Marketer Trần Ngọc Thu
Trần Ngọc Thu

PR Manager @ TRG International

Đi làm như đi chơi - Đâu là bí quyết?

Bạn là lãnh đạo doanh nghiệp? Bạn phụ trách phòng hành chính nhân sự của công ty? Bạn đang đau đầu không biết phải làm thế nào để xây dựng một công ty mà tất cả nhân viên đều yêu mến muốn gắn bó lâu dài, và giảm thiểu tối đa tỉ lệ nhân viên nghỉ việc? Hãy cùng TRG International tìm ra lời giải đáp cho những thách thức này.

Có ý kiến cho rằng “Con người bạn phản ánh chính xác môi trường mà bạn đang sống và làm việc” vì thế muốn thành công, hãy chọn cho mình một môi trường làm việc tích cực và phù hợp – nơi mang lại cảm hứng sáng tạo và giúp bạn tận hưởng 8 tiếng làm việc mỗi ngày, từ đó bạn có thể dễ dàng đạt được hàng loạt mục tiêu công việc mà ban lãnh đạo công ty đưa ra.

Đi làm như đi chơi - Đâu là bí quyết

Trong những báo cáo của nhân sự gần đây, văn hóa, sự gắn bó lâu dài và tỉ lệ nhân viên nghỉ việc chính là 3 vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp phải đối mặt. “Môi trường làm việc” và “văn hóa doanh nghiệp” chính là hai khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong chiến lược “Làm thế nào thu hút và giữ chân người tài”, bên cạnh những yếu tố mà chúng ta đã biết trước đây như lương thưởng, chế độ, quan hệ giữa nhân viên với sếp, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp hoặc mức độ phù hợp với công việc.

Vậy làm thế nào các doanh nghiệp có thể định hướng và xây dựng thành công được một môi trường thật sự “lý tưởng” để từ đó doanh nghiệp hoàn toàn có thể cạnh tranh và trở nên nổi bật so với các đối thủ cùng ngành?

Môi trường làm việc lý tưởng – hiểu theo cách đơn giản nhất –là một môi trường bao gồm những yếu tố mà nhân viên của bạn mong đợi bên cạnh đó cũng chính là những tiêu chuẩn đáp ứng được những mục tiêu mà doanh nghiệp muốn hướng tới.

Trong thời đại công nghệ và thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng môi trường lý tưởng không thể không nhắc tới 2 “bí quyết vàng” tạo nên sự thành công là sáng tạo và khác biệt.

Hãy đọc những điều sau đây để nắm được “Công thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường lý tưởng”, từ đó chọn cho mình phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

1. Lắng nghe nhu cầu của nhân viên và cùng nhau định hướng

Trước hết ban lãnh đạo công ty cần ngồi lại với nhân viên của mình và lắng nghe mong đợi từ họ. Từ đó lên danh sách những điều mà bạn muốn định hướng cho văn hóa doanh nghiệp, song song là kế hoạch làm thế nào để đạt được mục tiêu chung.

Đưa ra những điều doanh nghiệp cần duy trì và cả những điều nên từ bỏ để có môi trường làm việc hiệu quả và tốt đẹp hơn. Lên danh sách số lượngnhân viên, nhu cầu thực tế của họ, diện tích mặt bằng công ty, số phòng ban nội bộ, các nhu cầu như phòng họp, phòng ăn, khu cà phê, hay những khoảng trống mà sau này bạn có thể sáng tạo để làm nên những sự khác biệt.

2. Không gian làm việc mở

Với sự phát triển của công nghệ, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Với máy tính bảng, điện thoại thông minh và mạng wifi không dây, hãy để nhân viên của bạn được tự do và thay đổi chỗ ngồi mỗi ngày. Họ sẽ thoát khỏi tâm lý nhàm chán và buồn tẻ vì phải ngồi cố định tại một chỗ và nhìn vào bức tường ngăn cách với người đối diện. Không gian làm việc mở sẽ tạo điều kiện cho nhân viên các phòng ban khác nhau có thêm nhiều cơ hội giao lưu và chia sẻ. Đó cũng chính là yếu tố giúp nhân viên gia tăng hiệu suất làm việc.

3. Tạo ra thêm những "khu chia sẻ”

Cảm giác phải ngồi làm việc 8 tiếng trước máy tính cũng khiến nhân viên đôi khi thấy bó buộc và bị hạn chế. Hãy tạo thêm cơ hội cho nhân viên của bạn được dạo quanh công ty, gặp gỡ thêm những người mà bình thường họ ít có cơ hội nói chuyện. Hãy tạo ra những khu “chia sẻ” như khu café, góc thư viện hay phòng nghe nhạc để nhân viên có thể tận hưởng những cuộc trao đổi về công việc mà vẫn không cảm thấy nặng nề.

4. Hỗ trợ nhân viên trông nom và chăm sóc con em họ

Nếu như công ty của bạn có nhiều nhân viên nữ trong độ tuổi lập gia đình, phần lớn trong số họ là cấp quản lý và nhân viên cấp cao – những người thường xuyên phải làm thêm giờ, đi gặp gỡ khách hàng hay tham gia các sự kiện. Hãy sắp xếp một phòng trông trẻ trong công ty của bạn, hay liên kết với một trường mầm non uy tín gần công ty để giúp đỡ nhân viên trông giữ con em họ. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ sau khi lập gia đình thường có năng suất làm việc thấp hơn đàn ông, vì họ còn phải chia sẻ thời gian, sự quan tâm tới gia đình và chăm sóc những con cái. Vì thế muốn nhân viên của bạn toàn tâm toàn ý với công việc, hãy chia sẻ với họ trong việc trông nom và chăm sóc tốt những đứa bé.

5. Hãy tạo ra những mảng xanh trong công ty của bạn

Hầu hết văn phòng ở Việt Nam là văn phòng kín. Với 8 tiếng làm việc hoặc thậm chí dài hơn, hãy giúp nhân viên cảm thấy họ được hít thở một bầu không khí trong lành. Mảng xanh có thể là bức tường cây, hay một góc trang trí bằng cây xanh để mọi người có thể vừa nhấm nháp ly cà phê, vừa thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.

6. Tạo ra những không gian có tầm nhìn mở

Có một số công ty chọn cho mình văn phòng có tầm nhìn hướng ra bờ sông, nhìn vào trung tâm thành phố hay công viên với mong muốn mang lại sự tươi mới, thú vị giúp giảm những bức bối và stress mà nhân viên gặp phải. Nếu điều đó quá khó với doanh nghiệp của bạn, đơn giản là chọn một bức tranh dán tường mang hơi hướng thiên nhiên cũng làm cho mọi người thấy yêu đời và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

7. Duy trì và cải tiến các ý tưởng sáng tạo

Khi xây dựng được một môi trường lý tưởng, đừng quên duy trì và cải tiến nó. Hãy kêu gọi mọi người cùng chung tay xây dựng môi trường công ty ngày một tốt đẹp hơn, và quan trọng là đừng quên lắng nghe những mong đợi từ nhân viên của bạn – Hãy làm cho họ hạnh phúc, yêu công việc và yêu nơi làm việc, bởi đó chính là “bí quyết thành công” trong công tác thu hút và giữ chân người tài.

* Ảnh trong bài được sử dụng từ nguồn Google Images

Đọc thêm