Marketer NGUYEN VAN THUC
NGUYEN VAN THUC

Managing Director @ KEYSTONE

Bạn luôn nhận đủ lương, nhưng lương như thế nào là “đủ”?

Dù làm thuê hay làm chủ thì bạn luôn nhận đủ lương, không có chuyện bạn mang về 10 đồng thì sếp trả cho bạn ít hơn con số đó.

Mỗi cá nhân được xem là một Công ty Tôi, dù bạn nhận công việc của tổ chức hay dự án Freelance thì đều như vậy.

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng tập trung vào một chuyên môn nhất định, có thể là bán hàng, thu mua, thiết kế hay kế toán... Và bạn sẽ cung cấp dịch vụ đó cho các đối tác liên quan, có thể là công ty đang làm việc, hay khách hàng, bạn bè, tổ chức... Khi đó, bạn nhận được một phần lương. Đây chính là 100% công sức mà bạn đóng góp, tuyệt nhiên không có chuyện đem về 10 thì được trả ít hơn.

Trong một tổ chức, hay một mô hình kinh doanh, đó là sự tổng hợp, kết nối của nhiều vị trí chuyên môn khác nhau để tạo ra giá trị gia tăng nhất định. Và mỗi người mỗi nghề, nghề của bạn là tập trung vào một chuyên môn nhất định, còn nghề của giám đốc là nghề quản trị. Chuyên môn của họ là kết nối những mảnh ghép như bạn để tạo ra giá trị trong doanh nghiệp.

Ví dụ như chiếc điện thoại iPhone:

  • Ông làm màn hình nhận 3$ của cái màn hình.
  • Ông làm thẻ nhớ bên trong nhận 5$ của cái bộ nhớ.
  • Ông làm cái khung nhôm, nhận 10$ của khung nhôm...

Cộng lại tất cả khoảng 200$. Khi Apple bán iPhone được 1.000$, thì ông làm màn hình không thể đòi 15$ hay ông làm bộ nhớ đòi 25$...

Vì nghề của Apple là ghép nối các nguồn lực, các chuyên môn đó lại để tạo ra giá trị gia tăng cuối cùng là cái iPhone. Nếu để riêng lẻ các linh kiện kia, thì khi bán cũng chỉ vỏn vẹn với mức giá 200$.

Mỗi nhân viên là một mảnh ghép rời
Nguồn: Envato

Tương tự, doanh nghiệp của mình cũng thế.

Bạn làm Admin, bạn làm thu mua, bạn làm sales, bạn làm thiết kế... Mỗi bạn là một mảnh ghép rời với giá trị tối đa mà bạn đã nhận đủ. Còn nghề của ông chủ là ghép nối các vị trí đó lại trong một quy trình, một cách thức làm việc cụ thể... để tạo ra sản phẩm/ dịch vụ hoặc giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Và đó chính là nghề, chính là lương của ông chủ doanh nghiệp.

Câu hỏi quan trọng là: “Bạn có nghề ghép nối này không?”.

Đừng bao giờ nhìn vào thu nhập của sếp/ ông chủ mà nghĩ rằng họ đang trả cho mình ít hơn số mình kiếm được.

Nếu bạn nghĩ như vậy, bạn có 2 lựa chọn:

  • Một là đổi nghề, bạn không nhất thiết làm admin, thu mua hay sales nữa..., mà chuyển qua làm nghề khởi nghiệp, startup, vận hành doanh nghiệp. Lưu ý rằng, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp sống sót qua 3 năm.
  • Hai là tiếp tục làm tốt nhất chuyên môn để gặt hái thành công lớn trong sự nghiệp Công ty Tôi của bản thân.

Tôi có quen nhiều người anh, người bạn giỏi.

Họ là những người làm thuê chuyên nghiệp, từ vị trí giám đốc đến nhân sự hoặc các chuyên viên cấp cao... Điểm chung là những người anh, những người bạn này luôn chú tâm làm việc cho Công ty Tôi và nhận được mức lương trọn vẹn, đúng với những gì họ đóng góp. Có người mức lương lên đến 200.000$/năm, có người lương 100.000$/năm, có người thì 50.000$/năm... Họ là những nhà khởi nghiệp Công ty Tôi tuyệt vời.

Nếu đầu tư đúng mức cho Công ty Tôi và tạo ra được giá trị tương xứng, thì bạn cũng sẽ nhận đủ mức lương chuyên nghiệp đó.

Bạn luôn nhận đủ lương
Nguồn: Freepik

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Công ty Tôi là điều quan trọng nhất, tương tự như chuyên môn hay giá trị của Công ty Tôi là gì. Qua đó, bạn sẽ luôn nhận được đủ lương của phần việc mình đóng góp trong một chuỗi giá trị, tạo nên những sản phẩm/ dịch vụ khác trong một tổ chức (chẳng hạn vậy).

Bạn cần đầu tư nghiêm túc, có tầm nhìn và đầy đủ các kỹ năng như một doanh nghiệp tự hành:

  • Bạn vẫn cần có kỹ năng chuyên môn vững vàng.
  • Bạn vẫn cần bán chuyên môn của mình (tìm việc).
  • Bạn vẫn cần học cách giao tiếp/ tương tác, chăm sóc khách hàng, đối tác của bạn (Interpersonal Skills).
  • Bạn vẫn cần có tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu...

Hãy làm tốt nhất, thậm chí làm nhiều hơn mức được trả để bạn luôn là người cung cấp dịch vụ tốt nhất trong Công ty Tôi.

Khi đó, bạn đã đặt đối tác, ông chủ... doanh nghiệp vào thế biết ơn, muốn đồng hành cùng bạn lâu hơn.

Dù làm thuê hay làm chủ, khi làm tốt nhất Công ty Tôi, nghĩa là bạn đang làm chủ cuộc đời, cuộc sống, sự nghiệp của chính bạn.

Nguyễn Văn Thức