Marketer Phương Phương Hà
Phương Phương Hà

Account & Brand Consultant @ MiBrand Vietnam

MiBrand Vietnam: COVID-19 nói gì với doanh nghiệp về tâm lý và insight người tiêu dùng Việt Nam?

COVID-19 là một cuộc thi, mà người dự thi hoàn toàn không được ôn bài trước.

Năm 2020 đã khép lại với rất nhiều biến động, tuy Việt Nam “đại thắng” trong mặt trận chống dịch COVID-19, nhưng không thể phủ nhận nó đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ lên nền kinh tế.

Bước sang năm 2021, xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng từ tác động của COVID-19. Những tác động này sẽ có độ trễ nhất định lên nền kinh tế làm thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam trên tất cả các phương diện. Vào những ngày đầu của năm 2021, hãy cùng MiBrand nhìn lại một năm 2020 và đi sâu phân tích tâm lý người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2021.

1. Diễn biến tâm lý và hành vi của người dân trong nửa đầu COVID-19

Khi bắt đầu có ca nhiễm tại Việt Nam, người dân có tâm lý hoang mang lo lắng dẫn đến hành vi tích trữ phòng ngừa. Trước khi xuất hiện COVID-19, người tiêu dùng rất cẩn trọng trong việc chi tiêu, đặc biệt chỉ mua sắm những mặt hàng cần thiết và không có thói quen dự trữ. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn những thói quen này, việc mua hàng được thúc đẩy bởi cảm xúc và tâm lý hoang mang, lo sợ. Trong đó, nước đóng chai, thực phẩm đóng gói, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh và các đồ dùng chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa là những mặt hàng bán chạy và được tích trữ nhiều nhất.

Các hoạt động du lịch lữ hành, vận tải và nhà hàng khách sạn đều bị đóng băng do giãn cách xã hội. Đồng thời có sự thay đổi trong thói quen học tập và làm việc thường ngày dẫn đến sự lên ngôi của một loạt các nền tảng họp trực tuyến. Trong khi một số “ông lớn” khác chậm trễ trong việc phát triển nền tảng để đáp ứng nhu cầu mới từ khách hàng thì ứng dụng Zoom từ một sản phẩm vô danh ít người biết, trở nên rất được ưa chuộng, phát triển mạnh mẽ và đạt trị giá hơn 50 tỷ USD nhờ COVID-19.

Thực hiện giãn cách xã hội, toàn bộ các hoạt động giải trí của người dân được gói gọn tại nhà. Nhu cầu giao tiếp, giải trí trên các nền tảng xã hội tăng cao, kéo theo sự ra đời của những hội nhóm Facebook Nghiện Nhà, Nghiện Bếp thu hút đông đảo số lượng người tham gia trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cũng bởi lệnh giãn cách xã hội, hàng loạt các ứng dụng xem phim trực tuyến lên ngôi, lượt tải game giải trí và eSport trên android tăng vọt.

Trong thời gian giãn cách, nhu cầu mua sắm online tăng cao thúc đẩy sự tăng trưởng số lượng giao dịch các dịch vụ thanh toán online và ví điện tử lên đến 50%. Sức khoẻ trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam, người dân sử dụng các ứng dụng sức khoẻ nhiều hơn, dành sự quan tâm đến việc tập thể dục và ăn uống khoa học.

2. Nửa sau COVID-19: Trạng thái bình thường mới

Với thành công chống dịch của Việt Nam, cuộc sống được quay trở lại trạng thái bình thường mới, khẩu trang và nước rửa tay là những vật dụng cá nhân không thể thiếu, thói quen đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi ra đường vẫn được duy trì.

Có thể thấy, sau khi tình hình bệnh dịch tại Việt Nam đã được kiểm soát, người dân đã ý thức hơn đến sức khoẻ, ngay cả việc ăn vặt cũng cần “healthy” minh chứng là sự xuất hiện hàng loạt các quán Sữa chua trân trâu.

Các hình thức giải trí ngày càng đa dạng và nhanh gọn, điển hình là các dạng “short video” tóm tắt nội dung phim và các dạng video sáng tạo trên TikTok xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ giao thức ăn tăng lên sau dịch COVID-19, 75% người đã sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trong đó 24% mới bắt đầu sử dụng từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Dự đoán thói quen đặt đồ ăn Online thay vì ra ngoài hàng ăn sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021 bởi những lợi ích về di chuyển, tiết kiệm thời gian và công sức.

Trở về trạng thái bình thường mới, nhiều hàng quán, cửa hàng thời trang đã trả lại mặt bằng thuê cửa hàng. Trong nửa đầu COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu mua hàng online tăng cao khiến các thương hiệu, các cửa hàng bắt buộc phải đa dạng hoá các kênh phân phối online. Từ việc đa dạng kênh bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử và các nền tảng online khác, vị trí không còn là yếu tố giúp các cửa hàng nhỏ thành công.

Nửa cuối năm 2020 là thời điểm Thị trường chứng khoán bùng nổ về điểm số lẫn thanh khoản. Giá trị khớp lệnh liên tục duy trì trên 10.000 tỷ đồng/phiên, tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lập kỷ lục. Theo VSD, tháng 11, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản. Số tài khoản mở mới trong tháng 11 đã phá kỷ lục mới khi chính thức vượt qua số tài khoản mở mới của tháng 3/2018 là 40.651 tài khoản. Đây là số tài khoản mở mới tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được vận hành.

Người Việt “mạnh tay” mua ô tô vào quý cuối năm, khiến doanh số bán ô tô toàn thị trường tính đến tháng 10/2020 đạt 33.254 chiếc.

3. Trong “nguy” có “cơ”: Doanh nghiệp cần bám sát cơ hội phía trước

COVID-19 là một cuộc thi, mà người dự thi hoàn toàn không được ôn bài trước. Những người dự thi bất đắc dĩ ấy không thể biết mình đậu hay rớt trong khi khả năng rớt là rất cao. Minh chứng bởi việc rất nhiều doanh nghiệp đã phải nhường thương trường lại cho những doanh nghiệp khác giỏi cầm cự hơn.

Tuy nhiên, trong “nguy” luôn tồn tại “cơ”, trong khủng hoảng, đôi khi những bước đi nhỏ lại tạo ra khác biệt. Thấu hiểu tâm lý – hành vi khách hàng từ đó đổi mới – phát triển sản phẩm/ dịch vụ phù hợp là chìa khoá thành công trong bối cảnh thế giới thay đổi từng ngày. Trong thời kì hậu COVID-19, doanh nghiệp cần nhanh nhạy, luôn trong tư thế phản ứng nhanh, cập nhật thông tin và các chuyển biến của dịch để kết nối, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chung tay với cộng đồng.

Doanh nghiệp cần tự đưa ra các câu hỏi để nhanh chóng định hình được những năng lực cần phải có để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường hậu COVID-19. Quyết tâm gấp đôi ở những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh này sẽ giúp doanh nghiệp vững tin và đủ lực để phát triển. Chủ động lên kế hoạch cho dài hạn là việc doanh nghiệp cần quan tâm. Trong đó, định hướng sáng tạo và phát triển các sản phẩm/ dịch vụ mới liên quan đến sức khoẻ, đầu tư vào các mô hình, kênh trực tuyến và dịch vụ giao hàng dự báo sẽ là các xu hướng phát triển phù hợp với doanh nghiệp kể từ năm 2021.

Doanh nghiệp có nhu cầu Nghiên cứu thị trường, Tư vấn chiến lược và Thiết kế thương hiệu xin vui lòng liên hệ Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam:

  • Website: http://mibrand.vn/
  • Email: [email protected]
  • Address: Tầng 7 Prima Building, 22 Mai Anh Tuấn, Đống Đa, HN
  • Hotline: 090.259.8228 (Mr. Lại Tiến Mạnh – Managing Director)

Theo Ông Lại Tiến Mạnh – Táo Insight
VMCC: Marcom Táo 2021