3 Xu hướng kinh doanh F&B tiềm năng cho mùa dịch Covid

Ngành F&B vẫn đang tiếp tục hứng chịu tác động từ đợt dịch Covid-19 thứ 4. Tuy vậy, các doanh nghiệp F&B vẫn có cơ hội tăng doanh thu nếu đi đúng xu hướng kinh doanh hiện nay.

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành F&B có nhiều thay đổi. Trong đó, việc chuyển đổi mô hình sang online là điều hiển nhiên. Theo ý kiến tác giả, một số nhà hàng kinh doanh tại chỗ khó chuyển đổi thì có thể áp dụng mô hình nhà hàng ảo (Virtual Restaurant) để tạo một brand mới chuyên bán online tạo nguồn doanh thu khác mà không ảnh hưởng đến kết cấu của nhà hàng. Trong bài viết này, tôi xin được đăng lại bài viết đã được đăng trên Cafebiz gợi ý 3 hướng đi dễ chuyển đổi và đúng xu hướng thị trường:

1. Kinh doanh các món ăn healthy và tăng cường sức đề kháng

Có 2 keypoint có thể nắm bắt tại đây:

- Khách đang có xu hướng chú tâm nhiều đến hệ miễn dịch vì tâm lý phòng bệnh Covid-19. Vậy nên các món ăn nhiều rau xanh và hoa quả giàu vitamin C,A,D sẽ là 1 Key message hiệu quả để truyền thông.

- Tính cá nhân hóa trong chế độ ăn uống: mỗi người có 1 xu hướng ăn uống và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Do đó, việc thiết kế thực đơn theo tuần và cho phép khách tự chọn topping như ăn Buffet sẽ dễ cho bạn lên kịch bản chốt đơn tốt hơn.

Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe sau khi đại dịch bùng phát

2. Kinh doanh các món ăn vỉa hè với style Ngon hơn – Bổ hơn – Đẹp hơn

Theo "Khảo sát thị trường về nhu cầu tiêu dùng ngành ẩm thực Việt Nam" do Gojek, công ty mẹ của GoViet, thực hiện, với sự phối hợp của Kantar công bố đầu năm 2020 thì: "Ăn vặt cũng là một phần không nhỏ trong thói quen ăn uống của người Việt khi hơn 1/3 số người được hỏi tại hai thành phố (HN, HCM) cho biết họ ăn vặt với tần suất trung bình 2-3 lần mỗi ngày; và cứ 10 người thì có 1 người duy trì bữa ăn khuya.".

Rõ ràng, đây luôn là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng, với tình hình dịch kéo dài 2 năm nay thì các quán vỉa hè cũng tự biết mà bán online do vậy sẽ ít cơ hội cho họ nhảy vào. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân và khảo sát sơ bộ, tôi cho rằng, đồ ăn vỉa hè khi chuyển sang bán online nếu không chuẩn hóa quy trình đóng gói – giao hàng thì sẽ khó giữ được hương vị món ăn và đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Mà điều này không phải chủ quán vỉa hè nào cũng làm tốt được vì xuất thân phần nhiều là bán tự phát, ít chuyên nghiệp.

3. Bán combo/set theo style Ẩm thực tại gia

Một xu hướng dễ nhìn thấy từ sự tăng trưởng đột biến của các hội nhóm trên Facebook như "Yêu Bếp" là khi mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn, nhiều đầu bếp tại gia cũng xuất hiện. Và đây là cơ hội cho các chủ nhà hàng: Thay vì phục vụ 1 món ăn đã hoàn thiện, bạn hãy bán những set món ăn được sơ chế sẵn!

Một chiến dịch tôi đã áp dụng thành công cho tiệm bánh Online Su-il Sweets đó là campaign: “Cuối tuần của bé – Trải nghiệm Décor bánh tại gia chỉ với giá 199k/ set”. Một set bao gồm đầy đủ công cụ, nguyên liệu để khách mua về tự tay décor chiếc bánh với các bạn nhỏ, tặng kèm 1 voucher giảm 10% để thu hút khách hàng mới mua đơn hàng tiếp theo.

Công cụ làm bánh là cho mượn nên sẽ có thêm một khoản phí đặt cọc và hoàn trả khi khách trả đồ (tất nhiên khách không phải trả phí ship khi bên cửa hàng tới gom đồ, phí ship này đã có trong cost của combo).

Campaign này mang lại cho Su-il Sweets các lợi ích:

  • Giúp khách trải nghiệm sản phẩm cũ theo 1 cách mới
  • Tăng nguồn khách hàng mới
  • Khuyến khích khách để tăng khả năng mua hàng lần sau

Tổng kết lại: Để lựa chọn được hướng đi phù hợp, các chủ doanh nghiệp phải ngồi xuống phân tích mô hình hiện tại, xem xét các mặt lợi thế & hạn chế để chọn xu hướng phù hợp nhất với doanh nghiệp mình.