Marketer Tường Vi
Tường Vi

Content Writer Intern @ Brands Vietnam

Inside Jobs #4: Influencer Marketing – Câu chuyện “chọn mặt gửi vàng” của thương hiệu

Mạng xã hội đang tạo ra một sân chơi mới, nơi một người bình thường cũng có thể mang lại sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Sự nở rộ của hình thức Influencer Marketing là minh chứng của điều đó. Nhưng có phải chỉ đơn giản liên lạc và hợp tác với Influencer đã có thể đem về lượng lớn khách hàng cho thương hiệu?

Để giải đáp thắc mắc trên, trong số thứ 4 này, Inside Jobs mời chị Mai Phương Thi (Social Supervisor tại Mango Digital) và chị Đào Thị Ngọc Bích (Talent Specialist tại Yeah1) để tìm hiểu về Influencer Marketing.

Là series về nghề nghiệp do XONE Radio sản xuất, Inside Jobs khai thác những góc nhìn và kinh nghiệm làm việc thực tế của các chuyên gia – những “người trong cuộc” thuộc lĩnh vực được đông đảo bạn trẻ quan tâm.

* Đầu tiên, chị Bích có thể chia sẻ về khái niệm influencer và cách phân loại các nhóm Influencer?

Chị Đào Thị Ngọc Bích: Influencer có thể được hiểu là những cá nhân có ảnh hưởng đến quan điểm, hành vi và cả quyết định mua hàng của một nhóm đối tượng nhất định. Các Influencer thường sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội (MXH) khác nhau và có một lượng người theo dõi khá lớn.

Thông thường, các Influencer chia thành 4 nhóm, theo số lượng follower, gồm Mega (có ít nhất 500.000 followers), Macro (50.000 – 500.000 followers), Micro (10.000 - 50.000 followers), và Nano (5.000 - 10.000 followers).

* Theo chị, vì sao nhiều thương hiệu lựa chọn hợp tác với Influencer trong chiến dịch của mình?

Chị Mai Phương Thi: Theo tôi, có 2 lý do chính khiến Influencer Marketing là hình thức truyền thông ưa thích của thương hiệu. Thứ nhất, với sức ảnh hưởng của mình, Influencer có thể giúp truyền tải thông điệp của chiến dịch đến người theo dõi trên mạng xã hội, và tạo độ tin cậy cho thương hiệu. Thứ hai, Influencer Marketing là một phương án tương đối tiết kiệm chi phí tiếp thị nếu só với một số hình thức quảng cáo truyền thống.

* Từ kinh nghiệm của mình, chị Ngọc Bích có thể chia sẻ những tiêu chí lựa chọn Influencer?

Chị Ngọc Bích: Để chiến dịch đạt được hiệu ứng tốt, trước tiên tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu khách hàng của mình. Việc nghiên cứu sẽ tập trung vào một số thông tin như ngành hàng thương hiệu đang hoạt động; mục tiêu, kết quả mà thương hiệu mong muốn đạt được sau chiến dịch…

Tiếp theo, việc đánh giá và lựa chọn Influencer sẽ dựa trên 2 tiêu chí chính là độ phủ và sự liên quan của Influencer với chiến dịch.

Với độ phủ, chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên lượng người theo dõi, mức độ nhận diện của công chúng. Và tuỳ vào ngân sách và mục tiêu của chiến dịch, chúng tôi sẽ chọn ra những Influencer phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần đảm bảo mức độ liên quan của Influencer với thương hiệu. Mức độ liên quan này thường được đánh giá thông qua: (1) nhân khẩu học của Influencer; (2) thương hiệu cá nhân của Influencer (quan điểm sống, kiến thức chuyên môn, phong cách thời trang, phát ngôn…); (3) nhân khẩu học của người theo dõi và những chủ đề mà họ quan tâm.

Việc nghiên cứu những thông tin trên là rất quan trọng để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với yêu cầu, mục tiêu chiến dịch của thương hiệu.

* Theo chị, điểm thú vị và khó khăn mà chị thường gặp trong công việc này là gì?

Chị Phương Thi: Đối với tôi, điểm thú vị nhất khi làm Influencer Marketing là gặp gỡ và làm việc với nhiều Influencer. Nhờ đó, tôi có cơ hội được gặp nhiều bạn trẻ tài năng – những nhà sáng tạo có thể tạo ra những nội dung thú vị dựa trên một brief đơn giản. Tôi cũng được xem nhiều nội dung sáng tạo khác nhau mỗi ngày. Và đấy là cách để tôi liên tục cập nhật và học hỏi nhiều điều mới từ công việc của mình.

Nguồn: gen.video

Còn khó khăn khi làm Influencer Marketing chính là bạn cần khéo léo đáp ứng được nhu cầu của cả khách hàng và Influencer. Trước đây, tôi từng gặp trường hợp một thương hiệu sữa bột em bé mới ra mắt kiên quyết chọn người nổi tiếng hạng A cho chiến dịch của mình. Chúng tôi đã gặp khó khăn trong quá trình liên lạc và thuyết phục người nổi tiếng ấy review sản phẩm trong thời gian gấp. Bởi sức ảnh hưởng của bạn ấy khá lớn và bạn chỉ nhận quảng cáo sản phẩm thuộc thương hiệu lớn, có chất lượng và đáng tin cậy. Do đó, bạn cần thời gian cho chính con mình trải nghiệm sản phẩm trước, nhận thấy kết quả như con yêu thích hương vị của sữa rồi mới quyết định hợp tác.

Vậy nên, khi làm công việc này, tôi nghĩ cần nhất là sự kiên nhẫn cũng như mở rộng và duy trì mối quan hệ với nhiều Influencer.

* Từ kinh nghiệm của mình, chị hãy chia sẻ những điểm cần lưu ý khi thực hiện một chiến dịch Influencer Marketing?

Chị Ngọc Bích: Mỗi chiến dịch mà mình thực hiện sẽ có rất nhiều rủi ro. Với kinh nghiệm của mình, có 4 lỗi phổ biến mà tôi thấy marketer thường mắc phải làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai Influencer Marketing.

Thứ nhất, marketer không xác định rõ ràng mục tiêu chiến dịch ngay từ đầu, hoặc các hoạt động không cùng hướng đến mục tiêu sau cùng. Nhiệm vụ của marketer là làm rõ yêu cầu nếu brief chưa rõ để tránh những rủi ro khi lựa chọn Influencer, và đảm bảo hoạt động diễn ra đúng hướng.

Thứ hai, chọn Influencer thật “hot” không phải lúc nào cũng phù hợp. Và chọn Influencer có độ phủ sóng nhỏ không có nghĩa là kết quả chiến dịch sẽ kém hiệu quả. Như tôi đã nói, tuỳ thuộc vào mục tiêu, chúng tôi sẽ có những lựa chọn Influencer khác nhau.

Thứ ba, không đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực để phân tích brief, TA cũng như follower của các Influencer. Đây là bước tối quan trọng khi triển khai một chiến dịch Influencer Marketing trong thực tế.

Cuối cùng là “lười” giữ liên lạc với những Influencer mà chúng ta từng làm việc. Một trong những lới ích lớn của việc duy trì kết nối là có thể mau chóng đưa ra phương án thay thế khi có những rủi ro xảy ra.

* Cảm ơn những chia sẻ thú vị từ hai chị.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Tường Vi / Brands Vietnam