Marketer Hoàng Ngọc Văn
Hoàng Ngọc Văn

Chuyên viên Truyền Thông @ Unique Integrated Outdoor Advertising

Cần phải tuân thủ quy định, thủ tục gì khi treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo tại Việt Nam?

Hiện nay, hình thức treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo đang được rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn cho chiến dịch truyền thông của mình. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý tới một số quy định, thủ tục khi treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo tại Việt Nam để tránh vi phạm, khiến chiến dịch truyền thông gặp những rắc rối không đáng có.

1. Các quy định, điều luật treo băng rôn, phướn, banner quảng cáo mà doanh nghiệp cần biết

Trong bộ luật quảng cáo năm 2012, có rất nhiều điều luật về quảng cáo ngoài trời, đặc biệt là các bộ luật, quy định treo băng-rôn, banner, cờ phướn quảng cáo, khẩu hiệu, tuyên truyền... Dưới đây Unique xin liệt kê các bộ luật liên quan tới hình thức treo băng rôn, banner, cờ phướn:

Điều 27: Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn:

Đầu tiên, việc triển khai chiến dịch quảng cáo băng-rôn đều phải tuân thủ các quy định nhằm bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hoá, hệ thống đèn tín hiệu, hành lang an toàn giao thông, hệ thống điện lưới, biển chỉ dẫn... Ngoài ra, các băng rôn, banner, phướn quảng cáo đều không được phép treo ngang qua đường giao thông; phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo tại khu vực và các quy chuẩn kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền.

Trên maquette quảng cáo của băng-rôn, banner, phướn đều phải ghi rõ thương hiệu, địa chỉ chi tiết của người thực hiện. Nếu doanh nghiệp thực hiện treo băng-rôn, banner, phướn khẩu hiệu, tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội cần phải tuân thủ các quy định như: Nội dung quảng cáo (gồm biểu trưng, logo, nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp phải đặt phía dưới của các băng-rôn dọc và ngoài cùng phía bên phải đối với băng-rôn ngang.

Cùng với đó, diện tích quảng cáo của doanh nghiệp không được vượt quá 20% tổng diện tích của băng rôn, banner, phướn. Thời hạn treo băng-rôn, banner, phướn quảng cáo không được vượt quá 15 ngày.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các luật treo băng-rôn, cờ phướn, banner quảng cáo
Ảnh: Unique

Ngoài ra, phần nội dung quảng cáo trên băng rôn, banner, phướn còn phải tuân thủ theo điều 17 của bộ Luật Quảng cáo năm 2012 với nội dung như sau:

a. Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

  • Nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;
  • Sách, báo, trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

Banner quảng cáo của Imperia Smart City hầu như đều sử dụng tiếng Việt
Ảnh: Internet

b. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Do đó, nếu doanh nghiệp thực hiện treo băng-rôn bỏ tiếng Việt thì sẽ vi phạm quy định và có thể bị chính quyền tháo dỡ, kết hợp cùng phạt hành chính.

Điều 60: Vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo:

  • Các hình thức vi phạm bao gồm thi công lắp đặt băng-rôn, banner, phướn quảng cáo không đúng vị trí đã được quy hoạch, cấp phép; không ghi rõ thông tin của đơn vị kinh doanh trên băng rôn quảng cáo; không thông báo hoặc thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên băng-rôn, banner, phướn đến cơ quan có thẩm quyền: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
  • Các hình thức vi phạm bao gồm: Diện tích quảng cáo trên băng-rôn vượt quá quy định; không tự tháo dỡ băng rôn, banner, phướn quảng cáo khi hết hạn ghi trên thông báo. Mức xử phạt treo băng-rôn trái phép, sai quy định: Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Băng-rôn quảng cáo của Điện máy Xanh
Ảnh: Internet

  • Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định như: Logo, nhãn hiệu đặt không đúng vị trí trên băng-rôn, banner, phướn khẩu hiệu, truyên truyền và cổ động chính trị; vi phạm khoản 1 điều 27; sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã khai báo, sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ xin phép treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo...: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đối với các hành vi treo băng-rôn trái phép, sai quy định kể trên, doanh nghiệp ngoài việc đóng phạt cho cơ quan có thẩm quyền thì còn bị buộc tháo dỡ băng-rôn, banner, phướn quảng cáo ngay từ khi bắt đầu có thông báo xử phạt.

2. Quy trình, thủ tục xin phép treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo

Để thực hiện một chiến dịch truyền thông treo băng-rôn, phướn, banner quảng cáo thì ngoài việc quan tâm tới các quy định triển khai, doanh nghiệp còn phải tìm hiểu về quy trình, thủ tục xin phép treo băng rôn. Việc xin phép sẽ giúp nhà nước, Sở ban ngành và đơn vị có thẩm quyền có thể dễ dàng quản lý nội dung quảng cáo, đồng thời giúp phân loại và giúp tránh tình trạng quảng cáo gây ảnh hưởng an toàn, mất mỹ quan đô thị...

Thông thường, trong bộ hồ sơ xin phép quảng cáo băng-rôn, banner, cờ phướn, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ sau, bao gồm: Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng băng-rôn (hay còn gọi là công văn xin treo băng-rôn quảng cáo); Bản sao chứng nhận đăng ký kinh doanh; Bản sao giấy tờ chứng minh hợp pháp của sản phẩm hàng hoá; Bản sao về việc tổ chức sự kiện cho đơn vị tổ chức (trường hợp quảng bá chính trị, chính sách xã hội); Maquette quảng cáo in màu có chữ ký, dấu của tổ chức; Văn bản chứng minh quyền sử dụng bảng quảng cáo; Bản phối cảnh vị trí đặt quảng cáo... (Theo Điều 29 của Bộ Luật Quảng cáo năm 2012).

Mẫu đơn xin treo băng-rôn quảng cáo (mẫu đăng ký treo băng-rôn, giấy phép treo băng-rôn quảng cáo)
Ảnh: Internet

Sau khi đã có hồ sơ đầy đủ, doanh nghiệp cần gửi tới cơ quan có thẩm quyền tại khu vực (Sở Văn hoá – Thể thao và du lịch) trước thời điểm thực hiện chiến dịch 15 ngày. Nếu hồ sơ còn chưa hợp lệ và thiếu sót, doanh nghiệp sẽ cần phải hoàn chỉnh lại để có thể gửi tới cơ quan và nhận phiếu hẹn của cán bộ tiếp nhận. Sau 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá – Thông tin hoặc Sở Văn hoá Thông tin sẽ xem xét và giải quyết việc cấp phép. Nếu không được cấp phép, doan nghiệp sẽ nhận được văn bản giải quyết và nêu rõ lý do tại sao.

Tạm kết

Dưới đây là toàn bộ quy định, quy trình và thủ tục xin phép treo băng rôn, cờ phướn, banner quảng cáo tại Việt Nam. Việc thực hiện theo các thủ tục trên là đối phức tạp và tốn thời gian. Đặc biệt, các doanh nghiệp mới triển khai lần đầu thì sẽ gặp khá nhiều rắc rối trong việc chuẩn bị hồ sơ, và sai sót là điều không thể tránh khỏi. Điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới tiến độ triển khai chiến dịch treo băng rôn, banner, cờ phướn quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, hy vọng những thông tin mà Unique cung cấp về quy định, quy trình và thủ tục xin phép treo băng-rôn, cờ phướn, banner quảng cáo tại Việt Nam kể trên sẽ mang tới những giải pháp nhanh chóng, giúp doanh nghiệp thực hiện chiến dịch truyền thông của mình một cách dễ dàng.

Unique Integrated Outdoor Advertising hân hạnh cung cấp dịch vụ treo băng-rôn, banner, cờ phướn quảng cáo trên khắp 63 tỉnh thành toàn quốc.

Hoàng Ngọc Văn
* Theo Unique Integrated Outdoor Advertising