Toàn cảnh Marketing ngành F&B Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại, thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa, đến mức gần như không còn gì có thể được coi như là đầu tiên và duy nhất nữa, mà đều chỉ là sự phát triển từ một mô hình mà khách hàng đã biết, đã quen.

Bức tranh thị trường kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nước

Khi nhìn vào tổng quan thị trường, có thể thấy hoạt động marketing cho nhà hàng ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong hai năm trở lại đây. Trước đó, các hoạt động marketing cho nhà hàng đều tương đối đơn giản, cảm tính và lặp lại. Thậm chí, từ năm 2018 trở về trước, các kế hoạch marketing hầu hết chỉ đi theo một bộ khung, đơn thuần là sản xuất hình ảnh, tạo ra những góc khai thác nội dung đủ hấp dẫn, phát triển nội dung đó, tập trung vào mạng xã hội. Nhưng từ năm 2018 đổ lại, các doanh nghiệp đã bắt đầu có một tư duy mang tính chiến lược về marketing cho nhà hàng. Các thương hiệu F&B bắt đầu chú trọng đến hoạt động marketing hơn, từ đó phát triển nên những hoạt động sáng tạo, thú vị và tạo ra nhiều cạnh tranh.

Sự thay đổi này có thể được lý giải bằng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhà hàng ở Việt Nam. Nếu như trước đây, khi thị trường nhà hàng quán ăn còn tương đối sơ khai, ta có thể dễ dàng nhìn thấy một nhà hàng mới mở ra sẽ ngay lập tức nổi lên nhờ mang tới những trải nghiệm “đầu tiên và duy nhất”, rất mới mẻ, thú vị, khiến khách hàng ngay lập tức ghi dấu vào trong lòng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường đã bước vào giai đoạn bão hòa, đến mức gần như không còn gì có thể được coi như là đầu tiên và duy nhất nữa, mà đều chỉ là sự phát triển từ một mô hình mà khách hàng đã biết, đã quen.

Cán cân cung (supply) đang nhiều hơn cán cân cầu (demand), tức là số lượng nhà hàng mở ra lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực sự của khách hàng. Ví dụ, những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện liên tục những xu hướng ẩm thực mới, và với mỗi xu hướng ẩm thực lại có một loạt những thương hiệu nhà hàng mọc lên cung cấp những sản phẩm và trải nghiệm tương tự nhau. Trong khi đó, bản thân khách hàng không có nhiều nhu cầu đến thế, vì không phải lúc nào họ cũng đi ăn nhà hàng, và không phải lúc nào cũng chỉ ăn một hàng khi có quá nhiều sự lựa chọn ngoài kia, và lúc nào cũng có một lựa chọn mới mở ra.

Trong một thị trường mà cung lớn hơn cầu quá nhiều và càng ngày càng nhiều thì việc marketing “gánh vác” một vai trò chiến lược trong kế hoạch kinh doanh là điều tất yếu. Marketing cung cấp cho các chủ nhà hàng một công cụ hiệu quả để xây dựng một hình ảnh độc đáo và kết nối cảm xúc đặc biệt về thương hiệu trong lòng khách hàng, từ đó hỗ trợ thương hiệu trong việc khuyến khích khách hàng đưa ra quyết định thử nghiệm và quyết định quay lại.

Chi phí marketing và đánh giá hiệu quả marketing

Trong thời đại mới, để làm marketing cho nhà hàng thành công, chúng ta không nhất thiết phải bỏ ra quá nhiều tiền. Có rất nhiều hạng mục mà chúng ta có thể tiết kiệm được. Ví dụ, ngoại trừ những khoản đầu tư tương đối lớn như chụp ảnh menu, thì hầu hết những hình ảnh truyền thông hàng ngày đều có thể được sản xuất từ chính những chiếc điện thoại thông minh. Hoặc như trong sản xuất nội dung truyền thông, nếu người làm nội dung có thể nắm được cảm xúc của thương hiệu để từ đó truyền tải một cách chân thành và hiệu quả nhất đến khách hàng, thì nội dung đó sẽ đạt được hiệu quả lan truyền một cách rất tự nhiên và bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các nhân sự làm marketing trong lĩnh vực F&B hiện nay đều chưa thể nắm bắt được cái “hồn” của thương hiệu, điều này khiến cho những nội dung được tạo ra không mang lại hiệu quả mong muốn, và phải cần đến hỗ trợ của các công cụ trả tiền khác như quảng cáo, mạng xã hội,… Như vậy, cách giảm thiểu tối đa chi phí marketing hiệu quả nhất là đầu tư vào nhân sự, làm thế nào để những người thực thi hoạt động marketing phải thấm nhuần cảm xúc thương hiệu, từ đó chạm đến khách hàng một cách dễ dàng và tiết kiệm nhất.

Mức đầu tư ban đầu cho marketing trước khi khai trương sẽ cao hơn so với chi phí hàng tháng để đảm bảo sẽ xây dựng được một nền móng vững chắc cho thương hiệu, thông thường sẽ rơi vào khoảng từ 20-50 triệu. Từ nền móng ấy, chúng ta mới có thể tiếp tục duy trì mức chi phí vừa đủ thấp mà vẫn tạo hiệu quả cho thương hiệu. Chi phí marketing hàng tháng nên chiếm khoảng 3-5% doanh thu đối với một nhà hàng quy mô vừa và nhỏ, và 7-10% đối với nhà hàng quy mô lớn hoặc chuỗi nhà hàng lớn. Ví dụ, một nhà hàng đặt mục tiêu doanh thu 300 triệu/tháng thì chi phí marketing nên rơi vào khoảng 10-15 triệu.

Việc đánh giá hiệu quả marketing cho nhà hàng luôn là một thách thức rất lớn, vì bản thân người chủ nhà hàng sẽ luôn quan tâm đến doanh thu, trong khi người làm marketing không thể bao giờ có thể cam kết được về mặt doanh thu, mà chỉ có thể cam kết những chỉ số trung gian như đã liệt kê trong bảng. Trong những chỉ số trung gian này, người chủ và người làm marketing phải tìm được một tiếng nói chung, để từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp nhất.

Làm marketing cho nhà hàng cũng giống như với mọi ngành khác, cần phải thử và sai rất nhiều lần mới có thể rút ra được kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ cần kiên trì và không ngừng học hỏi, bạn sẽ sớm tìm được một “công thức” phù hợp cho nhà hàng của mình.

Nếu bạn cũng đang quan tâm đến kinh doanh ẩm thực thì đừng bỏ lỡ bộ sách Hashtag No.4 “Food - Khởi sự kinh doanh dịch vụ ăn uống”. Là cuốn sách thứ 4 thuộc dòng sách #Hashtag Startup - Ấn phẩm hướng dẫn khởi nghiệp kinh doanh từ thực tiễn, bộ sách Hashtag No.4 Food cung cấp cho bạn cái nhìn toàn cảnh về ngành F&B, đồng thời hướng dẫn tất tần tật về quy trình kinh doanh và vận hành các mô hình nhà hàng. Cuốn sách còn đem đến góc nhìn đa chiều và lời khuyên thực tiễn từ những nhà khởi sự thành công trong lĩnh vực này tại chính thị trường Việt Nam.

Hashtag No.4 “Food - Khởi sự kinh doanh dịch vụ ăn uống” hứa hẹn sẽ là người bạn đồng hành thân thiết cùng bạn chinh phục ước mơ sở hữu một nhà hàng đông khách!