Du học Marketing #4: Nhâm Bá Phương @ National University of Singapore – EMBA là “tấm vé” nâng cao năng lực quản lý sau 14 năm

Ở số thứ tư của series Du học Marketing, anh Nhâm Bá Phương, Regional Marketing Manager khu vực Châu Á của PepsiCo, đã chia sẻ về hành trình chinh phục tấm bằng Executive Master of Business Administration tại National University of Singapore (Đại học Quốc gia Singapore).

Anh Phương đã có hơn 14 năm kinh nghiệm marketing “thực chiến” trong ngành FMCG tại những tập đoàn lớn như P&G (ngành hàng babycare), Masan, Unilever và PepsiCo. Đâu là động lực khiến vị Regional Marketing Manager quyết tâm nâng cấp bản thân bằng một năm học tại Singapore?

Với hy vọng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, liệu những kỳ vọng có đủ để chiến thắng thực tại nơi đất khách? Hãy cùng Brands Vietnam tìm câu trả lời qua những trải nghiệm đủ thăng và cũng không thiếu trầm của những du học sinh đã và đang dùi mài kinh sử nơi trời Tây qua series Du học Marketing.

* Lý do nào khiến anh quyết định tham gia khóa học MBA tại National University of Singapore (NUS) trong thời điểm bản thân đang đảm nhiệm vị trí Regional Marketing Manager?

Anh Nhâm Bá Phương, Regional Marketing Manager khu vực Châu Á của PepsiCo.

Vào thời điểm cân nhắc về việc đi học MBA, tôi đã làm marketing ngành FMCG trong 14 năm. Trong suốt thời gian đó, tôi luôn tìm câu trả lời cho băn khoăn: “Mình có thể làm được gì khác nữa? Còn điều gì mình không biết? Có cách nào để quản lý hiệu quả hơn?”. Vậy nên tôi lựa chọn học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh để tìm lời giải cho những trăn trở của bản thân.

Ngoài ra, vì đã có gia đình và con nhỏ, đồng thời vẫn muốn duy trì công việc tại PepsiCo nên tôi ưu tiên chương trình có thể vừa học vừa làm. Do đó, tôi tìm hiểu về các chương trình MBA ngay tại Singapore.

Sau quá trình tìm hiểu, tôi quyết định lựa chọn NUS là nơi để bản thân có thể nâng cao năng lực quản lý của mình. Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại NUS được chia thành 2 khối riêng biệt. Một là chương trình MBA với số năm kinh nghiệm trung bình của học viên là 6. Hai là chương trình Executive MBA (EMBA) dành cho nhóm những Senior Manager có số năm kinh nghiệm trung bình là 14.

Với đặc thù của khóa học MBA nói chung, những buổi trao đổi trên lớp thường sẽ do các bạn học viên tham gia đóng góp và chia sẻ. Các giáo sư sẽ đóng vai trò là người đặt câu hỏi gợi mở và định hướng tư duy nhiều hơn giảng dạy. Sau khi xem xét các yêu cầu của khóa học cũng như mục tiêu, kì vọng của bản thân, tôi ưu tiên khóa EMBA hơn, với mong muốn học hỏi từ các anh chị nhiều năm kinh nghiệm.

* Vì đang đảm nhiệm vai trò Regional Marketing Manager với số năm kinh nghiệm không hề ít, có lẽ thứ tự ưu tiên của anh khi chọn trường cũng sẽ cần “khớp” với công việc và cuộc sống cá nhân. Anh Phương đã cân nhắc những yếu tố nào trong quá trình lựa chọn trường?

Tiêu chí đầu tiên tôi cân nhắc chính là chi phí: học phí, sinh hoạt phí, phí đi thực địa... Tôi tìm hiểu tất cả các chi phí cần thiết để lập ngân sách theo học khóa EMBA tại NUS.

Chi phí là yếu tố cần "đong đếm" đầu tiên vì hầu như các khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Singapore có học bổng giá trị tương đối ít, và chỉ dành cho các hồ sơ sáng giá. Học viên cũng cần trang trải các chi phí nhà ở, ăn uống, đi lại và các chi phí sinh hoạt khác. Đặc biệt, chi phí thuê nhà tại Singapore khá đắt đỏ. Ngoài ra, chương trình EMBA tại NUS yêu cầu học viên đi thực tế tại các quốc gia khác mỗi quý. Những chuyến đi ấy cũng tốn khá nhiều chi phí như: vé máy bay, khách sạn… Vậy nên việc tìm hiểu kỹ và cân nhắc điều kiện kinh tế hiện tại có khả năng đáp ứng chương trình học hay không là một việc làm cần thiết.

Tiêu chí thứ hai tôi cân nhắc chính là vị trí địa lý. Tôi ưu tiên Singapore vì gần nhà, tôi có thể chăm sóc gia đình, duy trì công việc hiện tại và theo học chương trình mình mong muốn. Khóa EMBA của NUS chỉ yêu cầu học tập trung khoảng 2-3 tuần mỗi quý nên thời gian, địa điểm khá linh hoạt.

Tiêu chí thứ ba là chương trình học. Chương trình của một trường đại học ở Châu Á như NUS sẽ xoay quanh nền kinh tế và sự phát triển của các nhãn hàng và người tiêu dùng từ khu vực này. Từ đó, giúp tôi củng cố những hiểu biết của mình về người tiêu dùng và marketing tại thị trường Á Đông mà mình đang phụ trách.

University Town tại NUS.
Nguồn: CNBC

* Vậy đâu là điểm khác biệt cơ bản giữa chương trình MBA và EMBA tại NUS?

Tôi hay đùa chương trình Executive MBA cũng giống như MBA nhưng mà dành cho người giàu hơn. Bởi học phí gần gấp đôi so với chương trình Regular MBA. (cười)

Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ đến từ học viên. Với yêu cầu hơn 10 năm kinh nghiệm của EMBA, thì mỗi học viên sẽ có ít nhất từ 10-20 năm kinh nghiệm. Với ngần ấy năm kinh nghiệm thì học viên sẽ có rất nhiều điều có thể chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Trái lại, chương trình Regular MBA không yêu cầu kinh nghiệm làm việc nên đối tượng học viên khá đa dạng, có những bạn đã đi làm vài năm, cũng có những bạn chỉ vừa hoàn thành chương trình đại học.

Thứ hai là về giáo trình học. MBA thì tập trung vào các kiến thức chuyên môn hơn, còn EMBA thì hướng đến phác họa bức tranh tổng quát về doanh nghiệp dưới góc độ quản lý và tầm nhìn chiến lược.

Chẳng hạn trong môn học tài chính, chương trình MBA ưu tiên giúp học viên nắm được cách xây dựng bảng kế hoạch tài chính. Còn đối với EMBA, bởi vì học viên đều đã có kinh nghiệm quản lý nên giảng viên sẽ tập trung truyền tải cách tư duy, tầm nhìn chiến lược như các phương pháp đánh giá bảng kế hoạch tài chính.

Với yêu cầu hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc của EMBA, mỗi học viên sẽ có ít nhất từ 10-20 năm kinh nghiệm.

* Nhìn lại khoảng thời gian học tập và trao đổi, anh Phương ấn tượng điều gì về khóa học EMBA tại NUS?

Nhìn chung, tôi khá ấn tượng với phong cách học tập theo hướng tạo điều kiện cho học viên tự tư duy, tìm câu trả lời cho những vấn đề qua những case-study thực tế. Học viên - dù là những quản lý nhiều năm kinh nghiệm - cũng phải hoàn tất các bài tập và bài thi học kỳ như bất kì một khóa học nào khác. Tuy nhiên, nhìn chung các bài tập thường nhằm đánh giá tư duy của học viên hơn là yếu tố đúng – sai.

Thông thường, học viên cần hoàn thành hai loại bài tập: group work và bài tập cá nhân. Trong đó, bài tập nhóm chủ yếu sẽ là giải case-study. Ví dụ đề bài có thể là đề xuất phương án giải quyết vấn đề kinh doanh của một công ty bất kỳ được giảng viên chỉ định. Còn bài tập cá nhân thường yêu cầu học viên viết luận thể hiện quan điểm cá nhân với các mức độ khó khác nhau.

* Học tập và trải nghiệm cùng những bạn học cũng khá “già tuổi nghề”, anh Phương có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ khi học tại NUS?

Sau này khi nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ của tôi đều không xảy ra trên giảng trường. Trong đó có một kỷ niệm vui với nhóm bạn thân. Thường thì một ngày học của NUS sẽ rất dài và chỉ có một tiếng nghỉ ăn trưa. Tuy đã khá mệt sau giờ học buổi sáng nhưng chúng tôi quyết định không ăn trưa mà đi đến thư viện trường để mua một vài món quà lưu niệm. Bởi vì khoảng cách di chuyển giữa thư viện và giảng đường khá xa nên chúng tôi đến lớp khi bạn bè và thầy đã có mặt đông đủ. Thay vì “tha” và để chúng tôi lặng thầm vào chỗ ngồi thì thầy đã bắt cả nhóm mở túi quà cho cả lớp cùng xem. May mắn là bốn đứa không ai mua gì “bậy bạ” mà chỉ mấy món như nón, áo NUS. Đều là quản lý hơn 10 năm tuổi nghề mà mua những món "ngô nghê" vậy cũng khiến cả lớp được phen cười rộ. Nhân tiện đang bày ra merchandise của NUS, thầy dẫn cả lớp vào bài giảng về marketing và merchandise vô cùng “mượt mà”.

“Khóa học EMBA cho tôi cơ hội mở rộng tầm nhìn của bản thân, mài dũa kỹ năng quan sát sự vật, sự việc dưới góc độ quản lý và tư duy chiến lược”.

Ngoài ra còn có một kỷ niệm về môn Innovation. Khi đó, giảng viên yêu cầu mỗi nhóm đề xuất một ý tưởng kinh doanh mới. Lúc ấy có một bạn học trong nhóm chia sẻ về mong ước có một channel gần gũi như TikTok dành cho người tự kỷ để chia sẻ trải nghiệm của bản thân. Bởi vì trước đây bạn đã từng mắc bệnh tự kỷ nhưng không thể chia sẻ cùng ai. Một phần vì điều kiện gia đình không cho phép để tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn, phần vì cũng không có bạn bè chia sẻ.

Từ một vấn đề thực tế như vậy, nhóm tôi mới hình thành ý tưởng xây dựng một platform và tận dụng AI – trí thông minh nhân tạo để tạo ra robot có thể nói chuyện với nhóm người tự kỷ. Ý tưởng đó đã được đánh giá rất cao trong buổi học.

Thật mừng là sau khóa học, một thành viên trong nhóm đã hiện thực hóa ý tưởng. Bạn ấy thành lập startup tên Zoala tại Singapore – dự án hỗ trợ tư vấn các chứng bệnh tâm lý. Hiện nay, dự án này đã chính thức ra mắt thị trường.

* Anh Phương đã cân bằng cuộc sống cá nhân, học hành và công việc như thế nào?

Câu trả lời thực tế của tôi là không thể cân bằng, thậm chí tôi đã từng rơi vào tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng.

Bởi vì vừa học vừa làm và còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình nên thời gian biểu của tôi tương đối kín và bận rộn. Thông thường tôi sẽ dành thời gian trong tuần để học và làm, cuối tuần là thời gian dành cho con gái. Buổi tối sau khi con ngủ, tôi sẽ bắt đầu làm một số công việc ở công ty như: trả lời email, chuẩn bị nội dung presentation. Thậm chí những khi đi công tác hoặc đi học thực tế ở nước ngoài, tôi cũng từ chối tham gia những buổi tiệc tối cùng bạn bè để tranh thủ trở về khách sạn hoàn thành công việc.

Tôi hiểu với mỗi giai đoạn tôi có một ưu tiên nhất định nên sẽ phải hy sinh điều còn lại. Ví dụ ở những học phần trước tôi sẽ ưu tiên đảm bảo công việc không bị đình trệ. Nhưng đến kỳ đi thực tế cuối cùng tại Nhật Bản, tôi đã ưu tiên dành toàn bộ thời gian cho bạn bè và nghỉ phép để có thể tạo nên những trải nghiệm, khoảnh khắc trọn vẹn cùng mọi người.

Sau khi cân nhắc những yếu tố cần và đủ, nếu đã “phóng lao” với quyết định du học thì hãy “theo lao” mà thực hiện.

* Khóa học EMBA tại Đại học quốc gia Singapore để mang lại cho anh Phương những gì?

Điều lớn nhất chương trình EMBA cho tôi chính là bạn bè. Đây thật sự là những mối quan hệ quan trọng và không dễ có được. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cộng đồng bạn học tại Singapore. Điều thứ hai tôi nhận được là cơ hội mở rộng tầm nhìn của bản thân. Suốt quá trình học, tôi đã mài dũa được kỹ năng quan sát sự vật, sự việc dưới góc độ quản lý và tư duy chiến lược. Bức tranh tổng quan về nền kinh tế cũng vì thế mà được mở rộng hơn. Điều thứ ba tôi nhận được là một vật hữu hình – tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đây sẽ một “vũ khí” quan trọng giúp hồ sơ cạnh tranh hơn.

* Cuối cùng, anh có thể dành một vài lời khuyên cho các bạn đang ấp ủ dự định du học khóa MBA tại NUS được không ạ?

Lời khuyên đầu tiên là các bạn hãy giữ vững tinh thần “Just do it”. Nghĩa là nếu đã “phóng lao” với quyết định du học thì hãy “theo lao” mà thực hiện. Tuy nhiên, quyết định đó phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố về mặt tài chính, điều kiện bản thân, mục tiêu nghề nghiệp, học tập. Nếu các yếu tố trên đã được thỏa mãn và đáp ứng thì hãy tự tin và cố gắng hết sức.

Lời khuyên thứ hai tôi muốn gửi đến các bạn là sự chuẩn bị để đối mặt với những khó khăn, thử thách. Nếu bạn lựa chọn vừa học vừa làm như tôi thì hành trình này sẽ không dễ như khi chúng ta chỉ tập trung theo đuổi một mục tiêu, vậy nên khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Các bạn cần chuẩn bị cả về tâm lý và lẫn kế hoạch sẵn sàng để quản lý thời gian, công việc.

Bản thân tôi cũng rất sẵn lòng chia sẻ sâu hơn những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân về việc học tập và sinh sống tại Singapore nên các bạn đọc của Brands Vietnam có thể connect LinkedIn của tôi để tiện trao đổi khi cần. (cười)

* Cảm ơn những chia sẻ thiết thực và thú vị từ anh.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Thu Nga / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam