7 đặc điểm khác biệt khi triển khai Marketing quốc tế #2: Chính sách & Luật pháp

Đây là bài viết tiếp theo trong chuỗi bài 7 đặc điểm khác biệt khi triển khai Marketing quốc tế. Bạn có thể xem lại phần 1 tại đây.

Sản phẩm của doanh nghiệp thường sẽ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy định của nước sở tại khi xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường đó. Doanh nghiệp có thể sẽ phải thay đổi sản phẩm của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương, thay đổi bao bì hoặc nhãn mác để đáp ứng các tiêu chuẩn của người tiêu dùng cũng như đạt được giấy phép để tự do lưu thông hàng hoá trên thị trường xuất khẩu.

Nguồn: AppInstitute

Có 3 nhóm cần lưu ý về luật và chính sách là:

  • Nước của đối tượng khách hàng mục tiêu
  • Nước sở tại
  • Chính sách xuất phát từ nền tảng triển khai và cơ quan khác

Về luật pháp của nước đối tượng mục tiêu

Với hoạt động Marketing, biết luật từng khu vực cũng rất quan trọng. Ví dụ như Email Marketing, chính sách quyền riêng tư, bảo mật thông tin như GDPR (The General Data Protection Regulation), CAN-SPAM, CASL (Canada Anti-Spam Legislation) là những yếu tố không thể lơ là nếu không muốn gặp rắc rối trên thị trường quốc tế.

Các ngành thường gặp trở ngại trong yếu tố luật pháp bao gồm thực phẩm và đồ uống, dược phẩm và thuốc, mỹ phẩm, đồ chơi, thiết bị điện và sản phẩm dệt may. Ví dụ, trong ngành dệt may, nếu muốn xuất khẩu sản phẩm sang Châu Âu, các sản phẩm đều phải tuân thủ Chỉ thị an toàn sản phẩm chung của EU (GPSD) 2001/95/EC, EU GPS GPSD, Chỉ thị REACH và việc sử dụng hoá chất, một số các chứng chỉ như Oeko-Tex 100, ISO, GSV...

Nguồn: Envato

Về luật pháp của các nước sở tại

Ngay tại đất nước Việt Nam, một số điều luật rất ít được người làm Marketing lưu ý, có thể xem tại đây.

Đơn giản nhất như quảng cáo trên Google hay Facebook, nếu doanh nghiệp hạch toán rõ ràng, chắc chắn sẽ gặp vấn đề với kế toán bởi các nền tảng quảng cáo này không có pháp nhân tại Việt Nam. Để được hợp lệ, chúng ta phải đóng thuế nhà thầu 10%.

Về chính sách xuất phát từ nền tảng triển khai và cơ quan khác

Trong giai đoạn tháng 3/2020, nhiều quốc gia cấm quảng cáo khẩu trang khiến các hoạt động Marketing khi đó của Asia Lion triển khai gặp khó khăn. Theo đó Google, Facebook và các công ty công nghệ khác cũng sẽ hạn chế nhóm nội dung này vì lý do thiếu nguồn cung toàn cầu. Đến tháng 1/2021, nước Đức cấm luôn loại khẩu trang vải và ưu tiên khẩu trang y tế.

Nguồn: Envato

Ví dụ, từ 4/3/2021, Google lại tái cho phép quảng cáo các sản phẩm y tế, trừ N95, KN95, FFP2, FFP3, PFF2, PFF3 và KF94.

Ở Việt Nam, marketer sẽ rất mệt mỏi nếu không rõ chính sách của Facebook.

Tóm lại, sự điều phối về chính sách và đường hướng của chính phủ, cũng như các nền tảng quảng cáo rất quan trọng trong việc xúc tiến quốc tế. Marketer bắt buộc cần nắm được một số công cụ Marketing phân tích vĩ mô như PESTLE, SWOT… hay đọc thêm các báo cáo, sách, tạp chí có chứa nội dung cần phân tích. Để thắng 1 trận đánh lớn, đây là yếu tố thiên thời.

Trên đây là nhận định của tôi trong quá trình triển khai thực tế. Nếu bạn biết thêm nguồn tham khảo hữu ích nào khác về luật hay chính sách cần lưu ý khi quảng cáo thì hãy comment chia sẻ nhé.