Gen Z đi làm: Đừng quên mang theo "trách nhiệm"

Gen Z bây giờ thật sự giỏi, thật sự ham học, và có khả năng kiếm tiền không thua kém gì, thậm chí vượt trội so với các Gen trước. Thực lòng mà nói, trực tiếp làm việc với nhiều bạn GenZ những năm gần đây, mình quan sát thấy các bạn có rất nhiều ưu điểm như sự nhanh nhạy, khả năng sử dụng công nghệ, nắm bắt xu hướng, thích thể hiện cá tính, màu sắc của mình. Thế nhưng, những điểm mạnh đó lại trở thành điểm yếu nếu nó được thể hiện quá đà hay nuôi dưỡng những thói quen xấu.

Gần đây mình có nói chuyện với vài anh chị, ai cũng lắc đầu ngao ngán và không hiểu sao các bạn trẻ bây giờ khó hiểu đến thế. Gần như là tình trạng chung, công ty nào cũng gặp.

Chị A kể, khi làm việc với các bạn gen Z:

- Ủa em? Em bắt tay vào làm chưa?

- Ủa em? Sao làm xong em ko báo chị 1 tiếng

- Ủa em? Sao em không làm cũng ko nói gì vậy?

“Không hiểu sao luôn, chị làm việc với mấy bạn Gen Z bị cái tính y chang là tĩnh lặng. Làm hay không làm cũng ko nói, làm xong rồi hay chưa xong cũng ko nói. Mặc định kiểu chị tự đi mà hỏi, tự đi mà check”

Anh B thì thở dài vì mới cho một bạn nghỉ việc bởi tính vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu nghiêm túc trong công việc. Dù đang trong giai đoạn thử việc nhưng bạn đi làm trễ đến 8 lần/tháng. Sau khi được nhắc nhở riêng và cảnh cáo bạn hứa hẹn đã đời xong đâu lại vào đấy, lần nào cũng một lý do “Em xin lỗi. Không hiểu sao em ngủ quên”.

Một người bạn của mình cũng đau đầu về việc nhân viên thường xuyên nhắn tin xin nghỉ ốm vào 8h30 sáng, không cần chờ sếp đồng ý, phong độ thất thường tùy tâm trạng yêu đương. Và rồi, một ngày bạn nhân viên đó tự nhiên biến mất không dấu vết, không đến công ty và để lại những dự án mình đang phụ trách. Sếp, đồng nghiệp các team liên quan hay phòng Nhân sự không thể liên lạc với bạn. Dù vẫn online nhưng nhắn tin, gọi điện bạn không trả lời. Báo hại team bạn đang căng mình với deadline mùa cao điểm còn phải gồng mình xử lý công việc bừa bộn mà bạn để lại vì bất ngờ nghỉ ngang.

Gen Z muốn được làm việc một cách linh hoạt, đồng thời cũng cũng có đời sống tinh thần phong phú hơn, không chỉ cắm mặt vào làm việc, có nhiều sự lựa chọn hơn nên một khi có khó khăn hoặc bất lợi nào đó trong công việc các bạn dễ dàng từ bỏ. Việc gì cũng muốn làm, ôm đồm nhưng làm không tới nơi tới chốn. Thích mọi thứ, thử mọi thứ nhưng chỉ được vài ba hôm.

Tất nhiên không phải bạn GenZ nào cũng như vậy. Nói một cách công bằng, trong team của mình hay của chị A, anh B, chị C cũng có những bạn luôn tích cực, chủ động xử lý công việc, lễ phép, biết lắng nghe và cầu tiến, biết sai và sửa sai, luôn cố gắng hết mình cho công việc. Dù đã gặp không ít bạn GenZ như trong bài hôm qua mình kể, cũng từng thất vọng vì trao niềm tin và nhận lại trái đắng...nhưng điều may mắn là mình cũng đang làm việc với những bạn khác vô cùng tích cực:

- Tối nào cũng vậy tầm 22-23h mình mở máy làm việc, xác suất mình gặp bạn X cũng đang online (trên google sheet/docs) là 70%. Ngay lúc này cũng vậy. Bạn sẽ luôn chủ động báo cáo và sắp xếp trước công việc cho ngày hôm sau, quan tâm đến những bạn khác.

- Bạn Y thường là người về trễ nhất công ty vì khối lượng thiết kế hay phát sinh nhiều đột biến, nhất là vào mùa campaign Ecommerce. Bạn hay ở lại đến 7h,8h tối. Mình cũng là người hay về trễ nên mình biết. Hôm nào bạn về sớm thì sẽ giải quyết ở nhà để sáng hôm sau team khác có đủ banner để chạy ads.

- Bạn Z dù đang làm việc ở nhà, WFH nhưng hễ đi đâu đó 15 phút bạn cũng đều nhắn tin xin phép như đi xuống nhà lấy đồ. Khi về bạn đều báo cáo "Em về rồi chị ạ, bây giờ em làm tiếp" dù mình không hỏi. Bạn luôn là người check in sớm nhất team, làm việc từ 8h sáng dù 8h30 mới vào giờ làm. Có khi nhắn tin gửi banner duyệt vào 7h30 sáng.

- Bạn M đoán trước là mình sẽ cần banner K, bạn làm luôn, khi mình hỏi bạn nói "Em đã chuẩn bị xong rồi đây". Thậm chí, bạn còn làm đến 5-6 option "Để chị chọn cho dễ ạ".

Đơn giản, các bạn này luôn có ý thức trách nhiệm đó là công việc của chính mình, và mình phải có trách nhiệm giải quyết nó một cách chủ động không cần ai nhắc nhở, răn đe, gọi tên.

Thực lòng mà nói, nếu như các bạn biết phát huy những điểm mạnh của thế hệ mình về sự nhạy bén thông minh, sáng tạo và một chút kiên trì, kỷ luật trong công việc thì chắc chắn bạn sẽ đi xa hơn rất nhiều. Quan trọng hơn hết, đó là tinh thần “trách nhiệm” được hiểu như sau:

TRÁCH NHIỆM ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÂN VIÊN ƯU TÚ

  1. Trách nhiệm với lựa chọn của mình: với mỗi công việc trước khi bắt đầu hãy nghiên cứu thật kỹ, xem xét khả năng đảm trách của mình, thời gian mình có thể dành cho nó hay mức độ hứng thú. Khi bạn xác nhận làm việc đó rồi thì không hối hận, không đứng núi này trông núi nọ. Trước khi kết thúc, hãy nghĩ đến lý do mà bạn bắt đầu.

  2. Trách nhiệm với tương lai của mình: Có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Bạn hãy tự hỏi bản thân mình phù hợp với công việc như thế nào hay 3-5 năm sau mình sẽ đứng ở đâu, luôn nỗ lực bổ sung kiến thức, rèn luyện tâm tính, đọc sách nhiều, học hành, mở rộng mối quan hệ.

  3. Trách nhiệm với hành động của mình: làm đúng chất lượng, làm đến cùng, để cái tâm vào công việc, suy nghĩ về hậu quả nếu mình không làm hoặc làm không tốt. Tốt nhất, những việc liên quan đến mình thì xử lý cho gọn gàng sạch sẽ, để người tiếp theo còn làm được. Hãy làm một cách có tâm nhất có thể vì đó là uy tín, năng lực của mình thể hiện ra khi làm cái task đó. Mình đã hài lòng với nó chưa hay còn thấy xấu, còn thấy chưa đạt vì chỉ làm qua loa cho có?

  4. Có tính cam kết: Trong một công ty, mỗi vị trí đều có mối liên quan đến nhau, mỗi người là một mắt xích. Output của người ta là input của người kia luân phiên nhau, Nếu bạn A làm chậm trễ hoặc làm không đạt chất lượng, team sẽ mất thời gian làm lại hoặc thay thế, vì vậy bạn B sẽ không có thông tin nghiên cứu để tiếp tục làm idea của mình. Vì vậy, nếu bạn đã nói là phải làm, làm đúng cam kết. Không nhận bừa rồi để đó, không làm cũng không thông báo ai để tới khi hết thời gian rồi mới bung bét ra thì những người xung quanh không đỡ nổi. Làm đúng theo thời gian đã hẹn. Đừng vì một bộ phim hấp dẫn hay một cuộc hẹn mới với người yêu rồi bỏ qua việc mình cần phải làm, tự nhủ thôi kệ để ngày mai và không có bao giờ….Việc này sẽ rất tai hại khi bạn làm việc trong tập thể.

  5. Chủ động: Bạn làm chủ công việc của chính bạn, nắm bắt mọi thông tin đến nó và là người trực tiếp chịu trách nhiệm xử lý việc đó 100%, sếp và đồng nghiệp chỉ là người hỗ trợ. Chủ động update tiến độ, chủ động hỏi thêm thông tin, chủ động đưa ra giải pháp và chủ động học hỏi, tìm tòi thêm. Những bạn này khiến những người sếp vô cùng an tâm khi giao việc.

  6. Kiên trì: Nhẫn nại và cố gắng với mục tiêu mình đề ra ban đầu, chấp nhận những khó khăn thử thách và cố gắng hết sức trước khi bỏ cuộc. Hãy cố thêm một chút nữa, suy nghĩ cẩn trọng, và nhìn xa hơn để thấy cần phải cố gắng nhiều hơn ở thời điểm hiện tại. Làm một công việc liên tục trong 1,5 năm bạn có thể lên vị trí Leader, nhưng làm 3 công việc khác nhau trong cùng thời gian đó thì không, vì cứ mỗi 6 tháng bạn lại thay đổi với đam mê mới, công việc mới một cách mông lung.

Lời khuyên cuối cùng của mình dành cho các bạn, là hãy tìm kiếm cho mình một người mentor để được định hướng đúng đắn hơn, tiết kiệm thời gian trên hành trình khám phá bản thân, tránh đi những sai lầm mà họ đã từng gặp khi còn trẻ. Họ có thể là sếp bạn, một người đồng nghiệp hơn tuổi, các anh chị giỏi chuyên môn trong nghề. Bạn có thể chủ động tìm kiếm và tiếp cận họ qua các khóa học, sự kiện, các Group Facebook hoặc môi trường công việc. Nếu bạn có sự cầu thị, biết cách lắng nghe và nỗ lực theo đuổi thì không ai từ chối giúp đỡ bạn đâu.

Cuối cùng, mình luôn yêu quý và tin rằng nếu các bạn GenZ biết phát huy đúng thế mạnh của mình và chuẩn bị một tâm thế tốt cho tương lai thì con đường bạn đi sẽ nhanh hơn và ít phải trả giá cho những sai lầm thời “con trẻ”. Hãy tập làm quen với sự trưởng thành và cách làm việc chuyên nghiệp hơn. Chúc các bạn trở thành nhân viên ưu tú, ai cũng muốn làm việc cùng!

---

Nguyễn Thị Thu Hảo - Marcom Manager

GIGAN JSC - Digital Performance Agency

Giảng viên, Chuyên gia tại Brands Vietnam