Re-think CSR #2 – Bà Trần Lê Thanh Vân @ Sanofi: “CSR là một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu”

CSR không chỉ đơn thuần là các hoạt động trách nhiệm xã hội nhỏ lẻ, mà nên gắn liền với hoạt động kinh doanh cũng như triết lý thương hiệu. Một chiến lược CSR đúng đắn có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững (Sustainable Growth) của doanh nghiệp cũng như của cộng đồng và xã hội.

“Re-think CSR” là chuyên mục do Brands Vietnam và Rice & Partners hợp tác thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.

Ở số thứ 2, Brands Vietnam đã có buổi gặp gỡ với bà Trần Lê Thanh Vân, hiện là Trưởng bộ phận Truyền thông tại Sanofi khu vực Đông Dương, với kinh nghiệm hơn 12 năm trong lĩnh vực truyền thông và đối ngoại. Bà Thanh Vân sẽ chia sẻ quan điểm về khái niệm, cách tiếp cận và một số ví dụ về hoạt động CSR.

* Đầu tiên, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về các hoạt động CSR tại Việt Nam?

Khoảng 15-20 năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nhiều chương trình CSR, nếu có thì thường từ những tập đoàn lớn toàn cầu và thường chỉ hướng đến việc từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình “Ngồi nhà mơ ước” của HTV là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, trong khoảng 5-10 năm gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tầm quan trọng và sức mạnh tiềm ẩn của một chương trình CSR đúng nghĩa. Nhiều chương trình CSR bài bản với quy mô lớn mang lại hiệu quả cao bắt đầu xuất hiện ví dụ như “Đèn đom đóm” của Dutch Lady, “Rửa tay bằng xà phòng cho đôi tay sạch khuẩn” của Lifeboy hoặc dự án “Nescafé Plan” của Nestlé. Nhưng hiện nay, vẫn chỉ có các tập đoàn lớn chịu đầu tư vào CSR dựa trên các giá trị cốt lõi của họ. Các công ty khác thì còn e ngại hoặc có phần hiểu lầm mục đích CSR. Mọi người thường quy đồng CSR với từ thiện, với thăm trẻ mồ côi hoặc đơn giản là cơ hội cho nhân viên làm những việc tốt cho cộng đồng, nhưng nó thực sự hơn thế. CSR, nếu được đầu tư đúng cách, sẽ mang lại giá trị lớn cho thương hiệu của một doanh nghiệp.

Mọi người thường quy đồng CSR với từ thiện, với thăm trẻ mồ côi... nhưng nó thực sự hơn thế.

* Từ quan điểm trên, Sanofi đã có những hoạt động hoặc nền tảng CSR nào để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của mình?

Chiến lược CSR của Sanofi được xây dựng trên 2 nền tảng lớn: năng lực cốt lõi của Sanofi và các giá trị phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Sanofi là tập đoàn dược toàn cầu với sứ mệnh mang đến giải pháp chăm sóc sức khoẻ tiên tiến cho mọi người trên toàn thế giới. Sanofi cũng đề cao việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững theo một số tiêu chuẩn của Liên hợp Quốc bao gồm: xây dựng cộng đồng khoẻ mạnh và xây dựng xã hội hoà bình. 4 hạng mục chính trong chiến lược CSR của Sanofi bao gồm: giải quyết thách thức sức khoẻ cho cộng đồng, tăng cường giáo dục sức khoẻ, tài trợ các giải pháp chăm sóc sức khoẻ mang tính đột phá và tiên tiến, thực hiện các dự án trao quyền cho nữ giới.

Để thực hiện được những hoạt động trách nhiệm xã hội này, Sanofi đã thành lập quỹ Espoir Foundation. Từ quỹ này đã triển khai nhiều dự án xoay quanh 4 mục chính đã nêu, tiêu biểu là “My Child Matters” – dự án được triển khai từ đầu từ năm 2005. Mục tiêu của dự án là cập nhật kiến thức cho các chuyên viên y tế tại các nước kém phát triển đồng thời cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho các trẻ em bị ung thư.

Bản đồ những quốc gia mà quỹ Espoir Foundation đã có mặt và giúp đỡ.

Một dự án khác mà Vân thấy vô cùng tự hào là Quỹ tài trợ nhân đạo ICAF của Sanofi. Ở Việt Nam, Sanofi đã phối hợp với Mạng Lưới Bệnh Hiếm Việt Nam và Bệnh viện nhi Trung Ương để giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiếm bằng việc tài trợ chi phí chữa bệnh cho các em bệnh nhi. Bệnh hiếm là những căn bệnh hiếm gặp, nguy hiểm và rất tốn kém để điều trị. Chi phí điều trị cho 1 trường hợp mắc bệnh có thể lên đến 2 tỷ trong 1 năm. Đa số bệnh hiếm là căn bệnh được phát hiện ở trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ em sẽ không có sinh nhật lần thứ 2. Ở Việt Nam, tính đến nay có khoảng 30 ca bệnh hiếm mà quỹ ICAF của Sanofi đã và đang tài trợ.

* Vậy cho đến hiện tại, những chương trình CSR này đã đem lại những kết quả cụ thể nào đối với thương hiệu và nhân viên?

Sau 14 năm, với 25 dự án nhỏ khác nhau triển khai trên 42 quốc gia, “My Child Matters” đã giúp được 85,000 trẻ em mắc bệnh ung thư được điều trị và chăm sóc tốt hơn cũng như đã phổ cập đến 25,000 chuyên viên y tế những kiến thức và phương pháp y tế tiên tiến. Một chương trình khác nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em sơ sinh tại các nước kém phát triển của quỹ Sanofi Espoir Foundation, tính đến năm 2017, đã giúp được khoản 3.8 triệu bà mẹ.

Ngoài những kết quả chủ đạo do chương trình đề ra như: số lượng bệnh nhân, số lượng bác sĩ được cập nhật kiến thức, các chương trình của Sanofi còn mang lại kết quả tốt cho hình ảnh thương hiệu trong mắt cộng đồng và nội bộ nhân viên. Các bạn không những cảm thấy được truyền cảm hứng về những chương trình hoạt động xã hội này mà còn rất thích tham gia vào các hoạt động CSR. Điều này khiến nội bộ nhân viên rất tự hào về công việc và cam kết của công ty và từ đó, làm việc hiệu quả hơn để cùng Sanofi mang đến những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

“CSR là một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu của tập đoàn cũng như xây dựng hình mẫu doanh nghiệp đối với các bạn nhân viên.”

* Với nhiều chương trình ý nghĩa có tác động tích cực như vậy, Sanofi đã truyền thông như thế nào để nội bộ và các bên liên quan có được những thông tin chính xác về chương trình?

Sanofi thường xuyên cập nhật tình hình của các hoạt động đã làm hoặc thông báo về những hoạt động sắp diễn ra để mọi người có thể đăng ký tham gia. Sanofi có nhiều kênh truyền thông nội bộ khác nhau như các cuộc họp nhóm, webcast, townhalls, email, web nội bộ, LCDs v.v.. để đưa thông tin về các chiến dịch CSR của công ty đến với các bạn nhân viên.

Qua những kênh truyền thông chính thống như website, Sanofi còn làm việc với báo chí và đài truyền hình để lan toả chiến dịch CSR của mình, để củng cố hiệu ứng tích cực đến cộng đồng và các đối tác.

* Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ về CSR.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Quân Nguyễn / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam