Giọng điệu thuyết trình "gói" trong tiếng xèo xèo của bánh

Một bên là được ăn bánh cả bằng tai, bằng mũi; một bên là được nghe bằng mắt, bằng cảm xúc lâng lâng. Họa may có Bánh Xèo buông lời chia tay trước, chứ lòng người sao cưỡng lại sự hấp dẫn lạ kỳ này được!

Nếu Sài Gòn là một cô nàng sành điệu, một dân chơi chính hiệu thì Bánh Xèo hẳn sẽ là cô em gái quê ngọt ngào, dù chỉ gặp một lần cũng đủ để quyến luyến những trái tim xa nhà.

Khi Bánh Xèo kể chuyện đời

Bánh Xèo - cô em gái quê ngọt ngào

Bánh Xèo không sinh ra từ đất Sài thành, cũng không cố chiếm lĩnh nơi đây bằng những quán xá sừng sững như nhiều người bạn khác thường làm. Sau bao năm, Bánh Xèo vẫn trung thành với những chiếc xe nhỏ bên lề đường hay một góc hẻm nhỏ nằm sâu bên trong. Chỉ có tiếng bánh là lúc nào cũng đổ xèo xèo luôn tay, nóng hổi và thơm nghi ngút.

Cái tên Bánh Xèo cũng xuất phát từ điều gì đó rất giản dị của người quê mình. Thì cứ mỗi khi đổ, lớp bột chạm khẽ vào chảo dầu nóng hổi, bật lên những tiếng xèo xèo êm tai rồi người ta thích thú, gọi thức quà ấy là Bánh Xèo như một cách ghi nhớ âm điệu đặc trưng ấy.

Không giống như Phở, một người anh lớn luôn điềm tĩnh để tìm kiếm tri kỷ qua màu nước lèo trong vắt của mình, Bánh Xèo mang tâm tình của một cô gái trẻ, dịu dàng có, khéo léo có nhưng cũng rất niềm nở, luôn cố để chiều lòng thực khách bằng mọi thứ tinh túy nhất của nàng ta…

Bánh Xèo ngon là miếng bánh được đổ vào dầu đã nóng già, phải phát ra tiếng một cách dứt khoát, phải thơm nức mũi như một lời gọi mời ỡm ờ từ xa.

Cái tinh tế nhất của ả Bánh Xèo là những thứ ăn kèm. Không bao giờ nàng ta chinh chiến một mình cả. Lúc nào cũng ắp đầy một đĩa rau xanh, mà rau phải tươi, xanh non mỡ màng như khi vừa hái từ vườn nhà. Vị rau ăn kèm bao giờ cũng hơi chát, hơi đắng một chút như giống cải bẹ xanh, để khi gói vòng tay ôm ấp miếng Bánh Xèo, chúng không tạo cảm giác ngán dầu cho người ăn. Rồi loại nước chấm đi kèm cũng được nàng ta chăm chút phải biết. Nước chấm phải được pha kĩ, độ ngọt vừa, không được quá mặn, cũng không quá cay vì chúng sẽ làm mất vị ngậy vừa phải của bánh xèo. Trong chén nước chấm bao giờ cũng có một ít đồ chua được làm từ đu đủ và cà rốt bào sợi nhỏ, một ít thôi, đủ để thêm thắt cho vị giác người thưởng thức chút lưu luyến.

Người ta thích tìm đến Bánh Xèo vào tầm giờ chiều tối, nhất là những hôm trời thả mưa nhẹ thì lại càng đúng bài. Cảm giác ngồi gần bếp đợi bánh ra, mỗi lần đổ là khoảng 5-6 khuôn cùng lúc, tiếng xèo xèo liên tục bật ra, hòa vào tiếng mưa nhẹ nhẹ vương trên mái tôn quán tạo thành một âm điệu rất yêu chiều. Hoặc là nàng Bánh Xèo sợ khách đợi phiền lòng nên góp chút nhịp điệu, hoặc vì nàng khiến lòng ta nhớ nhà, nhớ những bữa cơm ấm cúng với người thân yêu dưới mái tôn nhà cũng rất kêu mỗi khi mưa ùa về.

Thành ra Bánh Xèo âm thầm mà lại khôn khéo. Ả không chỉ chinh phục người thưởng thức bằng vị giác, bằng nét duyên mỡ màng trong mắt nhìn mà còn khéo léo gọi mời qua âm thanh quê nhà, qua hương vị của sự yêu thương. Thế thì vị khách nào mà dứt lòng ra được. Một bên là được ăn bánh cả bằng tai, bằng mũi; một bên là được nghe bằng mắt, bằng cảm xúc lâng lâng. Họa may có Bánh Xèo buông lời chia tay trước, chứ lòng người sao cưỡng lại sự hấp dẫn lạ kỳ này được!

Ngẫm kỹ ra, Bánh Xèo có khi lại là một bài học đắt giá về cách ta níu chân khán giả của mình.

Bánh Xèo - bài học đắt giá cho giọng điệu và âm thanh thuyết trình

Chúng ta ai cũng hoảng hồn mỗi khi bị đặt vào tình huống phải nói trước đám đông. Chúng ta sợ mình thiếu tự tin, sợ quên bài rồi nói lắp, sợ giọng mình run hay nhịp điệu nói kém thu hút. Thế là bao người quyết chí học thuộc lòng nội dung bài thuyết trình, đứng trước gương tập cười, tập nói cả giờ đồng hồ. Lạ lùng là, chẳng mấy ai mảy may để ý đến giọng điệu khi thuyết trình. Muốn bài nói hấp dẫn, phải như nàng Bánh Xèo kia, vừa chinh phục hoàn toàn thị giác vừa phải cuốn hút tuyệt đối ở thính giác của người nghe.

Là một thức bánh, nhưng đâu phải ngẫu nhiên mà người ta lấy âm thanh khi đổ để đặt tên cho Bánh Xèo. Âm thanh luôn có sự kết nối cực kỳ nhạy với tâm hồn con người. Một khoảnh khắc hạ giọng đúng lúc đủ để lấy đi nước mắt hàng chục con người. Một vài nhịp nhấn mạnh quyết tâm đủ để thu phục trái tim cả một dân tộc. Đó là sự diệu kỳ của âm thanh, là cái hay mà chỉ giọng điệu con người mới có thể tạo ra được.

Còn nhớ bài diễn thuyết “I have a dream” (Tạm dịch: Tôi có một giấc mơ) của Martin Luther King - một mục sư hoạt động vì nhân quyền người Mỹ gốc Phi, đã trở thành huyền thoại cũng chính nhờ việc ông điều chỉnh giọng điệu vô cùng hoàn hảo khi thuyết trình.

Với bài hùng biện giới hạn chỉ trong 16 phút, ông vạch ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là muốn có một bài phát biểu có tác động đến quốc gia, giống như Gettysburg của Tổng thống Lincoln. Chính vì thế, khi nói về giấc mơ, về những khát khao của mình với dân tộc, ông liên tục đẩy cao tông giọng, nhấn mạnh vào câu “Tôi mơ rằng…” như một cách kêu đòi quyền tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Giọng điệu dứt khoát nhưng vẫn rất tha thiết, ông đã khiến trái tim của 250.000 con người ngày hôm ấy phải vỡ òa trong xúc động, biến bài nói của ông trở thành bất hủ mọi thời đại và cũng đã góp phần đánh vào tư tưởng chính trị của Hoa Kỳ khi ấy một tiếng nói quyết liệt hơn bao giờ hết.

Hay giây phút Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trước khi bắt đầu bản Tuyên ngôn đã hạ tông giọng, hỏi hàng vạn nhân dân một cách thân mật là: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Giây phút ấy trở thành khoảnh khắc lịch sử của cả dân tộc ta đến tận ngày hôm nay. Với giọng điệu tinh tế của mình, Người đã xóa tan đi mọi khoảng cách thứ bậc, bày tỏ được tấm lòng trân trọng vô bờ của mình đối với nhân dân và trao cho toàn thể người tham dự ngày hôm ấy sự thích thú và mong chờ vô cùng với những gì Người sắp thể hiện. Dù chỉ là một câu hỏi rất nhỏ, một giọng điệu trầm ấm khéo léo nhưng nó đã viết nên lịch sử tuyệt vời cho ngày 2/9/1945.

Thuyết trình đôi lúc mang tính cách thật giống như một cô em Bánh Xèo, không cầu kỳ kiểu cách, không mong đòi những thứ xa hoa, chỉ cần sự chân thành đúng lúc, cần một chút yêu thương bên tai, một chút đã mắt trong lòng cũng đủ để chinh phục trái tim bao người.

Một bài thuyết trình hoàn hảo không nhất thiết phải nói những điều rất kêu, ngợi ca những câu từ vĩ đại, cũng không cần lúc nào cũng phải hừng hực khí thế. Bài thuyết trình hoàn hảo là khi biết dùng lời vừa đủ, biết nhấn nhá vào thông điệp, biết dùng giọng điệu, âm thanh để gợi lên xúc cảm mà khán giả một khi đã nghe, chỉ muốn nghe thêm một chút, thêm một chút nữa.

Đất nước chúng ta có 3 vùng miền, có 63 tỉnh thành và hẳn sẽ có nhiều hơn rất nhiều con số 63 ấy về chất giọng và âm điệu riêng của mỗi người. Có giọng điệu tự nhiên đã trong trẻo, có giọng điệu trầm ấm theo thời gian lại có giọng điệu nhờ luyện tập mà trở nên cuốn hút vô cùng. Đó chính là cách mà những cơ sở đào tạo như Học viện Kỹ năng VTALK tại Bình Phước luôn ưu tiên khai phá và phát huy ở mỗi học viên. Theo bà Võ Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Đào tạo của Học viện Kỹ năng VTALK: “Chất giọng là cái riêng của mỗi người. Quan trọng là cách chúng ta biết tận dụng chất riêng ấy thành giọng điệu đầy màu sắc cho bài thuyết trình. Thuyết trình là nghe, mà để nghe được thì giọng điệu phải hay!”.

Võ Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ

Võ Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ

Người ta vốn đâu thể dùng Bánh Xèo để thay thế bữa cơm nhà. Nhưng cứ dăm ba bữa, ta lại nhớ tiếng xèo xèo ấm lòng bên tai ấy. Thuyết trình cũng như vậy. Người nói nhất định cũng phải làm được điều đó. Phải khiến khán giả ghi nhớ và thèm được nghe giọng của mình, thèm được đắm chìm trong nhịp điệu riêng mà họ không thể tìm kiếm được ở nơi nào khác.

Đó là sức mạnh của âm thanh và cũng là giọng điệu hoàn hảo nhất khi thuyết trình.