Lối đi nào cho ngành sự kiện trước làn sóng COVID-19 lần thứ 2?

Những tưởng đã tạm thời yên ổn thì COVID-19 bất ngờ quay trở lại và giáng một đòn nặng nề vào các doanh nghiệp. Hàng loạt sự kiện vốn đã được chuẩn bị tổ chức trở lại bị hủy khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Trong bối cảnh đó, xu hướng chuyển dịch sang môi trường trực tuyến của ngành sự kiện đang thực sự trở thành cứu tinh cho các doanh nghiệp nhanh nhạy thích nghi và sẵn sàng chuyển đổi.

Tác động nặng nề của Covid-19 và sự chuyển dịch của ngành sự kiện

Không cần phải nói quá nhiều về những ảnh hưởng to lớn của đại dịch này, khi những diễn biến thực tế đã cho thấy COVID-19 đáng sợ như thế nào. Hàng trăm ngàn người chết, nhiều quốc gia đóng cửa, nền kinh tế tê liệt… là những chỉ dấu nói lên mức độ nguy hiểm của đại dịch toàn cầu này.

Trong vòng xoáy đại dịch, ngành sự kiện cũng gánh chịu những ảnh hướng nhất định do đặc thù lây nhiễm của virus. Hàng loạt buổi diễn bị hủy, các sự kiện ra mắt chuyển đổi hình thức tổ chức… trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, sự chuyển đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch, thay đổi hình thức để có thể thích nghi hoàn cảnh trước khi tính đến những phương án dài hơi.

Nhiều thống kê chỉ ra rằng, tính đến tháng 6/2020, sự kiện trực tuyến vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà tổ chức bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và khả năng tương tác tệp khách hàng cao, bất chấp những bất lợi so với những sự kiện trực tiếp. Con số gần 14 triệu người trên toàn cầu tham gia show trực tuyến One World: Together At Home do WHO và Lady Gaga đồng tổ chức hồi tháng 4, thu về khoảng 50 triệu USD là một minh chứng cho việc, tổ chức sự kiện trực tuyến đang tồn tại và trở thành “cứu tinh” cho ngành tổ chức sự kiện trong mùa đại dịch.

Ưu điểm và hạn chế của hình thức tổ chức sự kiện trực tuyến

Dĩ nhiên, không phải đến hiện tại, khi đại dịch COVID-19 hoành hành khiến cuộc sống bị đảo lộn, người ta mới nghĩ đến việc tổ chức sự kiện trên môi trường online. Hình thức này đã được ứng dụng từ rất lâu và là một phần trong các sự kiện. Nhưng chính COVID-19 đã tạo đà để sự kiện trực tuyến nhanh chóng chuyển dịch và ngày càng phát triển mạnh trên các nền tảng trực tuyến như Skype, Facebook, Telegram…

Bất chấp những lo ngại về lỗ hổng bảo mật của các ứng dụng trực tuyến như Zoom, hoặc tỷ lệ kết nối tương tác và chuyển đổi quảng cáo, lợi nhuận sụt giảm, tổ chức sự kiện trực tuyến vẫn mang rất nhiều ưu điểm xứng đáng để trở thành lựa chọn hàng đầu, chí ít cho đến thời điểm hiện tại.

Các buổi livestream, webinar, hội thảo trực tuyến… giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý. Dù bạn ở bất kỳ ngóc ngách nào trên khắp thế giới này, chỉ cần có một thiết bị công nghệ hiện đại kết nối mạng internet, bạn đã có thể tham gia sự kiện, tương tác với hàng trăm, hàng ngàn người khác.

Ít tốn chi phí và đặc biệt, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mình mong muốn là một trong những ưu điểm khiến sự kiện trực tuyến trở thành lựa chọn tối ưu.

Cơ hội cho doanh nghiệp để vươn lên bứt phá trong mùa dịch

Với những lợi thế về chi phí, thời gian, địa điểm, sự kiện trực tuyến có thể coi là cơ hội cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Nó mở ra rất nhiều triển vọng không chỉ cho các thương hiệu lớn mà còn tối ưu cho doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp lớn, sự kiện trực tuyến được coi là hình thức chuyển đổi quan trọng và cần thiết, không chỉ là hình thức tạm thời mà còn là một sự thay đổi mang tính lâu dài về mặt cơ cấu tổ chức, mang lại nhiều thiện cảm hơn cho người dùng, nhất là trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay.

Nếu đủ linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành sự kiện, cả doanh nghiệp và các đơn vị tổ chức đều có thể nắm bắt cơ hội và trở thành người đi tiên phong và tạo nên hiệu quả kinh doanh bứt phá để vượt qua những khó khăn trong mùa dịch. Cơ hội không dành cho cho người đến sau.

Việt Phi

Nguồn FS Event