Haravan: Kinh nghiệm cho người mới bắt đầu kinh doanh online 2021

Năm 2021, bạn muốn thử sức với kinh doanh online nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu? Bán sản phẩm nào, bán cho ai, làm sao để có lãi? Các bước kinh doanh online cần lưu ý những điều gì để đạt hiệu quả cao?

Những câu hỏi này là mối quan tâm chung của tất cả những ai đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh online. Cùng Haravan tìm hiểu những kinh nghiệm và hướng dẫn kinh doanh chi tiết qua bài viết dưới đây ngay nhé.

Chọn sản phẩm để kinh doanh Online

Đây gần như luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà bán hàng tương lai. Thông thường, bạn sẽ rơi vào 1 trong 2 trường hợp:

  • Đã có ý định cụ thể về sản phẩm nhưng chưa biết tiềm năng thị trường như thế nào
  • Hoàn toàn chưa có ý định kinh doanh sản phẩm cụ thể nào

1. Bạn có ý tưởng về sản phẩm, nhưng liệu khách hàng có nhu cầu?

Nếu bạn đã có sẵn ý tưởng sẽ kinh doanh một/ một vài sản phẩm cụ thể, có sẵn nguồn hàng thì thực sự quá tốt. Nhưng trước khi mang những sản phẩm này ra kinh doanh online, bạn hãy xác định xem có nhiều người đang tìm mua những mặt hàng này không? Và nhu cầu của họ tăng hay giảm theo thời gian?

Việc tìm hiểu thị hiếu người dùng không thể thực hiện chính xác bằng cách “đoán”. Bạn sẽ cần sử dụng một vài công cụ để đo lương và phân tích. Một trong những cách dễ nhất và miễn phí chính là sử dụng Google Xu hướng (Google Trends).

Ví dụ: Nếu có ý tưởng kinh doanh về bàn chải điện, bạn có thể thử tìm kiếm từ khoá này ngay trên Google Trends để xem mức độ người dùng quan tâm đến sản phẩm này nhiều ít như thế nào?

Có thể thấy, lượng tìm kiếm với từ khoá bàn chải điện có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây và trong tương lai. Như vậy, đây là sản phẩm tiềm năng để có thể kinh doanh online.

Còn nếu sản phẩm của bạn thuộc 2 trường hợp:

  • Sản phẩm có rất ít người quan tâm: Không nên làm vì nhu cầu còn quá nhỏ. Nếu muốn làm bạn sẽ phải mất thời gian và một khoản tiền lớn để “educate” khách hàng về sản phẩm. Nếu là cá nhân mới kinh doanh thì điều này là quá sức.
  • Biểu đồ xu hướng giảm rõ rệt: Bạn hãy cân nhắc kỹ. Sản phẩm này vẫn có nhu cầu nhưng không còn là xu hướng, vì thế sẽ khá rủi ro.

2. Bạn chưa có ý tưởng cụ thể nào về sản phẩm kinh doanh online

Nếu bạn chưa có nguồn hàng hay ý tưởng kinh doanh mặt hàng nào, thì có thể tham khảo một số cách dưới đây để tìm ra hướng đi cho mình.

Xem người khác đang bán gì

Nếu bạn mới bắt đầu và không có ý định kinh doanh mặt hàng “độc” thì tham khảo các nhà bán hàng online khác cũng là một cách hiệu quả. Hàng ngày bạn bắt gặp hàng chục quảng cáo khác nhau khi lướt web, lướt Facebook, xem tivi..., thay vì nhanh chóng lướt qua hãy thử xem có sản phẩm nào gây hứng thú với bạn hay không, sau đó tiếp tục dùng Google Trends để kiểm tra.

Xem các sản phẩm đang “hot” trên sàn thương mại điện tử (TMĐT)

Bạn có thể xem các sản phẩm đang bán chạy nhất trên các sàn TMĐT và đưa ra quyết định. Trên Shopee, bạn có thể vào mục Tìm kiếm hàng đầu, chọn Xem thất cả và xem các mặt hàng bán chạy được sắp xếp theo danh mục:

Hay trên Lazada, bạn có thể vào mục Most popular để xem các sản phẩm hot:

3. Những lưu ý khi chọn sản phẩm kinh doanh online

Ưu tiên sản phẩm bạn có hiểu biết nhất định

Hiểu rõ về sản phẩm để tư vấn người mua, để viết nội dung bán hàng đúng insight khách hàng hơn, để tự tin xử lý khi có khách hàng khiếu nại hay đổi thủ chơi xấu...

Ưu tiên sản phẩm ngách

Khi mới bắt đầu với số vốn và kinh nghiệm còn ít, bạn không nên kinh doanh lĩnh vực quá rộng như thời trang. Trong ngành thời trang sẽ chia rất nhiều danh mục như quần, áo, đầm, váy..., mỗi loại lại chia theo mục đích sử dụng: đồ mặc nhà, đồ thể thao, đầm dự tiệc...

Bạn có hiểu biết hay yêu thích về sản phẩm cụ thể nào trong những ngách trên? Nếu bạn có chơi thể thao thì bán đồ thể thao, đồ tập gym/ yoga là lựa chọn không tệ.

Phân tích một chút cho sản phẩm đồ tập, có thể thấy:

  • Nhu cầu thị trường cao (kiểm tra trên Google Trends)
  • Ai cũng có thể sử dụng
  • Nhiều mức giá từ cơ bản đến trung, cao cấp
  • Bán được quanh năm
  • Người Việt đang quan tâm hàng đầu đến sức khoẻ (theo thống kê từ Nielsen)

Thay vì chọn một ngành quá rộng, nhập đủ loại hàng hóa về bán thì đi sâu vào một ngách sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi thế hơn.

Nguồn hàng

Đây là công đoạn quan trọng nhất khi bạn mới bắt đầu kinh doanh online. Bạn phải kiếm được nguồn hàng đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có mức lợi nhuận đủ để triển khai: Bạn cần phải tính toán và cân đổi mức lợi nhuận với chi phí nhân lực, marketing, vận hành... để không bị lỗ. Nhập vào 300.000đ và bán 400.000đ tưởng là lời nhưng nếu trừ đi các chi phí nêu trên thì có thể sẽ không đủ sức để trang trải.
  • Uy tín và chất lượng: Nếu chất lượng hàng hoá lúc cao lúc thấp, bạn không thể hợp tác lâu dài với đầu mối này.
  • Ổn định

Nếu bạn không có mối quan hệ có sẵn, bạn buộc phải mò nguồn hàng theo các cách sau:

  • Tìm trên Google và Facebook. Ví dụ như “nguồn hàng X”, “X giá sỉ” (X là sản phẩm bạn đang muốn bán). Thường thì bạn sẽ được khuyên đến các chợ đầu mối nếu tìm trên Google. Nếu tìm trên Facebook thì bạn có thể kết nối với những nhà cung cấp sỉ mặt hàng bạn quan tâm trên Online. Tuỳ vào điều kiện xa, gần và mức độ tin tưởng mà bạn quyết định giao dịch online hay offline.
  • 1688.com: Chuyên sỉ Trung Quốc, có nhiều dịch vụ vận chuyển sẽ giúp bạn mua và gửi hàng về Việt Nam.
  • Thị trường sỉ (thitruongsi.com): Chuyên trang nguồn hàng sỉ tại Việt Nam.
  • Tìm nguồn hàng thông qua bên vận chuyển: Với mối quan hệ của mình, họ sẽ gợi ý cho bạn nơi cung cấp sản phẩm. Vì họ muốn bạn có nguồn hàng để kinh doanh và sau đó sẽ sử dụng dịch vụ của họ.
  • Nếu có tài chính tốt, bạn có thể qua Trung Quốc và tìm đến các xưởng chuyên sản xuất (có sẵn dịch vụ hỗ trợ bạn đi).

Marketing rất quan trọng khi kinh doanh online

Sau khi đã có nguồn hàng thì marketing là bước quan trọng nhất. Không biết marketing thì sẽ không thể bán được hàng (trừ vài đơn do người quen ủng hộ, nhưng cách này không lâu dài). Hầu như những người mới kinh doanh online đều thất bại và bỏ cuộc do bước này, khi lỡ nhập hàng về đầy kho mà không cách nào bán được.

Nếu đã xác định kinh doanh online thì Digital Marketing là kênh tiên quyết để bạn tiếp cận khách hàng. Facebook, Google, TikTok, Instagram, YouTube, Zalo... đều là những kênh truyền thông cực hiệu quả. Tuỳ vào tệp khách hàng của bạn mà chọn kênh phù hợp. Nếu bạn không có kiến thức hay kém nhạy bén về Marketing thì nên thuê những người có thể làm tốt công việc này. Tuy nhiên bạn cần tìm hiểu cẩn thận để tránh bị lừa, cũng như cập nhật một vài kiến thức cơ bản để hiểu và quản lý công việc được tốt.

Vận hành

Khi bạn đã có nguồn hàng tốt, có thể triển khai marketing mượt mà và ra những đơn hàng đầu tiên, thì xin chúc mừng. Bạn đã phần nào có một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, đến lúc này một vấn đề có thể khiến bạn đau đầu chính là khâu vận hành. Từ quản lý con người, sản phẩm, tồn kho, vận chuyển, hiệu quả marketing, doanh thu, xoay vòng vốn..., nếu không làm tốt khâu quản lý và vận hành ngay từ đầu, thì bạn sẽ vô cùng lúng túng khi đơn hàng tăng lên, nhất là trong mùa cao điểm mua sắm như hiện tại.

Thường thì người mới bắt đầu kinh doanh online sẽ quản lý mọi việc trên file Excel. Nhập thông tin bằng tay, cộng trừ bằng hàm... Sau khi số sản phẩm nhập vào bán ra tăng lên, đơn hàng đổ về, đơn bán ra nhiều nhưng không thấy doanh thu đâu..., lúc này rất cần một công cụ/ phần mềm quản lý bán hàng để hỗ trợ.

Một số nhà kinh doanh có nghiên cứu và muốn đầu tư bài bản thì sẽ tìm hiểu và sử dụng công cụ giúp quản lý bán hàng Online ngay từ đầu. Hiện nay, khái niệm kinh doanh đa kênh (Omnichannel) ngày càng được ưa chuộng, giúp người kinh doanh quản lý bán hàng trên nhiều kênh như Website, Facebook, Shopee, Lazada, Tiki và cả chuỗi cửa hàng. Quản lý trên 1 chiếc điện thoại, chủ shop có thể tạo đơn, xử lý đơn và quản lý shop từ xa 24/7. Tiết kiệm thời gian, công sức mà không lo quản lý sai sót hay tình trạng thất thoát.

Trên đây là những hướng dẫn từ Haravan dành cho người mới đầu kinh doanh online. Hi vọng đã mang đến những chia sẻ hữu ích cho bạn. Bạn có thể tìm hiểu và dùng thử giải pháp quản lý bán hàng cho shop Online/ Offline tại Haravan. Trải nghiệm mọi tính năng vượt trội để tăng trưởng kinh doanh hoàn toàn miễn phí trong 15 ngày. Đăng ký tại đây.

Các giải pháp từ Haravan được hơn 50.000 doanh nghiệp tin dùng làm nền tảng để tăng trưởng trong thời đại kinh tế số, trong đó có các thương hiệu nổi bật trong nước và quốc tế như: Nestlé, Dell, L’Oréal, AEON, Vinamilk, Thiên Long, Biti’s, TheFaceShop, Juno, The Coffee House… Haravan cũng hân hạnh là đối tác chiến lược duy nhất của Google và Facebook tại Việt Nam trong mảng công nghệ kinh doanh.

Bắt đầu hành trình tăng trưởng ngay với Haravan tại: haravan.com.