Hành trình Management Trainee #7 - Thắng Đỗ @ L’Oréal Vietnam: Tự do để phát triển

Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.

Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận.

Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để đậu MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp MT” thành công, thì cần những tố chất gì.

Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN thi MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.

Khách mời tiếp theo của chuyên mục Hành trình Management Trainee là bạn Thắng Đỗ - MT Marketing đến từ L’Oréal Vietnam.

* Cảm ơn Thắng đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc về hành trình MT của mình tại L’Oréal Vietnam. Thắng có thể kể về những công việc đầu tiên tại đây không?

Trong 2 tháng đầu tiên, các bạn MT như Thắng được giới thiệu và trải nghiệm thử 4 division: L’Oréal Luxe, Consumer Products, Professional Products và Active Cosmetics. L’Oréal Luxe là division mỹ phẩm cao cấp có điểm bán tại các trung tâm thương mại với các thương hiệu như Shu Uemura, Lancôme, Kiehl’s… Division tiếp theo là Consumer Products - mỹ phẩm tiêu dùng. Division này có mô hình tương tự các mô hình FMCG khác với hai thương hiệu lớn là L’Oréal Paris và Maybelline New York. Division thứ ba là Professional Products, mỹ phẩm chuyên nghiệp. Division này quản lý những thương hiệu mỹ phẩm được sử dụng bởi các chuyên gia tại salon chăm sóc sắc đẹp. Và cuối cùng là Active Cosmetics Division – dược mỹ phẩm, với hai thương hiệu nổi bật là La Roche-Posay và Vichy, được phân phối tại các nhà thuốc, spa…

Các bạn MT sẽ dành 1 tuần để tìm hiểu về các thông tin liên quan và 1 tuần làm nhân viên bán hàng tại điểm bán để hiểu cách vận hành của từng division. Sau thời gian này, các MT sẽ chọn division phù hợp để thực hiện dự án. Thắng chọn về với L’Oréal Luxe, làm việc tại thương hiệu Lancôme.

* Một vài kỉ niệm đáng nhớ với Thắng trong thời gian này là gì?

Một kỉ niệm đáng nhớ có lẽ là kỉ niệm với các anh chị HR. Qua quá trình quan sát, đánh giá, anh Talent Development nhận xét Thắng “không mấy thân thiện với mọi người”. Anh đề nghị Thắng về làm việc tại L’Oréal Luxe. Mọi người làm việc tại division này nổi tiếng lạnh lùng, vì vậy nếu Thắng không chịu cởi mở hơn thì sẽ gặp khó khăn khi làm việc.Thắng tự thấy trước giờ bản thân cũng hoà đồng nên hơi bất ngờ khi nghe nhận xét này. Sau này nghĩ lại, Thắng thấy đây là một quyết định đúng đắn. Trước đây, Thắng dễ gần nhưng không thực sự chủ động giao tiếp với mọi người. Làm việc tại môi trường “lạnh lùng” này khiến khả năng giao tiếp và tinh thần cởi mở của Thắng tăng lên đáng kể.

Ngoài ra Thắng cũng như các bạn MT khác cũng phải hoàn thành một số bài tập nhỏ đến từ HR như “Làm sao để mọi người có văn hóa phản hồi (feedback)?”. Nhờ việc phỏng vấn mọi người về văn hóa phản hồi, Thắng mới có cơ hội làm quen với nhiều người trong công ty, trò chuyện để hiểu mọi người cần những phản hồi như thế nào, vấn đề của các phản hồi trong thời gian hiện tại là gì… Thắng nghĩ mục đích của dự án này là để các bạn MT làm quen với mọi người và được mọi người lắng nghe.

Các bạn MT chung khóa với Thắng.

* Thử thách của Thắng tại Lancôme là gì?

Dự án chính của Thắng trong thời gian này là “Re-push dòng Serum chống lão hóa của Lancôme”. Vào thời điểm ấy, dòng serum này bán rất tốt tại các thị trường khác của Châu Á, nhưng tại Việt Nam doanh số chưa được như kỳ vọng, mặc dù chất lượng của sản phẩm luôn được đánh giá cao. Một vấn đề khác đó là người tiêu dùng nghĩ Lancôme là thương hiệu dành cho người lớn tuổi, Thắng cần phải thay đổi hình ảnh già cỗi của thương hiệu Lancôme và giúp dòng serum chống lão hóa này vượt qua các đối thủ và đứng đầu ngành hàng.

Thắng không biết bắt đầu từ đâu vì bản thân chưa bao giờ dùng sản phẩm thuộc phân khúc này nên cũng chưa hiểu rõ insight của người tiêu dùng. Không chỉ vậy, nhận xét “Lancôme già” đã hình thành từ rất lâu rồi, thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng chỉ với một chiến dịch chắc chắn là không dễ dàng.

Thắng bắt đầu lên kế hoạch cho dự án này, từ việc nghiên cứu insight khách hàng đến lên ý tưởng và thực thi dự án. Dự án kéo dài trong 6 tháng, Thắng có 4 tháng chuẩn bị và 2 tháng triển khai. Lúc mới bắt tay vào làm, Thắng chưa hình dung được dự án gấp gáp như thế nào, vẫn chỉ làm đề xuất với tốc độ bình thường của mình. Không chỉ chậm tiến độ mà Thắng còn loay hoay với rất nhiều kiến thức mới cần phải học. Lúc còn ở Đại học, Thắng có tham gia nhiều cuộc thi về Marketing nhưng tất cả những gì mình học hỏi và trải nghiệm hầu hết liên quan đến FMCG chứ ít liên quan đến Retail, nên hầu như không áp dụng được gì trong bản đề xuất này. Thắng cũng không biết hỏi ai vì bạn bè và người quen không ai làm trong lĩnh vực này cả. Thông tin Thắng tra cứu trên mạng cũng không mấy khả quan.

Khi Thắng nộp bản đề xuất đầu tiên cho sếp, chị nhận xét “Cả đề xuất không có insight nào mới mẻ, tất cả những gì được liệt kê trong này mọi người biết hết rồi.” Chị còn hỏi Thắng: “Sao em không chịu đào sâu thêm? Chị cảm giác em làm rất hời hợt”. Không chỉ vậy Thắng còn áp lực hơn khi chị cho mình thêm 1 tuần để làm lại, nếu không ổn thì “trả” Thắng lại với phòng HR.

* Có vẻ mọi việc không suôn sẻ lắm. Thắng đã làm những gì để vượt qua thử thách này?

Thời gian đầu Thắng sợ làm phiền chị sếp nên chỉ lẳng lặng tìm hiểu và làm mà không dám hỏi han gì nhiều. Sau lần bị chị mắng, Thắng nhận ra không ai có thể cho mình những lời khuyên tốt hơn những anh chị trong công ty. Sai lầm của Thắng là hỏi những người bạn không chuyên của mình trong khi xung quanh Thắng là những anh chị đồng nghiệp với vô vàn kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Và qua việc tích cực đặt vấn đề, hỏi han, Thắng đã có định hướng mới cho bản đề xuất của mình. Không chỉ vậy, Thắng còn học được cách tư duy, cách giải quyết vấn đề từ các anh chị ấy.

Các dữ liệu Thắng có trong tay chỉ là cơ sở dữ liệu bán hàng từ máy POS. Trước đây Thắng nghĩ chắc không làm gì được với cơ sở dữ liệu này, nhưng càng bơi trên “biển” thông tin trên mạng thì Thắng càng lạc lối, không thể tìm được một báo cáo nào có thể tham khảo. “Cái khó ló cái khôn”, khi ấy Thắng nghĩ thị trường mỹ phẩm cao cấp có quy mô nhỏ nên rất khó để có thể hiểu được insight khách hàng thông qua vài báo cáo, vậy không còn cách nào khác là trò chuyện trực tiếp với họ. Thắng lọc số điện thoại của khách hàng từ cơ sở dữ liệu bán hàng, gọi điện cho từng người để xin phỏng vấn trực tiếp. Xin khách hàng phỏng vấn qua điện thoại khó một thì hẹn khách phỏng vấn trực tiếp còn khó gấp mười lần. Không chỉ vậy, Thắng còn xuống cửa hàng, trò chuyện với các bạn nhân viên bán hàng để xem những suy luận của mình về người tiêu dùng có đúng không, liệu các bạn có quan sát gì mới mẻ không. Nhờ vậy Thắng không chỉ hiểu khách hàng mục tiêu của thương hiệu mà còn hiểu hơn về cách vận hành của cửa hàng cũng như vai trò quan trọng của một nhân viên bán hàng. Với đặc thù ngành Retail, mỗi nhân viên bán hàng chịu trách nhiệm khá lớn trong vấn đề doanh số của cửa hàng. Từ đó, Thắng mới thực sự hiểu rõ sự khác biệt giữa FMCG và Retail. Tuần đấy Thắng phải làm quần quật, vì áp lực, sợ bị “trả” lại HR.

Lần nộp bài tiếp theo, chị sếp khen “Đề xuất có liên kết chắc chắn, insight mới, liên kết được người tiêu dùng với thương hiệu và sản phẩm”. Chị còn nói thêm “Chị tin là triển khai chiến dịch với insight này sẽ đạt hiệu quả”. Những ghi nhận từ chị khiến Thắng mừng lắm. Sau đó, chị hỗ trợ Thắng thêm, hoàn thành bài để trình bày cho bác Country Manager – người đứng đầu L’Oréal Vietnam. Hôm thuyết trình cho bác,Thắng lo lắng nhiều nên chưa thể hiện được một cách tốt nhất, tuy vậy, vì bản chất ý tưởng tạo cảm hứng cho mọi người nên bản đề xuất của Thắng được duyệt.

* Khi làm dự án như vậy thì Thắng thấy phần nào là khó nhất?

Thắng nghĩ giai đoạn khó nhất của một dự án là giai đoạn lên kế hoạch. Giai đoạn này khó về ý tưởng, còn giai đoạn thực thi thì lại khó về mặt quản lý con người, quản lý các công việc. Cân bằng giữa dự án của mình và hỗ trợ mọi người thực thi dự án khác cũng là một thử thách buộc Thắng phải tìm cách giải quyết. Ngày xưa đi học Thắng hay có thói quen “ôm việc” về phần mình. Tuy nhiên khi làm việc với nhiều phòng ban khác nhau, mình đâu thể “ôm việc” được nữa. Vậy là phải học thêm về cách làm việc với con người, làm sao để thuyết phục mọi người làm theo hướng đi mình cần. Thắng tìm hiểu về mục tiêu của từng phòng ban, lợi ích, nhu cầu và học cách nói chuyện bằng ngôn ngữ của họ để có thể đưa ra cách giao tiếp phù hợp nhất. Ví dụ khi triển khai chương trình khuyến mại, các bạn phòng Sales luôn muốn phần trăm khuyến mại cao để có thể đẩy nhanh lượng hàng hay là tặng kèm mẫu này mẫu kia để tăng doanh số, nhưng team Marketing tại không muốn giảm giá hay tặng quà nhiều, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh thương hiệu. Thắng nghĩ, người làm Project Manager phải hiểu được lý do đằng sau của mỗi phòng ban để có thể dung hòa lợi ích của đôi bên. Nhiều khi Thắng phải chứng minh để đội ngũ Sales hiểu tại sao chọn KOL này chứ không phải KOL kia, điều đó xuất phát từ insight nào của người tiêu dùng.

* Còn dự án Thắng hỗ trợ thực thi trong giai đoạn này thì sao?

Thắng hỗ trợ làm viral clip và tổ chức sự kiện nội bộ “Happiness” của Lancôme. Trong dự án này, Thắng làm việc trực tiếp với Production House, theo dõi từng chút một, làm việc với cả diễn giả lẫn và khách mời… Công việc nhiều nên có những đêm Thắng phải ở lại công ty đến 10h tối, nhưng quả thật khi đấy chỉ háo hức, không thấy mệt gì cả. Kết quả là mọi người đều ở lại sự kiện đến cuối, không ai bỏ về sớm và thông điệp, hình ảnh sự kiện cũng được mọi người chia sẻ rộng rãi trên các kênh social media.

* Kết thúc dự án với Lancôme, công việc tiếp theo của Thắng là gì?

Sau đó, Thắng rời L’Oréal Luxe division, chuyển đến làm việc tại Consumer Products division, chịu trách nhiệm cho mảng E-commerce của thương hiệu L’Oréal Paris. Đặc thù tại division này khác với ngành hàng mỹ phẩm cao cấp, các dự án Thắng làm có thời gian ngắn và thường xoay quanh các ngày đặc biệt như Sinh nhật Lazada, Sinh nhật Shopee, ngày 10/10 hay ngày 11/11…

* Thử thách đặt ra cho Thắng trong thời gian này là gì? Thắng đã làm gì để giải quyết thử thách ấy?

Thử thách đặt ra cho Thắng trong thời gian này có vẻ đơn giản: tăng số lượng đơn hàng với ngân sách không đổi. Thắng đã đề xuất trao đổi khuyến mại với các thương hiệu cùng nhóm khách hàng mục tiêu với L’Oréal Paris là Ten Ren và Chamichi. Có nghĩa là khách hàng mua một đơn hàng của L’Oréal Paris sẽ được được tặng 1 cốc trà sữa hoặc khách hàng mua trà sữa sẽ được tặng mã giảm giá mua mỹ phẩm. Công việc chủ yếu của team là nghĩ ra những ý tưởng có thể áp dụng ngay như trên để giải quyết những chiến dịch khuyến mại trên các trang E-commerce. Nhờ vậy, Thắng cũng học được cách thích nghi nhanh với nhịp độ công việc gấp gáp tại đây.

Một thành tựu nho nhỏ Thắng và team đạt được trong thời gian này đó là Shopee ấn tượng với cách team L’Oréal Paris triển khai các chương trình khuyến mại nên có mời team để chia sẻ thêm về chiến dịch “Thử thách đắp mặt nạ 12 con giáp”. Chiến dịch này đã thành công trong việc giới thiệu đến người tiêu dùng về khái niệm “multi-masking”, từ đó giúp L’Oreal Paris tăng doanh số thông qua việc bán được combo mặt nạ đất sét thay vì một sản phẩm lẻ.

* Thắng đã thay đổi như thế nào khi làm việc tại L’Oréal Vietnam?

Đầu tiên, Thắng nhận thấy, các bạn MT tại L’Oréal Vietnam sẽ có khả năng thích nghi với thay đổi liên tục. Vì công ty có tận 4 division với cách vận hành khác nhau, nên mỗi 6 tháng, các bạn sẽ phải làm quen với một phong cách làm việc mới. Thứ hai, tại L’Oréal, tính thẩm mỹ rất được đề cao. Qua thời gian làm việc cùng mọi người, Thắng thấy mình để ý đến từng chi tiết hơn trước, luôn làm sao để kết quả, thành phẩm cuối cùng phải thật hoàn chỉnh. Cuối cùng là Thắng đã chủ động hơn trước rất nhiều. Nhất là trong thời gian làm việc tại L'Oréal Paris, vì luôn là thương hiệu dẫn đầu nên mình luôn phải nghĩ ra những ý tưởng mới trong thời gian ngắn. Điều đó giúp Thắng cũng như các bạn trong team hoàn thiện hơn từng ngày.

* Trong suốt quá trình làm việc tại L’Oréal Vietnam, có hình ảnh người mentor nào gây ấn tượng nhất với Thắng?

Thắng luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh, không chỉ từ chị sếp hay những bạn trong team. Vậy nên câu trả lời của Thắng cho câu hỏi này là mọi người tại L’Oréal Vietnam. Thắng nhận ra rằng mọi người đều rất cởi mở để giúp đỡ, hỗ trợ các bạn nhân viên mới, đặc biệt là MT. Càng quen với mọi người Thắng càng không ngại ngần gì khi “cầu cứu” người khác. Có lẽ nhờ vậy mà Thắng là người gần gũi, thân thiết với mọi người nhất trong nhóm MT.

* Điều Thắng có được trong thời gian làm MT tại L’Oréal là gì?

Thắng nghĩ chương trình MT đâu nhất thiết cứ phải “vùi dập” ứng viên quá. Tại L’Oréal Vietnam, Thắng học được nhiều vì bản thân mình cảm thấy thoải mái với công ty, với môi trường làm việc và ngành hàng đặc thù này. Điều đó kích thích sự tò mò học hỏi của Thắng, rất khác với việc cứ hết áp lực này đến áp lực khác xuất hiện và mình phải loay hoay tìm cách thể hiện bản thân.

Thắng nghĩ L’Oréal Vietnam cho Thắng sự tự tin. Văn hóa làm việc của L’Oréal là đề cao tính cách của mỗi người, cho nhân viên cơ hội thể hiện mình để đạt được thành công chứ không phải mỗi người cần đạt được một số tiêu chuẩn nào đấy thì mới là “nhân tài”. L’Oréal quan niệm rằng mỗi người là một nhân tài và các anh chị HR hỗ trợ cá nhân đó tìm được division phù hợp với mình nhất. Nhờ sự tự tin đó, Thắng can đảm đi thi Young Lions và đạt giải Ba. Lúc ấy, Thắng không sợ gì cả, không sợ thất bại như những cuộc thi trước đó, lúc nào cũng nghĩ đây là cơ hội để mình giỏi hơn lên.

* Lý do Thắng chọn chương trình MT của L’Oréal là gì?

Thắng chọn chương trình MT của L’Oréal Vietnam vì Thắng thích mảng Retail, thích mỹ phẩm và cái đẹp. Thực ra Thắng cảm thấy Thắng hợp với L’Oréal từ vòng Assessment Center, khi Thắng thấy tất cả các anh chị giám khảo đều có cá tính rất rõ. Bản thân Thắng rất thích được thể hiện bản thân mình thoải mái như vậy.

* Thắng có thể chia sẻ thêm về quá trình ứng tuyển L’Oréal cho các bạn trẻ đang có dự định ứng tuyển vào không?

Tương tự các chương trình MT khác, quá trình tuyển MT của L’Oréal Vietnam có các vòng như CV, bài test IQ/EQ, bài test Digital Marketing, phỏng vấn, Assessment Center và cuối cùng là phỏng vấn với bác Country Manager. Điểm đặc biệt là tại vòng Assessment Center có phần thi kiểm tra về mỹ phẩm. Ban tổ chức bày một số loại mỹ phẩm khác nhau trên bàn, yêu cầu mọi người mô tả sản phẩm theo góc nhìn của một người làm Marketing. Thắng nghĩ mục đích của việc này là kiểm tra khả năng cảm nhận về các dòng mỹ phẩm của từng ứng viên.

Thắng nghĩ nếu bạn tìm kiếm một công ty tạo điều kiện để bạn thể hiện hết cái tôi của mình, đề cao sự khác biệt tính cách thì hãy thử ứng tuyển vào L’Oréal Vietnam.

* Cảm ơn Thắng đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc. Chúc Thắng thành công trên con đường sắp đến.

Tham khảo thêm thông tin Management Trainee Program 2019 của L'Oréal Vietnam tại đây.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam