Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

"Bộ sưu tập điểm mù" của những nhà lãnh đạo cô đơn

"Điểm mù" là một thuật ngữ nói về một hiện tượng sinh lý, tại đó mắt không thể nhìn thấy được gì. Theo cách định nghĩa trên, có thể hiểu “điểm mù lãnh đạo” là những điều mà nhà lãnh đạo không nhận ra hoặc không tự nhận biết được.

“Có một số hành vi (điểm mù) sẽ ngăn cản một người trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hoặc ít nhất là một nhà lãnh đạo có uy tín” - Giáo sư John C.Maxwell, chuyên gia hàng đầu thế giới về lãnh đạo chia sẻ.

Dưới đây là những ‘điểm mù” giúp đưa người lãnh đạo tới “ốc đảo cô đơn” nhanh nhất

Mong muốn quá nhiều

Một “Leader Mong muốn” thực thụ luôn nghĩ rằng việc mình đang cố gắng làm là mang lại những đột phá cho tổ chức.

- Muốn chiến thắng thật nhiều, chiến thắng bằng mọi giá và trong mọi tình huống.

- Muốn bản thân là người đóng góp thật nhiều, nhất là trong các cuộc thảo luận.

- Muốn chứng minh rằng mình còn giỏi hơn và khôn ngoan hơn mọi người nghĩ.

- Muốn người khác làm theo những tiêu chuẩn mà bản thân mình cho là tốt.

Lãnh đạo có điểm mù này thường nhận thức rằng việc mình làm là chính đáng. Bởi công ty nào chẳng muốn “bách chiến bách thắng” trên thương trường, lãnh đạo nào chẳng muốn nhân viên cống hiến và đóng góp những giá trị tốt đẹp cho tổ chức. Nhưng nếu lùi về sau một bước, những “Leader Mong muốn” sẽ thấy mình đang thống trị trên mọi mặt trận, dành mất cơ hội để nhân viên/đồng nghiệp được phát huy năng lực. Kết quả là vô tình tích lũy thêm “kẻ thù” trong chính môi trường làm việc, điều này chỉ gây bất lợi mà thôi.

Hãy nhớ rằng một người lãnh đạo thực sự giỏi sẽ luôn có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ họ.

Ngộ nhận

Ngộ nhận là hiểu sai hoặc nhận thức sai về một vấn đề gì đó, khiến sự thật bị “bóp méo tinh vi” dưới góc nhìn của những nhà lãnh đạo có điểm mù này. Ví dụ:

- Họ bác bỏ thẳng thừng ý kiến và ý tưởng từ người khác, nhưng lại nghĩ mình đang đưa lời khuyên rất thực tế, được đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân sẽ giúp tránh lãng phí thời gian đội nhóm.

- Họ phản hồi thiếu tính xây dựng, nhưng lại nghĩ mình đã đưa phân tích rất đầy đủ và sắc sảo.

- Thường xuyên trao đi những thông điệp tiêu cực, ngầm cho người khác biết “tôi đúng, anh sai” nhưng lại nghĩ đó là thảo luận công bằng.

Điểm mù này thường khiến nhà lãnh đạo trở thành người tự cao tự đại, hay phán xét và chỉ trích và phải trả giá đau đớn bằng chính các mối quan hệ thân thiết. Bản thân luôn trượt dài sau mỗi thất bại, năng lực thụt lùi và đánh mất nhiều cơ hội, khó hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả,...

Biến cảm xúc thành công cụ hành động

Trong suy nghĩ của những lãnh đạo có điểm mù này, họ luôn cho rằng mình đã hành động rất “người lớn”: đủ bình tĩnh, hoàn toàn lý trí, công bằng và trực diện. Nhưng thực tế họ lại sử dụng năng lượng giận dữ (từ giọng nói, biểu hiện gương mặt, cử chỉ hành động) để lấn át đối phương nghe theo quyết định của mình.

Trong một khảo sát Travis Bradberry, tác giả của sách “Emotional Intelligence 2.0” cho biết:

“Cấp lãnh đạo thường là người có khả năng tự kiểm soát cảm xúc và trí tuệ cảm xúc thấp nhất trong tổ chức!”. Vì với quyền lực càng cao, người lãnh đạo càng tự cho mình quyền “bộc lộ cảm xúc cá nhân và không quan tâm đến cảm xúc của người khác”.

Hơn nữa điểm mù này cũng khiến lãnh đạo dễ bị cảm xúc tiêu cực chi phối. “Hãy để tôi giải thích tại sao chuyện đó sẽ không làm được” là câu nói thường xuất hiện trong mỗi cuộc họp. Kéo theo đó là vô vàn lý do, dẫn chứng từ những thất bại trước đó làm giảm đi nhiệt huyết của đội nhóm.

Rốt cuộc thì nhân viên chỉ nhìn nhận những nhà lãnh đạo với bộ sưu tập điểm mù là người thích thể hiện, ích kỷ, không thân thiện, khó gần, ít cởi mở mà thôi!

Điểm mù luôn tồn tại, chấp nhận và chiến thắng chúng là điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo giỏi nào cũng phải làm. Đừng ngần ngại lưu giữ và lan tỏa tới nhiều người nếu thấy chia sẻ này giá trị.

Nguồn: Toppion Group