[Sách mới] Patrick J. McGinnis – “Đừng sợ lỡ cuộc chơi”: 4 tuyệt chiêu FOMO khiến khách hàng “móc hầu bao” trong vô thức

Nhờ sự phổ biến của hiệu ứng tâm lý FOMO, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng điều này như một thủ thuật để tạo sự khan hiếm, cấp bách hay tạo tính độc quyền cho sản phẩm, thôi thúc người tiêu dùng “móc hầu bao” mua hàng.

Cách các thương hiệu khiến khách hàng “móc hầu bao” trong vô thức

Rất có thể, bạn đã từng gặp tình huống mua hàng “dở khóc, dở cười” thế này: Bạn đang cần mua một món đồ nên lên website bán hàng quen tìm thử. Sau một hồi lướt điện thoại, bạn tìm thấy thứ mình muốn mua nhưng vẫn chần chừ vài giây trước khi đưa món đồ vào giỏ hàng.

Bỗng nhiên, một chiếc áo khá bắt mắt, hấp dẫn, hẳn là đã được quảng cáo – lọt vào tầm mắt bạn, kèm theo thông báo: “Chỉ bán hết ngày mai”. Dòng chữ này càng thôi thúc bạn mua hàng hơn nữa. Nhưng bạn quyết định tắt cửa sổ này đi, vì chưa cần chiếc áo này.

FOMO (Fear Of Missing Out) là một thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất cơ hội.

Chưa đến 5 phút sau, bạn cảm thấy bứt rứt khi bỏ lỡ một món đồ hợp mắt, tiếc nuối vì chẳng mấy khi có cơ hội này. Bạn sợ rằng khi bạn có nhu cầu và sẵn sàng quay lại để mua nó, nhưng không thể mua được. Cuối cùng, bạn mở lại cửa sổ trình duyệt, quyết định bỏ cả hai món đồ vào giỏ hàng của mình, hoàn tất đặt hàng trong chớp mắt.

Nếu cảm thấy diễn biến này đúng với mình, hẳn bạn đã rơi vào cái bẫy FOMO Marketing hay bẫy hiệu ứng tâm lý FOMO của nhãn hàng – Hầu hết mọi người đều có xu hướng này.

Vậy, FOMO thực chất là gì? Tại sao ứng dụng hiệu ứng FOMO đúng cách có thể thúc đẩy doanh số một cách đáng kể?

FOMO: Khi người khác có thứ đó, tôi cũng phải có

FOMO (Fear Of Missing Out) là một thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất cơ hội. Thuật ngữ FOMO lần đầu được gọi tên bởi cậu sinh viên đại học Harvard Patrick J. McGinnis vào năm 2004, khi phương tiện truyền thông xã hội vẫn chưa chiếm lĩnh cuộc sống của chúng ta.

FOMO là biểu hiện tâm lý căng thẳng mà mọi người gặp phải khi họ tin mình đang bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi những trải nghiệm thú vị mà người khác đang có. Do đó, người rơi vào hội chứng này thường đưa ra các quyết định thiếu lý trí dựa vào mong muốn “được ăn cả” của mình.

Nhờ sự phổ biến của hiệu ứng FOMO, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng một cách linh hoạt như một thủ thuật để tạo sự khan hiếm, cấp bách hay tạo tính độc quyền cho sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.

Các thương hiệu thời trang ứng dụng FOMO Marketing để xứ lý hàng tồn kho
Nguồn: WWD

Bạn có biết, hàng năm, các thương hiệu thời trang tiêu huỷ lượng lớn hàng tồn kho. Đơn cử như vào năm 2020, thương hiệu thời trang cao cấp Burberry đã tiêu huỷ hơn 28 triệu bảng Anh bao gồm các sản phẩm thời trang và mỹ phẩm tồn kho năm trước. Thương hiệu đồng hồ cao cấp Richemont đã cho tiêu huỷ số hàng tồn có giá trị lên đến 421 triệu bảng Anh tại thị trường Châu Âu và Châu Á. Các thương hiệu thời trang khác như Chanel (Anh), Louis Vuitton (Pháp)… cũng áp dụng phương thức này để xử lý sản phẩm tồn.

Song song với việc tung ra những mẫu sản phẩm mới, người tiêu dùng sẽ không bao giờ có cơ hội sở hữu những mẫu thiết kế cũ, sau khi chúng được dừng bày bán ở cửa hàng. Đây là một phương thức giúp các hãng thời trang tạo nên tâm lý FOMO ở khách hàng, từ đó gia tăng doanh số.

Một số thủ thuật FOMO phổ biến

Tận dụng một số thủ thuật FOMO dưới đây sẽ khiến khách hàng “móc hầu bao” vì bạn đến không ngờ.

Nhấn mạnh các cơ hội có thể bị bỏ lỡ

Trong các thông điệp đến người tiêu dùng, hãy đặc biệt nhấn mạnh sự kịp thời mua sắm trước khi cơ hội biến mất (cơ hội giảm giá, cơ hội ưu đãi, cơ hội còn hàng...).

Một thương hiệu thể hiện điều này trong các nội dung của họ rất tốt đó là nền tảng đặt phòng nổi tiếng Booking.com.Trong mẹo này, Booking tăng cường FOMO bằng cách cho thấy khách truy cập đã thực sự bỏ lỡ một thoả thuận (deal) tuyệt vời.

Trên Booking.vn, tin nhắn bằng chữ lớn màu đỏ sẽ hiển thị khi phòng đang xem được bán hết hoặc sắp hết

Chỉ ra và nhấn mạnh mặt hàng sắp hết

Sự khan hiếm là một yếu tố quan trọng của FOMO Marketing. Nếu một mặt hàng sắp hết, đó sẽ là một động lực rất lớn để khách hàng muốn có được nó. Vì thế, các thương hiệu thường tìm cách nhấn mạnh sự khan hiếm để đẩy nhanh tốc độ suy nghĩ của khách hàng. Có nhiều cách để làm nổi bật sự khan hiếm.

Ví dụ, nếu đang vận hành một cửa hàng online, bạn có thể hiển thị số lượng hàng còn trên kệ/ trong kho, như cách Amazon đã làm.

Amazon khéo léo nhắc khách quyết định sớm vì chỉ còn hai sản phẩm

Thiết kế đồng hồ đếm ngược thôi thúc khách hàng ra quyết định

“Tạo ra sự thúc giục” cho người mua hàng là một kỹ thuật có liên quan đến FOMO. Nếu người ghé thăm website nghĩ rằng họ sắp hết thời gian nắm một deal hời, họ sẽ có xu hướng nhanh chóng hoàn tất các thủ tục mua sắm của mình hơn.

Amazon thiết kế tính năng thời gian đếm ngược đến khi kết thúc chương trình khuyến mại giảm giá

Tặng quà, cung cấp ưu đãi cho khách hàng quyết định sớm

Khuyến mãi hay tặng quà là một cách phổ biến để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, bạn có thể làm cho chính sách này hiệu quả hơn bằng cách giới hạn số người nhận thưởng. Bạn có thể thấy chiến thuật này khi các cửa hàng cung cấp quà tặng hoặc giảm giá đặc biệt cho một lượng khách hàng có giới hạn đầu tiên và chương trình kiểu này thường khiến hàng trăm người xếp hàng.

Huawei tặng quà cho 100 đơn hàng online đầu tiên

Ứng dụng tâm lý học hành vi trong Marketing không còn là điều xa lạ. Cùng với sự trợ giúp của dữ liệu và công nghệ phân tích, việc thấu hiểu người tiêu dùng trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết. FOMO Marketing có thể là một chiến lược hay, cần được nhìn nhận một cách tổng thể và thực thi trong từng khía cạnh của Marketing.

Khi áp dụng đúng, FOMO hoàn toàn có thể giúp tăng chuyển đổi mua hàng và thúc đẩy doanh số một cách đáng kể.

“Đừng sợ lỡ cuộc chơi” được viết bởi Patrick J. McGinnis – cha đẻ của thuật ngữ FOMO. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu về bản chất của FOMO và cách mỗi người có thể chế ngự lẫn tận dụng FOMO trong cuộc sống.

Đỗ Tiến