Bán kết Young Marketers 5: 12 giải pháp, 12 góc nhìn xuất sắc của các marketer trẻ

Bán kết Young Marketers 5: 12 giải pháp, 12 góc nhìn xuất sắc của các marketer trẻ

Hơn 150 bạn sinh viên có mặt tại vòng bán kết Young Marketers mùa 5 đã không thể kiềm được thích thú khi 12 nhóm thi liên tục đưa ra những góc nhìn mới lạ, những cách tiếp cận & giải quyết sáng tạo cho thách thức “một thế hệ trẻ Việt Nam vận động hơn 150 phút / tuần”. Ngay đến cả Ban Giám Khảo cũng đã “đo não” một phen mới chọn được top 4 chung cuộc xuất sắc nhất.

Những gương mặt marketer dày dạn kinh nghiệm góp mặt ở vị trí Ban Giám Khảo Vòng Bán kết mùa 5 bao gồm các anh chị:

  1. Chị Đặng Hoài An, former Head of Marketing, Microsoft Mobile Devices Vietnam
  2. Chị Tina Đỗ, Digital & Media Head, Nestle Vietnam
  3. Anh Lê Bá An Bình, Head of Integrated Marketing Communications, Coco-Cola Indochina
  4. Anh Nguyễn Khắc Nguyện, Deputy Head, HR - Talent Development & Learning; Advisor, Brand and Communication, Asia Commercial Bank (ACB)

Thách thức Marketing

Young Marketers, một lần nữa, đặt các bạn sinh viên ở thế khó khi vừa phải giải quyết một vấn đề xã hội - “Người trẻ Việt lười vận động” - vừa truyền tải tinh thương hiệu giày thể thao Hunter - “Move”. Trong suốt 5 mùa qua, có lẽ đây là mùa Young Marketers tiếp cận một vấn đề gần gũi & thiết thực với giới trẻ như vậy! Vậy nên, thử thách “nghe dễ” mà “giải không dễ” chút nào!

Chặng mở đầu - 12 đội thi trình bày giải pháp

1. Nhóm Xưởng Xẩm – Vận động kết nối thế hệ
(Bùi Thị Hoàng Yến & Nguyễn Công Dũng)

Tiếp cận nhóm đối tượng là người trẻ sống cùng gia đình, nhóm Xưởng Xẩm đem đến khán phòng một sự thật khá “nhói” – “Bố mẹ cảm thấy cô đơn & mong muốn được con cái quan tâm, dù chỉ là những điều nhỏ thôi như nói chuyện, hỏi han mỗi ngày. Trong khi đó, người trẻ lại cho rằng quan tâm ba mẹ thì phải thể hiện bằng những điều lớn lao.”

Từ insight này, nhóm đã lồng ghép “vận động” trong câu chuyện “kết nối” giữa 2 thế hệ bằng ý tưởng lớn “Đi bộ thể dục cùng gia đình, qua đó gắn kết tình cảm hơn nữa”. Ý tưởng mang đến cho người trẻ thêm một lý do để vận động, đó là “quan tâm đến bố mẹ”, đồng thời biến cha mẹ trở thành “người truyền động lực” cho việc tập thể dục của con

Kế hoạch triển khai của nhóm bắt đầu với viral video về cảm xúc của 2 thế hệ từ đó gợi mở về “lợi ích khác” của đi bộ thể dục. Tiếp đó là sự kiện “Đường đua kỳ diệu” tổ chức cho 2 thế hệ cùng tham gia & gắn kết. Cách tiếp cận & giải quyết của nhóm nhận được sự tán thành của phần lớn khán giả.

2. Nhóm CROWN – Vận động vui hơn cùng âm nhạc
(Dương Thị Lan Chi & Trần Bảo Như)

Tiếp cận nhóm đối tượng có thái độ vận động tùy hứng & dễ dàng bỏ cuộc, CROWN quan sát thấy rằng những cảm giác “không thoải mái” của vận động (như mỏi người, đổ nhiều mồ hôi, mệt…) tạo ra một rào cản rất lớn đối với người trẻ, khiến họ “muốn né tránh” trong lần vận động tiếp theo.

Bên cạnh đó, nhóm tìm thấy những luận cứ khoa học chứng minh rằng “Âm nhạc nhịp độ nhanh có thể khiến não bộ tạm quên những mỏi mệt khác trên cơ thể”. Vậy nên, với ý tưởng lớn “Be Funcomfortable”, nhóm mong muốn rằng sự vui vẻ của âm nhạc sẽ áp chế đi cảm giác “không thoải mái” của vận động, thể hiện sâu sắc tính năng “thoải mái” mà Hunter mang lại cho người sử dụng.

Hoạt động chủ chốt của chiến dịch là ứng dụng “Funcomfortable”, hướng dẫn những bài thể dục cơ bản được tập trên những bài hát nổi tiếng & quen thuộc nhằm khiến người dùng thêm thích thú tập luyện. CROWN sử dụng KOLs để biến ứng dụng trở thành trào lưu, tạo cơ hội cho người dùng tạo ra những bài thể dục nhịp điệu riêng cho mình, đồng thời thực hiện sự kiện để người trẻ có cơ hội trải nghiệm ứng dụng.

3. Nhóm URSA – Tạo dựng văn hóa thể thao đường phố tại Việt Nam
(Đặng Hoàng Nam & Nguyễn Đăng Thụy)

Qua những tìm hiểu về thói quen chơi thể thao của học sinh cấp 3 và sinh viên đại học, URSA khám phá được insight thú vị theo nhóm là “Chơi thể thao với bạn bè mới thấy vui. Lên đại học bạn bè càng lúc càng xa khiến thể thao không còn hấp dẫn như trước”

Từ đó, nhóm chọn “thể thao đường phố” trở thành platform chính cho chiến dịch, và giải quyết vấn đề với ý tưởng lớn “Our streets, our games” và thông điệp “Hãy gắn kết tình bạn của mình bằng thể thao đường phố”.

Hoạt động chủ chốt là xây dựng những sân chơi thể thao tại những “không gian bỏ quên” của thành phố & tổ chức các giải đấu để xây dựng cộng đồng thể thao đường phố vững mạnh hơn. Nhóm tham vọng sẽ mang văn hóa thể thao đường phố len lỏi khắp các con hẻm Việt.

4. Nhóm BIGGO: Vận động như chơi, chơi như vận động
(Nguyễn Hoàng Hiếu Ân & Đoàn Thái Minh Châu)

Đào sâu vào nhóm các bạn trẻ từ bỏ vận động sau vài buổi tập, BIGGO tìm thấy một sự thật đắt giá rằng “chính những mục tiêu nghiêm túc mà bản thân đặt ra khi tập thể thao vô hình đã gây áp lực cho bản thân khi vận động”. Thêm vào đó, phần lớn các thương hiệu thế thao đều dùng hình ảnh vận động chuyên nghiệp đã vô hình chung tạo cho người trẻ thêm áp lực. Đây là cơ hội để Hunter – một sản phẩm “casual sportwear” – có thể giúp việc vận động đơn giản & hứng thú hơn.

Chiến dịch #MoreLikePlay được thực hiện để vừa minh họa tính năng “nhẹ như bay” của Hunter, vừa mang đến cảm giác hào hứng cho người trẻ. Với điểm nhấn “Phố lò xo” được đặt ở 2 đầu HN & TP.HCM, cùng việc phân phát mô hình đệm lò xo tại trường đại học & công viên, nhóm mong muốn giới trẻ sẽ tìm được niềm vui riêng trong việc vận động thông qua các hoạt động thường ngày.

5. Nhóm #hangxom – Đi bộ, nuôi thú ảo
(Võ Quang Huy & Nguyễn Thị Quỳnh Phương)

Cũng chọn nhóm đối tượng đã từng vận động nhưng bỏ cuộc, nhóm tìm thấy sự thật rằng “Giới trẻ mất động lực tập luyện bởi không thể nhìn thấy NGAY kết quả của việc vận động”. Từ đó đề xuất giải pháp có thể mang đến cho người trẻ kết quả tích cực ngay sau mỗi bước: ứng dụng đi bộ nuôi thú ảo “Badge of Honor”. Số lượng bước chân người trẻ thực hiện được sẽ giúp “thú ảo” lớn lên & trao cho họ một số huy hiệu nhất định.

Để khuyến khích giới trẻ download app & nhận huy hiệu, nhóm tạo ra những thử thách vận động & vinh danh kết quả bằng mạng xã hội. Tiếp đó là sự kiện & thư viện ảnh để thu thập những cam kết vận động cùng “thú cưng” của giới trẻ.

6. Nhóm ĐẬU – Giải pháp vận động dễ dàng trong hoạt động thường ngày
(Nguyễn Thị Thảo Ly & Hà Minh Hoàng)

Cũng đánh vào nhóm những người đã từng vận động, ĐẬU trình bày insight “Người trẻ cho rằng vận động là phải hi sinh một khoảng thời gian cụ thể trong ngày, họ không nhận ra rằng mình có thể vận động ngay trong cả những việc hằng ngày”. Từ đó, nhóm mang đến giải pháp “Simple Move” – với thông điệp “vận động thật dễ dàng”.

ĐẬU khai triển ý tưởng thông qua 3 giai đoạn gồm: sự kiện kích hoạt “Simple Race” tại các trường đại học, khiến người trẻ “đua cùng nhau” trong những hoạt động thường ngày như đi cầu thang, quét sân trường… Tiếp đó, tung ứng dụng và cuộc thi “Simple Move” và kết thúc bằng sự kiện âm nhạc để vinh danh những cá nhân xuất sắc chiến dịch.

7. Nhóm Synergy – “Hợp đồng vận động”
(Mang Anh Nguyên & Nguyễn Hoàng My)

Nhóm Synergy là một “vị lạ” trong VBK khi biến bài thuyết trình thành câu chuyện “Hợp đồng vận động” của một bạn sinh viên sắp tốt nghiệp. Với 3 vòng thử thách Thử việc – Nhận việc & Hợp đồng độc quyền, “Hợp đồng vận động” mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội được rèn dũa & phát triển bản thân để chuẩn bị cho chặng đường nghề nghiệp sắp tới.

Đánh vào tâm lý “Sắp ra trường rồi, sinh viên quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp & mở rộng mối quan hệ”, nhóm mong muốn gắn kết việc “vận động” vào một nhu cầu gần gũi hơn là “phát triển bản thân”

Anh Lê Bá An Bình cho rằng giải pháp của nhóm khá sáng tạo & đột phá ngoài khuôn khổ. Nhưng chính cách thuyết trình của nhóm khiến bài khó theo dõi, không rõ ràng thông điệp cũng như insight. Ngoài ra, cách phát triển ý tưởng cũng không đủ nhất quán và chưa tận dụng được ngân sách 3 tỷ đồng.

8. Nhóm Side 2 Side – Chạy bộ thưởng thức cà phê!
(Nguyễn Trọng Nghĩa & Trần Thị Ánh Châu)

Phát hiện rào cản lớn nhất khiến giới trẻ không vận động chính là “Thời gian”, nhóm đưa đến insight rằng “Giá như tôi có đủ thời gian để vừa thư giãn, vừa tập thể dục”. Bên cạnh đó, quan sát thấy rằng phần lớn bạn trẻ chọn “đi cà phê” là một hình thức thư giãn sau thời gian học tập & làm việc, nhóm đề xuất giải pháp gắn kết “vận động” và “thư giãn” – RELAXERCISE ngay tại các quán cà phê mà người trẻ hay ghé đến.

Hoạt động chính của toàn chiến dịch là chiếc máy chạy bộ làm cà phê “Relaxercise” được đặt tại các cửa tiệm café được check-in nhiều nhất trên instagram. Tiếp đó, chiếc máy được mang đến nhiều địa điểm khác nhau mà người trẻ hay ghé đến để dùng cà phê, chiến dịch kết thúc bằng sự kiện chạy bộ “Ultimate Relaxercise Run”.

Ban Giám Khảo nhận xét: “Bài trình bày của nhóm khiến BGK phải cân nhắc nhiều khi nhóm đã chọn được một platform “coffee” hay và một insight tốt. Tuy nhiên, cách triển khai không triệt để khiến bài trở thành promote cho việc uống cà phê nhiều hơn là quảng bá cho thương hiệu Hunter”.

9. Nhóm Khói – Đi nhiều hơn, kết nối nhiều hơn
(Trương Đức Thịnh & Trần Đặng Thảo Hạnh)

KHÓI tìm được luận cứ khoa học chỉ ra rằng “Lười vận động là bản chất con người để bảo toàn năng lượng, họ chỉ vận động khi nó mang đến lợi ích thiết thực”, đồng thời phát hiện được một sự thật về giới trẻ “Người trẻ ngày nay không thể sống thiếu sự kết nối”. Liên kết 2 dữ kiện này cùng thương hiệu Hunter “người đồng hành với mỗi bước chân giới trẻ”, nhóm KHÓI đề xuất ý tưởng lớn “MOVE TO CONNECT”.

Điểm nhấn của ý tưởng nằm ở sản phẩm WIFI HUNTER – cách tân Hunter trở thành những đôi giày có thể phát wifi khi người dùng di chuyển. Bên cạnh đó, chiến dịch truyền thông sản phẩm cũng được đẩy mạnh như hoạt động làm video quảng bá, các booth tương tác, sử dụng KOLs tạo trào lưu, hay film ngắn lan tỏa khi kết thúc sự kiện.

Anh Lê Bá An Bình rất hứng thú với cách nhóm tiếp cận và giải quyết vấn đề “Cách các em nâng cấp sản phẩm thành smart shoe là hướng nghĩ thách thức lối mòn, nên giữ và phát triển về sau”. Tuy vậy bài giải cũng còn nhiều “sạn”, thay vì giải quyết mục tiêu khuyến khích người trẻ Việt vận động nhiều hơn, bài giải lại thiên về hướng quảng bá đôi giày mới. Ngoài ra, BGK cũng khá quan ngoại rằng hiện nay 3G và wifi cũng đã phủ sóng khắp nơi, insight của nhóm còn đủ độ bức bối để giải pháp thật sự có giá trị?

10. Nhóm CHÓT: Đi thang bộ - tích hợp vận động vào cuộc sống hằng ngày
(Phạm Trúc Huyền & Phạm Nhã Uyên)

Bắt đầu bài nói bằng sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ và chiếc điện thoại di động, nhóm khéo léo dẫn dắt người nghe đến câu chuyện “đánh đổi” và “tích hợp” và nói lên sự thật ngầm hiểu về đối tượng rằng “Tôi mong muốn một hình thức vận động có hiệu quả nhanh; càng ít phải đánh đổi thời gian dành cho những hoạt động khác càng tốt”.

Từ đó, “đi cầu thang bộ” là giải pháp tích hợp đưa vận động vào đời sống hằng ngày, giúp người trẻ vừa vận động, lại không phải đánh đổi thời gian. Ý tưởng lớn “Bước chân nhân đôi” cùng thông điệp “Bước tràn năng lượng kết nối” được nhóm triển khai thành 3 giai đoạn, từ từ mang hình thức “Đi cầu thang bộ” trở thành hoạt động “kết nối” mọi người.

Thay mặt BGK, chị Đặng Hoài An khen nhóm CHÓT có cách dẫn dắt ấn tượng, bắt đầu từ xu hướng tích hợp trong cuộc sống ngày nay với một vài hoạt động hay. “Tuy vậy, bài có quá nhiều layer, insight của nhóm thực ra chưa phải … insight vì chưa chạm đến tận cùng vấn đề. Vậy nên big idea và message bị chung chung, execution thì chưa kết nối chặt chẽ và giải quyết được vấn đề của giới trẻ.”

11. Nhóm ARIES – Ứng dụng đi bộ săn sản phẩm thực tế
(Nguyễn Phương Thảo & Nguyễn Thị Ngọc Tuyết)

Nghiên cứu nhóm đối tượng quan tâm đến vận động nhưng thiếu động lực, ARIES phơi bày sự thật rằng “Online thú vị, lôi cuốn & gây nghiện, vận động thì không. Tôi muốn vận động mang đến trải nghiệm mới, khiến nó thú vị như online”.

Với ý tưởng lớn giải quyết triệt để nhu cầu người dùng “Walk 4Good”, nhóm xây dựng Hunter App - một ứng dụng đi bộ săn sản phẩm thực tế để kích thích trải nghiệm đi bộ thú vị hơn. Với ứng dụng này, đi bộ càng nhiều, người dùng càng có nhiều cơ hội nhận tặng phẩm đến từ Hunter và mạng lưới đối tác.

Chị Đăng Hoài An cũng chia sẻ “Chị khá thích ý tưởng của các em, nói được vấn đề giới trẻ ngày nay thích thú những điều mang đến lợi ích ngay lập thức, ý tưởng hay và dễ tạo tiếng vang trong cộng đồng, cách triển khai cũng rất nhất quán. Tuy vậy, ý tưởng của nhóm quá thực dụng, không giải quyết vấn đề từ gốc, khó có thể duy trì lâu dài và đi xa câu chuyện sản phẩm Hunter.”

12. Nhóm HUNTEROUS – Tham vọng về Sài Gòn – thành phố xe đạp
(Lương Thảo Ly & Phạm Nguyễn Quỳnh Hương)

Bắt dầu với các dẫn chứng khoa học chứng minh rằng việc tái thiết lập các thói quen cũ sẽ dễ dàng hơn là tạo ra thói quen mới, nhóm HUNTEROUS giải quyết insight “Hình thành thói quen vận động mới cần nhiều cố gắng, lại không phải ưu tiên của tôi” bằng việc khơi gợi thói quen di chuyển hằng ngày bằng xe đạp vốn quen thuộc.

Ý tưởng lớn “Make Saigon the cycling city” được triển khai với 2 hoạt động chính: Cycling Zone với những trạm “đổi xe máy, lấy xe đạp” để di chuyển trong ngày và hoạt động Cycling Garage giúp người trẻ sửa xe đạp cũ để tiếp tục duy trì thói quen tốt đẹp này ngay cả sau khi chiến dịch kết thúc.

Ban Giám Khảo khá ấn tượng với ý tưởng của nhóm “very good idea, đúng chất CSR”, tuy vậy “insight vẫn còn chưa ổn, không liên kết chặt chẽ với idea, chưa có chiến lược truyền thông rõ ràng cho các key hook, execution quá yếu”.

Chặng nước rút - Top 5 đối đáp cùng BGK

Với sự ngang tài ngang sức của các nhóm thi, Ban Giám Khảo khá khó khăn khi phải quyết định 5/12 nhóm bước tiếp vào vòng đối đáp bao gồm nhóm Xưởng Xẩm, CROWN, Biggo, #hangxom và URSA. Cả 5 nhóm có cơ hội trình bày rõ hơn về giải pháp cho BGK thông qua các câu hỏi & trả lời. Đồng thời, BGK cũng có nhiều nhận xét quý giá giúp các bạn nhận thức được vấn đề, lỗ hổng trong bài làm của mình, cũng như những gợi ý để hoàn thiện bài thi.

Nhóm Xưởng Xẩm

Chị Tina Đỗ có lời khen dành cho nhóm Xưởng Xẩm: “Chị cũng như BGK đều rất ấn tượng về phần trình bày của các em vì insight của nhóm là 1 tension xã hội rất mạnh. Bên cạnh đó, ý tưởng của nhóm còn chạm được câu chuyện của Biti’s - là thương hiệu heritage vốn dành cho gia đình. Vậy nên Biti’s hoàn toàn có đủ độ đáng tin để sở hữu & giải quyết được tension này. Tuy nhiên, cách triển khai ý tưởng của các em vẫn còn ngắn hạn, chưa kết nối mạnh với tension chưa cho BGK thấy tiềm năng phát triển lâu dài.”

Chị Hoài An nhận xét bằng những câu hỏi nền tảng hơn: “Lý do người ta tập thể dục để làm gì? Nhóm đã đưa ra một lý do rất thông minh để lôi kéo cộng đồng tập thể dục là quan tâm cha mẹ. Nhưng về mặt bản chất, tập thể dục vẫn là để khỏe – chứ không phải kết nối. Kết nối chỉ là ý tưởng cho một chiến dịch thôi chứ không phải là cách lâu dài. Khi các em tiếp cận một ngành hàng nào đó, ở đây là vận động, thì mình phải nhìn được bản chất category truth, khi đó giải pháp mới đủ lâu dài”.

Nhóm CROWN

Chị Tina Đỗ cho rằng “Bài của nhóm có điểm sáng khi chọn âm nhạc để mang đến tâm trạng thoải mái, vượt qua sự khó chịu của cơ bắp. Đây là cách tiếp cận khá là thông minh, và platform Âm nhạc cũng có tiềm năng phát triển dài hơi. Tuy nhiên, phần triển khai lại quá chú trọng vào ứng dụng khiến vai trò thương hiệu Hunter bị lu mờ.”

Chị Đặng Hoài An góp ý cho nhóm “Bài của nhóm rất nhất quán, giải pháp đúng insight. Nhưng càng đối đáp nhóm càng đuối vì không đủ rational để thuyết phục BGK. Chị nghĩ nhóm cần tìm hiểu thêm về fact để chứng minh rằng “fun overcome uncomfortable”; ngoài ra nhóm cần thêm fact về quá trình thay đổi hành vi của của một người để phát triển ý tưởng tốt hơn trên các kênh truyền thông”.

Nhóm Biggo

Chị Tina Đỗ đặt nhiều câu hỏi về mặt phát triển ý tưởng: “Nhóm dự tính chi phí như thế nào khi làm 2 event ở phố đi bộ? Mục tiêu thay đổi hành vi thể hiện ở đâu với chương trình Phố Lò Xo này?”

Nhóm Biggo mạnh dạn khẳng định: “Event có mục đích tạo buzz, việc tự sáng tạo bài tập riêng mới giúp người dùng thay đổi hành vi”.

Anh Lê Bá An Bình và anh Nguyễn Khắc Nguyện lại quan tâm hơn đến thông điệp thương hiệu: “Anh đồng ý với nhóm ở chỗ một thương hiệu casual như Hunter thì nên làm những thứ gần gũi và nhẹ nhàng trong vận động. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi các em triển khai ra, các tactic như đệm lò xo, tuy hay nhưng lại khó mở rộng. Đồng thời lại lái bài theo hướng fun experience, trải nghiệm vui nhộn, lu mờ mất ý chính “tập thể dục một cách vui vẻ, sáng tạo” của nhóm.”

Nhóm #hangxom

Anh An Bình chia sẻ rằng: “Có vẻ như những hoạt động trong bài giải của tụi em toàn là nice-to-have, chưa đủ critical, hãy ráng tìm những key hook mà không thể tách rời sản phẩm Hunter.”

Chị Hoài An góp ý thêm cho nhóm: “Cái hay của nhóm là liên kết được câu chuyện online – offline thông qua ứng dụng thực tế ảo, khá fun & đáng yêu với giới trẻ. Nhưng mà, insight của nhóm đề cập khá là nghiêm trọng “tôi không thấy được kết quả của vận động trên cơ thể mình ngay”, trong khi đó phần giải pháp lại chưa đáp ứng được triệt để insight, lợi ích sức khỏe cho bản thân không còn thấy rõ, hình ảnh thực hiện thì khá trẻ con, execution thiếu mất call-to-action để người trẻ gắn kết với chiến dịch.”

Nhóm URSA

Anh Khắc Nguyện lo ngại: “Phần đối đáp của nhóm khiến anh cảm thấy insight có vẻ là sự diễn dịch từ câu chuyện cá nhân, không phải từ fact đáng tin cậy!”

Chị Hoài An cũng nhận xét rằng: “Chị cảm thấy nhóm đang sai về mặt cơ bản. Nhóm đang giải quyết vấn đề tạo sân chơi cho giới trẻ chứ không phải giải quyết câu chuyện thay đổi hành vi vận động. Ngoài ra, bài có khá nhiều từ khóa mà không kết nối được, insight cũng assumption nhiều.”

Chị Tina Đỗ bổ sung thêm: “Tuy nhiên, Platform thể thao đường phố là điểm sáng duy nhất để cứu bài làm này, nó khá tiềm năng để khai triển lâu dài, nhưng nhóm chưa giải quyết và kết nối câu chuyện rõ ràng!”

Sau buổi Bán kết, đại diện Ban Giám Khảo anh Nguyễn Khắc Nguyện gửi đến các Young Marketers 5 lời khuyên chân thành:

  1. HÃY ĐỜI HƠN: Khi tìm hiểu về marketing đừng quá lo lắng về thuật ngữ, hãy nói & trình bày bằng ngôn ngữ đời thường nhất.
  2. KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ HỤT NĂNG LƯỢNG: Trong marketing không có đúng sai, thiếu thừa, vậy nên các bạn hãy luôn chuẩn bị năng lượng tràn đầy, luôn tiến lên và tự tin với giải pháp của mình.

Dựa vào (1) kết quả bài làm của 5 nhóm với tiêu chí đánh giá của Vòng Bán kết cùng với (2) kết quả đánh giá của phần thi chất vấn với BGK, Young Marketers đã quyết định chọn 04 nhóm để đi tiếp vào Vòng Chung kết, với thứ tự theo điểm số như sau:

1. Đồng hạng Nhất

  • Xưởng Xẩm - Bùi Thị Hoàng Yến/ ĐH Kinh Tế HCM & Nguyễn Công Dũng/ ĐH Sân Khấu Điện Ảnh HCM
  • #hangxom - Võ Quang Huy & Nguyễn Thị Quỳnh Phương/ ĐH Ngoại Thương HCM

2. Đồng hạng Nhì

  • CROWN - Dương Thị Lan Chi & Trần Bảo Như/ ĐH Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn HCM
  • BIGGO - Nguyễn Hoàng Hiếu Ân & Đoàn Thái Minh Châu/ ĐH RMIT HCM

Trước mắt 04 nhóm thí sinh vẫn còn một thử thách chung kết “gay go” hơn nhiều – đó là tìm kiếm một platform đủ dài lâu và xây dựng kế hoạch 10 năm vì cộng đồng cho “thương hiệu quốc dân” Biti’s trong bối cảnh 35 năm thành lập. Cùng đón chờ những bất ngờ vào ngày Chung kết Young Marketers, 10/12/2016 sắp tới nhé!

Young Marketers – Empower the next marketing generation.

Cuộc thi Young Marketers 5 là một phần của hành trình Empower The Next Marketing Generation của Young Marketers - bên cạnh Young Marketers Elite Development Program & Young Marketers Connection, với BRANDS Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, và nhãn hàng tài trợ độc quyền năm nay là nhãn hàng giày thể thao chất lượng cao Biti’s Hunter, đại diện cho tinh thần Move của người trẻ Việt.

Nguồn Young Marketers