8 Ý Tưởng Marketing Mobile App Không Phải Ai Cũng Biết

Không thể phủ nhận tính tiềm năng của thị trường ứng dụng di động (Mobile Apps) hiện nay. Bởi lẽ từ người già đến người trẻ, hầu hết đều có những thiết bị di động và sử dụng app cho hoạt động giải trí.

Thật không may, có rất nhiều lượt tải ứng dụng mới mỗi ngày, nhưng cũng có vô số ứng dụng bị “bỏ xó” không bao giờ dùng đến. Giữa hàng trăm ứng dụng trông có vẻ na ná, làm thế nào hướng người dùng lựa chọn ứng dụng của bạn? Câu trả lời chính là chiến lược Marketing hiệu quả.

Có một “kịch bản” vô cùng phổ biến đối với nhiều nhà làm App: Sau vài tuần khởi chạy, ứng dụng của bạn có lượt tải tăng chóng mặt và đạt đỉnh. Và rồi, kết quả đó chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi đội nhóm của bạn không nỗ lực marketing cho “đứa con” của mình nữa.

Ý tưởng App Marketing nào thật sự phù hợp với bạn?

Ý tưởng App Marketing nào thật sự phù hợp với bạn?

TIẾP THỊ ỨNG DỤNG DI ĐỘNG TRƯỚC RA MẮT (PRE-LAUNCH MOBILE APP MARKETING)

1. Đừng đợi ra mắt rồi mới tiếp thị

Không cần đợi đến ngày ra mắt, ngay khi các khâu lên ý tưởng và thiết kế hoàn tất, bạn có thể đồng thời nghĩ cách marketing cho ứng dụng. Hãy trả lời các câu hỏi: Ai là người dùng lý tưởng? Tại sao họ nên tải ứng dụng của bạn? Làm cách nào khuyến khích họ hành động?

Con người thường thích những ứng dụng mới và hợp thời. Việc tiếp thị sớm sẽ tạo ra tâm lý mong đợi. Theo nghiên cứu của Google, chỉ 40% mobile user tìm kiếm ứng dụng thông qua App Store. Phần còn lại sẽ tiếp cận các ứng dụng thông qua video YouTube, blog,...Vì vậy, hãy đa dạng ý tưởng khi bạn bắt đầu lập kế hoạch tiếp thị của mình.

2. Bắt đầu thu hút khách hàng tiềm năng

Để tạo ra một ứng dụng lý tưởng, nhu cầu của người dùng mục tiêu phải được đáp ứng. Mọi người sẽ tải ứng dụng nếu cảm thấy app đó đáp ứng được nhu cầu sử dụng hiện tại.

Vì vậy, bạn cần thu thập feedback từ user trong suốt quá trình phát triển Apps. Liên tục tìm kiếm và tương tác với họ, khách quan đón nhận phản hồi từ người dùng thực thông qua các diễn đàn, trang web có liên quan và qua các kênh Social Media.

3. Khởi tạo Blog

Blog là một trong những cách tốt nhất để chia sẻ thông tin và thu hút người xem quay lại nhiều lần. Hãy viết Blog cho ứng dụng của bạn ngay sau khi tạo Website chính thức, và chăm chỉ cập nhật thông tin thường xuyên, đều đặn.

Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng. Điều này giúp người dùng cảm thấy được tham gia vào đội ngũ khởi tạo, từ đó họ sẽ chủ động tương tác và phản hồi đến bạn nhiều hơn. Ngay cả sau khi ứng dụng đã chính thức hoạt động, Blog vẫn sẽ là kênh giao tiếp hiệu quả giữa bạn và người dùng.

4. Ra mắt Teaser

Thay vì liên tục nói về ứng dụng, hãy để người dùng tự nhìn thấy mọi thứ. Có thể nói, Teaser chính là cách tuyệt vời giúp người dùng chuyển từ “quan tâm” sang “hào hứng” với mobile app. Bạn có thể hé lộ ảnh chụp màn hình ứng dụng hay một số tính năng cơ bản một cách trực quan.

Không chỉ giúp tăng độ nhận biết, bạn cũng có thể thu thập email những người quan tâm App thông qua Video Teaser của mình.

5. Chuẩn bị “Press kit” và các tài liệu liên quan đến việc ra mắt

Press kit có thể hiểu là những tài liệu mở rộng của thông cáo báo chí, hỗ trợ trong ngày ra mắt ứng dụng. Trước khi khởi động, bạn nên xây dựng website hoàn chỉnh, có video quảng cáo phác thảo các tính năng chính của ứng dụng và một phần nội dung như thông cáo báo chí hoặc bài đăng trên blog.

Đừng quên, liên hệ với các đối tác truyền thông có liên quan, influencer trong ngành hay blogger có chuyên môn tin cậy để thực hiện phỏng vấn và đánh giá ứng dụng. Việc khởi chạy ứng dụng đã diễn ra suôn sẻ. Nhưng đừng vội dừng lại vì còn nhiều việc đang đợi bạn ở giai đoạn kế tiếp.

TIẾP THỊ ỨNG DỤNG DI ĐỘNG SAU KHI RA MẮT (POST-LAUNCH MOBILE APP MARKETING)

6. Thu thập thêm phản hồi từ khách hàng

Mobile app trên App Stores thường được xếp hạng dựa trên mức độ phổ biến và rating. Do đó, để tăng khả năng tải xuống, hãy cố gắng thuyết phục người dùng ratings và để lại review sau khi trải nghiệm apps. Bạn cũng có thể đính kèm thông tin liên hệ trong phần mô tả ứng dụng, để khách hàng dễ dàng liên hệ bạn, gửi câu hỏi hay đóng góp nhiều feedback chi tiết hơn.

Nhưng đừng chỉ đọc phản hồi rồi không làm gì cả. Bạn cần trả lời người dùng và xem xét mọi đóng góp. Cố gắng đào sâu những vấn đề khiến người dùng chưa hài lòng và giúp họ cải thiện.

7. Có các bài Review ứng dụng

Bạn có thể gửi ứng dụng của mình cho các blogger hay các kênh video nổi tiếng trong ngành, nhờ họ Review.

Bạn cũng có thể tự tạo video YouTube của riêng mình để hướng dẫn sử dụng ứng dụng hay giải quyết các vấn đề thường gặp. Đây là cách hiệu quả để tiếp cận các đối tượng đang tìm kiếm giải pháp. Rất có thể họ sẽ dùng thử ứng dụng và trung thành với bạn về lâu dài.

Nên nhớ rằng, dù cho các thao tác trên App của bạn vô cùng đơn giản, vẫn có người gặp rắc rối và cần trợ giúp. Vì thế đừng ngại tốn công thiết kế các Infographic, Video,... hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ chắc chắn sẽ có người cần đến nó.

8. Tối ưu hóa ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng di động

Đối với 40% người tải xuống ứng dụng di động thông qua tìm kiếm trên các Mobile App Store, bạn cần đảm bảo rằng ứng dụng được tối ưu hóa để tăng tỷ lệ chuyển đổi. Hãy đặt tên App của mình bằng những từ khóa đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bạn cũng có thể sử dụng quảng cáo tìm kiếm để tăng lượt tải xuống. Loại hình quảng cáo này có thể cải thiện khả năng hiển thị ứng dụng vì chúng xuất hiện vào đúng thời điểm khách hàng đang tìm kiếm một ứng dụng giống với ứng dụng của bạn.

NỔI BẬT LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT

Dù trước hay sau khi khởi chạy, việc khiến cho App luôn “nổi bật” là yếu tố quan trọng giúp thu hút sự chú ý của người dùng. Chưa kể, các kênh khác nhau cần những ý tưởng tiếp thị sáng tạo khác nhau.

Với hơn 3 triệu ứng dụng di động hiện nay, yếu tố nổi bật và khả năng nắm trong tay cộng đồng mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của ứng dụng giữa môi trường khắc nghiệt và đầy tính cạnh tranh.