Marketer Đinh Tuấn Minh
Đinh Tuấn Minh

Giám đốc nghiên cứu @ Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Xã hội Massei

Thị trường F&B Việt Nam

F&B (Thực phẩm và đồ uống) là một thị trường đa dạng với nhiều thị trường ngách như đồ ăn nhanh, đồ ăn chay, ẩm thực cao cấp,…

Làm sao để tìm được thị trường ngách phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp? Đó là lúc cần đến nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu, từ đó cung cấp các giá trị mà khách hàng đang tìm kiếm.

Tổng quan thị trường

Tính đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 nhà hàng cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bài bản. Ngành F&B được đánh giá có dư địa tăng trưởng rất mạnh tại Việt Nam với triển vọng rất lớn. Năm 2017 vừa qua, ngành này đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 12% và dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 18%/ năm trong thời gian sắp tới. Theo dữ liệu nghiên cứu của một công ty nghiên cứu thị trường, ngành hàng thực phẩm là một trong 3 nhóm hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017.

Tuy nhiên, có rất ít các nhà hàng phát triển được theo dạng chuỗi mà vẫn đảm bảo tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận như kỳ vọng.

Tiềm năng phát triển

Giới chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2017 – 2018, lĩnh vực F&B ở Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực chính diễn ra các thương vụ M&A, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ, chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các DN nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2017, Dân số của Việt Nam ước tính là hơn 96 triệu dân đứng thứ 14 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng dân số trung bình 1,1%/năm. Khi mà nền kinh tế vận hành ổn định, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, ngành Thực phẩm – đồ uống có cơ sở vững chắc sẽ tiếp tục duy trì phong độ và là thị trường tiềm năng cho các start up trong thời gian tới.

Nghiên cứu thị trường F&B

Các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống phải luôn theo dõi những mong muốn và nhu cầu của khách hàng. F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng, cho dù là nhà hàng, cửa hàng tiện lợi hoặc nhà cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao khi ngày càng nhiều các thương hiệu có ý định thâm nhập vào thị trường này, điều tra tìm hiểu thị trường là rất cần thiết.

Bên cạnh 4P – Sản phẩm, Giá cả, Phân phối, Xúc tiến truyền thống, F&B còn yêu cầu rất cao về 3 chữ P trong marketing dịch vụ: Con người (People) – Quy trình (Process) và Môi trường vật chất (Physical Evidence). Người phục vụ là yếu tố đầu tiên khách hàng tiếp xúc trước khi thưởng thức thực phẩm, bởi vậy thái độ và phong cách phục vụ rất quan trọng. Quy trình tinh gọn cũng tăng thêm sự hài lòng của khách hàng, giúp khách hàng không phải chờ đợi quá lâu. Và cuối cùng, môi trường vật chất khiến khách hàng thấy ngon miệng hơn, thậm chí có thể tác động lên hành vi của khách hàng.

Những vấn đề doanh nghiệp cần nghiên cứu

F&B là ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao, tốc độ đào thải nhanh và danh tiếng của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của khách hàng.

Doanh nghiệp ngoài nghiên cứu về 4P truyền thống còn cần nghiên cứu, đánh giá về quy trình phục vụ, vận dụng những kiến thức từ sách vở, báo cáo về thiết kế không gian để gây ấn tượng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn thực hiện nghiên cứu thái độ của khách hàng với nhân viên phục vụ để từ đó đào tạo, tuyển chọn những nhân viên phù hợp nhất.Nghiên cứu thị trường F&B còn liên quan đến thử nghiệm vị giác, khảo sát, nghiên cứu mua sắm bí mật và hơn thế nữa. Những nỗ lực chuyên biệt này cho phép người tiêu dùng chia sẻ một cách trung thực những gì họ nghĩ về một sản phẩm, giúp chủ doanh nghiệp xác định cách thức sản phẩm của họ sẽ được công chúng tiếp nhận.

Phương pháp nghiên cứu

Có rất nhiều phương pháp được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng như mời dùng thử, lấy ý kiến khách hàng tại chỗ, mời làm khảo sát online… Thậm chí cũng rất nhiều doanh nghiệp chi một khoản lớn để tìm được vị trí đẹp có nhiều lượt người qua lại mỗi ngày, dễ tiếp cận với khách hàng. Với những doanh nghiệp có sản phẩm mới như ẩm thực nước ngoài, thực phẩm nhập khẩu, thì càng phải hiểu rõ nhu cầu sử dụng của khách hàng hơn nữa, để biết sản phẩm có tiềm năng với đối tượng mục tiêu mình nhắm tới hay không.

Tóm lại, thị trường F&B có ít rào cản gia nhập, nhưng vì nhu cầu tiêu dùng lớn, tốc độ đào thải nhanh, nên vẫn là một thách thức với những doanh nghiệp muốn chinh phục. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, các doanh nghiệp không nên chủ quan mà nên tìm hiểu kĩ về thị trường trước khi bắt đầu công việc kinh doanh để giảm bớt rủi ro.