Những bài học kinh doanh từ “Dốc hết trái tim”(Pour in your heart)

“Dốc hết trái tim” (Pour in your heart) đã quá nổi tiếng rồi, với cả những ai làm hay không làm truyền thông, với cả những ai yêu hay không yêu cafe. Và cái câu “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim” đã trở thành châm ngôn cho không ít người, như chiến lược gia về thương hiệu Đức Sơn của công ty Richard Moore chẳng hạn.

Cuốn sách này ra đời từ lâu rồi, nhưng kiểu như “Gừng càng già càng cay”, càng ngày nó càng chứng tỏ sức hấp dẫn vô cùng mãnh liệt. Tôi đã đọc hai lần, và lần nào cũng cảm nhận một sự thu hút đến lạ kì. Nói một cách giản đơn, cuốn sách chính là “hồi ký” của CEO Howard Schultz từ bắt đầu khởi nghiệp đến một đế chế Starbucks ngày hôm nay. Tuy nhiên, từ lúc cầm nó trên tay đến lúc gấp sách lại, tôi cảm thấy mình còn học thêm nhiều điều vô cùng bổ ích, đặc biệt là trong kinh doanh.

1. Thành công chỉ xuất phát từ con tim chân thành:

Ngay từ những trang đầu của cuốn sách, tôi đã cảm nhận được sự chân thành của tác giả. Rất thân thương Howard nói rằng ông dành tặng cho gia đình và những người cộng sự ở Starbucks.

Cả cuốn sách là một hành trình đầy đam mê của Howard từ khi bắt đầu kinh doanh café đến ngày Starbucks thành công. Bỏ qua một công việc với mức lương “đáng thèm muốn” của bao nhiêu người, Howard đã đi theo tiếng gọi của trái tim, đem theo khát khao mang chất lượng café tuyệt hảo đến với thế giới. Như ông tâm sự: “Tôi muốn pha cả sự lãng mạn vào từng tách café, muốn can đảm nỗ lực để đạt được điều mà người khác cho rằng không thể, muốn thách thức nghịch cảnh bằng những ý tưởng sáng tạo, và muốn làm tất cả những điều này bằng sự tinh tế và bằng phong cách của riêng mình”.

Không phải cuốn sách nào xuất phát từ con tim đều đến với con tim. Nhưng với “Dốc hết trái tim” lại khác, tôi cá rất nhiều người cũng như tôi, cảm nhận được nhịp đập của vị CEO, từng nhịp được hiện thực hóa bằng những giọt café, ôm trọn sự lãng mạn cùng với các cộng sự cũng như khách hàng.

Và cũng chính sự chân thành và say mê quá đỗi đó của ông đã khiến cho cha mẹ ông, vốn ban đầu khá ái ngại nhưng cuối cùng đã đồng ý với con đường của ông. Và vợ ông – Sheri, một người phụ nữ tuyệt vời đã từ bỏ tất cả để theo ông đến một nơi xa lạ, để ông thỏa mãn niềm đam mê café của mình.

Đối với người Việt chúng ta, nhất là khi mới khởi nghiệp, việc huy động vốn là vô cùng khó khăn. Rất ít ngân hàng sẵn lòng cho chúng ta vay nếu không có thế chấp, và vay nặng lãi cũng không khả thi. Còn ở nước ngoài, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư là khá phổ biến. Howard Schultz đã gõ cửa hàng trăm nhà đầu tư, và hầu hết trong số đó đã từ chối. Còn những người đồng ý thì sao? Có người thậm chí còn chưa bao giờ hứng thú với kinh doanh hay thậm chí chả thích café. Vậy tại sao họ lại đồng ý? Tất cả đều bởi họ cảm nhận được nhiệt huyết của ông, nhiệt huyết xuất phát từ con tim chân thành và nỗ lực vươn đến một sự hoàn mỹ cho thế giới, chứ không chỉ là kiếm tiền.

Vì vậy, dù là quyết định làm gì đi chăng nữa, bạn hãy thành thật với chính bản thân mình. Đôi khi chỉ cần một chút khôn ngoan của lý trí, với sự chân thật còn lại, bạn sẽ dễ dàng đến với nấc thang thành công hơn.

2. Dám mơ những giấc mơ lớn:

Howard Schultz xuất thân bình dân, đó là Khu quy hoạch – một khu ổ chuột đúng nghĩa giữa lòng New York phồn hoa. Cha ông là một minh chứng điển hình cho một sự thất bại từ đầu đến cuối cuộc đời. Bản thân ông từng bị gia đình bạn gái khinh thường, đến nỗi đôi khi ông xấu hổ về xuất thân của mình. Nhưng ông dám mơ những giấc mơ to lớn, và rồi ông quyết chí buộc chúng phải thành hiện thực.

Có một câu trong cuốn sách mà tôi vô cùng tâm đắc rằng: “Nhiều người nhìn vào những gì đang tồn tại và tự hỏi: Tại sao? Tôi mơ về những điều chưa bao giờ tồn tại và tự hỏi: Tại sao không?”(George Bernard Shaw).

Đôi khi tôi tự hỏi: “Phải chăng các vĩ nhân thường có những điểm giống nhau, nhất là điểm xuất phát của họ: chẳng thìa vàng đĩa bạc, chẳng dòng dõi cao quý; chỉ có niềm tin, đam mê, sự tò mò, lòng quyết tâm. Họ dám thành công và cả dám thất bại”. Howard cũng vậy, ngay từ đầu khi được tiếp xúc với một cốc café Starbucks và trải nghiệm ngọt ngào của café Ý, ông đã đi theo tiếng gọi mách bảo của sự tò mò: tại sao họ có thể sáng tạo hương vị café hảo hạng như vậy trên thế giới? làm thế nào để đưa sự tinh tế của phong cách của café Ý đến toàn thế giới? Sau tò mò là một chuỗi hành trình khám phá, và hiện thực hóa niềm đam mê. Đôi khi, khi gõ cửa các nhà đầu tư, Howard có thể xác định rằng mình sẽ thất bại nhưng ông vẫn tiếp tục. Đó chính là sự can đảm. Ông dám thành công và dám cả thất bại.

Thế nên, các bạn trẻ khi khởi nghiệp, hãy mơ những giấc mơ lớn, hãy có thêm một chút tự tin “phù phiếm”.

3. Thành công của tôi cũng chính là của bạn:

Howard Schultz rất chú trọng đến những nhân viên, nhà đầu tư và khách hàng của mình. Dù là tuyển ai, ông đều tìm kiếm ở họ những tính cách mà hầu hết mọi người vẫn hay lấy làm tiêu chuẩn chọn bạn đời: sự chính trực, niềm đam mê. Vì vậy, tất cả nhân viên, lãnh đạo và nhà đầu tư của Starbucks đều cùng chung chí hướng của Howard. Ông đã tạo ra Cổ phiếu Hạt Đậu để tất cả mọi nhân viên đều có thể trở thành cổ đông của Starbucks. Vì vậy, tất cả nhân viên Starbucks đều coi làm việc cho Starbucks như là cho chính mình vậy.

Howard mở lòng với tất cả mọi người, mọi người mở lòng với Howard để tất cả cùng tạo ra những điều đẹp đẽ nhất, điều không thể có nếu chỉ có sự tương thông một chiều. Và “thành công sẽ ngọt ngào muôn phần khi thành công ấy được chia sẻ”.

Con đường thành công không bao giờ chỉ trải toàn hoa hồng, và nó sẽ bớt đắng cay hơn bao nhiêu nếu bạn có những người đồng hành thật sự. Một mình bạn không thể làm nên điều kì diệu. Lịch sử đã cho thấy, với những thành công dù nhỏ nhất, đã chứng minh điều đó. Do vậy các bạn trẻ hãy tìm cho mình những người bạn đồng hành tuyệt vời nhất.

Nói tóm lại, một thương hiệu bất kể lớn hay bé, nổi tiếng hay vô danh đều phải “đẹp” trong mắt “kẻ tình si” (khách hàng mục tiêu) của họ. Và Starbucks, với sự lãng mạn trong từng giọt café cùng với một câu chuyện hay, đã bắt sóng được cảm xúc của người tiêu dùng để phát sóng trở lại cùng tần suất.

Vậy nên nếu ai còn chưa đọc “Dốc hết trái tim” (Pour in your heart) thì đừng chần chừ nữa, hãy tìm và đọc nó, tuyệt vời hơn nữa là trong lúc đang lúc thưởng thức một tách café Starbucks.

Để học được không chỉ về sự thành công mà còn về sự thất bại, không chỉ về quá trình thành công mà còn là lí do phải thành công, không chỉ về hy vọng mà còn về sự sợ hãi, không chỉ như thế nào là đúng mà còn như thế nào là sai…