Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Bài học đầu tiên của chiến lược: Đừng đánh vào điểm mạnh của kẻ thù!

Làm thế nào David có thể đánh bại Goliath trong vòng chưa đầy 90 giây? Hầu hết chúng ta đều cho rằng mình rất hiểu thông điệp của câu chuyện và nghĩ theo hướng “anh chàng David bé nhỏ đã đánh bại kẻ khổng lồ Goliath” hay “tất cả những gì mà David có chỉ là cái trành ném đá”. Đến khi xem xét lại, tôi thấy tất cả chúng ta đều đã hiểu sai một cách nghiêm trọng.

Bài viết dẫn theo lời dịch của Mr. Steven Tran, Strivingminds từ câu chuyện 'The Unheard story of David and Goliath'.

Chuyện kể rằng, tại thung lũng tuyệt đẹp Elah, cuộc chiến tranh giành vương quyền đang sắp diễn ra giữa hai tộc Philistines và Sauler.

Palestine là nơi có địa thế hiểm trở: dọc theo biên giới phía đông là dãy núi, nối giữa dãy núi với đồng bằng là khu vực mang tên Shephelah – một dãy các thung lũng và rặng núi kéo dài từ đông sang tây. Đặc biệt, vùng đất này có ý nghĩa chiến lược quan trọng khi góp phần ngăn chặn quân địch trên đồng bằng ven biển tìm đường đi vào trong dãy núi đe doạ dân cư sinh sống ở đó.

Thâm thù giữa hai tộc kéo dài hơn 3.000 năm đã đến lúc phải kết thúc. Nhưng vì địa thế hiểm trở, cả hai đều trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bên nào xuất quân trước phải vượt qua thung lũng dài cả vài cây số, đủ để máy bắn đá bắn “nhừ xương”.

Không thể chờ đợi thêm, Philistines đánh tiếng mỗi bên hãy cử ra chiến binh mạnh nhất của mình để phân định thắng bại bằng trận đánh một đối một. Người Philistines cử Goliath – một người khổng lồ cao chín bộ một tấc (6 foot 9 ~ 2m1), từ đầu đến chân được trang bị giáp đồng lấp lánh, có một thanh gươm, một cây lao và một thanh giáo.

Đối đầu với gã đồ tể sở hữu vẻ ngoài hung tợn như thế, binh lính Israel thật sự kinh hãi, chạm trán với hắn chắc chắc chẳng còn cơ hội nào để sống sót trở về.

Thung lũng Elah – nơi diễn ra cuộc chiến tranh giành vương quyền giữa hai tộc Philistines và Sauler
Nguồn: Internet

Trong lúc quân lính đang hoảng loạn, một giọng nói dõng dạc hô to: “Tôi sẽ chiến đấu với hắn”. Tất cả quay người nhìn lại, đó là một anh chàng chăn chiên trẻ tuổi với vóc dáng tầm thường tiến gần đến phía nhà vua. “Nực cười. Ngươi chỉ là một đứa con nít thì làm sao mà thắng nổi hắn chứ.” – Vua Saul nói. Mặc cho sự nghi hoặc từ đám đông, chàng trai quả quyết mình đã bảo vệ được đàn chiên khỏi sư tử và đàn sói biết bao năm nay. Đây quả là một sự so sánh khập khiễng.

Ngước mắt nhìn bốn quân, một hàng dài binh lính cường tráng ai nấy chen chúc nhau lùi xuống, chân tên này dẫm chân tên kia la oai oái. Vua Saul đành phải chấp nhận, kêu quân lính chuẩn bị vũ khí, bộ áo giáp tốt nhất dành cho anh. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ tuổi lại từ chối. Nhìn xuống ngọn đồi sỏi đá, David nhặt lên 5 hòn đá rồi bỏ vào trong túi chiên của mình và tiến đến sườn núi.

Đứng từ xa, Goliath buông lời châm biếm: “Đúng là bọn dân hèn mọn, cả quân lính bầy bầy lớp lớp mà không cử được tên tướng hoành tráng nào, lại cử một thằng nhóc hôi sữa. Được rồi, hãy xuống đây và đấu với ta một trận ra trò nào. Ta sẽ xay ngươi thành cám”.

Mắt mũi Goliath thấy David chỉ cầm theo bộ túi thô sơ cùng cây gậy rồi hét to: “Bộ ngươi cho ta là chó hay sao mà cầm gậy đến?”

Chàng chăn chiên lấy một viên đá ra khỏi túi của mình, đặt nó vào ná và cuộn lại để viên đá bay đi. Viên đá trúng ngay giữa hai mắt của gã khổng lồ – vị trí dễ bị tổn thương nhất. Hắn ngã vật xuống, đã chết hoặc bất tỉnh. Chàng trai chăn chiên đã chạy lại với thanh gươm và cắt đầu tên khổng lồ. Thấy thế, dân Philistines quay đầu bỏ chạy.

Cần nhấn mạnh rằng, tên của người khổng lồ là Goliath và tên của chàng trai chăn chiên là David. Tôi đã luôn nghĩ rằng David là kẻ yếu. Và lý do câu chuyện này ám ảnh tôi trong quá trình viết nên cuốn sách của mình, đó là những điều tôi tưởng mình biết về câu chuyện hoá ra lại sai.

Thực tế, David và Goliath được nhắc đến như một phép ẩn dụ để chỉ về những chiến thắng “bất khả” của kẻ yếu trước kẻ mạnh hơn. Vậy, vì sao chúng ta lại gọi David là kẻ yếu?

  • Xét về ngoại hình, rõ ràng anh ta là một người bé nhỏ, trong khi Goliath là kẻ khổng lồ mạnh mẽ.
  • Xét về kinh nghiệm chinh chiến, anh ta chỉ là một kẻ chăn chiên, còn Goliath là một chiến binh dũng mãnh.
  • Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trong khi Goliath được trang bị đầy đủ vũ khí và áo giáp lấp lánh, thì tất cả những gì David có chỉ là cái trành ném đá.

Tuy nhiên, chúng ta hãy đánh giá lại về sức mạnh và yếu điểm của David và Goliath qua từng khía cạnh.

Trong chiến tranh cổ đại, có 3 loại chiến binh. Kỵ binh là những người trên lưng ngựa hay xe ngựa. Bộ binh hạng nặng là người lính chiến trên bộ, được trang bị gươm, khiên và áo giáp. Pháo binh là những cung thủ và quan trọng hơn là những người ném đá. Những người này có một túi da, gài hai sợi dây dài. Bên trong các túi thường là một tảng đá hoặc một quả bóng chì, gọi là đạn. Họ xoay chiếc túi này đến khi căng một sợi dây ra. Khi dây đủ căng, viên đạn sẽ bắn về phía trước, hướng tới mục tiêu.

Những người khổng lồ không lớn lao, hùng mạnh như vẻ ngoài ta thấy. Và đôi khi, một cậu bé chăn chiên lại có một cái ná giấu trong túi của mình.

Chúng ta hiểu rằng Goliath được trang bị vũ khí bộ binh hạng nặng với đầy đủ áo giáp, khiên sắt, gươm sắt trong khi David chỉ có cái trành ném đá thô sơ và không có đồ phòng hộ. Trên thực tế, cái trành ném đá lại chính là vũ khí pháo binh mang tính “huỷ diệt”. Ngoài ra, chọi đá sư tử và bầy sói hoang dã vốn là việc làm đã quá quen thuộc đối với anh từ thuở thiếu thời. Rõ ràng, David là một người đầy kinh nghiệm.

Quay lại vũ khí của David, trành đá khi xoay có thể xoay đến 6-7 vòng mỗi giây, khi đá bay ra khỏi trành, tốc độ có thể lên đến 35m/s, tương đương với sức công phá của một khẩu súng hiện đại cỡ ngắn loại 45 ly. Vậy việc viên đá vừa bay ra và đáp thẳng lên mục tiêu là cái trán của gã khổng lồ chẳng khác gì lấy họng súng để sát vào trán và bóp cò. Hơn nữa, đá tại vùng thung lũng này là loại hoá thạch nhiều năm, thế nên độ rắn chắc của nó lại gấp đôi so với đá thông thường.

Goliath rõ ràng là bộ binh hạng nặng. Và một khi binh chủng hạng nặng thách đấu tức là đấu với hình thức “giáp lá cà”. Một cách dễ hiểu, đó là kiểu Boxing Quyền Anh hoặc “Long Hổ Tranh Hùng” của Diệp Vấn và bọn lính Tây. Cứ nghĩ đối thủ sẽ “giáp lá cà” như mình nghĩ, Goliath dùng từ “Hãy đến đây, sát lại gần ta”. Dĩ nhiên, nếu đấu theo kiểu ấy thì David không thể thắng nổi. May mắn hơn, có thể David không hiểu hết ý của Goliath là hãy đấu tay đôi chứ đừng ném đá, mà ngay sau câu ấy, anh quyết định xoay trành đá rồi tương thẳng vào vị trí thái dương của Goliath.

Bất ngờ. Không kịp chống đỡ. Hiểu sai luật lệ thi đấu.

Phân tích SWOT được xem là bước cơ bản của mọi kế hoạch. Trong đó, điểm cốt lõi nằm ở sức mạnh (Strengths) và yếu điểm (Weaknesses)

Goliath dính đòn và ngã vật ra dưới thung lũng tuyệt đẹp hoặc cũng có thể là nghỉ mệt vì đứng chờ David đã lâu. Ấy thế mà dân Philistines lại bỏ chạy tán loạn. Chính vì có kinh nghiệm lão làng, gã tay mơ Goliath không giao luật chơi cụ thể, cộng thêm hòn đá mà David chuẩn bị lại quá rắn, phần thắng thuộc về David trong tích tắc.

Vậy tại sao chúng ta vẫn gọi David là kẻ yếu, vẫn coi chiến thắng của ông là một chiến thắng lạ kỳ? Và tại sao chúng ta vẫn cứ mặc định cú ném đá hạ gục Goliath là nhờ may mắn?

Có một vài yếu tố mà tôi đã không kể đầy đủ trong câu chuyện lúc đầu. Thứ nhất, đó chính là khi Goliath đi xuống thung lũng đã có viên sĩ quan đi trước và nắm tay dẫn đường. Thứ hai, cách Goliath di chuyển cực kỳ chậm chạp. Thứ ba, khi David đang cầm trành đá ung dung tiến về phía hắn, Goliath lại tưởng đó là cây gậy mà David sẽ dùng để quyết đấu.

Điều khuất tất đó nay đã có một vài lời phân tích của y học hiện đại. Lý do của chiều cao kinh khủng khiếp trên 2m của Goliath có thể là do chứng bệnh to cực. Điều đó làm kích thích hormone tăng trưởng một cách khổng lồ so với cơ thể người bình thường.

Robert Wadlow là một trong những người mắc phải căn bệnh to cực. Với chiều cao 8 foot 11 (2m7), anh được xem là người cao nhất mọi thời đại và vẫn còn phát triển khi qua đời ở tuổi 24. Đô vật người Pháp André René Roussimoff hay còn được biết đến là André khổng lồ và Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln cũng mắc phải hội chúng này. Tác dụng phụ của bệnh to cực là thị lực suy giảm trầm trọng, có thể bị quáng gà vào buổi sáng, nhìn một thành hai hay cận thị nặng.

Điều này giải thích cho những câu hỏi trông có vẻ ngớ ngẩn lúc đầu mà Goliath hét vào mặt của David, như cầm hai cây gậy để đánh với ta khác gì là đánh chó hay hãy đến đây và đấu giáp lá cà với ta.

Hãy cho phép bản thân nghi hoặc về sức mạnh nội tại, cũng như khai phóng sự nguy hiểm ngây thơ trong mình.

Ngày nay, trong việc quản trị chiến lược, phân tích SWOT (Strengths – Weaknesses – Opportunities – Threats) luôn được xem là bước cơ bản của mọi kế hoạch. Điểm chính trong công cụ phân tích trên nằm ở sức mạnh và yếu điểm. Vì nếu ta phân tích đủ sâu, hiểu đúng bản chất của việc định danh “đó là sức mạnh” và “kia là yếu điểm” thì chúng ta đã gần như giải quyết xong hai từ OT phía sau.

Bài chia sẻ của Malcolm Gladwell là một bài chia sẻ rất hay về nỗi băn khoăn của ông. Liệu chúng ta đang có “điểm mù” về bất kỳ điều gì đấy được cho là mặc định và mang tính cốt lõi trong mọi định hướng chiến lược hay không? Chúng ta có đang quá đề cao về bề thế và sự ảnh hưởng kinh tế của một doanh nghiệp hay không? Và chúng ta có đang quá xem nhẹ về mức độ nguy hiểm vốn được cho là ở bão cấp 12, biển động sóng giật không thấy đường về, nhưng vẫn được coi là dưới mức an toàn của một đối thủ vào ngành “mới toanh” hay không?

Vì thế, tôi lược dịch lại bài chia sẻ này từ Malcolm cũng như chế tác một vài quan điểm về cách nhìn nhận trận chiến giữa David và Goliath với hy vọng bản thân cho phép nghi hoặc về sức mạnh nội tại, cũng như khai phóng sự nguy hiểm ngây thơ trong mình. Hay như một câu nói của người Mỹ: “Give you the benefits of a doubt”. Hy vọng cho tôi và chút trăn trở từ các bạn độc giả chính là món quà lớn nhất cho việc đừng mắc phải sai lầm khi xác định sức mạnh và yếu điểm của mọi thứ.

Dân Israel trên núi nhìn xuống và nghĩ rằng Goliath ta là kẻ đồ tể với sức mạnh vô song. Nhưng họ không hiểu rằng chính nguồn sức mạnh ấy là nguồn gốc của điểm yếu lớn nhất của ta.

Những người khổng lồ không lớn lao, hùng mạnh như vẻ ngoài ta thấy. Và đôi khi, một cậu bé chăn chiên lại có một cái ná giấu trong túi của mình.

Theo Steven Tran / Strivingminds
Nguồn: TED idea – Malcolm Gladwell | The Unheard story of David and Goliath

Đọc thêm các bài khác tại đây.