Brand Updates W21/2021: Masan mua lại 20% vốn Phúc Long; Amazon mua lại hãng phim sản xuất Tom&Jerry

Cùng điểm qua các tin tức nổi bật trong tuần: Thông qua hợp tác, VinCommerce và Phúc Long dự định mở 1000 kiosk tại hệ thống VinMart+; Amazon chi gần 9 tỷ USD mua lại hãng phim Hollywood MGM… cùng nhiều sự kiện thú vị khác.

Masan mua lại 20% vốn chuỗi Phúc Long

Ngày 24/5, Công ty TNHH The Sherpa – thành viên của Tập đoàn Masan, thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD. Sau khi hoàn tất mua cổ phần, VinCommerce sẽ hợp tác với Phúc Long triển khai mô hình kiosk tại các cửa hàng VinMart+. Hiện 2 bên đã thử nghiệm mở 4 kiosk Phúc Long trong VinMart+ tại Thành phố Thủ Đức.

Nguồn hình: VnExpress

Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc VinCommerce, chia sẻ: “Hợp tác này giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà Masan hướng đến. Từ đó, biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Trong 12 tháng tới, Masan và Phúc Long dự định mở 1000 kiosk tương tự”.

Ban lãnh đạo của Masan dự đoán hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống VinMart+ thêm 4% so với thời điểm hiện tại.

Amazon mua lại hãng phim sản xuất Tom&Jerry với giá 8.45 tỷ USD

Ngày 26/5, Amazon công bố mua lại tập đoàn truyền thông của Mỹ MGM với giá 8.45 tỷ USD. Đây là thương vụ thu mua lớn thứ 2 trong lịch sử của Amazon. Được biết, MGM là lò sản xuất ra khoảng 4.000 bộ phim ăn khách như James Bond, Rocky, Tom&Jerry… và nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng như The Voice, Shark Tank, Survivor… “Ông lớn” công nghệ cho biết họ sẽ tận dụng lợi thế từ kinh nghiệm sản xuất phim và chương trình truyền hình lâu năm của MGM để nâng cao vị thế cho Amazon Studios.

Nguồn hình: Thanh Niên

Hơn nữa, thoả thuận này nhấn mạnh việc Amazon sẵn sàng chi tiêu hào phóng để duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường phát video trực tuyến. CEO Jeff Bezos cho biết những khoản đầu tư này củng cố “hiệu ứng bánh đà” của Amazon, một trong những kế hoạch bên trong đó bao gồm thu hút thêm nhiều người đăng ký Prime và thúc đẩy họ chi tiêu nhiều hơn trên nền tảng.

“Ông lớn” Hàn Quốc mua lại công ty cung cấp thiết bị POS thị phần số 1 Việt Nam

BCcard – Nhà cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán hàng đầu Hàn Quốc mua lại 100% cổ phần của Wirecard Việt Nam – Nhà cung cấp thiết bị đầu cuối POS (máy quẹt thẻ) thị phần số 1 Việt Nam.

Qua thương vụ này, Wirecard Việt Nam có khả năng cung cấp thêm các dịch vụ cao cấp cho khách hàng thông qua việc tận dụng lợi thế công nghệ, kỹ thuật của BCcard. Trong khi đó, giao dịch giúp công ty Hàn Quốc tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thanh toán thẻ Việt Nam.

Nguồn hình: VietTimes

CEO công ty mẹ TikTok từ chức

Ngày 20/5, ông Zhang Yiming – Đồng sáng lập kiêm CEO của ByteDance tuyên bố từ chức. Theo đó, quyền điều hành của công ty được giao lại cho ông Rubo Liang – Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Nhân sự công ty.

Bloomberg đưa tin ông Liang sẽ dẫn dắt công ty gia nhập thị trường thương mại điện tử và giáo dục. Trong khi đó, ông Yiming vẫn giữ chức Chủ tịch ByteDance nhưng rút khỏi vai trò điều hành công ty. Đến cuối năm 2021, ông Yiming sẽ chuyển sang nắm giữ vai trò chuyên về thiết lập chiến lược.

Ông Zhang Yiming (trái) và ông Rubo Liang
Nguồn hình: Techcrunch

Ông Yiming chia sẻ: “Tôi thấy rằng bản thân vẫn phụ thuộc quá nhiều vào những ý tưởng trước đó và không thử thách bản thân bằng những thay đổi sáng tạo, phù hợp hơn với thời đại. Thế nên, tôi cho rằng một CEO mới có thể sẽ giúp công ty phát triển tốt hơn. Thêm vào đó, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc phân tích các nguyên tắc tổ chức thị trường và tận dụng các lý thuyết này thay vì thực sự quản lý con người”.

Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk từ nhiệm

Ông Phan Minh Tiên – Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk chính thức từ nhiệm vào ngày 1/6/2021. Được biết, ông Tiên gia nhập Vinamilk từ năm 2014. Trong giai đoạn điều hành khối Marketing từ 2018-2020, ông còn được uỷ quyền kiêm nhiệm điều hành khối Kinh doanh nội địa.

Trước khi làm việc tại Vinamilk, ông Tiên từng giữ vai trò quan trọng trong các tập đoàn lớn tại Việt Nam như Unilever, Samsung.

Ông Phan Minh Tiên
Nguồn hình: Báo Thanh tra

Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 280 tỉ đồng

Trong cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên 2021, Tập đoàn Thiên Long (TLG) công bố kế hoạch đạt doanh thu 3.000 tỉ đồng, lãi sau thuế là 280 tỉ đồng. Mục tiêu được xây dựng dựa trên giả định học sinh đi học ổn định, thị trường phục hồi dần và trở lại bình thường.

Nguồn hình: Tin nhanh chứng khoáng

Trong năm 2021, TLG sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới. Ngoài ra là nâng cao khả năng bán hàng trên kênh thương mại điện tử bao gồm hệ thống FlexOffice.com của tập đoàn và các sàn như Shopee, Tiki, Sendo, Lazada. Song song với đẩy mạnh bán hàng trên kênh B2B doanh nghiệp và trường học.

Đối với thị trường nước ngoài, thương hiệu sẽ củng cố đầu tư tại các thị trường Đông Nam Á gồm Philippines, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.

Thế Giới Di Động: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm 2021 tăng 26%

Trong 4 tháng đầu năm 2021, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 40.449 tỉ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.691 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kế hoạch cả năm 2021, công ty đã thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu và 36% chỉ tiêu lợi nhuận.

Sự tăng trưởng doanh thu này được đóng góp chủ yếu bởi mảng Bách hoá Xanh. Chuỗi bán lẻ ghi nhận mức doanh thu đạt hơn 8.000 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, doanh thu từ chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh cũng tăng lần lượt 5% và 3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, điện thoại ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số. Bên cạnh đó, nhóm sản phẩm điện lạnh, gia dụng và đồng hồ cũng duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Nguồn hình: CafeF

Về kế hoạch sắp tới, MWG cho biết đang chủ động tăng tồn kho các sản phẩm công nghệ – điện máy để tránh rủi ro thiếu hàng trước bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu. Ngoài ra, từ tháng 5/2021, công ty bắt đầu thử nghiệm kinh doanh ngành hàng xe đạp tại một số cửa hàng Điện máy Xanh.

FPT: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm 2021 tăng 22%

Tập đoàn FPT công bố doanh thu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 10.431 tỉ đồng, tăng 18% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.920 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, FPT đã thực hiện được 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm đặt ra trước đó.

Nguồn hình: CafeF

Doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin đạt 1.724 tỉ đồng, tăng đến 55% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này nhờ vào việc cải thiện hoạt động của dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, đặc biệt với các dịch vụ phần mềm. Lợi nhuận mảng viễn thông tăng 28,4%. Còn lợi nhuận mảng giáo dục, đầu tư cùng các hoạt động khác lại giảm 11,5%. Đó là do một số mảng kinh doanh mới được triển khai hồi cuối năm 2020 vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chưa tạo ra lợi nhuận.

WeWork: Doanh thu quý I/2021 sụt giảm 50%

Theo Financial Times, doanh số quý I/2021 của WeWork sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 598 triệu USD. Hơn nữa, tính từ tháng 3/2020 đến hết quý I/2021, công ty mất khoảng 200.000 khách hàng. Liên tiếp những hoạt động tái cấu trúc góp phần gia tăng mức lỗ của công ty lên đến 2,1 tỉ USD – cao gấp 3,7 lần so với quý I/2020.

Nguồn hình: Reuters

Kể từ khi nhậm chức CEO vào tháng 2/2020 đến nay, ông Sandeep Mathrani đề ra nhiều chính sách như cắt giảm chi tiêu, đóng cửa các văn phòng hoạt động không hiệu quả nhằm giải cứu công ty đang tiếp tục lún sâu trong cơn khủng hoảng. Mục tiêu sắp tới của startup là đạt định giá 9 tỉ USD và huy động 1,3 tỉ USD.

Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp