Marketer TOPPION GROUP
TOPPION GROUP

Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục TOPPION

"Bẫy lãnh đạo", chỉ nói những lời người khác muốn nghe

Nói lời hay ý đẹp là một trong những nghệ thuật giao tiếp để động viên và khích lệ nhân viên. Bởi vậy trong những trường hợp cần góp ý, cách nói giảm nói tránh để không làm mất lòng nhân viên cũng được nhiều nhà lãnh đạo áp dụng. Chúng ta nghĩ rằng làm như vậy là đang “thu phục lòng người” nhưng thực tế cách làm trên lại là biểu hiện của sự thiếu chính trực.

Sự không đồng nhất giữa lời nói và việc làm

Chính trực có thể hiểu đơn giản là cái bạn nghĩ, cái bạn nói và cái bạn làm giống nhau và không làm tổn hại tới người khác.

Một tình huống thường gặp ở nhiều công ty là việc góp ý với người khác. Khi không hài lòng với quản lý/nhân viên cấp dưới, người sếp không chính trực thường không dám thẳng thắn đối diện vấn đề.

- Thay vì góp ý, họ chọn “nói bóng gió” trong các cuộc họp với hy vọng nhân viên của mình tự ngộ ra vấn đề và thay đổi.

- Thay vì nói chuyện trực tiếp với nhân viên để tìm cách giải quyết, họ chọn “đánh tiếng” qua người thứ ba với hy vọng được chuyển lời giúp.

- Trước mặt thì cười nói như không có chuyện gì nhưng trong suy nghĩ vẫn cảm thấy khó chịu vì chưa buông bỏ được.

Cường điệu hoá thông tin

Khi bạn truyền thông thông tin thái quá khiến sự thật bị bóp méo thì đó chính là hành động không chính trực.

Ví dụ thường gặp là khi cần khích lệ nhân viên, nhà lãnh đạo không chính trực sẽ chọn cách khen ngợi quá mức vì nghĩ làm như thế sẽ giúp tinh thần nhân viên lên cao. Nhưng sự khen ngợi không cần thiết khiến lời nói của lãnh đạo trở nên không chân thật và được coi là “khen đểu”. Nhưng khi nhân viên phạm lỗi, họ lại làm quá mức độ nghiêm trọng của sự việc, vì nghĩ rằng làm như thế nhân viên sẽ không dám tái phạm hoặc mắc thêm lỗi mới.

Chính trực - "Cái gốc" của một nhà lãnh đạo.

Những lãnh đạo tài giỏi và đáng tin đều có trong mình sự chính trực. Sự nhất quán thể hiện trong suy nghĩ, lời nói cho đến hành động.. Điều này giúp họ nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của những người xung quanh và sự kính trọng của nhân viên.

Nếu nhà lãnh đạo tiếp tục nói những lời không chân thật thì dần dần nhân viên cũng sẽ sao chép những thói quen đó. Họ sẽ chỉ nói những lời sếp muốn nghe, ngại thể hiện sự ngay thẳng với nhau, giấu lỗi, không trung thực trong báo cáo, gian lận, biển thủ, ngại chia sẻ,… Một nếp văn hoá tiêu cực trong công ty cũng được hình thành.

“Trong quá trình lãnh đạo, đôi lúc tôi và các bạn sẽ cảm thấy lương tâm “lợn cợn”. Đó là lúc có vị thần mách bảo. Hãy điều chỉnh mình đi!”

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp những nhà lãnh đạo có cái nhìn đúng đắn về chính trực, thể hiện cái gốc lãnh đạo mỗi ngày để xây dựng đội ngũ đồng lòng và trở thành nhà lãnh đạo không còn cô đơn.

Nguồn: Toppion Group