vấn đề xã hội và đồng thời xây dựng – củng cố niềm tin yêu thương hiệu trong lòng các em ngay từ khi còn nhỏ.

Đề xuất thế nào thì thực hiện ngay thế ấy, Xưởng Xẩm đã khiến toàn bộ khán phòng “tỉnh ngủ” khi demo đoạn đi bộ theo điệu nhạc “không khó cũng không chán” với nhiều động tác vô cùng dễ thương!

Chị Đặng Thu Hà rất đồng tình ở thực trạng còn nhiều tư tưởng nặng nề “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” của các bậc phụ huynh Việt Nam, cũng như đánh giá cao ý tưởng đơn giản, single minded, dễ thực thi, có thể làm được ngay của nhóm. Nhưng đã là hoạt động cộng đồng thì sự lan tỏa là quan trọng nhất. Tuy nhiên qua bài thi, chị chưa thấy rõ bằng cách nào các bạn sẽ đạt được KPIs, đưa ý tưởng đến với cộng đồng, lan tỏa trong cộng đồng, để có được một kế hoạch Marketing hoàn chỉnh. Đó cũng là băn khoăn của chị Vưu Lệ Quyên: làm thế nào để đảm bảo được sự hưởng ứng, tham gia của các em học sinh, các bậc phụ huynh và nhà trường?

Chị Phạm Nhã Uyên cho rằng nhóm tìm ra được góc nhìn hay và đơn giản, nhưng còn quá thô. Các bạn tìm được lý do để thuyết phục nhưng lại không nói rõ thông điệp chính là gì, trong khi đây lại là xương sống của cả chiến dịch. Các bạn có chứng minh khoa học ở phần đầu nhưng xuống phần triển khai lại chưa nói được thể chất giúp các em học tốt hơn như thế nào, trong khi đó là điểm mấu chốt đối với phụ huynh.

Anh Neel cũng băn khoăn về điểm khác biệt trong chiến dịch này, vì về vận động thì nhiều ngành hàng, nhiều thương hiệu cũng đã nói rồi.

Nhóm Hàng Xóm
Võ Quang Huy & Nguyễn Thị Quỳnh Phương/ ĐH Ngoại Thương HCM

Cũng nhắm đến trẻ em, Hàng Xóm gọi tên ngay nhóm đối tượng của mình là Indoor kids, with indoor childhood: Đó là 8/10 đứa trẻ “trong nhà” dưới 6 tuổi, sử dụng thiết bị công nghệ từ rất sớm chứ không ra ngoài trời chơi đùa, với mức độ sử dụng thiết bị công nghệ tăng gấp 7 lần vào cuối tuần. Điều này dẫn đến nhiều bệnh và vấn đề tâm lí, trong đó có Hội chứng rối loạn do thiếu tiếp xúc với thiên nhiên.

Ba mẹ muốn con học giỏi, trong khi con lại muốn chơi đùa và khám phá. Đôi chân là phương tiện để tiếp xúc với thiên nhiên, nhưng con lại không được sử dụng đôi chân của mình. Hiểu được mâu thuẫn đó, Biti’s sẽ giúp trẻ thoát khỏi công nghệ và mang lại sự thoải mái (The comfort to move) để trẻ hòa mình với thiên nhiên, được “nạp” Vitamin N – Nature bẳng việc xây dựng và mang đến Natural Library – nơi trẻ tự do chơi đùa và học những bài học từ thiên nhiên với nhiều cây cỏ, muôn thú. Thảo Cầm Viên là đơn vị mà Hàng Xóm đề xuất hợp tác để cùng thực thi ý tưởng này.

Nhóm nhận được sự đồng cảm từ chị Vưu Lệ Quyên khi chị chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình: lớn lên ở thành thị với “tuổi thơ bị đánh cắp”, dù ba mẹ cũng có đưa đi chơi nhưng cũng không được trải nghiệm thiên nhiên nhiều. Chị thích ý tưởng này, nhưng nó cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và ngân sách để đầu tư dài hạn, và chưa phải là một mô hình phát triển bền vững gắn với sự tăng trưởng kinh doanh.

Chị Phạm Nhã Uyên nhận xét: Nhóm đã nghiên cứ rất kĩ, tìm được những endorsement rất tốt. Tuy nhiên, chị vẫn còn nhiều băn khoăn khi các bạn muốn giúp trẻ em vui chơi ngoài trời nhưng ý tưởng đề xuất lại là Natural Library, vẫn là một môi trường khép kín khác. Chị chưa thấy sự kết nối giữa một thương hiệu giày với ý tưởng thư viện này, nó có thể tốt vì mục đích xã hội nhưng sẽ giúp gì cho kinh doanh và thương hiệu? Chị Phạm Cao Huệ Chi cũng chia sẻ băn khoăn về vai trò thương hiệu của Biti’s: các bạn nên xuất phát từ thương hiệu để nâng cao vai trò thương hiệu, từ sự thoải mái mà sản phẩm mang đến!

Chị Đặng Thu Hà và anh Neel liên tưởng ngay đến Dirt is good của Omo: Điểm khác biệt là gì? Bitis khác Omo như thế nào với sân chơi này?

Nhóm Crown
Dương Thị Lan Chi & Trần Bảo Như/ ĐH Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn HCM

Crown bắt đầu với sự tìm hiểu sâu về đối tượng phụ huynh hiện nay: che chở và bảo bọc con cái quá đáng, cũng muốn cho con làm cái này cái kia đấy, nhưng lại thấy không an tâm và “thôi để bố mẹ làm cho”, dẫn đến sự thiếu tính tự lập ở trẻ em (khả năng xử lí và giải quyết tình huống), ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Cha mẹ giành việc của con, không hoàn toàn tin tưởng ở con, vậy thì hãy để Biti’s mang đến sự an tâm đó, hãy cho con cơ hội để tự đứng trên đôi chân của mình – stand and move forward on their own feet.

Từ insight đó, Crown mang đến ý tưởng Cycling Park: mô hình tập cho trẻ đạp xe ở 30 công viên tại 3 thành phố lớn với 4 bài học: giữ thăng bằng, chạy thẳng, phanh xe và rẽ với chướng ngại vật. Xe đạp chính là phương tiện tự do đầu đời của trẻ, và việc điều kiển xe đạp mang đến nhiều phấn khích, nhưng cũng dẫn đến nhiều tình huống đòi hỏi trẻ tự lập xử lí. Qua mô hình này, Biti’s sẽ bảo vệ đôi chân trẻ, cung cấp những đôi giày thật tốt để trẻ đạp xe, cũng như giúp phụ huynh trao cho trẻ cơ hội để tự lập trên đôi chân của mình.

Chị Phạm Nhã Uyên rất thích phần đầu bài thi khi nhóm trình bày mình hiểu thương hiệu và khách hàng như thế nào. Insight nhóm tìm ra rất đẹp và chạm đến chị: phụ huynh thật sự mong muốn và có nhu cầu trao cho con cơ hội tự lập đấy, nhưng không bao giờ đủ tin tưởng. Từ đó, vai trò thương hiệu của Biti’s rất mạnh: Stand and move forward on their own feet. Nhưng đáng tiếc là phần ý tưởng lại chưa thuyết phục được chị. Chị Phạm Cao Huệ Chi đánh giá nhóm đã tìm được một insight rất tốt từ phụ huynh, nhưng khi diễn giải ra ý tưởng và triển khai lại chưa đủ sáng.

Anh Neel cũng trao đổi về sự hẫng từ đặt vấn đề đến đưa giải pháp: vấn đề là của phụ huynh, nhưng giải pháp lại dành cho trẻ em, khiến bài thi chưa được thuyết phục ở phần ý tưởng.

Nhóm Biggo
Nguyễn Hoàng Hiếu Ân & Đoàn Thái Minh Châu/ ĐH RMIT HCM

Biggo - nhóm thi cuối cùng và cũng là nhóm thi mang đến sự bùng nổ cảm xúc cho cả khán phòng.

Sự bùng nổ đầu tiên mà nhóm mang đến là nỗi đau từ những con số biết nói: có hơn 30 trẻ em chết đuối mỗi ngày hè, tương ứng với khoảng 3,000 trẻ mãi mãi ra đi vào mỗi mùa hè, đặc biệt ở khu vực nông thôn với thói quen tắm sông của trẻ.

Sự bùng nổ thứ hai là sự bất ngờ khi nhóm nối kết thực trạng về trẻ em bơi lội và đuối nước tưởng như rất không liên quan với một thương hiệu giày, thành một câu chuyện kinh doanh đột phá từ một phát kiến hoàn toàn mới cho sản phẩm: Lần đầu tiên, Biti’s cho ra mắt sản phẩm giày trẻ em có thể biến thành chiếc phao để bảo vệ hàng triệu cuộc sống trẻ em nông thôn Việt Nam. Trong trường hợp nguy cấp, các em chỉ cần giật mạnh quai giày để phản ứng hóa học xảy ra, bơm khí vào quai để chiếc giày biến thành chiếc phao mini.

Nói là làm, Biggo thực hiện ngay một phản ứng hóa học minh chứng cho ý tưởng này, mang đến sự bùng nổ thứ ba đầy ngạc nhiên cho toàn thể Ban Gíam Khảo và khán giả. Nhóm còn trình bày rất cụ thể mình sẽ thực hiện chiến dịch quảng bá như thế nào với nhiều chiến thuật như viral clip đầy cảm xúc với storyboard chi tiết, họp báo kèm live demo, mời MC Quyền Linh làm đại sứ cho chiến dịch, hợp tác với Unicef triển khai toàn khu vực nông thôn…

Biggo tin rằng phát kiến sản phẩm cùng với sứ mệnh cộng đồng này sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý, hưởng ứng và lan tỏa từ phía cộng đồng, giúp củng cố vị thế thương hiệu sau nhiều năm im ắng và nâng thương hiệu lên một tầm cao mới: không chỉ nâng niu bàn chân Việt mà còn bảo vệ sinh mạng trẻ em Việt Nam.

3 cảm xúc bùng nổ đó đã gây ấn tượng mạnh cho chị Phạm Nhã Uyên: đây là bài thi duy nhất dùng innovation để làm platform cho CSR, chị thấy được sự đầu tư của các bạn, từ phần slide - design (như là packaging của bài thi), đến phần demo, đến cách các bạn thuyết trình. Nhưng các bạn cũng nên chú ý suy nghĩ: làm thế nào để ý tưởng này không bị tách biệt mà gắn kết chặt chẽ với những gì Biti’s đang làm. Chị lắc đầu ngay khi các bạn bảo rằng mình muốn tặng không sản phẩm này lúc ban đầu. Chị gợi ý thêm về hướng triển khai cho ý tưởng: dùng ngân sách để đầu tư phát triển sản phẩm và tạo nên content thật ấn tượng để có được thật nhiều earned media, từ đó ý tưởng được chính cộng đồng hưởng ứng, tiếp sức và lan tỏa.

Anh Neel khẳng định: nhóm đã có được ý tưởng tuyệt vời – một ý tưởng không chỉ dừng lại cho thương hiệu Việt mà còn mang tính toàn cầu. Các bạn trình bày quá rõ ràng và ấn tượng, với tư cách là một creative agency thì anh hoàn toàn sẵn sàng để triển khai ý tưởng này ngay!

Chị Phạm Cao Huệ Chi đặt một câu hỏi khó cho Biggo: nếu sản phẩm này đòi hỏi chi phí cao để sản xuất, thì các bạn sẽ bán ở vùng nông thôn như thế nào? Như đã sẵn sự chuẩn bị, nhóm trả lời ngay: Phản ứng hóa học tạo ra khí như nhóm vừa làm không hề đòi hỏi nguồn nguyên liệu đặc biệt, mà đó chính là những sự kết hợp rất “bình dân” như giấm và bakin soda, hay oxy già và thuốc tím.

Chị Đặng Thu Hà cũng đặt ra một thách thức cho nhóm: 10 năm là một quãng thời gian rất dài, và ý tưởng này sẽ được triển khai như thế nào qua từng năm? Biggo đã rất khôn khéo với phần trả lời của mình: Những năm đầu tiên nhất định sẽ phải theo dõi và hoàn thiện hóa sản phẩm, những năm sau đó có thể mở rộng đối tượng khách hàng ra khu vực thành thị với nhiều cải tiến hơn cho sản phẩm, đơn cử như là mẫu mã.

Trước khi đến với phần công bố kết quả, anh Hùng Võ – Founder của hành trình Young Marketers cùng chị Đặng Thu Hà – trưởng Ban Gíam Khảo vòng thi chung kết Young Marketers đã có những chia sẻ về buổi thi.

Anh Hùng Võ chia sẻ, đề thi thật sự quá thách thức và lồng ghép nhiều yêu cầu, nên cũng dễ hiểu khi các bạn trẻ chưa có được những giải pháp tròn trịa, hoàn hảo. Nhưng Ban Giám Khảo & Young Marketers không chỉ đánh giá thuần túy trên bài thi của các bạn mà còn đánh giá ở cách các bạn trình bày con đường đưa đến giải pháp đó, cách phản biện khi bị Ban Giám Khảo thách đố… Và đây cũng là lý do Ban Giám Khảo đã phải có những tranh luận sâu để chọn ra kết quả cuối cùng.

Là gương mặt gắn bó với Young Marketers ngay từ những ngày đầu tiên, chị Đặng Thu Hà khẳng định: “Lúc nào đi dự vòng chung kết chị cũng có nhiều cảm xúc: ngạc nhiên với tài năng và thán phục sự khác biệt, lòng can đảm của các bạn. 4 đội thi hôm nay khá cân bằng, đều xứng đáng với vòng chung kết và đều khiến chị yêu thích.

Biggo là nhóm thuyết trình giỏi nhất với sự tự nhiên, thoải mái, một chút hài hước và hình ảnh rất đẹp. Ý tưởng của nhóm mang đến sự ngạc nhiên, thú vị và không thể ngờ tới, chứng minh được sự chăm chỉ và đầu tư kĩ lưỡng, và tinh thần can đảm, dám khác biệt của các bạn. Nhóm mà chị nghĩ sẽ trở thành marketer giỏi trong tương lai chính là Crown với bài thi sở hữu một sự thật ngầm hiểu sâu sắc. Các bạn đã nghĩ xa hơn, cho thấy sự hiểu biết sâu về thương hiệu và người tiêu dùng để có được một insight rất xác đáng với người Việt Nam, đầy triển vọng để phát triển ý tưởng cả về functional và emotional. Xưởng Xẩm thì khiến chị thích về sự đơn giản. Có thể nhóm trình bày chưa xuất sắc về mặt sự thật ngầm hiểu và triển khai nhưng ý tưởng của các bạn rất đơn giản, dễ làm, ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể lan tỏa được. Còn nhóm Hàng Xóm chứng tỏ khả năng tìm tòi và phân tích dữ liệu rất tốt, nhưng chú ý đừng quá sa đà. Khía cạnh “đôi chân thiếu hoạt động” hoàn toàn có thể phát triển thành một chiến dịch đáng chú ý!”

Chị khẳng định: “Với Marketers, có ý tưởng không khó, có quá nhiều ý tưởng và thấy cái nào cũng hay, cũng muốn làm mới là vấn đề, nên chọn lựa mới là khó nhất! Hãy can đảm lựa chọn điều đơn giản nhất nhưng sáng giá nhất để thực hiện. Chúc mừng các bạn thí sinh hôm nay - nguồn cảm hứng cho giới trẻ và cho cả những người làm nghề. Chúc các bạn có một tương lai tươi sáng trên con đường của mình!”

Và bao nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi kết quả cuộc thi Young Marketers mùa 5 được công bố: Nhóm Hàng Xóm và nhóm Xưởng Xẩm về vị trí thứ 4 và thứ 3 của cuộc thi; về nhì chính là hai cô gái nhóm Crown và nhóm Biggo đã giành chiến thắng cho sự can đảm, và nỗ lực của các bạn!

Và chúng ta lại sắp chào đón một thế hệ học viên mới đầy tài năng của khóa học Marketing danh giá Elite Program Development mùa 4 với sự có mặt của cả 4 nhóm, cùng với 6 bạn được tuyển chọn cá nhân ở một chặng thi riêng.

Một mùa thi nữa khép lại, nhưng hành trình tìm kiếm, đào tạo và phát triển những tiềm năng Marketer trẻ vẫn tiếp tục cất bước. 5 mùa thi, 4 mùa Elite – thời gian đủ dài để chứng minh cho sự bền vững của nền tảng Young Marketers, sự trưởng thành của từng lớp thí sinh, sự dõi theo và hưởng ứng của tất cả những ai đam mê Marketing. Thử thách có bao giờ thôi thách thức, nhưng có hề gì khi mỗi ngày qua, chúng ta lại thấy thêm nhiều gương mặt trẻ đã sẵn sàng xỏ giày vào và chạy để chinh phục hành trình Marketing của chính mình!

Young Marketers – Empower the next marketing generation.

Cuộc thi Young Marketers 5 là một phần của hành trình Empower The Next Marketing Generation của Young Marketers - bên cạnh Young Marketers Elite Development Program & Young Marketers Connection, với BRANDS Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, và nhãn hàng tài trợ độc quyền năm nay là nhãn hàng giày thể thao chất lượng cao Biti’s Hunter, đại diện cho tinh thần Move của người trẻ Việt.

Nguồn Young Marketers