Marketer Le Vu
Le Vu

Managing Partner @ FB Academy

Tại sao chủ đầu tư “tay ngang” dễ sập bẫy kinh doanh F&B?

Theo thống kê 60% nhà hàng hay quán cafe mới thành lập thất bại do thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh. Bạn nghĩ sao về con số này? Ai cũng biết cây muốn vươn cao thì rễ phải chắc và bám sâu dưới lòng đất. Kinh doanh nhà hàng giống như trồng một cái cây vậy, nếu bạn muốn vận hành nhà hàng tốt thì phải có nền móng kiến thức vững vàng. Và để nhà hàng phát triển thịnh vượng thì kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng là điều tối cần thiết.

Tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ vì sao những chủ đầu tư “tay ngang” lại dễ sập bẫy phá sản và những người có đủ kiến thức kinh doanh, quản lý nhà hàng vẫn chưa đủ khả năng lèo lái con thuyền này đi đúng hướng.

Kinh doanh nhà hàng là một loại khoa học. Nó bao hàm những yếu tố như nền tảng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, năng lực quan sát đánh giá, sự tiên liệu và tất nhiên cả sự may mắn nữa. Để thành công trong lĩnh vực này, bạn cần nắm bắt đươc những nhân tố cơ bản dẫn tới sự thăng hoa trong con đường sự nghiệp. Nói đơn giản là thế, nhưng số người hiểu, biết rồi thông thạo được mấy ai!

Nhiều người tin rằng kinh doanh dịch vụ ăn uống là thứ dễ làm và dễ kiếm lời nhất. Đúng thế, không ai phủ nhận được sức hấp dẫn và lợi nhuận mà loại hình này mang lại nếu như thành công. Nhưng đừng quên, đây cũng là ngành khiến tiền bạc của bạn “không cánh mà bay” nhanh nhất.

Chúng ta thường có lối nghĩ một quán ăn, quán cafe hay một nhà hàng đông khách thì hẳn chủ quán làm ăn rất phát đạt, và xuýt xoa sao kinh doanh nhà hàng dễ thế “một vốn bốn lời”. Từ đó cũng muốn mở nhà hàng với giấc mộng giàu sang. Thế nhưng, nhiều người vẫn đánh giá thấp những chướng ngại vật sẽ đẩy họ đến tình trạng phá sản mà lao vào cuộc đua với vốn kiến thức chắp vá. Và dường như, chính sự sung túc về vật chất đã khiến hệ thống giá trị kiến thức trở nên nghèo nàn.

Không đầu tư nâng cao kiến thức bản thân, đam mê không đủ lớn, dẫn đến công việc luôn dậm chân tại chỗ, nhà hàng phát triển theo lối cầm chừng, là cách làm việc của những người lười biếng. Hãy ngẫm lại, những chủ nhà hàng, quản lý nhà hàng thành công đã dành bao nhiêu thời gian làm việc để đưa được nhà hàng họ lên cao như mong muốn? Gần như là toàn bộ sức lực và tâm trí.

Một vấn đề nữa đươc đặt ra chính là sự ảo tưởng vào khả năng bản thân. Nhiều người tự tin rằng với tay nghề nấu nướng của mình thì việc mở một nhà hàng là điều không khó. Thế nhưng, ngoài việc chế biến ra những món ăn trong thực đơn, bạn có biết cách tính cost thực phẩm, cách lên thực đơn tối ưu hóa lợi nhuận nhà hàng, bạn có khả năng quản trị nhân sự không, bạn có hiểu làm thế nào để lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng, hay bạn có nắm vững những luật định trong kinh doanh, quản lý nhà hàng?

Một trong những cái bẫy hay gặp ở những chủ đầu tư tay ngang là tự tin với kinh nghiệm và vốn sống của bản thân sẽ điều hành một nhà hàng “dễ như trở bàn tay”. Đây là những người có kiến thức về kinh doanh nhưng chưa hiểu rõ ngành kinh doanh nhà hàng nói riêng. Và họ luôn nghĩ rằng kinh doanh nhà hàng hay kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng cũng chẳng có gì khác nhau cả.

Những đặc điểm thưởng thấy ở những chủ đầu tư bị sập bẫy là:

👉 Thiếu định hướng: Chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức về kinh doanh nhà hàng nên khó định hướng được mục tiêu trước khi bắt tay vào kinh doanh nhà hàng. Họ cũng dễ gặp thất bại trong việc lên kế hoạch kinh doanh nhà hàng chi tiết.

👉 Thiếu kiên nhẫn: Dựa vào vốn kinh nghiệm kinh doanh sẵn có, những chủ nhà hàng này luôn mong đợi thành công đến nhanh hơn so với khả năng thực tế.

👉 Lòng tham: Lợi nhuận luôn là ưu tiên hàng đầu, các chủ doanh nghiệp sẵn sàng đưa mức giá quá cao để thu về lợi nhuận thật lớn trong thời gian ngắn.

👉 Hành động trước khi suy nghĩ kĩ: Vẫn dựa trên kinh nghiệm kinh doanh, họ luôn nghĩ khả năng phán đoán của mình tốt nên hay đưa ra những hành động nóng vội mà thiếu cân nhắc đến ý kiến của những người khác.

👉 Mất động kinh doanh: Khi gặp vấn đề trong quản lý, kinh doanh nhà hàng, những chủ nhà hàng suy nghĩ theo lối cũ hay bị mất động lực kinh doanh. Bởi, họ không nghĩ rằng với những gì mình biết về nghề kinh doanh lại dẫn tới sự giảm sút doanh thu, cuối cùng là sự sụp đổ của nhà hàng.

👉 Không thể bắt kịp xu hướng thị trường: Là khi chủ nhà hàng không am hiểu về ẩm thực, nhu cầu dịch vụ của khách hàng, sự ưu tiên của người tiêu dùng hoặc không nắm bắt được tình hình kinh tế ảnh hưởng thế nào đến lĩnh vực kinh doanh nhà hàng.

👉 Thiếu kinh nghiệm và khả năng quản lý: Là khi họ luôn đánh đồng kinh doanh, quản lý nhà hàng giống như những lĩnh vực kinh doanh khác.

Đọc đến đây bạn đừng vội dập tắt đam mê vì nghĩ rằng mình còn thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong kinh doanh nhà hàng. Kiến thức bạn hoàn toàn có thể tích lũy thông qua việc học quản lý nhà hàng, học từ những công việc thực tế trong nhà hàng hay học từ chính những chủ nhà hàng thành công, những quản lý nhà hàng tài giỏi.

Còn kinh nghiệm, nếu không từng thất bại làm sao bạn hiểu vì sao mình thành công? Kinh nghiệm cần được tích lũy trong suốt quá trình bạn học, bạn làm. Hãy cứ dấn thân, hãy cứ trải nghiệm, cùng lòng đam mê và sự nhiệt huyết bạn sẽ thành công.