Re-live Think with Google – Tết 2022: 92% người dùng sử dụng Connected TV để xem YouTube

Ngày 22/7, sự kiện Think with Google – Tết 2022 diễn ra. Các quản lý cấp cao tại Google Việt Nam cung cấp cái nhìn tổng quan về hành vi tiêu dùng và giải pháp cho các doanh nghiệp trong dịp Tết 2022 sắp đến.

Tổng quan Tết 2021 trong “bình thường mới”

Mở đầu buổi chia sẻ, ông Anil Tirunagari – Trưởng nhóm sản phẩm và giải pháp YouTube Việt Nam sơ lược về hoạt động thương hiệu và hành vi tiêu dùng trong Tết 2021. Trái ngược sự im ắng trong thực tế, môi trường kỹ thuật số lại sôi động hơn cả. Hơn 2/3 trong số 1000 người được khảo sát cho biết họ tìm thấy cảm hứng về Tết trên mạng nhiều hơn. Doanh thu bán hàng trực tuyến tăng đáng kể 20-25% so với Tết 2020. Google Trends cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở các hạng mục Thực phẩm tươi sống, Xem gì, và Nhắn tin.

Nhiều thương hiệu tận dụng những xu hướng này để gia tăng kết quả kinh doanh. Chẳng hạn, Suntory PepsiCo kết hợp với YouTube và TV để giúp các thương hiệu con tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn. Hay Viettel Pay tận dụng lại nội dung Tết được yêu thích trên YouTube để thu hút hàng triệu người xem, và lôi kéo được 2.8 triệu khách hàng mới.

Trong bối cảnh này, phần lớn người tiêu dùng Việt luôn không ngừng tìm kiếm nhiều cách thức mới mẻ để tận hưởng Tết trọn vẹn hơn. Họ dùng các dịch vụ kỹ thuật số để mua sắm nhiều hơn cho Tết 2022. Điều này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tái hiện Tết thông qua những giá trị cốt lõi. Theo đó, ông Anil đề ra 3 cách thức mà thương hiệu có thể tận dụng vào dịp Tết 2022:

  • Tết tại nhà: Bằng cách góp mặt trong những khoảnh khắc Tết mà các gia đình đang cùng tận hưởng trước màn hình Connected TV (CTV), cũng như vào khung giờ vàng của mỗi người trong kỳ nghỉ.
  • Tái hiện không gian Tết theo đặc trưng của Việt Nam và theo từng vùng miền: Bằng cách tôn vinh tinh thần đoàn viên của Tết với bản sắc ở từng địa phương.
  • Mua sắm Tết: Bằng cách tham gia vào hành trình mua sắm trực tuyến lớn nhất trong các năm gần đây.

Tiếp theo bà Thao Dao – Analytic Consultant Google Việt Nam đào sâu vào các số liệu và insight tương ứng với 3 cách thức trên. Dựa vào đó, bà Claire Le – Account Manager Google Việt Nam đề xuất các giải pháp từ Google.

Tết tại nhà

Insight

Vào dịp Tết 2021, Google ghi nhận 48% người được khảo sát dành thời gian xem CTV cùng gia đình hoặc một mình nhiều hơn so với Tết 2020. Có thể nói, CTV giúp kết nối gia đình với thế giới nội dung trực tuyến và trở thành một trong những công cụ cần có trong mỗi hộ. Đồng thời CTV mang lại giá trị đặc biệt cho những khoảnh khắc gắn kết gia đình cũng như sự kết nối giữa các thành viên và thế giới bên ngoài.

Với sự gia tăng của CTV, YouTube dần trở thành một người bạn thân thiết của mỗi gia đình. Trong đó có đến 92% người dùng sử dụng CTV để xem nội dung trên YouTube. Điều này giúp YouTube trở thành nền tảng phát video trực tuyến số 1 trong mảng CTV. Theo thống kê từ tháng 5/2021, ở VN có hơn 25 triệu người xem YouTube trên CTV.

Trong Tết 2021, các nội dung liên quan đến âm nhạc và hài kịch tiếp tục nhận được sự yêu mến nồng nhiệt của đông đảo người xem tại Việt Nam trên YouTube. Cụ thể, lượt tìm kiếm chủ đề âm nhạc trên YouTube tăng 54% so với thời điểm thông thường. Thời gian xem nội dung hài hước trên CTV tăng mạnh đến 150% (tháng 5/2021) so với cùng kỳ năm 2020.

Về hoạt động giải trí liên quan đến Game, trong dịp Tết, họ không chỉ tìm kiếm trò chơi nhiều hơn, khoảng 40% so với bình thường mà còn sử dụng YouTube để thưởng thức nhiều loại nội dung khác nhau liên quan đến Game.

Giải pháp

Làm sao để các thương hiệu có thể tận dụng xu thế trên để xây dựng kết nối với khán giả vào dịp Tết? Bà Claire đề cập đến giải pháp Connected TV với các trụ cột Tiếp cận (Reach), Kết nối (Connect), Lan toả (Amplify), Truyền tải (Deliver).

  • Reach: Lập kế hoạch thực hiện chiến dịch CTV độc lập đồng thời với các chiến dịch TV sẵn có hoặc triển khai cùng với chiến dịch YouTube trên nhiều thiết bị. Các phương án này đều có thể được thực hiện với Reach Planner - một công cụ lập kế hoạch truyền thông của Google.
  • Connect: Tạo liên kết nối với người dùng trên màn hình lớn với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn. Song song, thương hiệu cũng cần khai thác các hành vi xem phổ biến của khán giả để thúc đẩy gia tăng phạm vi tiếp cận.
  • Amplify: Thu hút sự chú ý của khán giả với những định dạng có thể tạo ấn tượng mạnh, và trải nghiệm kết nối đột phá.
  • Deliver: Google cung cấp các giải pháp đo lường được cải tiến để áp dụng cho chiến dịch triển khai trên CTV. Chẳng hạn, đánh giá tổng quan chiến dịch với Google Analytics, báo cáo thống kê gồm sơ lượt tiếp cận người xem cùng (Co-viewing Reach), khảo sát Brand Lift đo lường trực tiếp ảnh hưởng chiến dịch CTV mang lại.

Tái hiện không gian Tết theo đặc trưng của Việt Nam và theo từng vùng miền

Insight

Ở phần này, bà Thảo nhấn mạnh về các từ khoá nổi bật được tìm kiếm ở mỗi vùng miền. Theo đó, vào dịp Tết, hoa, món ăn, mâm ngũ quả là 3 từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất.

Đầu tiên, độ tìm kiếm từ khoá “Hoa Tết” tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến, lượt tìm kiếm “Món Tết” tăng 33% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các từ khoá rất khác nhau ở mỗi vùng miền. Chẳng hạn, món “bánh chưng”, “hành muối” thì được ưa chuộng ở miền Bắc, còn ở miền Nam, mọi người lại hay tìm kiếm về món “bánh tét”, “dưa giá” hay “củ kiệu”.

Ngoài ra, Google còn nhận thấy số lượt tìm kiếm “mâm ngũ quả” tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một phát hiện đáng chú ý là từ khoá “dân ca” có số lượt tìm kiếm trên YouTube tăng 76% so với thời điểm bình thường. Điều này phản ánh sự yêu thích các thể loại âm nhạc truyền thống đa dạng trên khắp cả nước Việt Nam, từ “dân ca xứ Nghệ”, “dân ca quan họ” hay “dân ca miền tây”.

Các chương trình truyền thống trong dịp Tết cũng ngày càng sáng tạo hơn, ví dụ như chương trình “Táo Quân”có phiên bản “Táo Quân Tiền Truyện” với sự tham gia của các nghệ sĩ miền Bắc, “Táo Quân Tân Sửu” cùng các nghệ sĩ miền Nam, và “Táo Liên Quân” cho cộng đồng hâm mộ game.

Giải pháp

Trước các dữ liệu bà Thảo vừa chia sẻ, bà Claire bàn về 2 giải pháp truyền thông giúp thương hiệu kết nối với người tiêu dùng trong giai đoạn lên kế hoạch cho Tết 2022.

Thứ nhất, Google mang đến chương trình Một ngày Tết, Muôn niềm vui (One Tết – Many Celebrations Variety Shows). Đây là chương trình quy tụ những nhà sáng tạo nội dung hàng đầu trên YouTube để tôn vinh nét độc đáo của Tết thông qua các nội dung như truyền thống, hài kịch, âm nhạc và ẩm thực độc đáo từ nhiều vùng miền khác nhau.

Thứ hai, Google cung cấp Sub-Geo – tính năng đặt mục tiêu tiếp cận theo từng vùng, cho phép các thương hiệu đẩy mạnh phạm vi tiếp cận rộng lớn tại các khu vực địa lý mục tiêu của họ.

Để làm rõ hơn hiệu quả của 2 công cụ truyền thông trên, bà Claire cung cấp case-study của nhãn hàng 7UP của PepsiCo. 7UP tận dụng API thời tiết để phân bổ các quảng cáo tuỳ chỉnh cho khán giả tại Hà Nội và Tp.HCM. Dựa vào nhiệt độ từng ngày, người tiêu dùng ở các địa điểm khác nhau được gửi các thông điệp khuyến mại khác nhau. Chiến dịch đã mang về kết quả ấn tượng với 15.8 triệu lượt tiếp cận, 12.4 triệu lượt xem, tỷ lệ truy cập đạt 82.5%. CPC thấp hơn 3.7 lần và CPV (Click Per View) thấp hơn 2.5 lần so với tất cả các chiến dịch khác của PepsiCo chạy vào năm 2020.

Mua sắm Tết

Insight

Tết 2021 là khoảng thời gian mà người tiêu dùng dùng các phương tiện trực tuyến để tìm hiểu và mua sản phẩm nhiều hơn. Theo đó, 52% người tiêu dùng đã chọn mua sắm trực tuyến sau khi nghiên cứu sản phẩm online nhiều hơn so với các năm trước. Và xu hướng này sẽ kéo dài đến Tết năm 2022 bao gồm mua sắm các sản phẩm như hàng tạp hoá và các mặt hàng thiết yếu.

Theo đó, các nền tảng TMĐT như Tiki và Shopee ghi nhận sự tăng mạnh cả về lượng giao dịch lẫn số lượng người dùng thường xuyên (Active Users) trước Tết 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể nói Tết là thời điểm bắt đầu làn sóng mua sắm trực tuyến mới, vì người tiêu dùng mong muốn tân trang bản thân cũng như không gian sống, tìm những món quà tốt nhất cho bản thân và người thân.

Về chăm sóc bản thân, bà Thảo liệt kê một số từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất vào giai đoạn này gồm kiểu tóc, màu tóc, chăm sóc da. Trong đó, từ khoá “các bước skincare” tăng vượt trội trong Tết 2021 là 167% so với Tết năm trước. Bên cạnh đó, lượt tìm kiếm quần áo tăng 17%.

Còn về chăm sóc nhà cửa, lượt tìm kiếm các sản phẩm vệ sinh nhà cửa như “nước lau kính” đã tăng 56%. Các video và quảng cáo trên YouTube cho các sản phẩm gia dụng cũng giới thiệu nhiều cách giúp dọn dẹp nhà cửa trở nên nhẹ nhàng hơn, với những concept thú vị như “Dọn nhà rất vui”, “Dọn nhà giận hờn” hay “Dọn nhà cùng nhau”.

Với những mặt hàng quà tặng cho chính mình, Google phát hiện lượng tìm kiếm gia tăng ở hầu hết các danh mục như TV, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, loa hoặc tai nghe, đặc biệt đối với các dòng hoặc mẫu sản phẩm mới ra.

Sau cùng, trong mùa Tết 2021, các lượt tìm kiếm liên quan đến “quà Tết” tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng từ khoá trong các danh mục rất khác nhau, bia tăng gần 13%, kẹo thì tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải pháp

Trước mức độ ngày càng phổ biến của phát trực tiếp, bà Claire cho biết Google đang trong giai đoạn chuẩn bị ra mắt chuỗi sự kiện YouTube Shopping Livestream vào cuối năm 2021. Sự kiện tập trung vào lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc gia đình và tiện ích. Qua đó, thương hiệu có thể tiếp cận các đối tượng mua sắm trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó, bà Claire khuyến khích thương hiệu nên tận dụng cả 2 nền tảng Google Search và YouTube để thúc đẩy độ cân nhắc về thương hiệu. Bởi ngày nay, khách hàng cần nhiều điểm chạm trên cả Google Search và YouTube trong hành trình khám phá này.

Sau khi nắm bắt được mục đích tìm kiếm và sở thích của người dùng, thương hiệu tiếp tục thúc đẩy phản hồi, hành động của người tiêu dùng và chuyển đổi thành doanh số bán hàng. Theo đó, bà Claire giới thiệu bộ giải pháp Smart Shopping Campaigns giúp thương hiệu tìm đúng đối tượng tiêu dùng trên những kênh phù hợp ở quy mô lớn bằng cách khai thác mạng lưới của các công cụ Search, Search Partners, Display, YouTube và Gmail. L’Oréal là một trong những ví dụ điển hình vận dụng thành công bộ giải pháp trên của Google. Cụ thể, hiệu suất lợi tức trên chi tiêu quảng cáo (ROAS) đạt 1.9 điểm. Trong đó, ROAS của Smart Shopping Campaigns cao gấp 2.2 lần so với ROAS của chiến dịch mua sắm thông thường.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam