Brand Updates W18/2021: FPT đầu tư vào startup công nghệ Base, Startup Việt hợp tác với “ông lớn” sản xuất chip

Cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật trong tuần: Đầu tư vào Base.vn, FPT hướng đến hoàn thiện chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp Việt Nam; Startup công nghệ OLLI hợp tác với MediaTek phát triển thành công nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt… cùng nhiều tin tức thú vị khác.

FPT đầu tư chiến lược vào startup công nghệ Base

Ngày 4/5, Tập đoàn FPT chính thức công bố đầu tư chiến lược vào startup Base.vn. Thương vụ hướng đến thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp Việt Nam. Vì theo nghiên cứu của tập đoàn công nghệ thông tin Cisco, quá trình số hoá của các SMEs tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỉ USD vào GDP quốc gia trong năm 2024. Từ đó, góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Ảnh: Vietnam Finance

Ông Phạm Kim Hùng – CEO của Base.vn, chia sẻ: “Quá trình hợp tác giúp Base.vn tiết kiệm 10 năm vươn lên thành một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp trên thế giới”. Còn ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT, nhận định: “Hợp tác với Base.vn là con đường ngắn nhất để FPT xây dựng nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho SMEs hàng đầu trên thị trường”.

Thông qua lần hợp tác này, Base.vn sẽ dễ dàng tích hợp các giải pháp của FPT và mang lại hơn 100 giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng Base.vn.

Startup công nghệ Việt Nam bắt tay với “ông lớn” sản xuất chip hàng đầu thế giới

Thương vụ giữa startup công nghệ Việt OLLIMediaTek đặt nền móng cho các thiết bị thông minh tích hợp tương tác thoại tiếng Việt. Được biết, MediaTek là một trong những nhà sản xuất chip chuyên dụng cho dòng sản phẩm hỗ trợ tương tác thoại hàng đầu thế giới. Còn OLLI là một trong các startup hưởng ứng lời hiệu triệu “Make in Vietnam” bằng việc tự thiết kế, kiến tạo sản phẩm công nghệ nhằm chủ động giải quyết bài toán Việt.

Loa thông minh OLLI MAIKA
Ảnh: Cafef

Trong suốt 18 tháng, đội ngũ kỹ sư 2 bên đã nghiên cứu và phát triển thành công nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt mang tên MAIKA và loa thông minh OLLI MAIKA.

Cụ thể, ông Tạ Thanh Hải – Đồng Sáng lập OLLI, chia sẻ: “Suốt 2 năm đầu phát triển sản phẩm, chúng tôi chọn sai hệ thống chipset làm gián đoạn khả năng tiếp nhận thông tin của MAIKA. Vì vậy, chúng tôi quyết định ‘đập đi xây lại’. Lúc đó tiếp cận MediaTek khá khó khăn vì họ là nhà sản xuất chip lớn yêu cầu số lượng nhiều nhưng OLLI lại là startup và chưa có sản phẩm. May mắn, MediaTek đặt niềm tin vào đam mê của chúng tôi và tiềm năng thị trường Việt, nên đã mở lòng trao cơ hội hợp tác”.

Yahoo tiếp tục được rao bán

Verizon nỗ lực rút khỏi mảng truyền thông bằng việc bán lại 2 thương hiệu YahooAOL với giá 5 tỉ USD cho công ty tư vấn quản lý thay thế toàn cầu Apollo Global Management. Động thái này khép lại giai đoạn kinh doanh tốn kém nhưng không thành công của Verizon trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo trực tuyến. Theo Reuters, việc rút khỏi mảng này giúp Verizon có thể tập trung nguồn lực để phát triển mạng viễn thông 5G. Trong khi đó, ông David Sambur – Co-head của Apollo Global Management, cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Yahoo trong thời gian tới”.

Ảnh: CFO

Samsung xem xét mua bằng sáng chế di động của LG

Theo Korea Times, Samsung đang xem xét mua lại hoặc đàm phán sử dụng bằng sáng chế di động 5G của LG Electronics. Bởi khác với phần cứng, các bằng sáng chế di động 5G của LG được đánh giá có tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, các bằng sáng chế có giá trị trong cả mạng tiêu chuẩn 5G và công nghệ băng rộng không dây (LTE). Công ty nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Iplytics ghi nhận tính đến tháng 2/2021, số lượng bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G của LG đứng thứ 3 thế giới.

Ảnh: Nhà Đầu Tư

Trước thông tin trên, đại diện LG khẳng định: “Chúng tôi chưa thể xác nhận điều gì. Tập đoàn vẫn đang xem xét việc sử dụng các bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác bao gồm IoT hay xe tự vận hành”.

Panasonic ngừng sản xuất TV tại Việt Nam

Nikkei đưa tin Panasonic sẽ ngừng sản xuất TV trong năm 2021 tại các nhà máy Ấn Độ và Việt Nam. Những dòng TV giá rẻ và tỷ suất lợi nhuận thấp của hãng sẽ được chuyển giao cho đối tác sản xuất. Công ty vẫn tiếp tục tự sản xuất một số dòng TV cao cấp và chủ yếu phục vụ thị trường Nhật. Động thái này nhằm cắt giảm chi phí cho mảng TV, thị trường mà Panasonic đã đánh mất vị thế.

Ảnh: ZingNews

Lãnh đạo Panasonic cho biết: “Chúng tôi đang hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu các bộ phận chịu lỗ lớn”. Được biết, ngoài TV, Panasonic cũng cắt giảm hoặc rao bán nhiều bộ phận khác như mảng bán dẫn, màn hình tinh thể lỏng, pin mặt trời…

Dầu thực vật Tường An: doanh thu quý I/2021 tăng 53%

Trong Báo cáo Tài chính quý I/2021, so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.583 tỉ đồng; lợi nhuận gộp tăng 40% và đạt 218 tỉ đồng.

Ảnh: Nhà Đầu Tư

Theo đại diện Tường An, lợi nhuận tăng cao là do công ty đã tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi, sản phẩm cao cấp. Đồng thời, Tường An tái định vị thương hiệu, mở rộng ngành hàng và kiểm soát tốt chi phí quản lý mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Về kế hoạch phát triển trong năm 2021, Tường An sẽ tiếp tục tập trung gia tăng thị phần ở 2 dòng sản phẩm tầm trung và cao cấp. Song song đó là xây dựng kế hoạch kinh doanh mùa vụ và danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhằm tạo sức mạnh cạnh tranh, gia tăng thị phần.

Vietjet lãi 123 tỉ đồng trong quý I/2021

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 của Vietjet cho thấy sự phục hồi tích cực. Cụ thể, doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2.845 tỉ đồng và 110 tỉ đồng. Được biết, lợi nhuận đạt được nhờ vào đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không để bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không.

Ảnh: VietnamPlus

Thêm vào đó, Vietjet chứng tỏ khả năng quản lý tốt chi phí. Hãng bay thực hiện loạt chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, tối ưu hoá chi phí khai thác theo giờ bay, giảm bình quân chi phí hoạt động 52%, giảm chi phí bán hàng và hành chính trên 39% so với quý I/2020.

Trong các tháng tiếp theo của năm 2021, Vietjet tập trung chuyển đổi số nhằm tối ưu hoá năng lực, hiệu quả khai thác mạng bay nội địa và quốc tế. Song song đó, hãng bay gia tăng các nguồn thu khác như chuyên chở hàng hoá, mở rộng dịch vụ hàng không… để đảm bảo hoạt động kinh doanh phát triển bền vững.

Kienlongbank bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị mới

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long – Kienlongbank công bố bổ nhiệm bà Trần Thị Thu Hằng vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2018-2022. Quyết định được đưa ra sau khi ngân hàng thông qua đơn từ nhiệm chức danh của ông Lê Hồng Phương – tiền Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bà Trần Thị Thu Hằng
Ảnh: Nhịp Cầu Đầu Tư

Trong thời gian hoàn tất thủ tục liên quan đến ngày 25/5, bà Hằng sẽ đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách hoạt động của Hội đồng quản trị Kienlongbank.

Bà Hằng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng tại LienVietPostBank và MSB.

Theo Thảo Nguyên/ Brands Vietnam
*Nguồn: Tổng hợp