Vietnam’s Search for Tomorrow: Người tiêu dùng tìm kiếm gì trên Google trong năm 2020?

Với 68 triệu người dùng Internet, nền kinh tế Internet của Việt Nam đang giữ vị trí thứ 2 về tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, tăng 39% so với năm 2015.

Thông qua báo cáo ‘Vietnam’s Search for Tomorrow’ phần 1 năm 2020, Google đã cung cấp những dữ liệu hữu ích kịp thời giúp cho các nhà tiếp thị có thể xác định hành trình tiếp cận người dùng hiệu quả và mang lại những giá trị mà người tiêu dùng quan tâm nhất.

Trong bảng báo cáo được chia theo từng nhóm:

  • Xu hướng nổi bật cả nước
  • Xu hướng theo từng phân khúc

Những “Key Highlight” trong xu hướng nổi bật cả nước đáng được quan tâm:

  • Khu vực nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số
  • Mức độ phổ biến của các dịch vụ theo nhu cầu đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây
  • Việc nghiên cứu sản phẩm qua mạng trước khi mua gia tăng đáng kể
  • Xu hướng lựa chọn lối sống lành mạnh đã thực sự phát triển khi COVID-19 xảy ra

1. Xu hướng sử dụng công nghệ ở nông thôn ngày một tăng

Các khu vực siêu đô thị vẫn tiếp tục đứng đầu về mức chi tiêu trực tuyến. Bên cạnh, trong những năm gần đây, thị trường nông thôn – nơi có hơn một nửa dân số đang sinh sống lại là khu vực tiềm năng phát triển Internet hơn hết, song vẫn chưa được khai thác nhiều.

Theo số liệu báo cáo cho biết có đến 77% lượng truy cập Internet và 91% truy cập website đến từ vùng nông thôn Việt Nam. Động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này phải kể đến những chương trình phổ cập 100% điện thoại thông minh đến người dân của chính phủ, thông qua việc trợ giá thiết bị và gói dữ liệu thuộc hàng rẻ nhất khu vực.

Có lẽ, trong thời gian sắp tới, khu vực nông thôn sẽ phát triển nhanh gấp đôi những thành phố lớn về mức chi tiêu trên trực tuyến. Bởi lâu dần sẽ có thêm nhiều người tiêu dùng làm quen với Internet và việc lên mạng vô tình trở thành thói quen hàng ngày của họ. Điều này có nghĩa, trong tương lai, không chỉ riêng thành thị, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn cũng có thể tiếp cận được với bất kỳ sản phẩm và dịch vụ nào trên Internet.

2. Dịch vụ theo nhu cầu phát triển mạnh

COVID-19 là cơ hội để những người làm tiếp thị khai thác nhiều hơn những mong muốn tiềm ẩn (insights) của người tiêu dùng. Thay vì ủng hộ cho việc mua hàng trữ tết, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng sức mạnh Internet, dịch chuyển mô hình kinh doanh offline sang online. Từ đó thúc đẩy và cho ra đời những dịch vụ đáp ứng nhu cầu trực tuyến. Từ mua sắm đồ dùng thiết yếu, giáo dục, giải trí, thậm chí quản lý tài chính đều sẵn sàng phục vụ người dùng ngay trên chiếc smartphone.

3. Người tiêu dùng yêu cầu ngày một cao hơn trong việc mua sắm

Sự phát triển của Internet đã góp phần mở ra thêm nhiều kênh mua sắm trực tuyến cho người dùng. Ở góc độ người làm quảng cáo, đây được xem như cơ hội có thêm nhiều điểm chạm với khách hàng. Tuy nhiên, đa dạng về thông tin và sự lựa chọn thường đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ đưa ra quyết định mua sản phẩm lâu hơn. Vì trước đó, họ phải dạo xem nhiều cửa hàng trên cả kênh trực tuyến và ngoại tuyến. Họ ưu tiên sự kỹ lưỡng hơn hết. Bởi họ không chỉ muốn sở hữu sản phẩm chất lượng nhất mà còn muốn trải nghiệm mua hàng cũng phải thật thuận tiện.

Thực tế, sự thuận tiện vẫn luôn là cốt lõi tạo động lực chính để khách hàng ra quyết định, dù là online hay offline, chỉ là tuỳ theo kênh bán, sự thuận tiện sẽ được định nghĩa khác nhau:

Lý do để quyết định mua offline:

  • Cần mua ngay
  • Muốn nhìn/ chạm/ thử sản phẩm
  • Muốn được mua ở cửa hàng có giá ưu đãi/ khuyến mãi tốt hơn
  • Không tin tưởng sản phẩm trên mạng

Lý do để quyết định mua online:

  • Giao hàng miễn phí
  • Có thông tin sản phẩm A-Z
  • Quy trình mua hàng đơn giản, tiện lợi
  • Có ưu đãi/ khuyến mãi
  • Giá rẻ hơn mua tại cửa hàng
  • Được đặt hàng trước thanh toán sáu (thanh toán COD)
  • Được kiểm tra hàng trước khi nhận
  • Được đổi trả, bảo hành tận nơi

Bên cạnh việc tìm kiếm một sản phẩm cụ thể, chẳng hạn rửa tắm X, bột giặt Y..., người dùng cũng có xu hướng tìm kiếm những thông tin chung chung liên quan đến nhu cầu của họ như sữa tăng cân cho bé/ bột ăn dặm cho bé 5 tháng...

Ngoài ra, một số người tiêu dùng cũng rất quan tâm những nội dung về cập nhật xu hướng mới, thông tin chia sẻ... Có lẽ với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, không chỉ riêng về Internet mà còn ở các lĩnh vực khác, người tiêu dùng dần hình thành tâm lý sợ bị lạc hậu.

Ấn tượng hơn, không chỉ riêng Google, YouTube cũng bắt đầu trở thành một kênh nghiên cứu mua hàng và tìm cảm hứng của người tiêu dùng.

4. Sức khoẻ là ưu tiên hàng đầu

Những năm gần đây, sống healthy, chế độ ăn eat clean, low-carb, Keto dường như trở thành một phần trong lối sống mới của nhiều người Việt Nam. Bởi phần đông người Việt cho rằng sức khoẻ có được là do lối sống. Chính vì thế, họ không ngừng tìm kiếm, cập nhật thông tin về những sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khoẻ, đồng thời luôn cố gắng làm chủ lối sống của mình. Cụ thể bằng cách duy trì những phương pháp tập luyện, chế độ ăn hợp lý. Phần lớn những từ khoá người dùng tìm kiếm trên Google đều xoay quanh những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như chất lượng không khí, mức độ ô nhiễm, cách phòng chống bệnh...

Những lĩnh vực nổi bật trong xu hướng theo từng phân khúc:

  • Làm đẹp và chăm sóc cá nhân
  • Thực phẩm và đồ uống
  • Tài chính
  • Mua sắm trực tuyến

1. Làm đẹp và chăm sóc cá nhân

Ai cũng có những vấn đề, nhu cầu khác nhau. Ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng Google và YouTube để tìm kiếm những câu trả lời để giải đáp cho thắc mắc của riêng mình.

Làm đẹp không còn là vấn đề riêng dành cho phái nữ, vì nam giới đã ngày càng quan tâm hơn đến ngoại hình và các sản phẩm làm đẹp. Theo Google Trends, cụm từ khoá tìm kiếm về nội dung làm đẹp cho nam giới trong tháng 7/2020 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiền để mua những sản phẩm giúp tăng giá trị cho các bước chăm sóc da của mình. Ấn tượng hơn, trong 3 năm qua, những sản phẩm như kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, tẩy da chết được tìm kiếm nhiều nhất, cũng như tăng trưởng nhanh nhất, vượt qua danh mục “làm trắng da”. Có lẽ, người tiêu dùng đã ngày một ưu tiên da khoẻ, sạch sâu hơn là việc làm trắng cấp tốc.

Song song với da, tóc cũng là một vấn đề được người tiêu dùng quan tâm khá nhiều. Ấn tượng hơn, tuỳ theo mùa trong năm, người tiêu dùng sẽ có những mối quan tâm về tóc khác nhau. Chẳng hạn:

  • 3 Tuần trước Tết: Lượt tìm kiếm màu và kiểu tóc đạt mức cao nhất
  • Tháng 11-12 (mùa lạnh): người tiêu dùng quan tâm về việc “chống gàu”
  • Tháng 7-10 (mùa ẩm): người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề “rụng tóc”

2. Thực phẩm và đồ uống

Ẩm thực Việt Nam là một trong những khía cạnh hấp dẫn của nền văn hoá dân tộc. Việc thưởng thức những món ăn ngon không chỉ giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu thiết yếu mà còn là “liều thuốc” hữu hiệu cho tinh thần mỗi ngày. Chính vì thế, rất nhiều người cảm thấy hứng thú trong việc thưởng thức nền văn hoá ẩm thực phong phú. Điển hình là những video mukbang, ASMR đến hoạt động nấu ăn ở nông thôn trên YouTube, tất cả đã cho thấy người dùng đang ngày càng có xu hướng tìm thú vui trong ẩm thực. Bên cạnh đó, mặc dù yêu thích ẩm thực nhưng người Việt đã dần ý thức hơn về chế độ dinh dưỡng.

3. Tài chính

Mặc dù mang đến nhiều tiêu cực nhưng không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã xúc tác đẩy nền công nghệ đi nhanh hơn. Trước đây, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến các hình thức thanh toán trực tuyến, đầu tư an toàn nhưng họ vẫn còn khá e ngại và dè chừng. Khi đại dịch diễn biến phức tạp, mối lo lắng về tài chính ngày một gia tăng, người tiêu dùng mới thật sự quan tâm đến việc quản lý tiền bạc trực tuyến.

4. Mua sắm trực tuyến

2020 có thể được xem là năm bùng nổ thực sự của ngành thương mại điện tử. Hàng loạt các sự kiện 10.10, 11.11, Black Friday... đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng lên mức tối đa. Theo báo cáo từ E-Conomy SEA 2019 (Google, Temasek, Bain & Company) cho biết 4,6 tỷ USD là mức quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2019, nhưng đến 2025, con số này dự kiến có thể tăng lên đến 23 tỷ USD. Trong đó, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng hàng đầu có thể kể đến: Ngày hội mua sắm trực tuyến; Giải trí trong ứng dụng; Số người bán tăng lên; Giao hàng nhanh; Cơ hội tăng thu nhập...

Dựa trên những số liệu từ báo cáo ‘Vietnam’ search for tomorrow’ cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã dần quen với việc lên mạng tìm kiếm các dịch vụ dù là thành thị hay nông thôn. Họ ưu tiên sự thuận tiện và các nhu cầu được đáp ứng tức thì. Để được chú ý và gặt hái thành quả như tăng độ nhận diện thương hiệu, doanh số hay thu hút thêm khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp truyền thống cần nắm bắt nhanh chóng những thay đổi của người tiêu dùng cũng như tận dụng tốt công nghệ số hoá.

* Nguồn: Vietnam’s Search For Tomorrow