History of Agency #2: TBWA Vietnam

TBWA Worldwide là công ty quảng cáo có trụ sở đặt tại Midtown Manhattan, thành phố New York, là một thành viên của tập đoàn Omnicom Group nổi tiếng, với rất nhiều văn phòng đặt tại 16 thành phố ở các quốc gia khác nhau.

Xin chào tất cả các bạn độc giả của Brands Vietnam, lâu lắm rồi tôi mới quay lại để chia sẻ với các bạn về những công ty quảng cáo mà tôi yêu thích. Hôm nay tôi mang đến cho các bạn một bài viết về một công ty quảng cáo có tuổi đời tương đối trẻ trên thị trường thế giới lẫn Việt Nam, nhưng sự nổi tiếng và những gì họ làm được có thể nói là "Incredible". Đặc biệt, lần này sẽ là lần đầu tiên tôi tạo nên một series bài viết chuyên về một công ty quảng cáo, do khối lượng thông tin khá nhiều, đồng thời tạo ra cảm giác thoải mái và tiện dụng để bạn có thể dễ dàng tra cứu.

Xin hãy ủng hộ, đóng góp và chia sẻ nếu những bài viết của tôi giúp ích cho các bạn. Hãy đọc và tận hưởng chúng. Cảm ơn các bạn!

Phần 1: Lịch sử hình thành của TBWA toàn cầu, những nền tảng đầu tiên

Hãng bắt đầu kinh doanh ở Âu Châu, sau đó tiến vào hoạt động ở nước Mỹ khi các khách hàng lớn của họ (key account) như rượu vodka Absolut và nước đóng chai Evian bắt đầu “nhòm ngó” đến thị trường Mỹ. Nổi tiếng về khả năng sáng tạo và quy mô quốc tế, TBWA được đánh giá là hãng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành truyền thông toàn cầu.

TBWA được sáng lập vào năm 1970 bởi thành viên Young & Rubicam Châu Âu:

  1. (T) William G.Tragos, người Mỹ gốc Hy Lạp, ông có thể nói được năm thứ tiếng, nổi bật với cá tính mạnh mẽ và thẳng thắn, đảm trách vị trí General Manager của Y&R Paris.
  2. (B) Claude Bonnange, người Pháp, có tài năng đặc biệt về nghiên cứu thị trường.
  3. (W) Uli Wiesendanger, dân thành thị Thụy Sĩ, ông chịu trách nhiệm về sáng tạo của công ty.
  4. (A) Paolo Ajroldi, người Ý, ông duy trì các mối quan hệ với khách hàng.

Các bạn độc giả có thể nhận ra tên của TBWA được tạo nên bằng cách ghép ký tự đầu của bốn nhà sáng lập. Họ hy vọng sự đa dạng về văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt bậc cho TBWA cả về sáng tạo và hoạt động kinh doanh của hãng trên thị trường quốc tế. Ông Tragos cũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này khi phát biểu công khai về hãng trên tạp chí Advertising Age:

“Chúng tôi bắt đầu công ty với ý tưởng điên rồ, do chúng tôi đến từ những quốc gia khác nhau và bởi vì chúng tôi phải làm việc ở quy mô đa quốc gia, nên chúng tôi đã xây dựng một công ty quảng cáo đầu tiên có nguồn gốc quốc tế”.

“Ý tưởng của chúng tôi sẽ không xây dụng một công ty quảng cáo kiểu Mỹ, nhưng công ty được thành lập bởi ba người Châu Âu và một người Mỹ sẽ được mở rộng theo hướng toàn cầu hóa”.

TBWA bắt đầu mở rộng chỉ sau một năm, họ mở văn phòng tại Milan. Chi nhánh Frankfort được mở vào năm tiếp theo 1972, sau đó là hàng loạt các văn phòng tại London, Madrid, Zurich và Brussels và khoảng thời gian khai mở cũng đúng bằng một năm cho mỗi chi nhánh. TBWA tự hào khi mà họ thực hiện được phương châm “Built, not bought” (Tạm dịch: Xây dựng, không phải mua lại), nhưng mọi chuyện diễn ra cũng không hề suôn sẻ trong những năm đầu tiên của hãng. Có một thời điểm vào đầu thập kỷ 1970, những người điều hành TBWA buộc phải cắt giảm chi phí đầu tư để trả lương cho những nhân viên lúc này không có việc làm.

Năm 1977, Tragos rời Paris và trở về Mỹ để mở văn phòng đầu tiên của TBWA tại quốc gia này. Cùng thời điểm này, hãng cũng sát nhập với một công ty nhỏ ở thành phố New York được điều hành bởi Richard Costello, sau này trở thành một đối tác của TBWA và là chủ tịch điều hành hoạt động nội bộ của hãng. Chi nhánh của TBWA tại thành phố New York khởi đầu với giá trị 7,5 triệu USD trong năm đầu tiên, họ chỉ có vài khách hàng nhỏ và chính những khách hàng đó sau này trở thành những doanh nghiệp vô cùng lớn, điển hình là hãng nước đóng chai Evian và Fromageries Bal nhà sản xuất của Laughing Cow cheese (phô mai còn bò cười quen thuộc tại Việt Nam). New York là một thị trường khắc nghiệt để các công ty quảng cáo có thể tồn tại, nhất là khi TBWA lúc đó chưa hề có danh tiếng, hãng phải thực hiện bất kỳ hợp đồng nào có thể, TBWA mất rất nhiều khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và các công ty Châu Âu.

Sau đó TBWA chọn một hãng rượu vodka Thụy Sĩ chưa hề có danh tiếng trên thị trường cùng với một khoản ngân sách hạn hẹp cho truyền thông làm khách hàng của mình. Kết quả là TBWA đã tiến một bước dài trên thị trường sau chiến dịch quảng cáo hãng rượu vodka bé nhỏ ấy, hãng Absolut, sau này đứng trong top ba thương hiệu rượu vodka lớn nhất thế giới. Quá trình sáng tạo dẫn TBWA đến một chiến dịch “print ad”, khi mà Geoff Hayes, Art Director của hãng, trong một đêm bước chân ra khỏi nhà tắm và đặt mông xuống trước màn hình TV để tiếp tục phác thảo các ý tưởng cho chiến dịch này thì bất chợt Geoff Hayes vẽ nên một “đường cong” đơn giản trên vỏ chai rượu vodka đầy cuốn hút, ông sử dụng vầng hào quang và đôi cánh thiên thần đặt chồng lên trên vỏ chai và dán cho nó cái nhãn “Absolut Perfection”. Ý tưởng này về sau dẫn đến một loạt sự chơi chữ trên vỏ chai chỉ với hai từ. Năm 1980 Hayes thiết kế lại mẫu quảng cáo này, bỏ bớt đi đôi cánh và nó trở thành quảng cáo đầu tiên trong một series quảng cáo được tiếp tục thực hiện đến tận mười năm tiếp theo, mang đến cho TBWA rất nhiều giải thưởng.

Doanh số của Absolut năm đó từ 12.000 lên đến 3 triệu thùng một năm, trở thành hãng rượu vodka nhập khẩu bán chạy nhất nước Mỹ và giành được 58% thị phần. Chiến dịch “Print Ad” dài hạn của TBWA đã biến Absolut trở thành một biểu tượng văn hóa. Một trong những người điều hành của TBWA đã đề cập trên “Marketing Success Stories” rằng ý định của công ty khi đó không chỉ đơn thuần chỉ là bán một chai rượu vodka, mà hãng muốn tạo nên một sản phẩm thời thượng giống như là mỹ phẩm vậy.

Năm 1981, TBWA khôi phục lại việc mở rộng mạng lưới bằng văn phòng tại Amsterdam, văn phòng thứ hai của hãng tại Mỹ tọa lạc tại St. Louis, Missouri năm 1983. Suốt giữa những năm 1980, TBWA tăng trưởng vượt bậc, giá trị công ty lên đến 100 triệu USD chỉ sau bốn năm. Phần lớn doanh thu của hãng bắt nguồn từ các khách hàng quốc tế trong khi ở Mỹ họ vẫn đang làm việc với các công ty có quy mô nhỏ. TBWA Milan đóng góp phần lớn doanh thu của hãng khi họ giành được SEAT, một hãng sản xuất xe hơi lớn của Tây Ban Nha làm khách hàng vào năm 1985.

Dusseldorf, chi nhánh thứ 12 của TBWA được mở vào năm 1986. Trước thời điểm này TBWA đã bắt đầu liên kết với bảy công ty khác mà không hề sở hữu bất kỳ công ty nào trong số này. Giá trị của TBWA lúc này tổng cộng là hơn 453 triệu USD với hơn ba phần tư lợi nhuận đến từ các công ty ngoài nước Mỹ, hãng tiếp tục có thêm nhiều khách hàng đến từ các quốc gia khác nhau như Anh, Đức…

Năm 1987, TBWA tiếp tục mở văn phòng thứ ba tại thành phố Hamburg, Đức. Hãng cũng bắt đầu nhận ra tiềm năng hoạt động vượt ra khỏi khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ để hướng tới khu vực Thái Bình Dương. TBWA tiến hành khảo sát khả năng mở chi nhánh tại Hồng Kông, Nhật và Hàn Quốc. Mặc dù TBWA đã từng cộng tác mới công ty K&L Nhật qua một số chiến dịch thực hiện cho Nikon tại Châu Âu nhưng những rào cản để một hãng quảng cáo phương Tây tham gia vào thị trường Nhật Bản tạo nên một cam kết to lớn đối với thị trường không chắc chắn này. Cùng năm đó TBWA được ước tính có giá trị 545 triệu USD và công ty trở thành hãng quảng cáo lớn thứ 21 trên toàn cầu.

Vào kỳ nghỉ năm 1987, TBWA đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo bùng nổ cho Absolut. TBWA đặt một con “chip” vào các “print ad” trong các số phát hành của tạp chí New York và The New Yorker. Khi người đọc mở đến trang quảng cáo, con “chip” sẽ phát một liên khúc mừng Giáng Sinh. Với chi phí chỉ có 50 cent cho một mẩu quảng cáo, toàn thể chiến dịch chỉ có chi phí hơn 1 triệu USD chỉ tính riêng cho phần sản xuất. Âm điệu của ngày lễ Giáng Sinh được vang vọng trong những mẩu quảng cáo thành công của Abosolut cho từng thành phố: Absolut San Francisco, một cái chai được che đậy trong sương mù; Absolut Manhattan một loạt hình ảnh của thành phố được trưng bày ở công viên trung tâm trong hình dạng cái chai; Absolut L.A một hình ảnh của hồ bơi trong hình dạng cái chai.

Năm 1988 văn phòng TBWA ở Mỹ đã khởi động một chiến dịch quảng cáo TV cực kỳ thành công, với hai diễn viên Tony Randall và Jack Klugman nổi tiếng với biệt danh “Odd Couple” (cặp đôi kỳ cục), xuất hiện trong những quảng cáo của Anheuser-Busch’s Eagle, nhà sản xuất các loại bánh snack và là khách hàng của TBWA vào năm 1982. “Odd Couple” đã tạo nên một loạt các quảng cáo tái hiện các tình huống hài hước diễn ra trong các của hàng bách hóa, nhà bếp và ghế bành ở phòng khách.

Giá trị của TBWA New York đã lên gần 160 triệu USD trong năm 1988, hãng đã thắng thêm nhiều khách hàng, nước khoáng Saratoga, thương hiệu thời trang Warnaco’s Hathaway, nhiều nhãn hàng mỹ phẩm từ Avon Products… Tuy nhiên, họ lại đánh mất rất nhiều khách hàng lớn, điển hình là hãng xe hơi SEAT, nhưng không vì thế mà TBWA chững lại, hãng vẫn tiếp tục các hoạt động kinh doanh của mình với các khách hàng còn lại và dự định mở thêm hàng loạt văn phòng tại các thành phố lớn của Châu Âu như Barcelona và Puada.

Tháng 8/1989, TBWA mua lại Kerlick, Switzer & Johnson, một công ty quảng cáo khác tại St.Louis và lập nên TBWA Kerlick & Switzer, công ty mới thành lập này được ước tính có trị giá 75 triệu USD. Bốn tháng sau, TBWA tuyên bố một sự sát nhập khác với Posey, Quest, Genova, công ty quảng cáo nhỏ tại Greenwich, Connecticut. Thương vụ này mang lại cho hãng rất nhiều lợi ích, điển hình là thương hiệu chăm sóc da Nivea của Beiersdorf.

TBWA cũng đạt được thỏa thuận với gã khổng lồ ngành quảng cáo Nhật Bản, Hakuhodo. Sự hợp tác không ràng buộc giữa hai phía cho phép TBWA cạnh tranh hiệu quả tại thị trường Đông Á, nơi có vô số doanh nghiệp nhỏ hoạt động kinh doanh, giúp cả hai hãng thắng được khách hàng NEC Technologies trong mảng trò chơi điện tử với trị giá hợp đồng 12 triệu USD và các hoạt động quốc tế của Nissan với hợp đồng trị giá 15 triệu USD. Hai hãng cũng bắt tay nhau mở một văn phòng tại Hà Lan mang tên TBWA NETHwork.

“Công ty chúng tôi được bắt đầu từ một ý tưởng điên rồ, do chúng tôi đến từ những quốc gia khác nhau và phải làm việc trong môi trường đa quốc gia nên chúng tôi đã xây dựng một công ty quảng cáo đầu tiên có nguồn cội quốc tế”.

Tháng 4, năm 1990, TBWA hứng chịu tổn thất nặng nề khi một trong bốn thành viên sáng lập nên công ty Paolo Ajroldi đột ngột qua đời vì bệnh tim ở tuổi 57. Trong lúc TBWA gần đạt được mục tiêu lọt vào danh sách các công ty quảng cáo hàng đầu và Paolo Ajroldi sắp sửa thắng được một khách hàng lớn, công ty cũng thất bại trong việc giành được hợp đồng của một số hãng như Nikon, Benson & Hedges.

Vượt qua các thách thức và trở ngại, TBWA vẫn tiếp tục tìm kiếm những khách hàng mới, Air France, một sản phẩm đến từ Philip Morris và thương hiệu trị giá 12 triệu USD Woolite và một thương hiệu nhỏ mang tên Neet của công ty Reckitt & Colman. TBWA cũng đã có một bước tiến lớn khi trở thành một trong năm công ty chuyên quảng cáo cho Pegasus, dòng xe hơi của hãng Mazda. Mặc dù, TBWA đã có nhiều khách hàng thuộc lĩnh vực xe hơi như Mercedes ở Anh, Mazda ở Bỉ, Saab ở Bỉ và Đức, Nissan ở Hà Lan và Tây Ban Nha. Tuy nhiên tham vọng của hãng là được lọt vào danh sách các công ty quảng cáo xuất sắc nhất phục vụ cho các hãng xe hơi Mỹ.

TBWA khao khát được thực hiện các quảng cáo cho hãng sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ để thay đổi nhận thức của các công ty khác về TBWA, họ cho rằng hãng có năng lực quá chậm chạp. Bất chấp sự tăng trưởng vững vàng trong 5 năm hãng đã mở rộng việc kinh doanh gấp 3 lần. Trong suy nghĩ của nhiều người, TBWA có được danh tiếng là nhờ chiến dịch Absolut, chính chiến dịch này đã phủ một cái bóng quá lớn lên công việc của hãng đến các khách hàng còn lại. Người ngoài cuộc cho rằng TBWA chỉ là một công ty chuyên về quảng cáo báo in, đặc biệt rất nhiều người cho rằng sự thành công của các chiến dịch công ty thực hiện cho Absolut chỉ là một hiện tượng nhất thời. Hơn nữa, danh tiếng của TBWA tại Mỹ bị giới hạn bởi quy mô địa phương, chẳng hạn các chiến dịch của hãng làm cho thương hiệu cà phê Chock Full o' Nuts và hãng viễn thông Southern New England Telephone đều chỉ được triển khai ở khu vực Đông Bắc. Mặc dù TBWA cũng tham gia vào việc phát triển thương hiệu và có nhiều thương hiệu trong số này đã bắt đầu tăng trưởng doanh số trên thị trường, điển hình là thương hiệu Evian với doanh số hàng năm tăng từ 5000 chai lên đến 150 triệu chai chỉ trong vòng 10 năm. Tuy nhiên những nỗ lực này của hãng chỉ mang lại một ít danh tiếng khi Adweek bình chọn TBWA là một trong các agency của năm thời điểm 1990.

Năm 1991 TBWA nhận được một cú “hit” lớn khi người điều hành khu nghỉ mát Club Med đề nghị hợp tác với hãng. Mặc dù hợp đồng với Club Med chỉ mang đến 15 triệu USD, uy tín và sức hấp dẫn của Club Med đã khiến cho TBWA điền tên họ vào danh sách những khách hàng quan trọng hàng đầu.

Tháng 1/1991 TBWA nhận được hợp đồng từ New York Mets sau khi gửi một mẫu quảng cáo bóng chày với số điện thoại của hãng cho những người nắm giữ vị trí cấp cao của New York Mets, hai tháng sau TBWA tiếp tục thắng thêm thương hiệu kem Carvel, trị giá 6 triệu USD. Ở Châu Âu, hãng được các khách hàng Beiersdorf và Henkel giao trọng trách làm việc với các thương hiệu mới.

TBWA thành lập thêm hai công ty hỗ trợ, một công ty phụ trách các chương trình “promotion”, công ty còn lại quản lý các hoạt động marketing trực tiếp. Tháng 9 năm 1991, đối tác người Nhật của Hakuhodo củng cố thêm sức mạnh cho sự hợp tác bằng cách đầu tư cho TBWA 15 triệu USD. TBWA đã lên kế hoạch sử dụng số tiền này nhằm tăng thêm năng lực tài chính của hãng tại Canada, Đức, và một số quốc gia nằm ở Trung Âu. Đối với mảnh đất phương Đông, TBWA mở văn phòng ở Seoul năm 1991, trước khi kết thúc năm doanh thu toàn cầu của hãng đã đạt 1 tỷ USD và lần đầu tiên TBWA bước vào hàng ngũ 21 công ty quảng cáo lớn nhất thế giới.

Vào thập niên 90, TBWA tiếp tục tìm kiếm một khách hàng uy tín và mang tính biểu tượng trong ngành sản xuất xe hơi. Công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch để mở ra một văn phòng tại vùng Bờ Tây và phát triển các chi nhánh tại khu vực Châu Á. Với xu hướng tích hợp trong nền kinh tế toàn cầu hóa, TBWA lập nên với định hướng đa quốc gia, đa văn hóa, đã tạo nên phần lớn cơ hội mới để hãng tiếp tục phát triển trong tương lai.

Đặc biệt các bậc “tiền nhân” của TBWA chính là những người đứng đằng sau hậu trường của chiến dịch “Think Different” khuynh đảo thế giới vào năm 1997. TBWA đã góp phần giúp cho Apple, lúc đó đang đứng bên bờ vực phá sản trở thành một biểu tượng công nghệ. Steve Jobs và Lee Clow đã trở thành bạn thân của nhau và TBWA trở thành công ty chịu trách nhiệm sáng tạo dài hạn cho Apple.

Và cho đến hiện tại TBWA vẫn đang gặt hái rất nhiều thành công, cùng với đó là sự tăng trưởng vượt bậc không ngừng, trong phần tiếp theo tôi sẽ giới thiệu đến các bạn điều gì đã làm cho TBWA giữ vững phong độ suốt nhiều thập kỷ qua.

To be continued: Những chiến dịch kinh điển và Lịch sử tại Việt Nam...

Phần 2: Những chiến dịch kinh điển và Lịch sử tại Việt Nam

Tập đoàn TBWA đã đưa triết lý sáng tạo vào thị trường Việt Nam, mang lại thành công cho một số thương hiệu như Larue, Vinamilk, Standard Charter Bank thông qua TBWA Việt Nam, công ty quảng cáo sáng tạo được thành lập năm 2006. Hiện nay, TBWA vẫn tiếp tục các bước đi chiến lược để chứng tỏ sức mạnh của người khổng lồ tại thị trường Việt Nam.

Ta hãy cùng xem một số print ad và các campaign nổi bật mà TBWA Việt Nam thực hiện.

Năm 2008 Biz Solutions là cái tên đã được TBWA lựa chọn để đồng hành trên con đường chinh phục Việt Nam thị trường được xem là miếng bánh lớn dành cho ngành công nghiệp quảng cáo. Chưa từng có tiền lệ, lần đầu tiên một tập đoàn quảng cáo sáng tạo (above the line) hàng đầu trên thế giới hợp tác với một công ty truyền thông tiếp thị, tổ chức sự kiện (below the line) trong nước.

Nếu TBWA được đánh giá là người khổng lồ có võ trên sàn đấu toàn cầu, thì Biz Solutions lại là ông lớn trong lĩnh vực Tiếp thị (marketing), Tổ chức sự kiện (events), Quan hệ công chúng (PR) tại Việt Nam. Xuất phát điểm là một văn phòng chỉ với 2 nhân viên, đến năm 2008, Biz Solutions tự hào là một trong số ít các công ty tiếp thị, tổ chức sự kiện có mạng lưới văn phòng rộng khắp trên toàn quốc (Tp. HCM, Hà Nội và 9 tỉnh thành khác) với hơn 200 nhân viên. Biz Solutions đã và đang làm việc những khách hàng lớn như Kimberly Clark (Kotex), British American Tobacco, MobiFone, Nokia, Dumex...

Sự hợp tác chiến lược này, khởi đầu bằng một cái tên mới Biz Tequila, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa người khổng lồ giỏi võ với ông lớn giàu kinh nghiệm thực tế tại thị trường Việt Nam.

Khi đến với nhau, cả hai đều tin vào một tương lai tươi sáng, một mục tiêu lớn sẽ được chinh phục trong thời gian không xa, đó là đưa Biz Tequila trở thành tập đoàn truyền thông tiếp thị tổng hợp lớn mạnh nhất Việt Nam (Integrated Through The Line Communications).

Sự kết hợp này cũng là tiền đề cho các chiến dịch lớn của TBWA của hãng.

Mời các bạn độc giả, chúng ta cùng xem một vài đoạn TVC của TBWA Việt Nam, hẳn các bạn thế hệ 8x và 9x đời đầu còn nhớ đến TVC “Con tìm được rồi”.

Hậu trường quay TVC X-Men do TBWA thực hiện

Nhiệm vụ: phải vượt qua chính mình

So với các thương hiệu dầu gội, sữa tắm nước ngoài khác; X-Men không có nhiều chiến dịch tốn kém.. Những phim quảng cáo X- Men mang tính giải trí cao, được xem là khuynh hướng quảng cáo trên thế giới hiện nay, khi mà người xem quá chán ngán những clip ra rả nói về sản phẩm. Hơn nữa, 3 phim quảng cáo của X-Men được thể hiện theo hướng “series”, liên kết với nhau, nên được khách hàng nhớ lâu hơn. Người “đàn ông đích thực” luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả các phim của X-Men. Đầu tiên là “người anh hùng” giải cứu cô gại tại một sân bay quốc tế bằng cách dùng những chiếc xe đẩy hành lý làm thành chữ X để khóa bọn xấu. Rồi trong một phim sau đó, cũng người anh hùng này tìm cách cứu người bạn gái bằng cách “khóa” nhóm bắt cóc bằng những đụn rơm bừng cháy hình chữ X. “Thách thức cho chúng tôi trong chiến dịch lần này là phải có những thước phim độc đáo và hấp dẫn hơn 3 phim trước, “vì người xem lúc nào cũng chờ đợi phim X-Men lần này có gì mới hơn không”, ông Nguyễn Công Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tiếp thị, Công ty ICP cho biết.

Tiếp tục theo sát hình ảnh “người đàn ông đích thực” của X-Men, TBWA Vietnam, công ty thực hiện phim quảng cáo mới này đã xây dựng một nhân vật anh hùng mới – Đặc vụ X, người có nhiệm vụ giải cứu một Hội nghị Hòa bình Thế giới khỏi âm mưu của bọn khủng bố. Ý tưởng này giúp nâng tầm cho hình ảnh người đàn ông đích thực. Giờ đây, người anh hùng có thể xả thân cho những mục đích lớn lao hơn, đối đầu với tổ chức khủng bố tinh vi mà đứng đầu là một người đẹp. “Ý tưởng thực hiện một phim quảng cáo dựa trên siêu phẩm Mr & Mrs Smith tương đối khả thi vì Brangelina là cặp đôi ngôi sao quốc tế được biết đến và yêu thích nhất tại Việt Nam” – Ông Patrick Tom, Giám đốc Sáng tạo TBWA cho biết. Kịch bản hình là thế nhưng việc chuyển sang phim lại là chuyện khác.

Nhiệm vụ đã hoàn thành

Ngôi sao phim hành động quốc tế Dustin Nguyễn cuối cùng được chọn làm đạo diễn cho siêu phẩm quảng cáo này. “Dustin là một diễn viên kỳ cựu, thành danh với rất nhiều phim hành động. Anh là lựa chọn thích hợp nhất để biến những pha hành động gay cấn trên kịch bản thành một bộ phim ấn tượng và hấp dẫn” – Ông Patrick Tom nói thêm. Được bình chọn là “người đàn ông trong năm” bởi tạp chí Thể thao Văn hóa Đàn Ông, Dustin Nguyễn hào hứng: “Khi xem kịch bản Đặc vụ X của X-Men, tôi kết” liền vì đây là một đoạn phim hành động kịch tính, vốn là sở trường của tôi!”

Một ý tưởng táo bạo nữa của mình quảng cáo X-Men lần này là sử dụng dàn diễn viên “sao giống sao”. Đây là một thách thức không nhỏ của đoàn làm phim. “Cả hai nhân vật được chọn không chỉ có ngoại hình hoàn hảo mà còn có khả năng diễn xuất và võ thuật điêu luyện. Đây cũng là yếu tố quan trọng, giúp bộ phim được nhiều người quan tâm và bàn tán!” Dustin chia sẻ thêm. “Cảnh Đặc vụ X sử dụng thế võ X đã được xử lý hiệu ứng rất công phu và tốn nhiều thời gian. Điều đó chứng minh được đội ngũ làm phim ở Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý những hiệu ứng phức tạp, đúng với ý tưởng kịch bản”.

Trước khi phim được công chiến trên màn ảnh nhỏ, cư dân mạng đã bàn tán về bộ phim này do được quay ở Việt Nam cũng như dàn nhân vật xuất hiện trong phim. Điều đó góp phần làm cho bộ phim được quan tâm nhiều nhất, trở thành đề tài cho nhiều người bán tán nhất. “Trên hết, chiến dịch Đặc vụ X của X-Men đã nhận được sự phản hồi hết sức tích cực từ khách hàng cũng như giới chuyên môn. Thực hiện thành công phim Đặc vụ X với chất lượng cao đã chứng minh rằng, phim quảng cáo “bom tấn” hoàn toàn có thể thực hiện tốt ở Việt Nam”, ông Nguyễn Công Hải kết luận.

Năm 2011 Hãng TBWA Việt Nam triển khai một quảng cáo mới cho loại tương ớt Heinz mới của Công ty H.J Heinz. Đây là hoạt động đánh dấu lần đầu tiên công ty của Mỹ sản xuất sản phẩm dành cho thị trường Việt Nam. Trong quảng cáo, một bữa ăn Việt Nam rất ngon được phủ đầy tương ớt và nấu cùng với tương ớt Heinz. Người phụ nữ đã bị cám dỗ bởi mùi vị của nó và bắt đầu nuốt nước miếng trước khi cô hoàn thành những dòng miêu tả thức ăn ngon tuyệt vời của mình.

Patrick Tom, giám đốc sáng tạo của TBWA nói: “Heinz đã thực sự có một sản phẩm tuyệt vời trong tay”.

Đào Bích Diệp, Giám đốc Sản xuất của Heinz còn cho biết thêm: “Bởi vì loại tương ớt Heinz mới này được sản xuất đặc biệt dành cho người tiêu dùng Việt Nam, đó là một loại đồ chấm hoàn hảo cho các bữa ăn Việt Nam tươi mới mỗi ngày.”

To be continued: Triết lý sáng tạo mang lại sự thành công...

Phần 3: Triết lý sáng tạo mang lại sự thành công

Disruption – Creating a larger future

Quảng cáo là không chỉ là ngành công nghiệp đem lại doanh thu gần 65 tỉ đô la (số liệu năm 2007 nguồn Advertising Age), mà quảng cáo còn là một nghệ thuật. Nghệ thuật sáng tạo mang lại những ý tưởng đột phá.

Hàng năm, trên thế giới có một số giải thưởng nhằm vinh danh những tài năng sáng tạo có ý tưởng quảng cáo độc đáo và thành công nhất. Vào ngày 10 tháng 12 năm 2008, tại Singapore, trong đêm trao giải Agency of The Year Awards (Giải thưởng hằng năm dành cho những tập đoàn và cá nhân xuất sắc trong ngành quảng cáo), khi hai cái tên Andy Blood và John Merrifield được xướng lên là đồng chủ nhân Danh hiệu Creative of The Year (Nhân vật Sáng tạo của năm), thì dường như cả thế giới quảng cáo phải công nhận TBWA là tập đoàn quảng cáo sáng tạo hàng đầu trên toàn cầu! Đây không những là lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng này cùng một lúc có hai người chiến thắng, mà đặc biệt hơn, cả hai đều là thành viên đến từ tập đoàn quảng cáo sáng tạo TBWA.

Là thành viên trực thuộc Omnicom Group tập đoàn truyền thông tiếp thị có doanh thu cao nhất thế giới (năm 2007 nguồn Advertising Age), TBWA đã có sự phát triển vượt bậc nhằm khẳng định sức mạnh của mình. Từ vị trí thứ 13 vào năm 2000, TBWA đã vươn đến vị trí thứ 5 vào năm 2007 trong bảng xếp hạng các công ty quảng cáo toàn cầu.

Để đạt được những thành công đáng kể như vậy, tập đoàn TBWA sở hữu một vũ khí tối thượng đó là Disruption hay còn được biết đến là Disruption Day Framework (tạm dich: phá vỡ giới hạn). Disruption được tạo ra bởi ngài Jean Marie Dru chủ tịch, đồng thời là tổng giám đốc điều hành TBWA toàn cầu.

“To grow, you have to think a larger future. A larger share of the future very seldom comes from an extrapolation of the present. That is what Disruption is all about. Disruption is about discovering new larger futures.”

Jean-Marie Dru President CEO, TBWAWorldwide,Author, ‘Disruption’ and ‘Beyond Disruption’.

“Để phát triển, bạn phải nghĩ đến một tương lai lớn hơn. A một thị phần tương lại rộng lớn mà rất hiếm khi đến từ sự phỏng đoán của hiện tại. Đó là tất cả về Disruption. Disruption là sự khám phá những tương lai mới rộng lớn”. (tạm dịch)

Có thể nói đây là kim chỉ nam tư duy mà TBWA áp dụng vào tất cả các ý tưởng sáng tạo của mình. “Phá vỡ mọi giới hạn” cho rằng nếu chỉ tuân theo những quy luật, những suy nghĩ truyền thống, thì mặc nhiên con người ta không thể mang lại những kết quả khác biệt.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ và kỹ thuật đã khiến cho các sản phẩm ngày nay đều khá tương đồng với nhau, làm cho quan điểm quảng cáo dựa vào đặc tính nổi bật của sản phẩm trở nên kém hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh hiện đại.

Vì vậy, theo Disruption Day Framework, chúng ta phải thông qua truyền thông để làm nổi bật, tạo ra sự khác biệt hoặc bẻ gãy những sản phẩm lỗi thời và cách truyền thông truyền thống, nhàm chán.

It’s a philosophy.

It’s a framework.

Ngày nay rất khác so với quá khứ, thị trường đã thay đổi và việc kinh doanh phát triển thậm chí nhanh hơn rất nhiều trong thời đại internet. Để tồn tại, các doanh nghiệp không được chống lại sự thay đổi, nắm bắt cơ hội trong sự thay đổi của môi trường để phát triển, nhưng nếu thay đổi tất cả mọi thứ họ sẽ thất bại và họ cũng thất bại nếu không chịu thay đổi. Triết lý Disruption phải đối diện với thách thức mới, trao giải pháp cho khách hàng để chính họ tạo ra sự đột phá trong mô hình kinh doanh, dịch vụ và truyền thông.

Disruption tạo ra một điểm tập trung cho thương hiệu, đó là cách khiến cho khách hàng nhìn thấy những điều tương tự, truyền thống đang diễn ra trong ngành và cũng là cách để họ tìm ra hướng đi mới khác biệt với cách làm cũ nhằm tăng trưởng nhanh chóng theo số mũ, lập nên những nguyên tắc mới cho việc kinh doanh của khách hàng và ngành hàng của họ, thách thức các đối thủ cạnh tranh với một cấu trúc khác biệt, hình thành nền tảng mới cho tầm nhìn, mục tiêu mà khách hàng muốn đạt được.

Sự sáng tạo chỉ khởi nguồn từ sự thay đổi trong cách tư duy, thoát khỏi lề lối truyền thống.

“We can’t operate in set conventions and expect break through results.”

Jean-Marie Dru

“Chúng ta không thể chỉ hoạt động và làm theo những lề thói truyền thống, rồi mong đợi một kết quả bất ngờ xảy ra”. (tạm dịch)

Chiến dịch quảng cáo cho Adidas có thể xem là ví dụ điển hình cho thành công của việc áp dụng triết lý này vào quảng cáo sáng tạo. Như ai cũng biết, Adidas, Nike hay Reebok là những nhãn hiêu giày thể thao lớn trên thế giới. Thông thường, các thương hiệu thường chọn những ngôi sao thể thao hàng đầu để quảng bá cho sản phẩm của mình. Thế nhưng, khi adidas đến với TBWA, cả hai đã ngồi lại với nhau để tìm ra những ý tưởng sáng tạo cho chiến dịch quảng cáo mới. Và thật thú vị, triết lý Disruption đã đưa lại một lối tư duy đột phá: Tại sao cứ phải là những ngôi sao thể thao nổi tiếng, trong khi thể thao dành cho tất cả mọi người. Thông điệp “Impossible is Nothing”, ý muốn nói rằng, trong mỗi người đều có những điểm yếu, nhưng với Adidas, sự yếu thế đó chẳng hề có ý nghĩa, đã được Adidas truyền tải đến mọi người thông qua các hoạt động quảng cáo, tiếp thị do TBWA thực hiện.

Thành công của chiến dịch quảng cáo này được minh chứng bởi việc soán ngôi của Adidas trước đối thủ lớn nhất Nike, để trở thành thương hiệu thể thao được ưa chuộng nhất trên toàn cầu.

To be continued: Liên hệ TBWA Vietnam...

Phần 4: Liên hệ TBWA/VIETNAM

Tập đoàn TBWA là tập đoàn quảng cáo lớn nhất của Mỹ được thành lập vào năm 1970. Tại Việt Nam, công ty mang đến các giải pháp tiếp thị và truyền thông trọn gói (được biết đến với cách gọi thông thường là quảng cáo) cho mọi lĩnh vực: ngân hàng, nước uống, hàng tiêu dùng nhanh, viễn thông, thức ăn nhanh và các nhãn hàng khác. Hiện nay tập đoàn TBWA tại Việt Nam có 4 công ty con chính gồm 15 văn phòng tại 12 thành phố bao gồm.

  • TBWAVietnam – tư vấn truyền thông, các giải pháp quảng cáo trên truyền hình, báo, mạng xã hội, đài phát thanh và tư vấn thương hiệu.
  • Biz Tequilla – tư vấn lên chương trình sự kiện, quan hệ công chúng, hoạt động kích hoạt thương hiệu và tiếp thị thử nghiệm.
  • CPM – tiếp thị tại kênh phân phối, kênh bán lẻ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, bán hàng qua điện thoại.
  • Focus – lưu trữ dữ liệu khách hàng và tiếp thị trực tiếp.
  • Địa chỉ: Lầu 4, số 9 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Số điện thoại: 08 – 38 245 315
  • Website: TBWA Vietnam
  • Người phụ trách chương trình Young Blood năm 2014:
  • Bùi Nguyễn Đan Chi - Account Executive.

Về chương trình Young Bloods

Young Bloods là chương trình được tổ chức bởi công ty TBWAVietnam cho các bạn sắp tốt nghiệp đại học và đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành liên quan đến: thiết kế - đồ họa và viết lời quảng cáo. Đến với chương trình Young Bloods, các bạn sinh viên sẽ được làm việc với đội ngũ Sáng Tạo của công ty. Khi đăng ký tham gia các bạn sẽ lựa chọn hoặc vào nhóm thiết kế - đồ họa, hoặc vào nhóm viết lời quảng cáo, tùy vào năng lực và chuyên môn của các bạn.

Các bạn sẽ được giao phụ trách thiết kế hoặc viết lời quảng cáo các dự án như một nhân viên thật sự chứ không đơn thuần chỉ hỗ trợ các bạn trong đội Sáng Tạo như các chương trình thực tập của các công ty khác. Đồng thời, các bạn sẽ nhận được sự hướng dẫn từ Giám Đốc Sáng Tạo: đánh giá và phát triển các ý tưởng quảng cáo và lời văn của các bạn nhằm đạt được hiệu quả truyền thông tốt nhất. Các ý tưởng của các bạn sau khi được Giám Đốc Sáng Tạo phê duyệt sẽ được trình bày trước khách hàng, sản xuất và trình chiếu trên các phương tiện truyền thông. Hay nói một cách khác, các bạn Young Blood là thành viên của đội Sáng Tạo công ty TBWAVietnam.

Tại đây, các bạn không phải là thực tập sinh. Các bạn làm việc như một nhân viên chính thức của chúng tôi. Sau thời gian thực tập, 2 bạn xuất sắc nhất sẽ được giữ lại làm nhân viên chính thức của công ty.

Xin cảm ơn các bạn đọc giả của Brands Vietnam đã theo quan tâm theo dõi bài viết, nếu bạn có thắc mắc hoặc chia sẻ nào xin hãy để lại bình luận bên dưới, để tôi có thể hoàn thiện các bài viết tốt hơn nữa nhằm mang đến cho các bạn thật nhiều thông tin thú vị.

Cảm ơn các bạn độc giả đã ủng hộ, hãy đón xem loạt bài về các agency kế tiếp nhé!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

* Nguồn: Tổng hợp