Tenmax: Động thái Facebook trước cáo buộc gây độc hại đến người trẻ? YouTube mở rộng Shoppable Ads sang CTV

Trong bài viết này, Tenmax tổng hợp các tin tức nổi bật sau: (1) Facebook có động thái ra sao khi gặp cáo buộc gây độc hại đến thanh thiếu niên? (2) Instagram thử nghiệm tính năng cảnh báo người dùng, Like trên Stories, chia tay IGTV; (3) YouTube mở rộng định dạng quảng cáo mua sắm sang CTV; (4) Tập trung phát triển mô hình thu phí sẽ là hướng đi mới của Google, Twitter?

Facebook có động thái ra sao khi gặp cáo buộc gây độc hại đến thanh thiếu niên

Instagram đang ảnh hướng tiêu cực đến người dùng thanh thiếu niên

Vào ngày 10/10, bà Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ, cáo buộc Facebook đã không hoàn thành các trách nhiệm xã hội của mình để tăng mức độ gắn bó của người dùng, mà ngược lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Instagram thậm chí trở nên độc hại hơn với thanh thiếu niên (13-18 tuổi); đặc biệt, có đến 32% đối tượng nữ trong độ tuổi vị thành niên cảm thấy tiêu cực lẫn thể chất và tinh thần. Nghĩa là trong 3 cô gái trẻ sử dụng Instagram thì sẽ có 1 người mang cảm xúc tiêu cực (tự ti về ngoại hình, bắt nạt trực tuyến, quấy rối trực tuyến…).

Ngay sau khi thông tin được đưa ra, Facebook đã bị đặt dấu hỏi nghiêm trọng và không lâu sau đó, nền tảng này đã bị tê liệt 6 tiếng đồng hồ do hệ thống người dùng bên ngoài và nội bộ đều bị lỗi, khiến giá cổ phiếu của công ty giảm đáng kể.

Phương thuốc cứu chữa ngắn hạn hay lâu dài?

Facebook phản đối sự cáo buộc của bà Haugen, đồng thời tung ra một vài tính năng mới nhằm thể hiện sự chân thành và nỗ lực giải quyết tình trạng này.

  • Công bố chính sách mới nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối, bắt nạt trực tuyến. Ngoài ra, Facebook sẽ bắt đầu kiểm duyệt và xoá các bài đăng có nội dung không lành mạnh của các nhân vật nổi tiếng, cũng như bất kỳ nhận xét nào xúc phạm ngoại hình của người khác.
  • Đưa ra những biện pháp mới khuyến khích thanh thiếu niên tránh xa các nội dung độc hại, đồng thời sẽ ra mắt tính năng “Take a Break” trên Instagram nhằm giảm thiểu thời gian sử dụng Instagram của thanh thiếu niên.

Liệu các “phương thuốc” này có thực sự cải thiện những vấn nạn trực tuyến mà người dùng Facebook nói chung và thanh thiếu niên nói riêng đang gặp phải không? Mặt khác, Facebook cũng không dám đưa ra cam kết chắc chắn sẽ bảo vệ trẻ em trong thế giới trực tuyến, nên đã tạm dừng kế hoạch phát triển nền tảng Instagram Kids.

Instagram thử nghiệm tính năng cảnh báo người dùng, Like trên Stories, chia tay IGTV

Thử nghiệm tính năng cảnh báo người dùng khi Instagram bị lỗi hệ thống

Vào đầu tháng này, trước sự cố sập hàng loạt của hệ sinh thái Facebook, Instagram cũng nhân cơ hội thử nghiệm tính năng gửi thông báo cảnh báo đến người dùng ngay khi xảy ra sự cố kỹ thuật, và người dùng không cần phải chuyển sang Twitter để cập nhật tình hình mới nhất của Instagram. Dĩ nhiên, tính năng này có khả năng không thể hoạt động nếu như hệ thống bị tê liệt ở quy mô lớn. Trước mắt, tính năng đang được thử nghiệm tại thị trường Mỹ và có thể sẽ mở rộng cho Facebook, WhatsApp.

Thông báo lỗi kỹ thuật trên Instagram giúp người dùng đỡ hoang mang khi biết đây là lỗi từ phía nhà cung cấp
Nguồn: Instagram

Thử nghiệm tính năng Like trên Stories

Hiện nay, người dùng có thể thả emoji icon hoặc gửi tin nhắn trực tiếp khi cảm thấy thích thú với Stories của một ai đó, thậm chí chia sẻ, chuyển tiếp nội dung Stories. Tuy nhiên, việc thả biểu tượng cảm xúc sẽ xuất hiện trong phần tin nhắn riêng của người nhận, điều này đặc biệt gây bất tiện cho các KOL/KOC khi mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm tin nhắn gửi đến mình. Do vậy, Instagram đang thử nghiệm nút Like trực tiếp trên Stories, giúp việc tương tác trở nên nhanh, gọn, lẹ và creators không bị áp lực khi nhận hàng loạt tin nhắn đến từ các fan.

Chia tay IGTV, hợp nhất các tính năng video thành Instagram Video

Giám đốc Điều hành Instagram, Adam Mosseri, đã thông báo rằng sẽ xoá bỏ IGTV và thống nhất các tính năng đăng tải video (trừ Reels) thành một định dạng chung là Instagram Video. Qua đó, tại tab Video (với biểu tượng nút Play), người dùng dễ dàng xem nội dung ảnh và video, mà không cần phải chuyển đổi giữa các tab qua lại như trước đây.

YouTube mở rộng định dạng quảng cáo mua sắm sang CTV

Theo dữ liệu của YouTube, vào thời điểm tháng 12/2020, có hơn 120 triệu người Mỹ đã quen sử dụng màn hình TV để xem YouTube hoặc YouTube TV; trong đó hơn 25% đăng nhập tài khoản YouTube để xem chủ yếu trên TV, và phòng khách trở thành nơi cần thiết để các thương hiệu thúc đẩy chuyển đổi gia tăng với đối tượng mới.

Các thử nghiệm ban đầu của YouTube với “Video action campaigns” cho ra kết quả có hơn 90% chuyển đổi từ CTV không tiếp cận qua thiết bị di động và máy tính. Điều này giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh bằng cách tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến nhiều hơn.

YouTube mở rộng Shoppable Ads sang nền tảng CTV
Nguồn: Google Blog

Đối với người dùng: Khi thấy quảng cáo mua sắm xuất hiện trên màn hình TV, logo và URL của thương hiệu sẽ xuất hiện ở góc trái bên dưới, sau đó có thể chọn ‘Send to Phone’ để mua sắm trên thiết bị điện thoại, mà không gây cản trở trải nghiệm xem video trên TV.

Đối với nhà quảng cáo: Conversion Lift (bản beta) sẽ giúp nhà quảng cáo đo lường tác động của quảng cáo YouTube đối với việc thúc đẩy hành động chuyển đổi như: truy cập website, đăng ký, mua hàng và các loại chuyển đổi khác.

Tập trung phát triển mô hình thu phí sẽ là hướng đi mới của Google, Twitter?

Google dự tính ra mắt dịch vụ trọn gói Pixel Pass?

Vào tháng 9/2020, Apple đã ra mắt dịch vụ đăng ký trọn gói Apple One gồm Apple Music, Apple TV +, Apple Arcade, iCloud + với mức giá mỗi tháng là 175.000 VND (Individual) và 199.000 VND (Family). Nhiều người cho rằng Google cũng lên kế hoạch cạnh tranh với Apple, tung ra dịch vụ đăng ký trọn gói Pixel Pass bao gồm YouTube Premium/Music, Google One, Play Pass, Google Fi… Tuy nhiên, nội dung chi tiết về Pixel Pass dự kiến sẽ được công bố trong buổi họp báo vào ngày 20/10 của Google.

Nguồn: Twitter

Twitter tập trung hoả lực cho các dịch vụ thu phí

  • Đầu tháng 1: Mua lại báo điện tử Revue, thu 5% phí từ thu nhập của creators và những chi phí cơ bản khác.
  • Cuối tháng 2: Ra mắt Super Follows cho phép người dùng trả phí cho creators, để có được những nội dung khác mà người không trả phí không thấy được.
  • Tháng 5: Mua lại nhà cung cấp dịch vụ Scroll, cho phép người dùng trả phí hàng tháng để đổi lấy môi trường không có quảng cáo
  • Tháng 6: Ra mắt Twitter Blue, người dùng trả phí để có được những tính năng nâng cấp gồm: tuỳ chỉnh giao diện của app, thư mục đánh dấu, undo bài tweet trong vòng 30 giây…

Cho đến tháng 10, Twitter đã quyết định bán đi nền tảng quảng cáo di động MoPub. Phải chăng Twitter có ý định sẽ từ bỏ mảng quảng cáo kỹ thuật số đang cạnh tranh khốc liệt, thay vào đó tập trung phát triển các dòng sản phẩm thu phí của mình?

* Nguồn: TenMax (Tổng hợp)