Marketer Thành Toàn
Thành Toàn

Content and course editor @ Brands Vietnam

Deep Dive #3: Bàn về Dentsu Redder Impact Academy – “Để khai phóng năng lực, cần tiếp cận vấn đề một cách đa chiều”

Từ lâu, trong nhịp độ công việc hối hả, vấn đề đào tạo nhân sự của ngành truyền thông quảng cáo dường như chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Dẫu cho là có, chúng lại dẫn ta đến một câu hỏi khác. Người làm quảng cáo chỉ cần biết chuyện chuyên môn là đủ, hay phải am hiểu cả về văn hoá và con người?

Brands Vietnam đã có cuộc trao đổi với anh Duy Thông, Giám đốc Điều hành Dentsu Redder, để đào sâu vào một chương trình đào tạo mà trong thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm trong ngành. Năm 2020, Dentsu Redder Impact Academy được thành lập nhằm mang đến những góc nhìn đa chiều và nuôi dưỡng sự hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần cho đội ngũ nhân viên.

Deep Dive là series podcast được sản xuất bởi Brands Vietnam, dưới sự dẫn dắt của chị Mai Thị Ánh Tuyết – Marketing Manager tại Logitech Vietnam. Đây là chuỗi nội dung chuyên bàn luận và phân tích về các sự kiện thú vị liên quan đến hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu tại Việt Nam.

* Chị Mai Tuyết: Anh có thể chia sẻ về ý tưởng khởi phát của Dentsu Redder Impact Academy, sự ra đời của chương trình có phải nhằm giải quyết một vấn đề nào trong ngành quảng cáo nói chung và tại agency nói riêng?

Anh Duy Thông, Giám đốc Điều hành Dentsu Redder

Anh Duy Thông: Bản chất của ngành quảng cáo là tìm kiếm insight. Đó là những vấn đề nhức nhối hoặc một nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng mà chúng ta cần sáng tạo ra các giải pháp cho họ, một cách khéo léo và nhân văn nhất. Để có được insight mới mẻ, người làm nghề phải có tình yêu với con người (Humanity), gọi nôm na là ‘vị nhân sinh’. Mà nền tảng của tình yêu thương đó chính là sự giàu cảm xúc (Soulfulness).

Giải thích cụ thể hơn, trong sự phát triển của xúc cảm, chúng ta đi dần từ cảm xúc – đến rung động – rồi đến đồng cảm – và cuối cùng là thấu cảm. Soulfulness là hai bước đầu tiên và nền tảng nhất. Phải có cảm xúc và rung động trước, rồi sau đó ta mới có được tình yêu thương con người, đó là sự đồng cảm và thấu cảm. Khi bạn thật sự rung động trước một sự việc, thật sự đồng cảm với vấn đề của người tiêu dùng, thấu cảm với những nỗi đau mà họ từng trải qua thì bạn mới thấy được khó khăn của người tiêu dùng, từ đó tìm ra được insight đắt nhất.

Và hơn nữa, tôi cho rằng người làm quảng cáo cũng giống như người nghệ sĩ. Sự rung động và thấu cảm sẽ giúp bạn nhận thấy và khai thác được nhiều khía cạnh khác nhau của con người, từ đó có nhiều chất liệu để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.

* Chị Mai Tuyết: Từ khá lâu rồi, hôm nay em mới được nghe lại những từ như ‘vị nhân sinh’ và ‘giàu cảm xúc’, nên cũng khá bất ngờ với hai giá trị này của chương trình. Anh có thể chia sẻ thêm, từ mục đích và định hướng như thế, tại sao triết lý của chương trình là mang đến một thế giới đa chiều và có tính khai phóng?

Anh Duy Thông: Ngày nay, mọi thứ ngày càng được chuyên môn hoá. Mỗi người làm nghề chỉ tập trung vào một lĩnh vực, như account chỉ chuyên chăm sóc khách hàng, hay người làm content chỉ quản lý các trang mạng xã hội, người làm performance marketing thì chỉ lo chuyện số liệu. Mà trong thực tế, xã hội hiện nay lại vô cùng phân tán và xao lãng (Distraction), từ thông tin trên mạng xã hội cho đến sự phát triển của công nghệ...

Chính sự đối nghịch giữa chuyên môn hoá trong công việc và sự xao lãng bên ngoài khiến chúng ta ngày càng bảo thủ, tránh xa góc nhìn đa chiều. Trong khi bản chất của thế giới là sự đa chiều. Để khai phóng năng lực bản thân, chúng ta cần bắt đầu tiếp cận vấn đề một cách đa chiều. Chỉ như thế, kết quả mới đạt được tốt nhất, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào.

* Chị Mai Tuyết: Từ hai nền tảng giá trị như đã đề cập, anh chia sẻ cụ thể hơn về định hướng nội dung của chương trình Dentsu Redder Impact Academy?

Anh Duy Thông: Dentsu Redder Impact Academy có 3 nhóm nội dung chính. Đầu tiên là nhóm Hạnh phúc về Thể chất & Tinh thần (Physical & Mental Happiness) dành cho các nhân sự của agency. Thứ hai là nhóm những Kiến thức thực tế về nghề (Industry Knowledge). Và cuối cùng là Văn hoá (Culture). Từ 3 trụ cột nội dung này, Dentsu Redder sẽ phân bổ theo hướng: 70% tập trung vào gieo cảm xúc; và 30% còn lại là bồi dưỡng tư duy. Các nội dung liên quan đến cảm xúc thường thuộc các chủ đề như nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc…

* Chị Mai Tuyết: Em cảm thấy mảng nội dung về văn hoá khá thú vị. Anh có thể chia sẻ tại sao Dentsu Redder quyết định đưa phần này vào chương trình?

Bàn về Thưởng nhạc với nhạc sĩ Dương Thụ

Nguồn: Dentsu Redder

Anh Duy Thông: Tụi anh tin rằng những bạn lựa chọn theo ngành truyền thông đều có tố chất. Do đó, thay vì bổ sung những nội dung liên quan đến suy luận (logic) – thứ vốn dĩ các bạn đã giỏi và có thể tự phát triển – thì Dentsu Redder muốn giúp các bạn học cách cảm nhận nhiều hơn.

Âm nhạc và các lĩnh vực nghệ thuật khác như múa, thi ca, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc đều có mối tương quan chặt chẽ đến sự sáng tạo. Những bộ môn kể trên không thuần mang tính giải trí mà là cơ hội để ta thưởng thức những cái hay của người nghệ sĩ đã tạo ra nó, từ việc tổ chức cho đến phô diễn vẻ đẹp của thanh âm, từ ngữ, và hình ảnh. Chỉ khi hiểu được một thế giới phi ngữ nghĩa, đầy ắp những cảm xúc của nghệ thuật, chúng ta mới có thể cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật quảng cáo đúng nghĩa.

* Chị Mai Tuyết: Vậy anh có thể làm rõ về định hướng của 30% nội dung nhằm bồi dưỡng tư duy là như thế nào không?

Anh Duy Thông: Xuyên suốt hầu hết các buổi chia sẻ, tụi anh sẽ tìm cách giúp các bạn lật ngược những vấn đề. Chẳng hạn trong mảng nội dung về Industry Knowledge, tụi anh sẽ phân tích lại những chiến dịch xuất sắc nhất, có thể là sản phẩm của Redder hoặc từ các agency khác, và đặt ra những câu hỏi như: nếu được làm lại thì bạn sẽ thực hiện như thế nào, hay bạn có cách để cải thiện chiến dịch này hơn không? Hoặc trong các chuyên đề về lịch sử và văn hoá, khi diễn giả trình bày một quan điểm thì người nghe sẽ được khuyến khích đặt câu hỏi và phản biện lại.

* Chị Mai Tuyết: Như lúc nãy anh vừa chia sẻ rằng nội dung mà Dentsu Redder hướng đến gồm văn hoá và hạnh phúc nhân viên. Đối với các chủ đề như thế, em thắc mắc là, bên anh đã dựa trên những cơ sở nào để phát triển và triển khai?

Anh Duy Thông: Mỗi nhóm nội dung sẽ được triển khai theo các cách thức khác nhau.

Đối với mảng nội dung liên quan đến hạnh phúc nhân viên, tụi anh xây dựng dựa trên một chương trình toàn cầu của Google, gọi là Search Inside Yourself. Dentsu Redder đã phối hợp cùng chị Lương Ngọc Tiên, một trong những chuyên gia thuộc chương trình này, nhằm điều chỉnh hướng tiếp cận sao cho phù hợp với đặc thù ngành truyền thông tại Việt Nam. Hiện nay, những người làm nghề phải thường xuyên tiếp xúc và chịu áp lực từ nhiều bên, từ deadline và khách hàng cho đến những đòi hỏi ngày càng cao. Dịch bùng phát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc của chúng ta. Vậy làm sao để đảm bảo nhân viên vẫn tìm thấy hạnh phúc mỗi ngày trong từng công việc của họ?

Hàng tháng, bên anh sẽ tổ chức một vài buổi chia sẻ của chị Tiên cho các nhóm khoảng 30 người. Sau khi tất cả đã có kiến thức nền về chuyện thấu hiểu bản thân, các bạn sẽ được đối thoại trực tiếp với chị trong một nhóm nhỏ khoảng 5-6 người; và cuối cùng, các bạn sẽ có những buổi trao đổi cá nhân (1 on 1) trực tiếp với chị Tiên, việc này như một liều thuốc tinh thần hỗ trợ các bạn vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

Hình ảnh buổi chia sẻ của chị Tiên trong chương trình Search Inside Yourself
Nguồn: Dentsu Redder

Còn đối với mảng văn hoá và nghệ thuật, Dentsu Redder sẽ tổ chức định kỳ hai lần mỗi tháng dưới dạng thảo luận chuyên đề (Workshop), trong đó các khách mời sẽ trình bày quan điểm và người nghe được khuyến khích tranh luận. Tiêu chí chọn khách mời là những người đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp, từ 10 đến 30 năm, để theo đuổi một lĩnh vực cụ thể. Bởi khi đó, những giá trị họ mang đến không chỉ là một thế giới kiến thức chuyên sâu, mà còn là những trải nghiệm vô cùng cá nhân.

Kế hoạch trong thời gian tới, bên anh sẽ tổ chức thêm những buổi đối thoại song phương hoặc đa phương, có thể là giữa những thế hệ khác nhau hoặc những quan điểm trái ngược nhau. Chẳng hạn trong chủ đề về tính duy mỹ của thời hiện đại, Dentsu Redder có thể mời một đạo diễn phim ảnh, một nhà thơ, và một nhạc sỹ để cùng bàn về tính duy mỹ trong lĩnh vực của họ. Hoặc khi nói đến khủng hoảng hiện sinh, chúng ta sẽ tìm đến một tiến sĩ tâm lý học, một nhà tôn giáo học, và một nhà xã hội học cùng ngồi lại để bàn luận.

Với mảng văn hoá và nghệ thuật, Dentsu Redder sẽ tổ chức định kỳ hai lần mỗi tháng dưới dạng thảo luận chuyên đề
Nguồn: Dentsu Redder

* Chị Mai Tuyết: Để liệt kê những thành quả bằng con số, anh có thể chia sẻ những điều mà chương trình đã làm được cho đến nay?

Anh Duy Thông: Sau hơn một năm triển khai, mảng nội dung về hạnh phúc nhân viên đã được thực hiện liên tục trong 15-16 tháng, trong đó mỗi tháng có 2-3 buổi nói chuyện và chia sẻ dành cho nội bộ Redder. Còn mảng văn hoá nghệ thuật thì đã chuẩn bị bước vào buổi thảo luận chuyên đề thứ 9.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, thay vì những giá trị ngắn hạn, điều mà bên anh hướng đến là một tác động lâu dài khó đo lường bằng những con số. Dentsu Redder đang cố gắng gieo những hạt mầm cho các bạn trẻ tại đây, và hy vọng trong thời gian tới là cho cả các bạn bè trong ngành.

Thành quả lớn nhất cho đến hiện tại, anh nghĩ, là tất cả nhân sự tại Dentsu Redder đều cảm thấy yêu thích công việc của bản thân, biết mình đang làm gì và giá trị của mình ở đâu. Đó là một niềm hạnh phúc lớn.

Chỉ khi sở hữu một tâm hồn biết rung động và đồng cảm, chúng ta mới sáng tạo được một tác phẩm tốt.

* Chị Mai Tuyết: Dentsu Redder đã dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của chương trình này?

Anh Duy Thông: Đối với sự hạnh phúc của nhân viên, bên anh sẽ đánh giá thông qua những cuộc khảo sát và đối thoại. Dentsu Redder thậm chí còn lập ra một đội ngũ tên là Happiness, khoảng 3-4 bạn, chuyên duy trì các hoạt động đảm bảo hạnh phúc trong toàn công ty. Các bạn này cũng sẽ thường xuyên tương tác với nhân viên để xem mọi người có thật sự hạnh phúc trong công việc hay không. Còn về kiến thức nghề, bên anh sẽ đánh giá hiệu quả thông qua chất lượng công việc của các bạn, như liệu khách hàng có cảm kích với sản phẩm của agency hay không.

Đối với mảng nội dung về văn hoá, chúng thiên về cách các bạn cảm nhận sự vật, sự việc, hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Nên nói thật là cũng khó mà đánh giá chính xác, nhưng Dentsu Redder vẫn sẽ kiên trì triển khai mảng nội dung này. Bởi chỉ khi sở hữu một tâm hồn biết rung động và đồng cảm, chúng ta mới sáng tạo được một tác phẩm tốt, anh tin là vậy.

* Chị Mai Tuyết: Anh có thể chia sẻ thêm những thuận lợi và khó khăn khi triển khai chương trình này?

Anh Duy Thông: Anh nghĩ rào cản lớn nhất là ngân sách, đặc biệt khi chương trình được triển khai trong năm 2020, thời điểm dịch bệnh bùng phát. Rào cả thứ hai là thời gian, hiện tại để chuyển tải hết nội dung, tụi anh tổ chức trung bình 2 chuyên đề/tháng – tương đương các bạn thành viên trong Redder sẽ có 24-36 ngày/năm dành riêng cho việc trau dồi kiến thức & tâm hồn dù lượng công việc rất lớn. Nhưng nhờ nhận được nhiều sự tin tưởng từ khách hàng, Dentsu Redder luôn cố gắng đầu tư về mặt con người thông qua cải thiện năng lực và xây dựng môi trường làm việc thoải mái.

Anh Thanh Bùi trong buổi chia sẻ về Giáo dục Sáng tạo và Truyền cảm hứng
Nguồn: Dentsu Redder

Còn về thuận lợi, bên anh may mắn nhận được sự ủng hộ của nhiều anh chị diễn giả khi họ được nghe ý tưởng của chương trình. Chẳng hạn như anh Thanh Bùi, một nhạc sĩ đồng thời cũng là một người tâm huyết với giáo dục, đã từng có nhiều đóng góp xây dựng cho chương trình. Hoặc như nhạc sĩ Dương Thụ, khi nhận được lời mời của Dentsu Redder thì chú đã vô cùng hào hứng và soạn hẳn một chuyên đề về cách thưởng nhạc. Thêm nữa, chương trình cũng nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực từ cộng đồng sáng tạo, không chỉ trong nội bộ Dentsu Redder, đây có thể xem là thuận lợi thứ hai.

* Chị Mai Tuyết: Qua những điều anh chia sẻ, em cảm thấy một chương trình như Impact Academy không chỉ là câu chuyện của một agency, mà là câu chuyện của cả ngành truyền thông quảng cáo. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Anh Duy Thông: Khi khởi xướng chương trình này, từ góc độ chủ quan, đội ngũ điều hành của Dentsu Redder nhận thấy mọi người đang bị cuốn theo dòng chảy công nghệ. Mọi người đều nói đến chuyện làm sao đạt performance hiệu quả nhất, làm sao tiếp cận đến nhiều người nhất, làm sao đo được tác động của media lên hoạt động kinh doanh… Trong khi tình yêu với con người và cảm xúc, dù là cái cốt lõi của ngành, thì không mấy người nhắc đến. Do đó, tụi anh quyết định sẽ đi những bước đầu tiên trên con đường trở lại giá trị nền tảng của ngành quảng cáo. Thông qua đó, anh mong bạn bè trong ngành sẽ cùng tham gia, bằng cách này hay cách khác.

* Chị Mai Tuyết: Vậy liệu các mô hình agency khác như media hay performance marketing cũng nên triển khai một chương trình tương tự như thế?

Đội ngũ nhân lực mà ngành quảng cáo cần trong tương lai là những con người có khả năng sáng tạo, đa cảm và dám bền bỉ để vượt qua những trở ngại trong ngành.

Anh Duy Thông: Anh nghĩ là nên, nhưng còn tuỳ vào đặc thù kinh doanh của từng agency mà chúng ta cần điều chỉnh lại nội dung các chuyên đề sao cho phù hợp nhất. Chẳng hạn, đối với dạng creative agency như Dentsu Redder thì các chuyên đề về nghệ thuật, âm nhạc hay hội hoạ sẽ có sự liên quan trực tiếp hơn. Nhưng đối với một media agency, nhiệm vụ của họ là tối ưu hoá ngân sách của khách hàng thông qua việc tiếp cận đúng người đúng thời điểm, thì các chủ đề cần quan tâm sẽ khác.

* Chị Mai Tuyết: Để kết lại, anh có thể chia sẻ mong đợi đối với đội ngũ nhân sự của ngành truyền thông quảng cáo trong tương lai?

Anh Duy Thông: Anh nghĩ, đội ngũ nhân lực trong tương lai chính là Gen Z, một thế hệ khác biệt hoàn toàn so với chúng ta. Trong thế hệ của anh, bằng cấp là điều kiện tối thiểu để có được việc làm. Nhưng các bạn Gen Z không nghĩ như vậy, và đòi hỏi của ngành quảng cáo trong tương lai cũng không như thế. Quan trọng là năng lực, sự phù hợp và đam mê của bạn đối với ngành này.

Đặc biệt là bạn có đủ bền bỉ (resilient) hay không. Bởi khi làm việc trong ngành quảng cáo, bạn sẽ gặp khá nhiều trở ngại. Nếu bạn từ bỏ ngay khi gặp khó khăn thì sẽ không thể thành công được. Bên anh từng có một bạn thực tập sinh mà đã chiến đấu khoảng 10 vòng để bảo vệ quan điểm và đó trở thành một trong những chiến dịch thành công nhất năm. Vì tại Dentsu Redder, tất cả ý kiến đều được trân trọng.

Tóm lại, anh nghĩ đội ngũ nhân lực mà ngành quảng cáo cần trong tương lai là những con người có khả năng sáng tạo, đa cảm và dám bền bỉ (resilient) để vượt qua những trở ngại trong ngành.

* Cám ơn những chia sẻ của anh!

Xem bài viết cùng series tại đây.

Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam