Black Friday: Xu hướng của tương lai hay cái bẫy tiêu dùng?

Nguồn ảnh: http://blog.nowinstore.com/

Liệu những con số ấn tượng về doanh thu qua các “chiêu trò” khuyến mại, quảng cáo có phải là một tương lai đáng mơ ước cho kinh tế Việt?

Trong thời kỳ hội nhập, các thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam cũng đã rục rịch bắt đầu những chiến dịch marketing, sale đồng loạt, mô phỏng hiện tượng mua sắm của Hoa Kỳ, thứ 6 đen tối (Black Friday). Mỗi người đều vui mừng vì cuối cùng nền kinh tế Việt đã học tập được những trào lưu của một nền kinh tế lớn hơn và cũng có thể được coi là văn minh hơn. Nhưng thực sự, chúng ta đã hiểu rõ được cái giá phải trả cho vòng tuần hoàn đáng sợ của sự sản xuất thừa mứa của các công ty, tạo nên bởi nhu cầu tiêu dùng xa xỉ mà chất xúc tác lại chính là những chiến dịch marketing và khuyến mãi tài ba?

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được hòa mình vào dòng người mua sắm nhân Black Friday tại Mỹ. Không khí tấp nập tại các gian hàng từ đêm hôm trước với những khu mua sắm mở cửa sớm đón chào những khách hàng không ăn mừng lễ Tạ Ơn như tôi.

Đi giữa một rừng những biển khuyến mãi lẫn quà tặng, tôi lặng lẽ ghi nhớ các cách thu hút khách hàng của những cửa hiệu lớn: Express với chiêu thức thúc giục “Giảm 50% cho toàn bộ đơn hàng trước 12 giờ trưa”; những cửa hiệu mỹ phẩm ít khi giảm giá như Body Shop thì lại câu kéo với dòng quảng cáo “3 sản phẩm chỉ với $36”; H&M với khung giá “mềm” hơn dành cho đối tượng thu nhập thấp thì không những chỉ giảm giá mà còn thuê cả DJ chơi những bản nhạc đang thịnh hành nhất.

Với tính cách thương hiệu, tầm giá sản phẩm, cũng như đối tượng khách hàng khác nhau, các cửa hàng chọn lấy văn phong, màu sắc, và cả âm thanh phù hợp nhất. Tại khu trung tâm thương mại đó, một nền kinh tế với chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism) đạt đến đỉnh cao hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết.

Những nhân viên cửa hàng làm thêm ca tối hôm trước cũng chỉ để có thể dùng thẻ ghi nợ ngân hàng để mua sắm ngay vào ngày hôm sau. Sản phẩm được sản xuất ra thừa mứa bởi các thương hiệu trong niềm hi vọng rằng những đợt giảm giá như Black Friday sẽ thúc đẩy người tiêu dùng mua những thứ họ cũng chả thực sự cần.

Chính người mua cũng biết rằng những món đồ kia vài ngày trước đã tăng giá chỉ để ngày hôm nay trên kệ, các nhãn hàng có thể ghi ra một mức sale không tưởng. Nhưng có làm sao chứ, họ vẫn mua thôi. Họ không phải mua vì cái giá họ phải trả. Họ mua vì số tiền mà họ đang tự lừa dối bản thân rằng họ đã tiết kiệm được.

Cũng có sao đâu, vì họ đang mua bằng tín dụng vay nợ ngân hàng, những khoản nợ mà hệ thống chính quyền, tập đoàn lớn đảm bảo với họ rằng một ngày nào đó họ sẽ có khả năng trả hết. Cái vòng tuần hoàn của người thu nhập thấp tại Mỹ của sự vay nợ để mua sắm và rồi lại làm việc cật lực để trả nợ, chuẩn bị cho đợt giảm giá tiếp theo được củng cố bằng sự cạnh tranh không ngừng nghỉ và các chiến dịch marketing tốn kém.

Thứ sáu đen tối, ngày mà người Mỹ tự cho phép bản thân được “phỉnh phờ” về một giá trị lớn hơn những gì họ đã trả, ngày mà các tập đoàn thở phào nhẹ nhõm khi những sản phẩm được sản xuất thừa mứa vẫn có thể được tiêu thụ hết, ngày mà 1% dân số giàu lên bởi những khoản nợ trong tài khoản các gia đình thu nhập tầm trung và thấp.

Thứ sáu đen tối, ngày mà ta nhận ra nền kinh tế tư bản lớn mạnh nhất thế giới, nền kinh tế với những chiến dịch Marketing đã đạt đến đỉnh cao trong việc câu dụ khách hàng được bao người Việt ngưỡng mộ ấy, thực chất mỏng manh đến nhường nào.