Marketer Kurokawa Kengo
Kurokawa Kengo

Founder / CEO @ Asia Plus Inc.

Q&Me: Toàn cảnh về tiếp thị kỹ thuật số ở Việt Nam (năm 2020)

Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày nay, hầu hết mọi người đều sở hữu điện thoại thông minh và dành khá nhiều thời gian của mình vào các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này đã thay đổi rất lớn ngành quảng cáo tại Việt Nam và tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong việc chuyển đổi từ những phương thức truyền thống sang kỹ thuật số.

Asia Plus – một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam với hệ thống nghiên cứu Q&Me – vừa thực hiện một cuộc khảo sát đến 172 đại diện từ các công ty, trong đó có 132 brands và 40 agencies trên cả nước, nhằm tìm hiểu thực trạng của ngành marketing ở Việt Nam, mối liên hệ giữa brands và agencies cũng như những vấn đề hay khó khăn mà các marketer đang gặp phải.

Nhìn chung, các phương tiện truyền thông xã hội là công cụ phổ biến nhất trong hoạt động digital marketing của các doanh nghiệp. Trong đó, hầu như tất cả các công ty (96%) đều sử dụng Facebook cho hoạt động xây dựng thương hiệu của họ, đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 là YouTube và Instagram với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 63% và 39%. Có thể nói, Facebook là công cụ không thể thiếu trong hoạt động marketing của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong số 96% các công ty sở hữu trang Facebook chính thức, 81% sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook. Có một điều đáng ngạc nhiên là các công ty đều tự quản lý hoạt động digital marketing của mình. Trong số 81% các công ty sử dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, có đến 74% công ty tự chạy quảng cáo mà không thuê bất kỳ agency cung cấp dịch vụ nào. Các công ty này cho rằng họ có đủ kỹ năng để tự chạy quảng cáo trên Facebook và việc tự chạy quảng cáo cũng giúp họ có thể điều chỉnh nội dung quảng cáo dễ dàng và nhanh chóng; và tất nhiên, họ có thể tiết kiệm một khoản chi phí cho ngân sách marketing của mình khi tự chạy quảng cáo. Trái lại, những công ty thuê agency lại cho rằng các agency có kỹ năng chạy quảng cáo tốt hơn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với họ tự làm.

Từ sau thời điểm tháng 2/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân trên thế giới cũng như Việt Nam, sự thay đổi này cũng buộc những marketer phải thay đổi chiến lược, kế hoạch của mình để phù hợp với tình hình mới.

Đứng trước những khó khăn do COVID-19 mang lại, hầu hết các công ty đều phải cắt giảm ngân sách marketing của mình và có xu hướng đẩy mạnh hơn cho các kênh online (trực tuyến) so với các kênh truyền thống như báo, tạp chí hay quảng cáo ngoài trời.

Các marketer cho rằng, so với các phương pháp truyền thống, digital marketing giúp họ tiếp cận với người tiêu dùng tiềm năng tốt hơn và dễ dàng đo lường tính hiệu quả của hoạt động marketing hơn. Tuy nhiên, digital marketing cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với khách hàng lớn tuổi hoặc khách hàng ở khu vực nông thôn.

Khi được hỏi về những khó khăn đối với ngành digital marketing ở Việt Nam, các marketer cho rằng họ không được đào tạo hay huấn luyện để cập nhật các kiến thức và kỹ thuật mới, cũng như việc thiếu kiến thức chuyên môn ở cấp lãnh đạo cũng gây ra nhiều khó khăn trong các hoạt động digital marketing.