Re-live MMA Impact Việt Nam 2020: Kiến tạo tương lai của tiếp thị hiện đại

Ngày 19/11/2020 vừa qua, MMA Impact Việt Nam 2020 đã diễn ra với chủ đề ‘Kiến tạo tương lai của tiếp thị hiện đại’. Đây là sự kiện thường niên của Hiệp Hội Mobile Marketing Việt Nam nhằm tạo cơ hội thảo luận, trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm về những chủ đề nóng hổi, hấp dẫn của ngành truyền thông kỹ thuật số hiện nay.

Sự kiện năm nay cô đọng lại những biến chuyển, xu hướng đổi mới trong năm 2020 đầy biến động, cũng như đề xuất một số gợi ý giúp thương hiệu xây dựng chiến lược tiếp thị phù hợp cho giai đoạn “bình thường mới” tiếp theo.

Bài viết dưới đây điểm lại một số nội dung thú vị trong sự kiện này.

1. Nông thôn – mảnh đất tiềm năng cho các thương hiệu

Theo ông Nguyễn Vũ Anh – Phó Giám đốc của Cốc Cốc, hiện nay 2/3 người tiêu dùng tiềm năng đến từ khu vực nông thôn. Số liệu từ Cốc Cốc cho thấy trong số 77% người tiêu dùng nông thôn có khả năng truy cập Internet thì có đến 91% người sử dụng Ineternet hàng ngày. Thêm vào đó, có hơn 70% số lượt tìm kiếm với mục đích mua sắm trực tuyến, giải trí, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.

Ngoài ra, theo số liệu Cốc Cốc tổng hợp, năm 2019 có hơn 50% hộ gia đình nông thôn có thu nhập bình quân từ trung bình tới cao, tăng 20% so với năm 2012. Báo cáo còn thể hiện mức chi tiêu cho ngành hàng FMCG giữa thành thị và nông thôn vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn. Thế nhưng, ông Vũ Anh chia sẻ rằng với tốc độ tăng trưởng hiện tại, trong vòng 5 năm nữa, mức tăng trưởng về chi tiêu ở các hộ nông thôn sẽ tăng gấp đôi so với thành thị.

Hiện tại, người tiêu dùng nông thôn đang có xu hướng chuyển đổi mua sắm từ chợ truyền thống sang siêu thị hiện đại. Vì tại siêu thị, họ có thể lựa chọn nhiều loại hàng hoá hơn, đặc biệt chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo. Đó là lý do nhiều nhà bán lẻ đang dốc sức đầu tư, mở rộng hệ thống tại khu vực nông thôn như Bách hoá Xanh hay Vinmart. Hiện tại, mức độ thâm nhập của các siêu thị nhỏ tại khu vực nông thôn tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 2 năm từ 2018-2020.

Cuối cùng, Việt Nam đang chứng kiến xu hướng đô thị hoá ở các khu vực nông thôn. Có hai động lực chính thúc đẩy việc đô thị hoá tại nông thôn gồm: người tiêu dùng chuyển đến sinh sống ở khu vực thành thị – nơi mang lại công việc với thu nhập cao cũng như nền giáo dục tốt hơn cho con của họ, và một số khu vực nông thôn dần trở thành “boomtown” (thành phố phát triển bùng nổ) khi ngày càng nhiều nhà máy của công ty, tập đoàn lớn đang “mọc lên”. Đây sẽ là xu hướng kéo dài trong tương lai, mở ra nhiều cơ hội cho thương hiệu.

2. “Influencer Marketing trở thành kênh truyền thông có thể giải đáp bất kỳ mục tiêu marketing nào cho thương hiệu”

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Lê Khánh – Đồng sáng lập Influencer Agency Golden Stella trong phiên thuyết trình Influencer Landscape & Practice In Vietnam.

Ông cho biết với mỗi USD media spend chi cho Influencer Marketing, sẽ đổi lại được 5,78USD cho earned media. Con số này tăng lên 0,38USD so với năm 2018 và vẫn đang tiếp tục tăng.

Ông Khánh liên tục nhấn mạnh một sai lầm mà các thương hiệu thường mắc phải khi triển khai Influencer marketing: “Loại nội dung là điều đầu tiên lẽ ra thương hiệu cần phải chú trọng khi triển khai tiếp thị thông qua người ảnh hưởng. Nhưng rất tiếc hiện nay phần lớn đều bắt đầu với số lượng người theo dõi. Thương hiệu cần hiểu mục đích của chiến lược Influencer marketing là để có thêm nhiều người sáng tạo nội dung hơn trên nhiều kênh khác nhau. Từ đó, thương hiệu mới có thể tiếp cận được những insight khác của người tiêu dùng. Vì thế, nội dung mới là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn gương mặt Influencer”.

Đặc biệt, rất ít thương hiệu và agency ngày nay quan tâm đến lý tưởng hay mục tiêu nghề nghiệp mà Influencer theo đuổi trong cuộc sống (point of motivation), vì những thông tin này thường không được chia sẻ trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, để truyền tải thông điệp đến người tiêu dùng hiệu quả nhất trên diện rộng, thương hiệu cần xác định point of motivation để đánh giá mức độ phù hợp của Influencer cho chiến dịch của mình.

Vậy thương hiệu nên hợp tác với Influencer theo hình thức one-off campaign hay hợp tác lâu dài?

Theo ông, đối với một thương hiệu mới bắt đầu sử dụng Influencer marketing để phục vụ các mục tiêu như tăng trưởng doanh thu, ra mắt sản phẩm mới, hay xây dựng nội dung bắt kịp xu hướng thì nên áp dụng hình thức one-off campaign (hợp tác một lần). Tuy nhiên, với thương hiệu trưởng thành và có danh mục sản phẩm rộng thì nên thiết lập một chiến lược hợp tác lâu dài với Influencer.

Biểu đồ trên thể hiện mức độ hiệu quả khi thương hiệu làm việc trong thời gian dài với Influencer. Nhờ vào mối quan hệ hợp tác bền vững đó, thương hiệu luôn có nội dung sáng tạo (always-on content), và không bao giờ trễ nhịp với bất kỳ xu hướng nào. Hơn nữa, Influencer cũng sẽ thẩm thấu được tinh thần của thương hiệu nên việc sáng tạo và truyền tải thông điệp trở nên suôn sẻ, đem lại hiệu quả cao hơn.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh tuy Influencer marketing hiện đang rất phát triển tại Việt Nam nhưng cách làm việc với Influencer marketing vẫn nên dựa trên mối quan hệ trực tiếp giữa người và người (people relation), hơn là tự động hoá nhờ công nghệ (automation). Vì cách làm việc này phù hợp với tính cách của người Châu Á, quen thuộc với văn hoá “mai mối”. Bên cạnh đó, phần đông các thương hiệu mới sử dụng chiến lược Influencer marketing cũng cần đến đơn vị trung gian thì mới kết nối và tiếp cận được người ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc tương tác trực tiếp giữa thương hiệu và Influencer sẽ giúp Influencer dễ dàng thấu hiểu thông điệp và cảm hứng mà họ cần phải truyền tải đến khán giả.

3. Những ngộ nhận của doanh nghiệp về đổi mới để thích ứng với nền kinh tế số

Phiên thảo luận với chủ đề The Rise of Vietnam’s Internet Economy mang đến nhiều chia sẻ, góc nhìn của các nhà lãnh đạo từ các tập đoàn lớn như Unilever, Google, KPMG... về tốc độ số hoá cũng như ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế số tại Việt Nam.

Theo ông Warrick Cleine, CEO của KPMG Việt Nam và Campuchia, phần lớn doanh nghiệp đang mắc phải 3 sai lầm trong quá trình thay đổi để kịp thích nghi với nền kinh tế số trong trạng thái “bình thường mới”. Đầu tiên, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng ra quyết định dựa trên cảm tính mà bỏ qua ý kiến, góc nhìn của nhân viên hoặc dựa trên các dữ liệu thực tế. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp xem việc đổi mới (innovation) là một quá trình chông gai và nhiều trở ngại. Thực chất, họ có thể đưa ra nhiều giải pháp cải tiến thông qua góc nhìn, trải nghiệm thực tế của chính khách hàng và nhân viên. Cuối cùng, một số cho rằng đổi mới là một vấn đề lớn, nằm ngoài phạm vi kinh doanh của họ chứ không bắt nguồn từ cốt lõi của doanh nghiệp.

Ngoài 3 nội dung chính trên, MMA Impact Việt Nam 2020 còn khai thác ý nghĩa và vai trò cốt lõi của Purposeful marketing trong thời đại Modern marketing, đồng thời đưa ra các số liệu bổ ích về người tiêu dùng số thời nay, cùng những cơ hội tiếp thị tiềm năng đối với mảng Gaming.

Theo Thảo Nguyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam