Marketer Phong Cách Mộc
Phong Cách Mộc

Manager @ Phong Cách Mộc

FBA: 5 xu hướng phát triển mô hình F&B trong tương lai

Trong phạm vi bài viết này, Phong Cách Mộc sẽ điểm qua các xu hướng phát triển mô hình F&B trong tương lai. Các xu hướng chú trọng vào 2 nội dung: tối ưu trải nghiệm khách hàng và tối thiểu rủi ro, chi phí cho chủ đầu tư.

Đây là một báo cáo chuyên đề được tổng hợp và phát hành từ Hiệp hội FBA – Food & Beverage Associates.

1. Mô hình giảm tỷ lệ lệ thuộc vào các chi phí mặt bằng và nhân sự

COVID-19 đã giáng một đòn mạnh mẽ lên các doanh nghiệp F&B. Những điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, thay đổi mô hình là điều tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và chuyển mình. Những thay đổi này cũng là điều kiện để nhiều mô hình mới và phù hợp hơn ra đời.

Mô hình All-in-shop/1-stop-solution

Tiêu biểu có thể kể đến mô hình tiện ích bán lẻ CVLife (Convenience Life) của Tập đoàn Masan mang tên Fresh & Chill. Chuỗi tiện ích bao gồm: mặt hàng FMCG, sản phẩm thịt tươi MEAT Deli, thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn Hifresh, quầy dược phẩm Phano, thương hiệu đồ uống Phúc Long, tích hợp dịch vụ ngân hàng Techcombank.

Nguồn: thanhnien

Các tiện ích được đưa về cùng một đầu mối, thúc đẩy khách hàng hành động nhiều hơn. Danh mục hàng hoá tinh gọn nhưng đáp ứng nhu cầu sử dụng cấp thiết. Mô hình một điểm đến – đa trải nghiệm hứa hẹn sẽ tạo thành cơn sốt với tệp khách hàng công sở, giới trẻ với xu hướng mua sắm hiện đại. Các thương hiệu F&B tham gia mô hình này sẽ đóng vai trò như một mắt xích trong hành trình mua hàng. Diện tích khiêm tốn nhưng cơ hội tiếp cận khách hàng rất tiềm năng.

Mô hình ki-ốt hoá

Khác với mô hình ở trên, ki-ốt hướng đến tệp khách có hành vi tiêu dùng tối giản, nhanh gọn. Các ông lớn trong ngành F&B, đặc biệt là mảng cà phê như Highland, Ông Bầu, Passio… cũng bắt đầu “xuống đường” khi nhìn thấy những ưu điểm về nhân sự lẫn mặt bằng. Với nhân lực tối thiểu, mô hình ki-ốt lại mang về hiệu suất tối ưu khi vừa hỗ trợ gia tăng thị phần, vừa thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu.

Nguồn: CafeF

Một ví dụ khác là mô hình ki-ốt của The Coffee House được tích hợp trong chuỗi cửa hàng tiện lợi KingfoodMart (thuộc hệ sinh thái công ty mẹ). Trong thời gian dịch, các cửa hàng chỉ phục vụ được 50% công suất, hình thức này đã giúp The Coffee House đáp ứng 50% lượng khách còn lại bằng cách bán mang đi. Mô hình ki-ốt cũng là một trong những hình thức nhượng quyền của thương hiệu cà phê Ông Bầu. Với kinh phí ban đầu thấp, mô hình này là lựa chọn tối ưu cho chủ đầu tư có ngân sách khiêm tốn mong muốn khởi nghiệp.

2. Mô hình nhượng quyền

Nguồn: LeaderNetwork

Nhượng quyền là xu hướng phát triển của ngành F&B những năm trở lại đây. Hình thức này còn rầm rộ hơn trong cộng đồng khởi nghiệp khi xử lý tốt bài toán chi phí, tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có trên nhiều phương diện. Bên nhượng quyền thì mở rộng với rủi ro về tài chính thấp hơn. Còn bên nhận quyền có thể có được doanh thu sớm hơn, chi phí cung ứng đầu vào cũng tiết kiệm hơn so với tự đầu tư.

Thị trường nhượng quyền F&B Việt Nam vẫn luôn nhộn nhịp và được đánh giá là tiềm năng. Minh chứng là sự hiện hữu của nhiều thương hiệu lớn như McDonald’s, Pizza Hut… trong những năm qua. Chiều ngược lại, các thương hiệu Việt cũng đã dần vượt ra ranh giới nội địa với sự xuất hiện của Cộng Cà Phê tại Hàn Quốc, Highland Coffee tại Philippines…

Cheese Coffee là một đại diện nổi lên gần đây với những tín hiệu tìm kiếm đối tác đầu tiên. Đây là thương hiệu cà phê được các bạn trẻ yêu thích với menu thức uống đặc biệt và không gian ấn tượng. Trở thành đối tác của Cheese Coffee sẽ là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp nối những lợi thế sẵn có về phương diện sản phẩm, thương hiệu…

3. Thương hiệu tại đô thị lớn đầu tư về đô thị các tỉnh

Sự giậm chân tại chỗ của nhiều doanh nghiệp F&B khi TP.HCM “đóng băng” vì giãn cách đã đặt ra câu hỏi về xu hướng phát triển mới trong tương lai của ngành. Việc chuyển dịch về đô thị các tỉnh mang lại một số lợi thế nhất định. Các địa phương này ít chịu tác động của dịch bệnh, chi phí rẻ hơn. Đồng thời, các thương hiệu đã có tên tuổi dễ được người tiêu dùng ở đây chấp nhận hơn.

Nguồn: The Coffee House

Chẳng hạn như The Coffee House, ngoài các thành phố lớn, còn có nhiều chi nhánh tỉnh tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Kiên Giang… Phúc Long Coffee & Tea cũng xuất hiện tại Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…

Nguồn: Phúc Long Coffee & Tea

Mặt khác, các chủ đầu tư có thể chọn khởi đầu tại thị trường tỉnh, tự mở ra tệp khách hàng tiềm năng dựa trên xu hướng phát triển F&B trong tương lai.

4. Kết hợp hai chiều giữa phân phối thực phẩm và dịch vụ F&B

Ở chiều hướng thứ nhất, các mô hình dịch vụ F&B sẽ tích hợp thêm mô hình sản xuất và phân phối thực phẩm như một giải pháp an toàn và định hướng kinh doanh lâu dài. Với chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm sẽ chủ động tích hợp mô hình dịch vụ F&B để tự tạo đầu ra cho chính mình. Đặc biệt, họ sẽ tập trung vào phát triển các chuỗi điểm bán sở hữu hoặc nhượng quyền.

Một ví dụ điển hình gần đây là trường hợp của thương hiệu Pizza 4P’s. Ngoài bán các sản phẩm chủ đạo, Pizza 4P’s còn cung cấp phô mai cho các kênh Horeca, một số chuỗi siêu thị mini và trên Box 4P’s (kênh bán thực phẩm riêng). Bên cạnh đó, Pizza 4P’s còn tạo ra những đột phá trong mùa dịch với các sản phẩm pizza đông lạnh. Thương hiệu vốn đã nổi danh trên thị trường với những ý tưởng sáng tạo, giờ lại đột phá hơn khi đóng hộp một món ăn tưởng chừng chỉ có thể ăn tại chỗ.

Nguồn: Afamily

5. Mô hình “Farm to table” (từ nông trại đến bàn ăn)

Dịch bệnh diễn ra khiến các nhà đầu tư quan tâm về ngành nông nghiệp nhiều hơn. Người tiêu dùng cũng khắt khe hơn với nguồn gốc thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ và quy trình chế biến ngay sau khi thu hoạch ngày càng được ưa chuộng. Khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để nhận được giá trị tương xứng về sức khoẻ.

Nguồn: kilala

Pizza 4P’s là một thương hiệu Pizza đến từ Nhật Bản, hoạt động theo mô hình từ vườn đến bàn ăn với trang trại riêng chuyên trồng rau củ và thảo mộc hữu cơ. Đối tác của Pizza 4P’s là trang trại Thiên Sinh (Đơn Dương, Lâm Đồng) với mô hình nuôi trồng khép kín công nghệ cao. Các phương pháp canh tác hữu cơ được ứng dụng tại đây vừa cho ra đời những sản phẩm chất lượng – an toàn, vừa giảm bớt những tác hại đến môi trường.

Nguồn: kilala

Những thói quen và hành vi về ăn uống cũng có nhiều biến chuyển. Theo báo cáo từ Q&Me, người dùng chọn nấu ăn tại nhà chiếm hơn ½ so với các hình thức khác. Chính điều này sẽ mở ra cơ hội cho những đơn vị giải được bài toán về niềm tin và an toàn thực phẩm với mô hình farm-to-table.

Nguồn ảnh: Q&Me

Xu hướng sinh ra bởi những nhu cầu thiết yếu và sự chuyển dịch mạnh mẽ của toàn thị trường. Tuỳ vào định hướng phát triển và tệp khách hàng mà doanh nghiệp nắm bắt xu hướng sao cho phù hợp. Quan trọng hơn cả là nhìn nhận câu chuyện về dài hơi để có những bước đi đột phá, tăng khả năng dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường.

* Nguồn: Hiệp hội FBA