Marketer Lê Minh Hiếu
Lê Minh Hiếu

Content Editor @ Brands Vietnam

Kantar – FMCG Monitor 12/2020: Con đường phục hồi cho ngành Bia

Báo cáo FMCG Monitor 12/2020 mới nhất của Kantar tổng hợp và cập nhật những xu hướng phát triển hậu giãn cách xã hội của ngành hàng FMCG tại 4 Thành Phố chính và Nông thôn Việt Nam.

Báo cáo ghi nhận tổng quan sự tăng trưởng ổn định của ngành hàng trước những biến chuyển tích cực của đại dịch. Ngoài ra, dịp Tết 2021 cận kề là cơ hội “trở lại” của ngành Bia.

1. Tình hình kinh tế Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục trong quá trình phục hồi khi hoàn thành kiểm soát các ca bệnh COVID-19 mới. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt (dưới 4%) và doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng tăng trưởng lành mạnh.

2. Các chỉ số chính

Tình hình xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng tích cực. Trái lại, các chỉ số khác như vốn đầu tư nước ngoài, và hoạt động kinh doanh có thể phải tốn thời gian để trở lại mức tăng trưởng trước dịch.

3. Toàn cảnh bức tranh FMCG

Tăng trưởng FMCG mạnh hơn trong dài hạn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng đang bình thường trở lại.

4. Tăng trưởng theo ngành hàng

Thực phẩm đóng gói tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tại khu vực thành thị, tiếp tục được thúc đẩy bởi các sản phẩm nấu ăn và thực phẩm tiện lợi. Ngoài ra, ngành hàng sữa và chăm sóc cá nhân cũng đang thể hiện tốt. Đó là nhờ xu hướng ưu tiên các sản phẩm vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khoẻ trong mùa dịch.

5. Ngành hàng tiêu biểu

Sữa trái cây cho tiêu dùng tại nhà là ngành hàng đang tăng trưởng nổi bật trong 11 tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân là do sự đa dạng hương vị và nguồn dinh dưỡng mà sản phẩm mang lại. Động lực tăng trưởng chính của sữa trái cây đến từ việc mở rộng phát triển mạng lưới người tiêu dùng.

6. Toàn cảnh thị trường bán lẻ

Các kênh mới nổi (siêu thị mini, online...) và mô hình bán lẻ hiện đại quy mô lớn vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng FMCG ở thành thị 4 TP chính.

7. Tiêu điểm

Ngành Bia đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt là tiêu dùng ngoài nhà. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư cho các dịp tiêu thụ tại nhà. Tiêu biểu, dịp Tết và các kênh bán lẻ hiện đại là một trong những đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng chính.

Những nghiên cứu này được dựa trên Worldpanel FMCG. Kantar theo dõi thói quen mua hàng tiêu dùng tại nhà của các hộ gia đình đại diện cho nhân khẩu học trên khắp 4 Thành phố chính (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam, trên hơn 130 danh mục hàng tiêu dùng nhanh, được chia làm 5 ngành hàng chính: Sữa và sản phẩm từ sữa, Thức uống, Thực phẩm đóng gói, Sản phẩm chăm sóc cá nhân, Sản phẩm chăm sóc gia đình.

Kantar là chuyên gia toàn cầu về dữ liệu, nghiên cứu và tư vấn cho doanh nghiệp. Bằng việc kết hợp giữa khả năng thấu hiểu con người cộng với những công nghệ tân tiến, 30.000 nhân viên của Kantar giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới thành công và phát triển.

* Nguồn: Kantar