Marketer Steven Tran
Steven Tran

Senior Growth Manager @ Homebase

Review sách: “Chó sủa nhầm cây” - Tại sao những gì ta biết về thành công có khi lại sai?

The Book of Twist – Một cuốn sách bẻ lái cách suy nghĩ chuẩn mực, đồng thời chia sẻ thông điệp chính về điều gì làm nên một cuộc đời thành công.

Dựa trên quan điểm của người viết – Steven Tran.

Sách bắt đầu bằng một câu hỏi đầy kích thích “Tại sao những gì ta biết về thành công có khi lại sai?” cùng tựa đề “Chó sủa nhầm cây” khiến ta tự hỏi bản thân rằng những điều mình tin tưởng để tạo nên thành công bấy lâu – liệu có đúng?

Xuyên suốt cuốn sách là cách suy nghĩ để có được thành công ở mọi mặt của cuộc sống: công việc, bạn bè, gia đình, sự nghiệp và sức khoẻ. Tuy nhiên, tôi sẽ chọn ra một vài mẩu chuyện tâm đắc nhất để chia sẻ, và hầu hết chúng liên quan đến vấn đề tư duy trong công việc.

“Tại sao những gì ta biết về thành công có khi lại sai?”

Điều khiến tôi cảm thấy cuốn sách này rất thú vị là, nó thực sự giống như câu hỏi nhấn mà sách đã đặt ra: “Những gì chúng ta biết về thành công có khi lại sai?”, và các câu chuyện bên trong cũng được chọn lọc để bổ trợ mạnh mẽ cho ý tưởng chính đó. Và vì thế, có thể gọi cuốn sách này bằng một cái tên mà dân sáng tạo sẽ rất thích: “The book of twist”, mà Việt hoá thì có thể gọi vui là “Tuyển tập những pha bẻ lái kinh điển”.

Điểm thú vị ngay khi mở phần mục lục cuốn sách đó là hầu hết các chương đều bắt đầu bằng một câu hỏi (6/8 chương).

Twist I. Bạn thuộc kiểu lãnh đạo chọn lọc hay lãnh đạo không chọn lọc?

Trường học có nội quy chung trong khi cuộc đời lại thường không như vậy. Winston Churchill không phải là một hình mẫu lí tưởng cho vị trí thủ tướng luôn làm điều đúng đắn, hoàn toàn đối lập với Neville. Churchill là một kẻ phi chính thống. Ông không chỉ ái quốc thông thường mà còn thể hiện sự hoang tưởng đến bất kỳ mối đe doạ quyền lực nào.

Ông không tin Hitler là một tên giữ lời hứa, ông không tin hắn sẽ để yên, hay thôi không bắt nạt mọi người nữa dù cho có cống nạp nhiều thứ. Churchill biết là cần phải đến lúc tẩn cho tên này một trận. Niềm tin vốn ảo tưởng tồn tại bấy lâu chính là cửa sống của Anh trước khi quá trễ để kịp trao chức vụ thủ tướng cho Churchill – sau này được xem là thủ tướng được tôn kính bậc nhất của thế giới.

Winston Churchill Vị Thủ tướng nước Anh trong thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Gautam Mukunda tin rằng có đến 2 loại hình lãnh đạo khác nhau: nhóm chọn lọckhông chọn lọc.

Ngắn gọn thì, nhóm chọn lọc là nhóm chính thống, theo cấp bậc, được thăng chức và tuân thủ luật lệ, đáp ứng được nhu cầu, trong khi loại thứ hai là loại rớt từ trên trời rơi xuống, những người nhảy xổ vào bất ngờ và khó đoán – là nhóm không chọn lọc.

Theo nghiên cứu của Mukunda áp dụng cho mọi đời tổng thống, lý thuyết của ông dự đoán đến 90% về mức độ ảnh hưởng của lãnh đạo chọn lọc hay không chọn lọc.

Những nhà lãnh đạo chọn lọc không rung lắc con tàu, trong khi nhà lãnh đạo không chọn lọc không biết gì ngoài việc lắc lư. Thường thì họ phá nát bấy mọi thứ, nhưng đôi khi phá nát cả một chế độ nô lệ như Abraham Lincoln.

Kể cả bản thân Mukunda, khi bài luận án tiến sỹ của ông trở thành một vật kì lạ trong thị trường nghề nghiệp học thuật. Hai lời mời phỏng vấn trên năm mươi đơn ứng tuyển – tỉ lệ là 4%. Tất cả các trường đều muốn một giáo sư bình thường – một người được mong đợi sẽ làm việc họ được mong đợi – một giáo sư “chọn lọc”.

Cách tiếp cận trên-trời-rơi-xuống của Mundaka khiến cho rất nhiều trường từ chối đón tiếp ông, chỉ có những ngôi trường thật sự cool-ngầu như trường Kinh Doanh Harvard mong muốn tìm kiếm ngôi sao ngoại lệ thì Mundaka được duyệt.

Mukunda nói “Sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo tốt và vĩ đại không phải là ở vấn đề nhiều hơn. Đơn cử như dân Anh nhìn thấy sai lầm từ vụ khuyên giải phát-xít và nói ‘Hãy cho chúng tôi một Neville Chamberlain’ – nếu thế thì chắc toi rồi. Họ không cần thêm một nhà lãnh đạo chọn lọc, họ cần một ai đó mà hệ thống không bao giờ cho họ được phép bước vào cửa. Nếu cách cũ đã không ra gì mà còn nhân đôi nó lên thì bại thêm bại”.

Twist II. Câu chuyện về Navy SEAL và “Đối thoại tích cực” (positive self-dialogue)

Bối cảnh: Vào giai đoạn sau thảm hoạ 11/9, quân đội Mỹ đang cần tìm thêm nhiều chiến binh SEAL nhằm củng cố lực lượng đội quân tinh nhuệ của họ.

Vấn đề:

  • Họ gặp phải một thử thách lớn khi kết thúc khoá huấn luyện SEAL264, có đến 94% trong tổng số 256 người tham gia huấn luyện bỏ cuộc, và vỏn vẹn 16 người tốt nghiệp.
  • Quân đội dù thiếu quân nhưng vẫn không được phép hạ tiêu chuẩn sát hạch.

Thách thức: Làm sao có thể tuyển nhiều chiến binh SEAL hơn mà chất lượng vẫn “tuyệt hảo”?

SEAL là từ viết tắt của Sea, Air, Lands, cũng là phạm vị hoạt động của lực lượng này.

Sự thấu hiểu: Để có thể vượt qua kì sát hạch – Tuần lễ địa ngục (BUD – Basic Underwater Demolition/SEAL), thì sức mạnh tinh thần, hay nói khác đi, sự vững vàng về tâm lí mới là yếu tố quyết định chứ không phải là thể lực.

Và theo một nghiên cứu tâm lý học chiến, bình thường chúng ta nói trong đầu với tốc độ từ 300-1000 từ/ phút và từ ngữ tích cực có ảnh hưởng to lớn đến sức mạnh tinh thần.

Giải pháp: SEAL dạy cho học viên cách đối thoại nội tâm tích cực giúp họ trở nên bản lĩnh và vững tin vào bản thân hơn.

Kết quả: Tỉ lệ người đậu Navy SEAL tăng 10% (từ 6% lên 16%) mà chất lượng chiến binh vẫn giữ nguyên.

Twist III. Câu chuyện về giải quyết tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng

Vấn đề: Để giảm tình trạng tội phạm trong thành phố, chúng ta thường theo dõi số đối tượng theo mức độ nguy hiểm giảm dần để lần dấu vết truy bắt.

Sự thấu hiểu: Việc theo dấu con người không hiệu quả bằng việc xem xét theo khu vực địa lý. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phân nửa số vụ phạm tội xảy ra chỉ trong phạm vi 5% khu vực địa lý của thành phố. Đó được gọi là “điểm nóng” của cảnh sát.

Giải pháp: Tăng gấp đôi số lượng cảnh sát tuần tra ở khu vực này.

Kết quả:

  • Giảm 50% số vụ tội phạm ở điểm nóng.
  • Giảm thiểu cuộc gọi cấp bách ở thành phố xuống từ 6-13%.

Twist IV. Sức mạnh của việc Hạn chế & Ra quyết định

Chúng ta thường thích suy nghĩ sáng tạo khi giải quyết vấn đề và một câu nói rất quen thuộc để nói lên điều đó là “Think outside the box”. Tuy nhiên, vấn đề thực sự không phải là “The box” mà là “What you think in the box?”.

Chúng ta hãy nghĩ khác đi về lợi ích của sự hạn chế (limitation):

  1. Nó khiến việc ra quyết định của chúng ta dễ dàng hơn.
  2. Nó khiến việc ra quyết định sai trở nên dễ cảm thông hơn.
  3. Nó giúp chúng ta hạnh phúc hơn.

Vì sao?

Có một thực tế là, khi rất nhiều thông tin về sự vật, sự việc xuất hiện tràn lan trên mạng, thì việc tìm kiếm không tin không còn là việc khó khăn như cách đây 10 năm. Cái khó ở đây là việc chắt lọc nguồn thông tin để ra quyết định. Trong cuộc sống và công việc, chắc chắn sẽ có nhiều lúc chúng ta buộc phải ra quyết định khi thiếu thông tin và đó có thể là kết quả của sự nhanh nhạy hoặc là hậu quả của việc quyết định không chuẩn xác.

Nhưng hãy nhớ rằng, là một người lãnh đạo, việc dám ra quyết định và chấp nhận kết quả còn quan trọng hơn việc chờ đến khi mọi thứ rõ ràng rồi mới bắt tay vào hành động, khi đó thì đã là quá trễ. Như câu nói của giới khởi nghiệp ở Silicon Valley thể hiện rất rõ tinh thần này: “Fail fast, Learn fast”.

Việc dám ra quyết định và chấp nhận kết quả là một trong những yếu tố cấu thành nên tư duy của nhà lãnh đạo.

Khi gặp vấn đề có quá nhiều sự lựa chọn, người ta sẽ có hai cách giải quyết: tối đa hoá hoặc hy sinh.

Ở cách giải quyết tối đa hoá, việc bạn làm sẽ là khám phá hết tất cả các phương án, cân đo đong đếm, chọn lấy cái tốt nhất. Và ngược lại ở hy sinh, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về những gì mình cần và chỉ chọn ra những giải pháp có thể thoả mãn nhu cầu đó.

Và Habert Simon – người đã giành giải thưởng Nobel, nghiên cứu chỉ ra rằng khi tính toán mọi yếu tố trong trạng thái căng thẳng, kết quả đến công sức bỏ ra, phương án hy sinh mới thực sự mang lại hiệu quả.

Nash & Stevenson cũng đồng ý với kết luận của Habert “Bạn không thể tối ưu hoá 2 thứ đối lập nhau”.

Theo quy luật cùng tên với tác giả Spencers, “Bạn chỉ có 24 giờ/ngày với nguồn lực có hạn để giải quyết các khoản mục, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bạn không thể hoàn thành tất cả mọi thứ và thành công trong mọi khía cạnh”.

Sau tất cả, cuối cùng đều sẽ dẫn đến câu hỏi “Tôi muốn cái gì?”. Và nếu bạn không xác định được, thế giới này sẽ xác định giúp bạn.

Twist V. Câu chuyện về Hiệu suất

Một lần nọ, Mihaly tổ chức một buổi nghiên cứu những người sáng tạo có bộ não độc đáo nhất của nhân loại, gồm danh sách khách được mời là 275 người đạt các giải thưởng Nobel hay xuất hiện trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Vì thế nên chắc hẳn chỉ với việc ghi tên mình trong loạt nghiên cứu cũng đã đủ vẻ vang rồi. Vậy mà có đến hơn 1/3 số nhà khoa học, nghiên cứu gia từ chối.

Phải kể đến là ông Peter Drucker – bậc thầy về hiệu suất – ngay sau khi nhận được mail của Mihaly, ông “dí dỏm” đáp: “Hy vọng anh không nghĩ tôi chảnh choẹ hay thô lỗ nếu tôi nói rằng một trong những bí mật làm việc hiệu suất là, sắm thùng rác thật to để xử lý những lời mời như của anh”.

Phải kể thêm đến quy luật 10,000 giờ chuyên gia. Người ta thường nghĩ phải có đến 9, 10 năm làm việc chuyên môn thì mới có thể trở thành chuyên gia. Vậy chúng ta thử phân tích theo hướng “10,000 giờ” xem sao.

10,000 giờ để trở thành chuyên gia. Vậy nếu dành 1 giờ/ngày, kết quả là sau 27.4 năm bạn thành chuyên gia; nếu dành 4 giờ/ngày, bạn mất 6.8 năm thành chuyên gia trong lĩnh vực bạn theo đuổi.

Kết thúc đại học năm 22 tuổi và thành chuyên gia năm 28,8 tuổi, nghe thật thú vị hơn đúng không?

Nếu bạn dành càng nhiều thời gian cho lĩnh vực bạn theo đuổi, bạn sẽ càng tiết kiệm được thời gian cho chính mình.

Twist VI. Câu chuyện về “sự ít hơn”

Trong một buổi đi dự sự kiện quảng cáo chuyên ngành của MMA tổ chức mà tôi có dịp tham gia, một chị CEO đã đề cập đến vấn đề nguồn lực, đặc biệt trong ngành marketing rằng các bạn Brand Manager hay quản lý Trade MKT... ở doanh nghiệp nhỏ hay lớn cũng đều ca chung 1 bài ca “thiếu tiền, thiếu người, thiếu thời gian”.

Chúng ta luôn nghĩ mình cần nhiều hơn: nhiều sự giúp đỡ hơn, nhiều động lực hơn, nhiều ngân sách hơn, nhiều năng lượng hơn. Nhưng sự thực là chúng ta lại cần ít hơn.

Ít sự phân tâm hơn. Ít mục tiêu hơn. Ít trách nhiệm. Và tất nhiên, ít kêu ca hơn.

Ít hơn để làm gì? Để thực sự biết thứ mà mình cần phải tập trung hơn, để chấp nhận làm mọi thứ theo sự ưu tiên hơn.

Và chính từ suy nghĩ “Less is more”, bạn sẽ tìm cách từ bỏ những thứ tưởng rằng có nghĩa nhưng lại chẳng có tác động gì mấy đến cuộc sống của chính mình.

Twist VII. Câu chuyện về “thắng lợi nhỏ”

Nghiên cứu cho thấy thứ mang lại động lực nhiều nhất chính là sự tiến triển trong công việc.

Và tiến triển ở đây được hiểu không nhất thiết phải là một thành tựu to lớn.

Như giáo sư Teresa từ Harvard đã nhận định: “Các nghiên cứu trong doanh nghiệp của chúng tôi cho thấy rằng cách tốt nhất để động viên mọi người, ngày qua ngày, là tạo điều kiện cho sự tiến triển – dù thậm chí đó chỉ là những thắng lợi nho nhỏ”.

Thực tế, nếu như bạn nghĩ việc có thể đạt được một cột mốc lớn sẽ có ý nghĩa nhiều hơn so với nhiều chiến thắng lẻ tẻ thì bạn nên xem lại.

Dữ liệu cho thấy rằng những thắng lợi ổn định nho nhỏ thậm chí còn tạo ra nhiều hạnh phúc hơn so với thi thoảng hốt được “một mẻ lớn”. Sự hài lòng về cuộc sống của người có thành quả nho nhỏ ổn định nhiều hơn 22% so với người chỉ thể hiện niềm hứng thú thành quả to lớn.

Ăn mừng với những thắng lợi “nho nhỏ” chính là điểm chung của những người sống quyết tâm.

Ăn mừng với những thắng lợi “nho nhỏ” chính là điểm chung của những người sống quyết tâm. Và trong nghiên cứu của American Psychologist cho thấy, “Một khi thắng lợi nhỏ đã đạt được, mọi thứ sẽ vào guồng để hướng đến một thắng lợi khác”.

Và cũng chính những thắng lợi nhỏ ấy sẽ hình thành nên sự tự tin, một yếu tố cốt lõi của sự thành công. Đây là một cú Twist rất hay, vì nó xác định lại đâu là đầu vào (input) và đâu là đầu ra (output).

Tự tin có được là do thành công, nó là kết quả chứ không phải là nguyên nhân như mọi người lầm tưởng.

Việc xác định nó thuộc đầu nào rất quan trọng trong việc xác định hướng khởi đầu.

Giống như việc bạn muốn được người khác đón nhận là hài hước, bạn không thể nào cứ nói “tôi hài hước lắm à nhen”, chẳng khác gì thùng rỗng kêu to. Thay vào đó, hãy kể những câu chuyện hài, chêm vài câu bông đùa thú vị khi trò chuyện, đó mới tạo nên hình ảnh của người hài hước, chứ không phải ngược lại.

Đây là một vài mẩu chuyện được tôi chắt lọc và có thêm thắt thêm góc nhìn cá nhân để thứ nhất, nó có giá trị với chính bản thân mình hơn, và thứ hai là có được một góc nhìn mới từ một người đọc đã cảm nhận cuốn sách như thế nào. Như một câu nói tôi nhớ đâu đó rằng, “This world is full of information but having lack of points of view”.

Còn rất nhiều những cú Twist khác trong cuốn sách như:

  1. Đôi khi chúng ta thấy một vài người ăn may kiếm được tiền, nhưng chúng ta không biết được rằng có cả một môn khoa học nghiên cứu về sự may mắn.
  2. Việc thật sự kiểm soát mọi thứ tạo cho chúng ta động lực hành động, nhưng bạn không thực sự cần đến nó đâu, chỉ cần có cái “cảm giác” kiểm soát thôi cũng đã đủ làm nên chuyện.
  3. Và nhiều cú Twists khác nữa.

Tôi đã dành ra hơn 1 tháng để đọc và nghiền ngẫm nó, hy vọng bạn cũng sẽ thấy giá trị của nó và áp dụng được cho cuộc sống của mình.

Thương chúc bạn khám phá ra những cú Twist riêng của mình,

Đọc thêm các bài quan điểm khác tại đây nhé: http://bit.ly/strivingminds_fb

Steven Tran