7–Eleven rầm rộ đổ bộ Việt Nam, cư dân mạng đã đón nhận như thế nào?

Với chiến lược xâm nhập thị trường theo hướng nội địa hóa, sự ra mắt của 7-Eleven vào ngày 15/6 nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều, đặc biệt là giới trẻ tại TP.HCM.

“Sau tất cả thì 7-Eleven đã mở cửa rồi”. Vốn được lòng giới trẻ đam mê du lịch vì các món ăn trendy nổi tiếng ở các quốc gia khác như bánh chuối Thái, trà sữa Đài Loan…, sự kiện ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng tại TP.HCM đã thu hút hơn 38,000 lượt thảo luận trên Social Media. Hãy cùng YouNet Media lắng nghe phản hồi của người dùng mạng về sự kiện cực hot này.

Diễn biến thảo luận

Là một thương hiệu được giới trẻ ưa thích, trong 2 tháng vừa qua, mặc dù không có nhiều hoạt động truyền thông rầm rộ, 7-Eleven vẫn nằm trong top những cửa hàng tiện lợi được nhắc đến nhiều nhất trên Social Media (chiếm 21% tổng thảo luận), chỉ sau Circle K.

Tuy thương hiệu chính thức đưa ra thông cáo báo chí vào ngày 13 tháng 6 nhưng thảo luận về 7-Eleven đã bắt đầu nhen nhóm từ cuối tháng 2 năm 2017 khi hàng loạt các nội dung tuyển dụng tại TP.HCM được đăng lên khiến cho báo giới xôn xao. Giới trẻ cũng tích cực chào đón chuỗi cửa hàng do ấn tượng tốt đẹp khi trải nghiệm thương hiệu này tại Thái Lan, Đài Loan.

Vào tháng 5, hoạt động trên Fanpage 7-Eleven đã bắt đầu mạnh mẽ hơn với những bài viết, minigame về ẩm thực Việt Nam kèm hashtag #kechuyenmonVietquaanh. Với nội dung được xây dựng khéo léo, 7-Eleven đã khuyến khích người dùng mạng nói lên quan điểm về các món ăn đường phố Việt Nam như bánh cuốn, phở cuốn, gỏi cuốn, xôi, bánh mì. Đó là một sự thăm dò khôn ngoan trên mạng xã hội trước khi giới thiệu với người tiêu dùng menu hơn 100 món ăn truyền thống của Việt Nam.

Nguồn: Fanpage 7-Eleven Viet Nam.

Tháng 6 được coi là cao điểm về thảo luận đối với thương hiệu khi các hot fanpage (Địa Điểm Ăn Uống, Foody, Robbey…) và trang tin (Kênh 14, Zing News, VnExpress…) đưa tin về sự kiện 7-Eleven sắp ra mắt cửa hàng đầu tiên. Những món ăn ngon mà giới trẻ ưa thích khi đi du lịch như nước uống Slurpee, Bánh chuối Thái Lan, Trà sữa Đài Loan đều được đưa ra bàn luận. Giới trẻ kỳ vọng cao vào việc các món ăn làm nên tên tuổi của 7-Eleven sẽ có sẵn trên kệ tại các cửa hàng Việt Nam.

Vào ngày khai trương cửa hàng đầu tiên (15/6), hình ảnh người người đông đúc xếp hàng để mua sắm và thanh toán tại 7-Eleven tràn ngập trên các báo chí. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về sự nhiệt tình của người Việt đối với cửa hàng mới khai trương, bao gồm chỉ trích tâm lý sính ngoại, bầy đàn của người Việt Nam. Nhưng phần lớn vẫn rất háo hức được đi đến tận nơi để trải nghiệm, được tặng quà cũng như check-in để “theo kịp thời đại”.

Những hoạt động truyền thông trên Social Media

Theo dõi các bước truyền thông chuẩn bị cho ngày khai trương của 7-eleven, về cả số lượng và quy mô tổ chức các hoạt động này ở Social Media đều không nhiều. Tuy nhiên, thảo luận tự nhiên từ người dùng về 7-Eleven vẫn rất cao (earned media), điều đó thể hiện sức hút của thương hiệu này đối với người dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Hoạt động thu hút nhiều tương tác nhất trong chương trình khai trương là các minigame: tặng balo Revive tại fanpage 7up Revive và minigame “Kể chuyện món Việt qua ảnh” trên fanpage 7-Eleven Viet Nam. Chương trình minigame tặng quà tại fanpage vẫn đang được tiếp nối và đem giúp thương hiệu nhận được nhiều tương tác trên mạng xã hội.

Để tăng thêm hiệu ứng vào ngày khai trương, thương hiệu đưa ra hai chương trình: tải ứng dụng 7Rewards nhận Coca-Cola miễn phí và chương trình tặng Giftbag cho đơn hàng từ 150,000 đồng. Tuy không thu nhiều tương tác nhưng việc tải và làm theo nhiệm vụ của ứng dụng, cũng như đón chờ Giftbag đã góp phần tạo nên không khí đông đúc, xếp hàng tại cửa hàng ngày khai trương. Những người tham gia chương trình khuyến mại đều tỏ ra rất hào hứng với những món quà khai trương và đồng loạt “khoe” thành quả của mình trên Facebook, Instagram.

Phản hồi của người tiêu dùng

Tại thời điểm khởi đầu ở Việt Nam, 7-Eleven đã nhận được nhiều phản hồi tích cực (14%) do những trải nghiệm tốt tại các cửa hàng ở nước ngoài ở Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Thương hiệu đáp ứng được nhu cầu ăn vặt “ngon và lạ” ở giới trẻ. Chính vì thế nên sự háo hức của người dùng đối với sự kiện khai trương là rất lớn.

Khi đến trải nghiệm 7-Eleven lần đầu tiên, đa số giới trẻ đều ưa thích vì những mặt hàng đồ ăn tươi ngon, sạch sẽ được đưa vào trong cửa hàng tiện lợi. Một trong những mặt hàng được đánh giá cao là đồ uống Slurpee. Các nhân viên cũng nhận được nhiều phản hồi tốt bởi phong cách lịch sự vui vẻ.

Tuy nhiên, thương hiệu cũng cần dè chừng khi phản hồi tiêu cực lên tới 6%. Đa số thảo luận tập trung vào việc hàng dài người xếp hàng chỉ vì “một cửa hàng tiện lợi” đang cho thấy tâm lý sính ngoại và tò mò của giới trẻ. Một số người có hứng thú với cửa hàng nhưng ngại không đến vì quá đông đúc. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đã trải nghiệm các cửa hàng tại nước ngoài phản hồi rằng những mặt hàng được bày bán không giống như ở nước ngoài. Ví dụ như món bánh chuối Thái và trà sữa Đài Loan mà giới trẻ thích mê khi đi du lịch nước ngoài hoàn toàn không được giới thiệu.

Ngoài ra, sự khác biệt của Seven Eleven và các thương hiệu khác cũng được đem so sánh là …phí gửi xe. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và bức xúc vì thông thường các cửa hàng tiện lợi đều trông xe miễn phí trong khi ở 7-Eleven họ phải trả tới 5,000 đồng. Đây là một mức phí khá cao đối với đa số siêu thị cửa hàng tại TP.HCM. Có thể nói việc thu phí xe đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm khách hàng ngay từ khi mới tiếp xúc với cửa hàng.

Mức giá của 7-Eleven cũng được cho là chưa "thân thiện" do cao hơn hẳn so với mức giá tại các cửa hàng Thái Lan. Với mức giá 38,000 cho cho món phở xào chua ngọt, nhiều người dùng cảm thấy những cửa hàng này chỉ dành cho những người “giàu có và sính ngoại”.

Tạm kết

Với lợi thế về mặt thương hiệu toàn cầu và định vị chiến lược sản phẩm đã rất thành công ở những quốc gia khác, 7-Eleven đã có được những bước đi khởi đầu khá thuận lợi. Tuy nhiên thị trường phức tạp của Việt Nam với lớp người tiêu dùng trẻ có xu hướng thay đổi rất nhanh đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng chiến lược cạnh tranh và phát triển lâu dài của thương hiệu này.

Vị trí cửa hàng đầu tiên cũng như việc đưa ra menu 100 món ăn nhanh cho thấy tham vọng biến cửa hàng tiện lợi trở thành điểm hẹn ẩm thực của khách hàng trung lưu, dân văn phòng của 7-Eleven. Tuy nhiên, dữ liệu từ thảo luận tự nhiên lại cho thấy, kỳ vọng của người dùng đặc biệt là giới trẻ vẫn là những món ăn độc đáo, thể hiện sự am hiểu “xu hướng thị trường" của 7-Eleven và để tách biệt khỏi những thương hiệu cửa hàng tiện lợi “bán những mặt hàng như nhau" khác . Rõ ràng, sự khác biệt hiện nay sẽ mang lại không ít khó khăn cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược phát triển của 7-Eleven trong con đường chinh phục Việt Nam sắp tới.

Bài viết được phân tích bởi đội ngũ chuyên gia phân tích của YouNet Media và sử dụng số liệu từ SocialHeat - Hệ thống Social Listening & Market Intelligence duy nhất tại Việt Nam có khả năng thu thập và phân tích thông tin theo thời gian thực, một cách tự động và có phạm vi thu thập bao phủ hơn 90% các nguồn tin tức và thảo luận từ các mạng xã hội.

Hãy liên hệ với YouNet Media để được hỗ trợ tư vấn các dịch vụ báo cáo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thương hiệu.