Marketer SR Fashion Business School
SR Fashion Business School

Style Republik Fashion Media and Education Company

Sự phát triển của thị trường resale: Phải chăng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”?

Vấn đề lớn nhất của ngành bán lại là điều gì sẽ xảy ra với những mặt hàng quần áo không-thể-bán-được? Các mặt hàng có thể tránh được tương lai bị ném vào thùng rác, nhưng chúng vẫn cần một nơi để “dung thân” trong trường hợp khách hàng không còn muốn sử dụng.

Các thương hiệu và nền tảng đang hoạt động trong thị trường resale luôn cho rằng lĩnh vực “bán đồ cũ” là một giải pháp bền vững, và khẳng định chắc nịch rằng ngành nghề này đang cứu lấy hàng tấn quần áo bị đổ xuống biển hàng năm, cũng như hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường của ngành thời trang nói chung. Tuy nhiên, các nhà phê bình không nghĩ như vậy. Họ cho rằng vẫn còn đó những vấn đề “nội bộ” trong thị trường resale và doanh nghiệp nên xử lý nó, trước khi nghĩ đến những vấn đề vĩ mô hơn của toàn bộ ngành công nghiệp thời trang.

“Tuy đang ở bên bờ vực, nhưng đây lại là nơi chúng tôi nhìn thấy được sự bùng nổ của ngành công nghiệp resale trong thời gian tới. Và với tư cách là một người ủng hộ đồ secondhand, tôi nghĩ điều đó thật sự tuyệt vời” Emily Stochl, Quản lý vận động (Advocacy Manager) tại Remake, đồng thời là người dẫn chương trình của podcast Pre-Loved chia sẻ: “Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, để không dẫm vào vết xe đổ trước đó của ngành thời trang may sẵn”.

Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng, các hãng thời trang secondhand nên chấn chỉnh lại ngay để tránh gây ra ảnh hưởng và tạo thêm gánh nặng cho một số cộng đồng nghèo nhất trên thế giới.

OR Foundation cho biết, nếu khu chợ Kantamanto ở Accra (Ghana) chỉ mất 4 tháng để kết thúc 1 vòng tuần hoàn thời trang, thì nền tảng secondhand hàng đầu thế giới Thredup mất đến hơn 1 thập kỷ để khối lượng quần áo tương đương được tái chế và sản xuất lại thành công.

Làm thế nào để điều đó có thể xảy ra? Câu trả lời nằm ở điều cơ bản nhất mà ngành thời trang luôn phải tính đến: Số lượng hàng tồn kho. Lượng hàng tồn kho của các công ty resale là một mớ hỗn độn. Không rõ ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc thiết lập cơ sở tái chế và nguồn tiền từ đâu để vận hành dây chuyền tái chế và sản xuất này.

“Bề nổi của tảng băng chìm”

Vấn đề lớn nhất của ngành bán lại là điều gì sẽ xảy ra với những mặt hàng quần áo không-thể-bán-được? Các mặt hàng có thể tránh được tương lai bị ném vào thùng rác, nhưng chúng vẫn cần một nơi để “dung thân” trong trường hợp khách hàng không còn muốn sử dụng. Phía Nam bán cầu (Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, và vùng đang phát triển của Châu Á) có vẻ đang trở thành một địa điểm lý tưởng để xử lý những rác thải thời trang này.

Stochl nói: “Nên hạn chế thải quần áo ra các bãi rác, bãi rác ở đây không có nghĩa chỉ là bãi rác phía sau nhà chúng ta. Nếu muốn theo đuổi sứ mệnh là một ngành thời trang tuần hoàn thật sự, bạn không thể thực hiện nó mà thiếu đi những người cùng chung chí hướng”.

Thredup đã biến hoạt động resale trở nên gần gũi và hấp dẫn đối với công chúng.

Thredup với tỷ lệ chấp nhận 59% vào năm 2020, điều đó nói lên rằng người bán hoàn toàn có thể từ chối nhận lại những items lẽ ra được trả về cho họ. Hoặc không, các công ty buộc phải làm việc với các đối tác tái chế hàng dệt may để tái chế nguồn nguyên liệu và bắt đầu một vòng sản xuất mới. Nhưng các đối tác tái chế sẽ làm gì với quần áo bị bỏ đi, thì Thredup không nói.

“Chúng tôi đã chuyển hơn 100 triệu mặt hàng từ các bãi phế thải. Và chúng tôi đang phục vụ 35.000 thương hiệu trên nền tảng của mình, được chia thành 100 danh mục khách nhau. Châm ngôn của chúng tôi ngay từ đầu là: Sẽ không thể tạo ra sự khác biệt trong hệ sinh thái thời trang và quần áo, trừ khi chúng tôi thực hiện được điều đó ở một quy mô lớn” – Chủ tịch Thredup, ông Anthony Marino nói.

Mặc dù vậy, chỉ riêng thị trường Kantamanto ở Accra vẫn diễn ra một vòng tuần hoàn với khối lượng quần áo bị vứt đi tương tự: 100 triệu món đồ, và 4 tháng một lần (theo thông tin từ The OR Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu thị trường đồ cũ ở Ghana). Người đồng sáng lập quỹ, Liz Ricketts nói rằng: Vì phần lớn rác thải thời trang đang được thu gom mỗi ngày ở các thị trường “nghèo” như Kantamanto đến trực tiếp từ các thị trường resale, nên những doanh nghiệp như Thredup phải có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm cho điều này.

Vì các nhà bán lẻ đã quyết định quyên góp hoặc “xả hàng” tồn kho cho những thị trường secondhand trên toàn cầu (điều mà các tổ chức từ thiện như Goodwill hay làm) thay vì trả tiền để đổ nó vào bãi rác, họ nên chịu một số trách nhiệm tài chính đối với những người đang phải chịu gánh nặng hậu quả của những tấn quần áo không còn sử dụng được.

Những người buôn bán đồ cũ ở khu chợ Kantamanto tại Accra (Ghana) thường không thể nhìn thấy quần áo họ đang mua cho đến khi họ đã bỏ tiền ra để mua món đồ đó.

“Mọi người luôn xoay quanh trong cái vòng luẩn quẩn của những câu hỏi vô bổ: Ai sẽ xây cái gì và nên xây cái gì? Ai sẽ có thể kiếm lời và kiếm lời từ cái gì? Cùng lúc đó, họ tiếp tục gửi những thứ mà họ không thể khai thác để kiếm lời nữa đến chỗ của chúng thôi, mà không sớm thì muộn, họ cũng sẽ đổ nợ và chết chìm trong đống hoang phí này.”

Đó là nguyên nhân sâu xa để Liz ủng hộ và nhận định rằng việc Vestiaire Collective và The RealReal tổ chức các chiến dịch gây quỹ để ủng hộ The OR Foundation. Cô ấy coi đó là một hành động tự giác, dám chịu trách nhiệm cho một vấn đề mà trong hệ thống hiện tại, không một ai dám chịu trách nhiệm.

Vestiaire Collective đã hợp tác với The OR Foundation để gây quỹ và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải của ngành công nghiệp thời trang.

Liz chia sẻ: “Thật sự phấn khích khi thấy các doanh nghiệp đang cùng nhau giải quyết một vấn đề mà chính họ không phải là tác nhân gây ra hoặc cố ý gây ra nó”.

Marino cho biết thêm, hiện nay Thredup đang tập trung vào một bức tranh lớn hơn về việc giảm thiểu chất thải. “Chúng ta không thể biến sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của sản phẩm. Chúng tôi xử lý hơn 100 triệu mặt hàng, và đang giữ chúng ngoài bãi phế thải. Một mình Thredup không thể giải quyết toàn bộ hệ sinh thái”.

Ông cho biết mục tiêu của công ty là bán lại tất cả mọi thứ: “Chúng tôi đang đi những bước đi đầu tiên trong việc giúp người tiêu dùng, thương hiệu và nhà bán lẻ có một cơ hội để làm điều đúng đắn”.

Lời hứa mơ hồ về một tương lai không rõ của hệ thống tái chế

Nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các quy luật hoặc một kế hoạch chiến lược, các nhà nghiên cứu lo rằng hành động resale sẽ chỉ tiếp tục tạo ra thêm những rắc rối cho các vấn đề mà ngành thời trang đang gây ra, chứ không phải giải quyết chúng. Ví dụ, các startup công nghệ ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á đang phát triển các quy trình tái chế hàng dệt may, nhưng dường như không ai biết các cơ sở tái chế sẽ đi đến đâu, ai sẽ tài trợ cho chúng hoặc chúng sẽ liên kết với các bộ phận khác trong hệ thống như thế nào.

Thậm chí, cả Thredup, The RealReal và Vestiaire Collective đều chia sẻ rằng họ không biết ai đang làm việc để giải quyết những vấn đề đó.

Một số người cố gắng chứng minh rằng nó có ý nghĩa về mặt hậu cần (logistics) và cũng sẽ giúp phân bổ nguồn “tài nguyên” đồng đều hơn, để phát triển năng lực tái chế hàng dệt may ở những nơi hiện đang ngập trong rác thải quần áo. Rachel Kibbe, người sáng lập của Circular Services Group cho biết: “Một cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD, điều cần thiết cho quá trình tái chế để cho ra đời nguồn nguyên liệu thô mới nên được phát triển ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi chất lượng quần áo trên thị trường secondhand toàn cầu giảm, khả năng bán quần áo của các cộng đồng cũng sẽ giảm theo”.

The OR Foundation đã và đang gây quỹ để xây dựng một cơ sở hạ tầng như vậy ở Accra, nhưng tiến độ đang rất chậm. Ricketts nói: “Mất rất nhiều thời gian vì tất cả đều nghĩ mình là “diễn viên quần chúng” và đang đợi có một ai đó khác đến làm việc này thay mình.

Cần phải bắt đầu từ đâu?

Hầu hết các doanh nghiệp resale, từ Thredup đến Vestiaire Collective, chia sẻ rằng mục đích hàng đầu của họ là kéo dài tuổi thọ của quần áo và cố gắng ngăn chúng không bị vứt ra bãi rác. Tất cả họ đều đã đạt được điều đó, với những mức độ thành công khác nhau. Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi thọ của quần áo vốn dĩ không làm giảm những ảnh hưởng tiêu cực của ngành của thời trang, trừ khi các khía cạnh khác của ngành công nghiệp này được thay đổi. Một số công ty đang nhìn thể hiện tầm nhìn xa hơn của mình bằng cách cố gắng tạo ra những thay đổi đó.

Giám đốc phụ trách tính bền vững James Rogers cho biết The RealReal muốn cung cấp “hệ thống phản hồi” cho các thương hiệu mà doanh nghiệp đang hợp tác, để khuyến khích các đối tác thiết kế quần áo vì sự bền vững ngay từ những bước đầu tiên. Công ty cũng muốn tác động đến nhận thức và nhu cầu về tính bền vững của người tiêu dùng, để củng cố tiềm năng trên thực tế của kế hoạch này. Ông nói: “Chúng tôi mong đợi và muốn làm nổi bật lên khoảng thời gian khi các công ty bắt đầu tung ra các vật liệu có thể tái chế và được lưu hành trên thị trường”.

Để hạn chế việc lãng phí, Vestiaire Collective đã làm việc với những người bán trên nền tảng của họ để tối đa hoá cơ hội bán hàng thành công. Công ty cũng đang làm việc với các chính phủ và tổ chức như Ellen MacArthur Foundation để “kích hoạt một sự thay đổi mang tính hệ thống”, Wone nói. Cô hy vọng những nỗ lực này sẽ dẫn đến một tầm nhìn chiến lược hơn cho ngành resale.

Cuối cùng, tất cả các nền tảng resale dường như đang tập trung vào cùng một mục tiêu cuối cùng: Giảm tác động tổng thể của ngành công nghiệp thời trang. Và điều đó sẽ không thể thành công nếu không giảm số lượng quần áo được sản xuất mỗi năm. Resale sẽ không phải là giải pháp duy nhất, nếu chúng ta không có gì để resale.

* Nguồn: Style Republik