08 xu hướng xây dựng Thương Hiệu năm 2020 (Phần 1)

Xây dựng thương hiệu có thể được định nghĩa ngắn gọn là tất cả những gì một doanh nghiệp làm để tạo ra sự khác biệt, nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thời đại nhiễu loạn thông tin ngày nay, một tên gọi tốt hay một bộ nhận diện đẹp không còn đủ để thu hút sự chú ý liên tục từ người tiêu dùng. Làm thế nào để ta có thể duy trì một bản sắc vững chắc và gia tăng nhận biết thương hiệu trong một năm 2020 đầy biến động? Đối với nhiều người, nắm bắt các xu hướng mới là một trong những cách tốt nhất để bắt đầu .

Thương hiệu đang được tiếp cận theo rất nhiều cách khác nhau vào năm 2020. Trong bối cảnh công nghệ được đổi mới liên tục và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, xây dựng thương hiệu giờ đây ngày càng ít tập trung hơn vào việc thương hiệu sẽ trông như thế nào, thay vào đó nó chú ý nhiều hơn tới cách mà một thương hiệu hoạt động.

Hoạt động thương hiệu vì thế đang trở nên đa dạng và phổ biến hơn bao giờ hết, nó bao hàm toàn bộ trải nghiệm người tiêu dùng có với một thương hiệu. Trên hết, các chiến dịch theo định hướng công nghệ đang tạo nên một chuẩn mực mới cho những trải nghiệm này. Tất cả những điều này làm phát sinh thêm hàng loạt các yếu tố mới như: thiết kế trải nghiệm khách hàng, chuyển đổi số, phát triển bền vững hay xây dựng các kết nối cộng đồng. Lượng thông tin và kiến thức khổng lồ về những điều này có thể làm tê liệt nhiều người.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, dịch bệnh từ virus corona đã đe doạ sự tồn vong không chỉ với con người mà còn với các thương hiệu. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia đã dự báo rằng rất có thể chúng ta sẽ phải học cách sống cùng dịch bệnh này cả năm nay. Rất nhiều các công ty và thương hiệu sẽ bị xóa sổ trong quá trình hãm phanh này. Làm thế nào để các thương hiệu bình tĩnh trước quá nhiều sóng gió như vậy?

Để giúp các thương hiệu Việt Nam vượt qua những thách thức này, Mibrand Vietnam đã tổng hợp lại 08 xu hướng nổi bật trong năm 2020 từ các chuyên gia và thương hiệu hàng đầu thế giới. Đi cùng đó là các ví dụ cụ thể từ các Case Study hàng đầu thế giới để giúp người đọc khơi gợi thêm các ý tưởng mới cho chính mình.

Các xu hướng này có thể trải rộng trên nhiều khía cạnh,hoạt động khác nhau của doanh nghiệp, tuy nhiên chúng cùng hướng tới mục tiêu giúp thương hiệu thích nghi và sáng tạo tốt hơn trên môi trường kỹ thuật số, trong một năm mà phần lớn các hoạt động offline có khả năng bị ngưng trệ hoàn toàn.

Danh sách này chắc chắn sẽ không thể đầy đủ, nhưng là những xu hướng chúng tôi cho là sẽ phù hợp nhất trong thời điểm này. Mong rằng chúng sẽ giúp bạn tìm thấy một vài cách thức phù hợp để chèo lái thương hiệu của mình đi qua cơn bão phía trước, và trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

1. Thiết kế logo có khả năng thích ứng cao

Chúng ta hãy cùng bắt đầu với một xu hướng về thiết kế logo thương hiệu – yếu tố tuy nhỏ nhưng thường được người ta chú ý tới đầu tiên.

Ngày nay các thương hiệu phải ở khắp mọi nơi nếu họ muốn được chú ý. Điều đó nghĩa là nhận diện tại cửa hàng hay trên những quảng cáo trực tuyến là không còn là đủ. Nếu muốn có một nhận diện thành công trong thời đại kỹ thuật số, bạn sẽ cần phải quản trị tốt sự xuất hiện trên mọi Website, mạng xã hội, cũng như các ứng dụng điện thoại di động.

Vì vậy nhiều công ty hiện đang lựa chọn việc thiết kế logo có khả năng thích ứng, linh hoạt cao. Thiết kế kiểu này có thể được thay đổi về kích thước, độ phức tạp hoặc màu sắc tùy thuộc vào việc nó được sử dụng để làm gì. Ví dụ như có thể sử dụng phiên bản logo chính cho website, một logo đơn giản hơn cho tài khoản Instagram và một cái khác cho biểu tượng App. Dù có nhiều biến thể khác nhau, tính nhất quán của logo vẫn cần phải được đảm bảo trên mọi phương tiện, phù hợp với mọi bố cục. Xu hướng này cho phép khách hàng nhận ra thương hiệu theo những cách khác nhau, làm tăng cơ hội gợi lại hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

Việc thiết kế các Logo dạng này thường được chia thành bốn phiên bản. Biến thể đầu tiên phải bao gồm tất cả các thành phần của thiết kế, sau đó là ba biến thể khác, có kích thước nhỏ hoặc ít phức tạp khi được loại bỏ các phần khác nhau một cách sáng tạo.

Tóm tắt xu hướng 01:

  • Trang web, mạng xã hội và các tài liệu yêu cầu bố cục logo khác nhau, vì vậy các thương hiệu nên có các biến thể logo khác nhau để phù hợp với các yêu cầu này.
  • Các thương hiệu có thể cân nhắc sử dụng biến thể logo khác nhau cho các dịp khác nhau để mang đến cho người tiêu dùng sự đa dạng về thị giác và khiến họ không bị nhàm chán.

2. Tiếp thị nội dung có giá trị bằng hình ảnh

Có thể nói con người là một loài sinh vật trực quan. Chúng ta nắm bắt, ghi nhớ và tưởng tượng bằng hình ảnh tốt hơn nhiều so với bất kỳ hình thức nội dung nào khác. Theo HubSpot, các nội dung tiếp thị có giá trị giáo dục, chuyên sâu và đi cùng hình ảnh trực quan (Visual Content) mang lại sự chú ý nhiều hơn 67% so với quảng cáo và nội dung quảng cáo khác.

Nội dung có giá trị giáo dục hoặc nghiên cứu chuyên sâu được tìm đọc nhiều hơn trong một thế giới đầy rẫy các nội dung quảng cáo vô nghĩa. Sản xuất nội dung có giá trị mất thời gian hơn nhiều so với sản xuất các nội dung quảng cáo hàng ngày. Nhưng người theo dõi sẽ đánh giá cao và chú ý tới thương hiệu nhiều hơn hẳn khi thấy các phân tích chuyên sâu về chủ đề mà họ quan tâm.

Các nội dung hữu ích được hình ảnh hoá thường giúp quảng bá thương hiệu mà không có tạo cảm giác làm phiền cho khách hàng. Có nhiều định dạng đang lưu hành phổ biến hiện nay như GIF, biểu đồ thống kê, Infographics, hay Video, chúng được các thương hiệu ứng dụng linh hoạt và đa dạng để truyền tải các thông tin bổ ích, thay vì chào bán sản phẩm.

Chiến lược nội dung này cho phép bạn thu hút khách hàng tiềm năng mới hiệu quả hơn trên phương tiện truyền thông xã hội. Điều này đặc biệt quan trọng bởi Facebook gần đây đã thay đổi thuật toán của mình để tập trung nguồn cấp tin tức cho bạn bè và gia đình thay vì quảng cáo.

Tất nhiên, trước khi bạn triển khai chiến lược này, hãy chắc chắn mình có một bộ quy chuẩn quản trị nhận diện thương hiệu đầy đủ và vững chắc (Brand Guideline). Ví dụ nếu sử dụng Infographic, hãy dùng font chữ chính thức và trang trí bằng bảng màu đặc trưng của thương hiệu. Nếu sử dụng Video, hãy chắc chắn rằng logo và các dấu hiệu đại diện của thương hiệu xuất hiện xuyên suốt từ đầu tới cuối. Điều này cho phép bạn khéo léo quảng cáo thương hiệu của bạn thông qua những thông tin bổ ích.

Tóm tắt xu hướng 02:

  • Nội dung có giá trị được hình ảnh/ trực quan hoá có khả năng khơi gọi hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng mà không tạo cảm giác làm phiền họ.
  • Hầu hết người tiêu dùng dành nhiều thời gian cho các mạng xã hội, nơi hình ảnh đóng vai trò quan trọng hàng đầu, hãy chắc chắn bạn có một bộ quy chuẩn hình ảnh thương hiệu đầy đủ và sử dụng nó nhất quán.

3. Xây dựng cộng đồng trực tuyến

Tương tác với khách hàng với các thương hiệu ngày càng trở nên đa dạng. Nó có thể ở dạng bình luận phương tiện truyền thông xã hội, tin nhắn tức thời, cuộc gọi điện thoại, email hoặc thậm chí thông qua các hashtag trên status khách hàng. Trong đó, việc xây dựng cộng đồng hay diễn đàn trực tuyến là một một điểm tương tác mới đáng để thử nghiệm.

Các cộng đồng, nhóm hay diễn đàn trực tuyến của thương hiệu là các nền tảng để khách hàng của bạn tương tác với nhau. Ngày nay thường được ứng dụng phổ biến nhất trên facbook hoặc Website chính thức. Nó giups kết nối các khách hàng có cùng chí hướng và tạo dựng mối quan hệ sâu sắc hơn giữa họ và với thương hiệu. Khi khách hàng tự nguyện tham gia các cộng đồng, việc thảo luận về thương hiệu sẽ diễn ra rất tự nhiên như những cuộc tán gẫu.

Các cộng đồng và diễn đàn này thường xuất hiện các chủ đề liên quan, cung cấp lời khuyên hay mẹo về thương hiệu. Điều này cho phép các thương hiệu nói về sản phẩm, hiểu khách hàng hơn mà không thông qua việc bán hàng. Theo một khảo sát của CMA, 37% người mua sắm gắn bó với các công ty vì cộng đồng trực tuyến. Việc được tham gia các cuộc thảo luận về thương hiệu khiến người ta tin tưởng vào công ty hơn, nó cũng tăng khả năng mua hàng từ khách hàng.

Một ví dụ nổi bật là Sephora. Họ có một diễn đàn trực tuyến mang tên Beauty Insider Community, đây là nơi người tiêu dùng có thể nói về các nguồn cung cấp, nguyên liệu mỹ phẩm, xu hướng làm đẹp, xem các phương pháp làm đẹp khác nhau, và vô vàn các ý tưởng khác liên quan tới sản phẩm của Sephora. Họ cũng còn mời các chuyên gia sắc đẹp chia sẻ kinh nghiệm và các đăng các bài viết nổi bật của khách trong phòng trưng bày. Cộng đồng ngay trên Website này.

Starbucks cũng có một diễn đàn nơi những người đam mê cà phê thảo luận và chia sẻ ý tưởng của họ thông qua ý tưởng của Starbucks mang tên là My Starbucks.

Tóm tắt xu hướng 03:

  • Tự do tham gia thảo luận và đánh giá về thương hiệu giúp củng cố lòng trung thành khách hàng.
  • Các cộng đồng trực tuyến cho phép khách hàng giao tiếp với nhau và giúp họ có thêm động lực để gắn bó với thương hiệu.

4. Ý tưởng cho phát triển bền vững

Các nghiên cứu cho thấy 88% người tiêu dùng tin rằng các công ty có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi xã hội. Vì vậy, họ nên đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề môi trường bằng cách cung cấp các sản phẩm bền vững hơn.

Người mua sắm ngày nay, đặc biệt là giới trẻ đang ngày càng có ý thức hơn về những gì họ mua. Trên thực tế, theo Global Web Index vào năm 2018, có tới 58% khách hàng thế hệ Gen Z, 61% Millennials, 55% Gen X và 46% người tiêu dùng thế hệ Baby Boomer sẽ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Với dữ liệu này, không có gì ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu hiện đang thực hiện các phát triển các hoạt động bền vững bên cạnh những quy trình đạo đức trong kinh doanh. Thông qua đó đáp ứng nhu cầu của chủ nghĩa tiêu dùng xanh và có thêm được niềm tin từ khách hàng.

Trường hợp điển hình có thể kể tới như thương hiệu bán thiết bị ngoài trời Fjallraven đang chủ động tìm cách sử dụng ít nước sạch hơn và sử dụng vật liệu tái chế để sản xuất. Tương tự, Patagonia cũng đang đổi mới để tạo ra trang phục và thiết bị ngoài trời bền vững hơn. Họ thậm chí còn thuyết phục khách hàng nên suy nghĩ kỹ trước khi mua các mặt hàng mới cũng như cho phép khách hàng tham gia vào chương trình đổi thiết bị cũ lấy thiết bị mới xanh và thân thiện với môi trường hơn.

IKEA cũng là một trong những thương hiệu muốn có một tương lai bền vững hơn. Họ đã tạo ra quy trình kiểm soát việc sử dụng nước trong các cửa hàng, sử dụng các tấm pin mặt trời và dùng bông từ các nguồn nhiên liệu bền vững, cũng như tìm các cách mới để sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Có một điều quan trọng cần phải nhớ về xu hướng này, đó là các ý tưởng về phát triển bền vững thường có liên quan mật thiết tới việc sử dụng nguồn nguyên liệu, con người, quy trình sản xuất và vận hành bên trong của doanh nghiệp. Hãy chắc chắn rằng công ty của bạn đang thực thi ý tưởng bền vững trôi chảy trước khi tìm cách thể hiện trên các kênh truyền thông đại chúng. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ rõ vụ truyền thông Bao bì xanh nhưng vẫn sử dụng cốc nhựa của Highland Coffee đã làm ảnh hưởng tới danh tiéng của họ như thế nào. Đây cũng là cách để phân biệt các hoạt động phát triển bền vững (tập trung vào bên trong với kết quả được tích hợp vào sản phẩm/ dịch vụ) với các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (tập trung vào ra bên ngoài với kết quả là các sự kiện, chiến dịch truyền thông) mà chúng tôi sẽ đề cập tới trong xu hướng sau.

Tóm tắt xu hướng 04:

  • Người tiêu dùng trong mọi độ tuổi/ thế hệ giờ đây đều đang cố gắng và ưu tiên các mặt hàng thân thiện với môi trường hơn.
  • Thúc đẩy phát triển bền vững cho phép các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng đang lên từ chủ nghĩa tiêu dùng xanh.
  • Xây dựng thương hiệu bền vững gắn liền với sự thay đổi xã hội. Do đó, nó có tác động lớn trong việc thúc đẩy danh tiếng thương hiệu.

Còn các xu hướng nào cho các thương hiệu đứng vững trước các thách thức từ sự thay đổi liên tục của thị trường, các công nghệ mới và cơn đại dịch từ virus corona đang quét qua toàn cầu ngày hôm nay? Hãy cùng theo dõi tiếp các 08 xu hướng thương hiệu 2020 (phần 2) (Gắn link bit.ly/08xuhuong2) đáng được thử nghiệm để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Thông tin về Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Vietnam

Mibrand Vietnam cung cấp các giải pháp xuyên suốt và tổng thể từ chiến lược định vị thương hiệu đến xây dựng trải nghiệm thương hiệu. Năng lực của Mibrand Vietnam được chứng minh bởi các dự án tư vấn cho các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực như Vietcombank, MobiFone, PV GAS, Trần Anh v.v.

Thông tin thêm: www.mibrand.vn