Tài chính ứng dụng #7: Đọc & phân tích bảng cân đối kế toán công ty Walmart

Trong bài viết kỳ trước, bạn đã làm quen với các chỉ số cơ bản của bảng cân đối kế toán. Các bài viết tiếp theo sẽ vận dụng các chỉ số đó phân tích các ví dụ có thực, giúp bạn hiểu rõ và tự tin hơn khi áp dụng vào việc kinh doanh của mình. Khi phân tích tài chính một công ty, có nhiều khía cạnh bạn cần quan tâm. Bài viết kỳ này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: Làm sao biết một doanh nghiệp có thể kinh doanh ổn định ít nhất trong vòng 1 năm tới?

Công ty mà Cask chọn phân tích là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ thế giới – chuỗi siêu thị Walmart. Với quy mô đồ sộ và tính phức tạp trong cách tổ chức, vận hành, Walmart là một ví dụ thú vị, giúp marketers thấy những nguyên tắc, công thức cơ bản của bảng cân đối kế toán biểu hiện cụ thể ra sao tại một doanh nghiệp nổi tiếng.

Trở lại chủ đề phân tích hôm nay, để đánh giá sự ổn định trong hoạt động kinh doanh, bạn cần xem xét khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thể trả được nợ, hoạt động của họ sẽ bị đình trệ và thậm chí phá sản. Trả được nợ chưa hẳn đã thành công, nhưng chí ít doanh nghiệp vẫn tồn tại, và còn tồn tại thì còn cơ hội để phát triển.

Vậy trước tiên, hãy điểm lại đôi nét tổng quát về bảng cân đối kế toán. Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính ở một thời điểm nhất định, tóm tắt ngắn gọn về: Những gì doanh nghiệp sở hữu – tài sản, những gì doanh nghiệp nợ và vốn góp của chủ doanh nghiệp. Như thế, bảng cân đối kế toán gồm 2 phần:

  • Tài sản: (1) Tài sản ngắn hạn – chu kỳ luân chuyển không quá 1 năm (ví dụ: tồn kho, tiền mặt…) và (2) Tài sản dài hạn – chu kỳ luân chuyển dài hơn 1 năm (ví dụ: máy móc thiết bị…)
  • Nợ & vốn chủ sở hữu: (1) Nợ phải trả – các khoản vay… và (2) Vốn chủ sở hữu –vốn do chủ sở hữu góp, lợi nhuận giữ lại…

Tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu phân thành nhiều tài khoản nhỏ. Tuy nhiên:

Tổng tài sản = (Tổng Nợ) + (Vốn chủ sở hữu)

Tiếp theo đây, hãy cùng xem qua bảng cân đối kế toán của Walmart.

Như bạn có thể thấy, Walmart có một lượng tiền mặt và tương đương tiền mặt dồi dào là 14.76 tỷ USD, đồng thời tồn kho cũng ở mức cao là 56.5 tỷ USD. Hai con số này phản ánh rõ rệt đặc trưng hoạt động của Walmart: Một nhà bán lẻ thường xuyên thu tiền mặt từ Shopper và hệ thống kho bãi rộng khắp để trữ sẵn hàng hóa.

Càng thấy rõ hoạt động họ hơn nữa qua con số nợ phải trả là 55.2 tỷ USD – ngang ngửa với mức tồn kho. Đây là số nợ ngắn hạn của Walmart – phải trả trước 1 năm – và rất có thể là số tiền họ phải thanh toán cho các nhà cung ứng, sản xuất lượng hàng hóa mà họ đang trữ trong kho.

Khi lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ, Walmart sẽ có vốn chủ sở hữu là 91.891 tỷ USD – một con số khá lớn so với mặt bằng chung của ngành.

Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của Walmart

Khả năng trả nợ có thể phân chia thành 2 phần: Khả năng trả nợ ngắn hạn và khả năng trả nợ dài hạn. Trước tiên, hãy điểm qua 2 chỉ số cho thấy khả năng trả nợ ngắn hạn của Walmart: Chỉ số thanh toán ngắn hạn và chỉ số thanh toán nhanh.

1. Chỉ số thanh toán ngắn hạn – Current Ratio

Chỉ số thanh toán ngắn hạn = (Tổng Tài sản ngắn hạn) / (Tổng Nợ ngắn hạn)

Nhìn chung, tài sản ngắn hạn của Walmart gần bằng nợ ngắn hạn của họ. Bạn hãy nhớ nguyên tắc: Nợ ngắn hạn phải được trả bằng tài sản ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn bằng hoặc nhiều hơn nợ ngắn hạn thể hiện khả năng trả nợ tốt, doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định trong vòng 1 năm. Chỉ số của Walmart cho thấy họ không phải lo lắng về nợ nần trong vòng 1 năm sắp tới.

2. Chỉ số thanh toán nhanh – Quick Ratio

Bạn còn có thể xem kĩ hơn khả năng trả nợ ngắn hạn của Walmart thông qua chỉ số thanh toán nhanh. Chỉ số này cơ bản giống với chỉ số thanh toán ngắn hạn, nhưng trừ đi số tồn kho – bởi hàng tồn kho thường khó thanh lý quá nhanh để có tiền mặt:

Chỉ số thanh toán nhanh = (Tổng Tài sản ngắn hạn – Tồn kho) / (Tổng Nợ ngắn hạn)

Chỉ số này cho thấy Walmart chỉ có thể trả ngay 28% số nợ ngắn hạn của họ và cần thời gian tối đa 1 năm để thanh lý hàng tồn kho và hoàn tất nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn.

Tóm lại, 2 chỉ số trên cho thấy Walmart hoàn toàn đủ khả năng trả nợ ngắn hạn. Trong tình huống xấu nhất là buộc phải trả ngay các khoản nợ ngắn hạn, họ vẫn có thể đàm phán và xoay sở bán các tài sản ngắn hạn để hoàn tất trả nợ không quá 1 năm.

Tiếp theo,hãy xem qua 2 chỉ số phản ánh khả năng trả nợ dài hạn của họ: Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ so với tổng tài sản.

3. Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu – Debt to Equity Ratio

Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu = (Tổng nợ) / (Vốn chủ sở hữu)

Cứ mỗi USD vốn chủ sở hữu của Walmart thì có 1,84 USD nợ cho Walmart. Nhìn chung, tỷ lệ này < 2 được xem là an toàn. Như vậy, tình trạng nợ của Walmart khá tốt.

4. Tỷ lệ nợ so với tổng tài sản – Debt to Asset Ratio

Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu = (Tổng nợ) / (Tổng Tài sản)

Tỷ lệ này cho thấy Walmart hoàn toàn có đủ khả năng trả nợ về dài hạn, vì tổng nợ của họ chỉ chiếm khoảng 60% tổng tài sản. Họ có một nền tảng vững vàng để kinh doanh ổn định trong cả dài hạn.

Lời kết

Qua cả 4 chỉ số trên, có thể kết luận Walmart hoàn toàn có thể kinh doanh ổn định trong ít nhất 1 năm sắp tới. Nếu duy trì tốt tình trạng tài chính hiện tại, họ có thể tập trung toàn lực cho việc phát triển.

Khóa “Finance for Non-Finance Managers” giúp học viên có năng lực hiểu các loại chi phí của Marketing, Trade Marketing & Sales dưới lăng kính của người quản lý tài chính, nắm vững các công cụ quan trọng giúp tối ưu hoá lợi nhuận sản phẩm, các nhóm sản phẩm và toàn bộ doanh nghiệp, quản lý tài chính để xây dựng ngân sách Marketing, Trade Marketing và mở rộng kênh phân phối, thiết kế được Business Case tài chính trước khi tung sản phẩm mới.

Thông tin khoá học:

  • Khai giảng: 10/12/2022
  • Đăng ký tại đây.
  • Đăng ký nhận Guidebook Finance ngay tại đây.
  • Đọc thêm các bài viết về chủ đề tài chính tại đây.

CASK chuyên thiết kế giải pháp (chiến lược & thực thi) giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh doanh & huấn luyện cá nhân về chuyên môn Brand – Trade – Sales – Business.

Thông tin liên hệ: