Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

PR ra sau này làm gì thì "ngon"?

Một bạn sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành PR hỏi tôi rằng: PR sau này ra làm gì thì “ngon”?

Trước khi xác định mình muốn ăn ngon, ta xem lại mình có gì (position) để có thể ăn ngon nhé. PR viết tắt của hai từ Public Relations, nghĩa ta hay học là Quan hệ công chúng.

Why?

PR mục đích là để xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp & xã hội & người tiêu dùng trên cơ sở cùng có lợi khi. Nếu marketing có mục đích là để thu hút và đáp ứng nhu cầu khách hàng để đạt được mục tiêu kinh tế thì PR giúp công chúng có cái nhìn tốt về thương hiệu.

Who & What?

Các đối tượng thường làm việc:

Journalists: Trao đổi để tạo nên mối quan hệ lâu bền, để “giúp đỡ” mỗi khi công ty muốn launching một sản phẩm/ dịch vụ mới. Đó là tiền đề. Còn sau, là để lắm lúc “tai bay vạ gió” vào người, vẫn có những ngòi bút đứng ra phân trần đúng sai để hướng dư luận. Khi nhắc đến PR, người ta hay nói CSR và Crisis, bởi vậy, ta cứ yên tâm là càng phát triển, đặc biệt là mạng xã hội, chỉ cần một hộp sữa đặc có mùi khác lạ, hay chạy chiếc xe bỗng nhiên cháy, 30s nó viral là cả team communication nhảy loạn xạ. “Thân thiết” với các anh chị nhà báo cũng như cầm dao hai lưỡi, phải biết cái nào nên và không nên, cái nào tốt và không tốt. Duy chỉ có cái chân tình, thẳng thắn là không bao giờ thừa trong mối quan hệ này.



Head of department: Làm việc với các trưởng phòng ban khác. Sale này, operation này, IT này, HR này, nói chung là tất cả mọi người trong công ty. Nhằm mục đích tuyên truyền chủ trương, các chính sách đối nhân xử thế, các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, hay những hoạt động như gương người tốt việc tốt, chân dung nhà lãnh đạo, hay như những kỉ niệm gắn bó giữa doanh nghiệp... làm việc với rất nhiều phong thái và khí chất của nhiều con người khác nhau, nên đòi hỏi bản thân phải siêu kiên nhẫn, và biết lắng nghe. Thường dân PR viết nhiều chứ không nói nhiều, tính tình rất trầm lắng, mà sâu sắc. Nhu cương nhuần nhuyễn, bạn nào mà tính như Trương Phi vào mà làm thì có mà nát nước.

Government (Policy makers): Đây là lí do tôi tin nếu bạn nào có đủ khả năng và bản lĩnh, sẽ không bao giờ có chuyện không có đất dụng võ. Rất rất ít anh gặp và nói chuyện với anh chị nào trong lĩnh vực PR tầm 90 trở về đây, mà có nhiều kiến thức về lĩnh vực chính trị.
Bạn làm PR mà hỏi đơn giản bộ tứ cầm quyền gồm Tổng bí thư – Chủ tịch – Quốc hội – Thủ tướng là ai mà có ai trả lời rành rọt được?
Các hệ thống các kênh truyền thông quốc gia do các cơ sở ban ngành nào phụ trách?
Chỉ hai câu mà đã nghi ngờ bản thân sao, đừng lo tôi đã từng!

Để giúp các bạn “dấy” lên nghi hoặc về sức mạnh bản thân, tôi mở rộng thêm.

Tôi đề cập một số tin tức liên quan, ví dụ như trong kinh tế, cái M&A (mergers & acquisitions mua bán và sát nhập), do các tập đoàn nước ngoài vào thâu tóm như KIDO Group (tiền thân là công ty bánh kẹo Kinh Đô), Central Group thì mua lại Big C (ngành bán lẻ) với giá trị $1.140mil, TCC Holding mua lại Metro Vietnam (100% giá trị = $711mil) hay ANA Holdings mua 8.77% stock của Vietnam Airlines với giá trị $108mil. Ta học được gì từ những con số này và nó nói lên điều gì về bản chất của M&A?

Một, nó nói lên sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng gia tăng với xu hướng mua đứt luôn 100% cổ phần của doanh nghiệp nội địa. Người phải đi làm các thủ tục lobby, tiếp xúc, trao đổi và tạo ra các buổi họp mặt để tiến hành kí kết các hiệp định cho suôn sẻ đó là ai? PR I Guess.

Tờ Campaign Asia, có bài “Public affairs in APAC: an ever-changing game”, đề cập quan điểm:


Việc kết nối và mở rộng các mối quan hệ hiệu quả có tác động trực tiếp đến việc thâm nhập vào thị trường của bất kì doanh nghiệp nào, khả năng có thể thực hiện thành công quá trình sát nhập cùng mức độ danh tiếng lan tỏa. – Manash K Neog, Director of Chase India.

Hai, bản chất M&A của nó rất đề cao về managing relationships (đồng quan điểm của anh Neog ở trên).

Gần đây vào tháng 3-2016, Mark đã có tìm cách để Facebook có thể được sử dụng tại thị trường Trung Quốc trong cuộc trao đổi với người đứng đầu ban tuyên giáo China – ông Liu Yunshan. 700 triệu người sử dụng Internet, sao Mark lại bỏ lỡ được cái thị trường giàu có này kia chứ.

Hay khác đi, tại Việt Nam, đơn cử là hai dịch vụ vận chuyển đình đám là Uber & Grab. Nếu tự nhận là dân truyền thông, PR, sẽ không quá khó để thấy được mức độ, tần suất và “hiệu ứng” phát sóng mỗi khi 2 doanh nghiệp trên cùng triển khai một kế hoạch marketing. Một bên là được chính quyền ủng hộ bằng việc xuất hiện các brand identity ở các vị trí không thể đắc địa hơn, được hỗ trợ bằng các hình thức cross-marketing cho các đơn vị nhà nước, trong khi bên kia lại phải luôn lên tiếng chứng minh sự minh bạch của hệ thống quản lí, những crisis lặt vặt nhỏ nhặt từ việc chăm sóc khách hàng đều được “hô to” lên giữa chợ. Một phần tạo nên khác biệt đó, là do những người làm PR.

Đây là phần trọng tâm. Sẽ có rất nhiều cơ hội nếu bạn nào cảm thấy đủ bản lĩnh ở cái mảng ngoại giao, lobby này. Và ai sẽ làm được mảng này, tôi sẽ đề cập bên dưới – yếu tố HOW.

How?

Human understanding: bạn phải thật sự hiểu về con người. Nếu làm customer service bạn quan tâm 10, thì làm PR bạn phải còn phải hơn thế. Không chỉ hiểu, mà là đồng cảm, biết nghĩ cho mình nghĩ cho người nữa. Thường sẽ là những bạn nội tâm, có cái nhìn sâu sắc, tinh tế, luôn có sự cân nhắc trước khi phát ngôn, không ào ào được. Chính vì điểm này mà anh cảm thấy sân chơi “quản lí cảm xúc” giữa người và người ở mức độ này anh không đảm bảo mình sẽ trở thành “the best” được nên anh “nhẹ nhàng” chia tay.

Negotiation: Ở mục này, muốn thương lượng tốt thì cần nắm các yếu tố thời cuộc, bối cảnh, định vị bản thân, xác định được 2 ngưỡng (tiết kiệm nhất & tối đa nhất) cùng với các kĩ năng như giao tiếp, tranh luận (mang tính xây dựng), các kĩ thuật đòn bẩy, kéo đẩy vào đúng đối tượng đúng thời điểm và đúng cách. Còn ở mức cao hơn, thương lượng xuất sắc là khiến họ làm mọi điều ở vế trên, và cả sự tôn trọng & yêu mến từ đối phương. Cái này thì rất khó. Nhưng khó thì mới phải có đất cho PR professionals chứng tỏ thực lực. Thường, khi đi thương lượng (anh đề cập đến government nha), mình thường hay nằm ở chiếu dưới, vậy nên, bên B sẽ phải chuẩn bị đủ dữ liệu, thông tin cần thiết để thương lượng. Kĩ năng này anh nghĩ càng thực hành nhiều mới có thể “tinh thông chiêu thức” được. Học bằng mồm dễ ợt, ra thử trả giá rau củ ngoài chợ vài lần đi xem khó dễ biết liền.

Passionate: Cứ cái nghề nào mà dính tới con người là sẽ phức tạp. Thật. Đặc thù cái ngành PR thì phải đối mặt từng ngày từng giờ từng phút nữa. Làm PR bình thường nhàn nhàn không sao, đụng chuyện khi có khủng hoảng, nhảy loạn cào cào lên hết cả đấy.

Rules of speaking (nguyên tắc phát ngôn): Là người làm việc với công chúng, mọi lời nói, cứ tính bằng a single word cũng được, đều phải được chỉn chu. Khó ở chỗ là, ngoài công việc thì trong cuộc sống thường ngày, chuyện giữ kẻng ngôn từ là điều bắt buộc. Ít nói thì càng mắc ít lỗi. Tôi tự đặt ra hai nguyên tắc đơn giản:

  • ĐÚNG: Nói đúng vào trọng tâm vấn đề. Đừng đi lòng vòng (nếu mọi người đã biết đến “context” = bối cảnh = tình huống câu chuyện)
  • ĐỦ: Hỏi một trả lời một. Cứ tuân thủ quy tắc “less is more” là tốt nhất (trừ khi trường hợp nào mấy đứa biết quá rõ về vấn đề đó và “quá là có hứng” muốn kể thì có thể tinh chỉnh).

Where?

Nhiều công ty PR truyền thống đã định hình một bộ phận nhỏ quản lí các vấn đề “công vụ” này, dẫu cho trước đó họ đã từng phớt lờ một nhu cầu có thực này, dẫn đến việc các nhân viên yêu cầu thêm kiến thức về các vấn đề chính trị để có thể ứng biến với những tác động của thời cuộc. – Adam Welsh Singapore, Managing Director of APCO Worldwide.

Làm ở đâu thì được. Mấy đứa có thể chọn vào agency chuyên về PR ở Việt Nam thì có Edelman AVC, Ogilvy PR, Lê Bros.. Còn ở các client lớn thì đều có PR department hết, vào tham gia ở các công ty về FMCG đó. Crisis “ít” nên cơ hội thực tập nhiều lắm.

When?

Ngay bây giờ chứ lúc nào nữa.
Ra mà thử gió (xem mình có chém giỏi như khi đi học không?)
Ra mà thử lửa (xem mình có thực sự thích và đam mê nó như khi còn ngồi ghế nhà trường không?)
Ra mà thử nước (xem mình có thực sự bình tâm nhập môn không khi mà xuất phát điểm của ngành này hơi nhỏ giọt so với các ngành kinh tế, IT đang phất lên như gió?)
Ra mà thử đất (xem mình có hợp phong thủy với cái ngành tiền thì ít mà áp lực thì đỉnh của đỉnh không?)

Chốt: Vậy bạn nghĩ PR ra làm gì thì "ngon"?