Giả kim thuật trong viết – Phần 1: Mở ra con mắt thứ ba

Trong việc viết, nếu bạn biết quan sát và chăm chỉ đọc các writers (người viết) trên thị trường, thì đó là điều tốt. Nhưng chỉ ‘quan sát’ mà thiếu vắng ‘nhận biết’, thì mọi thứ sẽ trôi qua và không còn đọng lại gì trong bạn. Vừa quan sát và nhận biết, bạn đã mở ra “con mắt thứ ba” của mình.

“Ở Ấn Độ có một người đàn bà, tên là Shakuntal, đã đi vòng quanh thế giới và vào hầu hết các trường đại học để thể hiện sức mạnh của trực giác. Bà ấy không phải là nhà toán học, thậm chí không được giáo dục nhiều – chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhưng khi Albert Einstein còn sống, bà đã có một màn trình diễn trước ông ấy. Đó là một màn trình diễn kỳ lạ. Bà ấy ngồi với viên phấn trong tay trước tấm bảng đen, bạn hỏi bất kỳ câu hỏi nào về toán hay số học, và ngay khi bạn còn chưa kết thúc câu hỏi thì bà ấy đã bắt đầu viết ra câu trả lời.

Albert Einstein nói: “Tôi đã hỏi người đàn bà này một câu mà bản thân mất ba tiếng để giải bởi vì tôi phải tuân theo toàn bộ phương pháp; tôi không thể nhảy ngay từ câu hỏi sang câu trả lời được; người khác thậm chí có thể mất đến 6 giờ hoặc hơn, nhưng tôi có thể làm nó trong ba giờ thôi, nhưng mọi bước cần được tuân thủ. Bằng không dù chỉ bỏ lỡ một bước nhỏ thôi…”. Và trước khi Einstein kết thúc câu hỏi, bà ấy đã bắt đầu viết ra câu trả lời.

- Bà làm nó thế nào?

- Tôi không biết cách làm nó đâu. Nó đơn giản xảy ra vậy thôi. Ông hỏi tôi và con số bắt đầu xuất hiện trước mắt tôi, ở đâu đó bên trong. Tôi có thể thấy 1, 2, 3 và tôi chỉ viết ra thôi.”

Nguồn: Sưu tầm

Đó là câu chuyện về một người đàn bà sinh ra với trực giác mạnh mẽ. Các bạn có thể cho rằng ai đó rảnh rỗi mà hư cấu ra – điều này không mấy quan trọng, nhưng bạn có nhận ra toàn thể vấn đề ở đây? Có phải người đàn bà trong câu chuyện chỉ ‘thể hiện’ mà không ‘nhận biết’ về trực giác của bản thân, bà chỉ coi đó là điều kỳ lạ của tự nhiên?

Một người viết tốt mà không biết vì sao mình tốt thì tài năng đó cũng như trực giác của người đàn bà nọ – một món quà của thượng đế sẽ sớm nở, tối tàn, không giữ lâu được.

Trong việc viết, nếu bạn biết quan sát và chăm chỉ đọc các writers (người viết) trên thị trường, thì đó là điều tốt. Nhưng chỉ ‘quan sát’ mà thiếu vắng ‘nhận biết’, thì mọi thứ sẽ trôi qua và không còn đọng lại gì trong bạn. Vừa quan sát và nhận biết, bạn đã mở ra “con mắt thứ ba” của mình. Bạn chủ động nhân 2-3 lần sức rướn, bạn giúp bản thân mình trưởng thành nhanh hơn mỗi ngày.

- À, mình có thể áp dụng thủ pháp này.

- Cách thức triển khai luận điểm, luận cứ này hay đó.

- Cú plot twist mới tuyệt làm sao, mình có thể thử vào bài viết sau.

Ai đó đã từng nói: “Nếu bạn đủ thông minh, bạn học từ những lỗi lầm của người khác. Nhưng nếu bạn không thông minh, bạn thậm chí không học được gì từ lỗi lầm của chính mình”. Từ “đủ thông minh” không mang hàm ý chỉ trích sự ngu dốt, mà nên được hiểu là chúng ta nên tỉnh táo và nhận biết nhiều hơn trong mọi việc hàng ngày. Người trí tuệ chưa hẳn là đã tỉnh, kẻ vô giáo dục chắc gì đã say. Lão Tử là một ví dụ tuyệt vời ở đây.

Khi dùng cụm từ “mở con mắt thứ ba của bạn”, mình đã ngụ ý rằng mỗi chúng ta đều có sẵn khả năng đó, không cần tự gây áp lực rằng mình chỉ là kẻ tay ngang. Chỉ cần bạn chịu khó quan sát và nhận thức hơn, bạn có thể học những kỹ thuật viết dưới đây mà không bị mắc kẹt ở bất cứ chiêu thức nào cả. Một lần nữa bạn vẫn là người làm chủ.

Nguồn: Envato

Content Curation

Nhiều bạn than rằng họ bị bí ý tưởng, viết mãi một màu, nhạt nhẽo, không hứng thú cho nổi. Trường hợp này cũng như khi tới giờ cơm, trên mâm ngày nào cũng chỉ có món thịt lợn luộc, thế thì ai vui cho nổi. Tôi muốn 7 ngày là 7 món khác nhau. Tôi muốn ăn thịt rang cháy tỏi, ăn gà nướng mọi chấm muối ớt xanh.... Content Curation có thể là cứu cánh tuyệt vời cho những trường hợp như thế này.

Content Curation, về định nghĩa chi tiết bạn có thể search Google, còn hiểu nôm na là dạng bài biên tập nội dung gốc theo định hướng riêng của người viết. Có một đoạn văn, một câu chuyện, hay một bài phóng sự nào đó tương đồng với thông điệp bạn muốn nói, bạn sẽ lấy ra làm chim mồi cho bài viết của mình. Trong phần thứ nhất của loạt bài “Giả kim thuật trong viết – Bí thuật biến con chữ thành vàng”, mình cũng sử dụng kỹ thuật này. Ưu điểm là đã có sẵn hàng tá ý tưởng ngoài kia, bạn chỉ cần tốn công mà chọn lọc thôi. Khéo chọn cộng với việc người viết có gu thì không bao giờ thiếu thông tin làm chất dẫn.

Khéo chọn cộng với việc người viết có gu thì không bao giờ thiếu thông tin làm chất dẫn.

Nhưng đừng nghĩ công việc biên tập là ngon ăn. Khéo đặt thì vô dễ mà ra cũng dễ. Ai vụng, đọc phát là biết tay nhau liền. Những cú plot twist gấp gáp. Đoạn ngắn, đoạn dài không ăn nhập nhau về văn khí. Đọc một lèo mà ta cảm tưởng giống như đang phải lái xe trên đường núi gập ghềnh khúc khỉu mà chưa được trải nhựa. Hết cả hơi.

Lại nữa, ai mà tham – có vẻ lỗi này nhiều người mắc phải (trong đó có mình), chưa biết hạn chế vấn đề, thấy gì hay cũng nhặt vào, để rồi đoạn nào cũng như một mâm cỗ đầy. Món thì ngon nhưng nhìn vào cứ thấy ứ hự. Và ai có thể suốt ngày ăn cỗ được chứ?

Bạn cũng có thể nâng cấp kỹ thuật Content Curation lên level cao hơn bằng cách, thay vì lấy câu chuyện của người khác, hãy dùng chất liệu có nguồn gốc từ chính câu chuyện của mình. Ta về ta tắm ao ta. Nghe nhiều chuyện đông chuyện tây cũng chán. Ăn mãi món Âu có lúc cũng nhàm. Người đầu bếp tinh ý chỉ cần dọn riêng một bát cơm trắng với đĩa thịt luộc kèm dưa muối có khi lại làm độc giả “ăn” đến thủng nồi.

Thuật biến hoá

Có nhiều bài viết ta đọc thấy trúc trắc ở đâu đó như ăn cơm mà nhai phải sạn, nuốt không nổi. Nhưng cũng là tư tưởng đó, lại có những bài cứ như rót thẳng vào lòng ta, trong thấy khoan khoái mà không một chút kháng cự nào. Là vì đâu?

Thật khó có thể lý giải, bởi lẽ làm việc đó bây giờ chẳng khác câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải năm nào: Nhận 2 điểm từ cô giáo của con mình khi phân tích tác phẩm Mùa Lạc do chính mình sáng tác với lời phê: “Lạc đề, em không hiểu ý tác giả”. Thế nhưng có những kỹ thuật mình từng áp dụng vào bài viết mà tự bản thân, hoặc đã được người khác, nhận xét là tiến bộ hơn xưa, thì nay xin phép được mang ra để chúng ta cùng bàn luận. Nếu mọi người thấy hợp, có thể ứng dụng ở bài viết tới của mình. Trong trường hợp không (việc chắc chắn xảy ra), xin cứ mạnh dạn mà bỏ qua.

Nguồn: Envato

Đầu tiên là lưu ý độ dài và cách ngắt câu bằng dấu. Câu dài, câu ngắn sẽ tạo nên nhịp đọc. Nó còn là thế của câu. Nếu một đoạn chỉ toàn những câu ngắn nối tiếp nhau, thế thì nhịp câu sẽ rất mạnh. Điều này phù hợp với ý muốn mô tả cảnh quan hùng vĩ hoặc tác giả có chủ đích nhấn mạnh vào thông điệp nào đó. Đọc lại Hịch Tướng Sĩ bạn sẽ rõ.

Dấu chấm, dấu phẩy cũng có một chức năng như vậy. Đương nhiên, mình không phải nhà ngôn ngữ học để phân tích bao nhiêu dấu chấm, dấu phẩy là đủ. Kinh nghiệm của mình: (1) nên phối hợp đủ câu dài câu ngắn; (2) nên đọc lại hoặc nhờ người khác đọc. Cơ thể chúng ta hay lắm. Tới chỗ nào làm bạn hụt hơi, hay đọc lên thấy văn kiểu nhát gừng, nó sẽ phát tín hiệu cho ta biết liền.

Thứ nữa, để văn đặc sắc nên phối hợp đủ thể loại viết, từ văn tả cảnh, thuật đối thoại tới phép so sánh. Thi thoảng, bạn nên điểm thêm mỹ từ hoặc chủ đích cho một vài chữ khó – chọc độc giả tức chơi – cho văn đỡ nhạt. Mình không khuyến khích khiêu khích người đọc (vì với mình là sự thiếu tôn trọng). Nhưng nếu bạn làm, phải nhớ đó là chủ đích của bạn. Đừng làm thứ gì mà thiếu nhận biết. Thế thì bát nước chấm của bạn cay đấy, nhưng thử không có ớt coi, cứ thiếu thiếu cái gì ý nhỉ?

Thi thoảng, bạn nên điểm thêm mỹ từ hoặc chủ đích cho một vài chữ khó – chọc độc giả tức chơi – cho văn đỡ nhạt.

Câu hỏi tiếp theo là dùng bao nhiêu là đủ? Cái này thì tuỳ gu của mỗi người. Có một câu nói trong ngành marketing mình thấy khá phù hợp trong trường hợp này. Bạn phải tìm ra “winning zone” của mình vốn là nơi giao giữa cái bạn làm tốt (khả năng của bạn), tiến tới tốt nhất (lợi thế cạnh tranh so với đối thủ) và điều khách hàng muốn (ở đây là người đọc của bạn là ai?). Viết điều mình thích thế rồi cũng lắng nghe phản hồi của mọi người để điều chỉnh cho chung nhịp điệu. Chúng ta cũng đâu sống một mình trên Trái Đất này mà phải không?

Một câu chuyện ngụ ngôn hay thế này: ‘Tội nhân và Thánh nhân, ai mới xứng đáng được lên thiên đường?’ Câu trả lời là Tội nhân. Bởi Thánh nhân cũng từ Tội nhân mà nên. Thánh nhân học hỏi để trưởng thành qua những vấp ngã của bản thân và cả của người khác. Nói vậy không có nghĩa là khuyến khích bạn phạm tội. Phạm tội nhưng phải đi kèm ‘nhận biết’. Thế thì ít nhất bạn sẽ học được điều gì đó. Bạn cũng không còn lặp đi lặp lại lỗi lầm cũ nếu bạn biết sai lầm đó đơn giản là ngốc nghếch.

Bài viết này cũng không phải là hoàn hảo gì cho cam. Đâu đó chỗ này so sánh vẫn còn chưa thực sự liên quan tới ý mình viết. Chỗ kia câu cú còn dài, dụng chữ chưa tinh. Tật tham nữa. Gì thấy hay cũng nhét cho kỳ được. Cứ viết đi. Một màu cũng được. Nhạt cũng được. Bắt chước văn phong của người khác cũng được luôn. Nhưng nhớ quan sát và nhận thức nhiều hơn nữa. Bạn không còn phải áp lực so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Ranh giới giữa tội nhân và thánh nhân khi đó, chỉ đơn giản là đã biến mất.

* Nguồn: EnlightenEdVn