Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Kantar Tết 2023: Vén màn 3 insight mua sắm FMCG mùa lễ hội

Tết 2023 là mùa Tết mà người tiêu dùng trở lại mua sắm tự do sau chuỗi giãn cách kéo dài. Trước những rào cản của bối cảnh suy thoái kinh tế, hành vi mua sắm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có những điểm nào đáng chú ý?

Nghiên cứu của Kantar Worldpanel về Tết 2023 cung cấp những insights đắt giá về tình hình hoạt động của ngành FMCG và nêu những điểm nhấn quan trọng về hành vi người tiêu dùng trong dịp lễ lớn nhất của năm này. Phạm vi báo cáo tập trung 4 thành phố lớn và khu vực nông thôn Việt Nam, trong vòng 5 tuần, kết thúc vào 29/01/2023.

Tết 2023 là một năm mà người tiêu dùng Việt đã thực sự trở lại cuộc sống “bình thường mới” cùng mong muốn đón Tết hoành tráng hơn sau hai năm hạn chế tụ tập đông người và hoạt động lễ hội.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo lắng về tình hình kinh tế ở năm sắp tới. Kể từ quý IV/2022, mức độ tự tin tài chính (financial confidence) của người tiêu dùng có chiều hướng giảm do giá cả và lạm phát tăng cao. Song song đó là nỗi lo về thu nhập hộ gia đình (household income) và an ninh việc làm (job security).

Giá trị tăng trưởng (value growth) phục hồi mạnh mẽ

Tinh thần tận hưởng Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam vẫn không hề suy giảm mặc cho những thách thức được dự đoán vào năm 2022. Điều này được minh chứng qua sự phục hồi mạnh mẽ của giá trị tăng trưởng FMCG tại 4 thành phố và nông thôn trọng điểm của nước ta trong dịp Tết 2023.

Được biết, sự tăng của quy mô và giá cả chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng giá trị của toàn ngành. Xu hướng này còn cho thấy sự tăng sức mua của người tiêu dùng Việt Nam bất chấp những tác động liên tục của suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát.

Hiện nay, các thương hiệu và nhà sản xuất thường dùng các ưu đãi có giá trị và phù hợp để kết nối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng tăng trưởng về lượng mua của hàng FMCG chậm hơn tốc độ tăng giá. Do đó, với mức lạm phát trung bình được dự đoán ở mức 4,5% trong năm nay, các thương hiệu cần tìm cách để vừa tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, vừa tối đa hóa tiềm năng của thương hiệu.

Quà tặng FMCG lấy lại vị trí mặt hàng chủ lực dịp Tết

Tặng những sản phẩm tiêu dùng nhanh vốn là một truyền thống lâu đời vào dịp Tết. Đặc biệt, vào đầu năm nay, ngành hàng FMCG đã khôi phục vị trí của mình trong thị trường quà tặng nhờ vào đóng góp dẫn đầu của ngành hàng Đồ uống và Chăm sóc cá nhân.

Số lượng hộ gia đình nhận được hàng tiêu dùng nhanh làm quà tặng tăng trong năm nay, với mức tăng giá trị đạt 29% ở thành thị và 22% ở khu vực nông thôn.

Xu hướng này cho thấy mặt hàng FMCG vẫn là một lựa chọn quà tặng thiết thực, tiện lợi và có giá trị bên cạnh các nhóm quà tặng khác như tiền hoặc quần áo. Các thương hiệu có thể tận dụng thời cơ này bằng cách thiết kế bao bì đặc biệt cho dịp Tết hoặc tổ chức chương trình khuyến mãi để nhấn mạnh giá trị quà tặng của sản phẩm.

Tăng trưởng từ mua hàng thực tế do chi tiêu trên mỗi lần mua cao hơn

Sự tăng trưởng về giá trị mua sắm của ngành hàng FMCG trong dịp Tết 2023 được thúc đẩy bởi mức chi tiêu cho mỗi lần mua cao hơn. Cụ thể, ngành hàng Đồ uống một lần nữa là “ngôi sao sáng”, đạt mức tăng trưởng cao nhất nhờ vào sự tăng tiêu thụ đồ uống có cồn.

Các ngành hàng FMCG (không bao gồm nhóm ngành Thực phẩm) như Chăm sóc cá nhân cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng giá trị FMCG trong dịp Tết 2023. Nguyên nhân là người tiêu dùng có thêm lý do để tăng số lần sử dụng trong dịp lễ vừa qua.

Ngoài ra, các kênh bán lẻ cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Cửa hàng tạp hóa, Siêu thị & Đại siêu thị vẫn là những kênh mua sắm phổ biến nhất trong dịp lễ, nhưng các kênh mới nổi như Online và Cửa hàng tiện lợi tiếp tục có mức đóng góp ngày càng tăng vào giá trị tổng thể của các kênh.

Tải về báo cáo phiên bản đầy đủ tại đây.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Kantar