Novaon Communication: 2 xu hướng truyền thông chiếm ngôi “Vua & Hậu” của năm 2021

Micro & Nano KOL/ Influencer và Music Marketing được Novaon Communication dự đoán sẽ là 2 xu hướng truyền thông “lên ngôi” trong năm 2021.

Micro & Nano KOL/ Influencer

Sử dụng KOL/ Influencer đang là cách truyền thông phổ biến và hiệu quả được nhiều nhãn hàng sử dụng trong những năm gần đây. Trong năm 2021, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục được ưu tiên trong chiến lược duy trì, thúc đẩy mối quan hệ giữa người ảnh hưởng và khách hàng mục tiêu.

Bốn nguyên tắc nền tảng tạo dựng mối quan hệ này gồm tính xác thực, tự nhiên, tin cậy và gia tăng giá trị truyền thông. Đặc biệt, các giá trị này càng được trân trọng khi Thế hệ Z đang dần trưởng thành và thông thái hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Pew định nghĩa Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Theo định nghĩa này, vào năm 2020, thành viên lớn nhất của Thế hệ Z là 23 tuổi và người trẻ nhất là 8 tuổi. Họ có xu hướng chủ động tìm kiếm tính xác thực của nội dung thông qua nhiều nguồn và nhiều người, thay vì tiếp nhận thông tin thụ động từ thương hiệu.

Sự kết hợp giữa phát trực tiếp (Livestream) và thương mại điện tử là hai phương thức tiếp thị điển hình và phổ biến. KOL vừa có thể hoạt động độc lập, điều hành các nền tảng truyền thông, bán hàng online; vừa xuất hiện trên các nền tảng chính của nhãn hàng.

Tuy nhiên, năm 2021 được dự đoán sẽ có một cuộc chuyển dịch từ nhóm KOLs/ Influencers có lượng người theo dõi lớn sang nhóm Micro & Nano KOLs. Mặc dù, nhóm này sở hữu lượng người theo dõi ít hơn nhưng vẫn có được hai ưu điểm giúp họ thu hút các nhãn hàng.

Thứ nhất là khả năng phản hồi tin nhắn nhanh, thân thiện với người theo dõi, từ đó có thể truyền đạt một cách tốt hơn và “thực” hơn. Thứ hai, các thương hiệu đều có xu hướng “cân đo đong đếm” ngân sách và tối ưu chi phí quảng cáo.

Việc các Micro & Nano KOLs dễ dàng khám phá, biết khai thác và truyền tải nhiều nội dung sáng tạo phù hợp, thu hút khán giả của riêng họ khiến thương hiệu tiếp cận được nhiều tập và nhóm khách hàng.

Qua nghiên cứu, các chiến dịch sử dụng Micro & Nano KOLs có những điểm nổi trội hơn so với các chiến dịch sử dụng người ảnh hưởng thông thường như sau:

  • Tỉ lệ tương tác cao hơn 60%.
  • Hiệu quả về chi phí cao hơn 6,7 lần.
  • Các cuộc hội thoại về thương hiệu hằng tuần cao hơn gấp 22 lần so với thông thường.

Nguồn: Medium – Sidney

Phần lớn các sản phẩm Micro & Nano KOLs sử dụng là do họ tự mua và tự quyết định. Điều này tạo được sự tin tưởng rất lớn đối với những người theo dõi, khi họ chia sẻ về một sản phẩm nào đó. Rõ ràng, vấn đề không nằm ở việc giới thiệu sản phẩm đến càng nhiều người càng tốt, mà là truyền đạt thông tin sản phẩm đến được bao nhiêu người thật sự quan tâm, hay nói cách khác là số lượng khách hàng thật sự tiềm năng.

Music Marketing

Music Marketing là một phương thức mới giúp chuyển đổi ngôn ngữ thương thiệu sang ngôn từ âm nhạc. Thưởng thức âm nhạc chưa bao giờ tức thời và dễ dàng như trong kỷ nguyên streaming hiện nay, khi mọi thao tác nghe – nhìn – cảm nhận đều được “gói ghém” bằng một cú “click” hoặc “no click”. Dù bạn đang ở đâu, làm gì, giai điệu và hình ảnh của một sản phẩm tự động “ve vãn” tai mắt bạn, nhờ các chiến dịch tiếp cận hay chức năng điều hướng tự động trên nhiều nền tảng.

Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là khiến người nghe nhiều lần rơi vào trạng thái thưởng thức sản phẩm âm nhạc thương mại một cách bị động. Tuy nhiên, một loạt Music Video (MV) ra mắt vào đầu năm 2021 đã rất thành công, khi được đông đảo khán giả đón nhận, yêu thích và có sức lan toả dư luận.

Có thể kể đến như “Bài này chill phết” (Đen Vâu – Strongbow), “Đi về nhà” (Đen Vâu x Justa Tee – Honda), “Chuyện cũ bỏ qua” (Bích Phương – Mirinda), “Thấy Tết lớn, mừng Tết lớn” (Trúc Nhân – Samsung). Vì thế, có thể nói Music Marketing xứng đáng được xếp vào vị trí thứ 2 trong top xu hướng truyền thông nổi bật cho năm 2021.

Hai phiên bản của Music Marketing thường gặp là Advertorial (đề cập đến công năng, tính năng sản phẩm/ dịch vụ trong bài hát với đối tượng truyền thông là khách hàng thương hiệu) và Editorial (truyền tải tinh thần chung chiến dịch của nhãn hàng, mục tiêu là tìm “điểm chạm” với khán giả).

Để tạo ra một sản phẩm âm nhạc thương mại thành công không chỉ phụ thuộc vào độ phiêu, độ bay của nhạc sĩ, mà là một sự kết hợp uyển chuyển từ nhiều lĩnh vực đặc thù để quy trình hoá việc sáng tác ca khúc đảm bảo bám sát mục tiêu nhãn hàng cùng hành vi của người tiêu dùng.

Chia sẻ về xu thế truyền thông qua âm nhạc thương mại, nhạc sĩ trẻ Hứa Kim Tuyền (đồng sáng tác với các dự án video âm nhạc cho nhãn hàng PNJ, Baemin, Honda Vietnam) tự tin: “Khán giả đã có cái nhìn cởi mở và thân thiện hơn với các bài hát quảng cáo. Họ thoải mái thưởng thức, đón nhận chúng mà không còn hoài nghi hay khó chịu. Với tiến trình này, 2021 chắc chắn sẽ là một năm bùng nổ của Music Marketing với các hình thức và chủ đề đa dạng hơn”.