Doanh nghiệp Việt "chinh phục" túi tiền người tiêu dùng nông thôn

Người tiêu dùng nông thôn ở thời điểm hiện tại, theo phác họa của các công ty nghiên cứu thị trường trong những báo cáo mới nhất, đã “sang chảnh” khi thích mua hàng cao cấp, chọn cửa hàng bách hóa thay vì chợ truyền thống…Khoảng cách, sự khác biệt giữa người tiêu dùng nông thôn và thành thị dường như đã không còn nhiều. Điều này khiến không ít doanh nghiệp đang tìm nhiều cách tiến về nông thôn với những chiến lược khác nhau.

Người tiêu dùng nông thôn đã “sang chảnh”

Chị Mai, một công nhân đang làm việc tại khu chế xuất quận 7, TPHCM, kể chị vừa nhận được điện thoại của bố, mẹ ở quê thông báo đã lắp Internet và máy điều hòa nhiệt độ. Ông bà báo ngay cho chị hay để Tết này chị đưa con về chơi thì cháu ngoại tha hồ vào mạng, không bứt rứt tay chân như mọi lần. Bố mẹ của chị Mai (đã ngoài 70 tuổi) hiện đang sống ở một xã gần thành phố Thanh Hóa, với thu nhập chính là tiền lương hưu của ông cùng tiền “thêm thắt” (không đều) của con cái (đang sống ở TPHCM). Từ nhiều năm nay, hai ông bà đã sắm khá đầy đủ vật dụng sinh hoạt trong nhà, từ bếp gas, máy giặt, máy nước nóng đến ti vi màn hình phẳng và bây giờ là máy điều hòa nhiệt độ. Nói như chị Mai thì “bây giờ về quê cũng tiện nghi như ở thành phố”. Và cũng từ lâu, mỗi khi về quê, chị Mai không còn phải đùm đề quà cáp, cứ có tiền mang về là có thể mua đủ thứ ở quê, kể cả những món đặc sản miền Nam như bánh pía, bưởi năm roi… Các cửa hàng ở quê chị cũng đã bán các loại hàng tiêu dùng nhanh như sữa, bánh kẹo là “hàng công ty” (tức hàng do các công ty lớn sản xuất). Trước đây, các mặt hàng này thường là “hàng cơ sở” (tức sản phẩm do các cơ sở gia đình sản xuất, nhái theo mẫu mã và có tên giống hàng công ty).

Cách đây vài tháng, chị Hiền (ngụ tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM) về quê chơi và được chị dâu, đang là giáo viên cấp 2, rủ đi siêu thị mua sắm. Siêu thị này vừa mở tại thành phố nhưng chỉ cách nhà chị ở huyện gần mười cây số. Điều làm chị Hiền ngạc nhiên là chị dâu chọn mua toàn hàng của các công ty đa quốc gia, từ nước giặt Ariel đến bánh Orion. Ở TPHCM, chị Hiền (làm nhân viên kế toán) thường chỉ dùng Mỹ Hảo hay Bibica. “Tôi hỏi vì sao chọn mấy thương hiệu này thì chị dâu bảo thấy quảng cáo hay, các cô giáo ở trường đều mua, đều khen”, chị Hiền kể.

Hai câu chuyện nho nhỏ của chị Hiền và chị Mai là thực tế đang dần phổ biến ở các vùng nông thôn Việt Nam. Như nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam trong báo cáo “Khám phá những sự thật về khu vực nông thôn Việt Nam (Rural Mythbusters)” là có những điều hoàn toàn khác về người tiêu dùng nông thôn so với suy nghĩ, lầm tưởng của doanh nghiệp lâu nay. Theo báo cáo này, người tiêu dùng nông thôn rất hứng thú với sản phẩm cao cấp, thể hiện ở chỗ đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 12,4% của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quí 1-2017 (cao gần gấp đôi so với thành thị) là dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp. Mức độ tăng trưởng của hai dòng sản phẩm này lần lượt là 40% và 38,5%.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, chia sẻ thêm: “Khi quan sát dữ liệu đo lường bán lẻ, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp của người tiêu dùng nông thôn cao hơn hẳn so với các phân khúc còn lại. Và điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong đợi các sản phẩm tốt, có chất lượng cao mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu chúng”.

Cũng theo Nielsen Việt Nam, hiện hơn 90% hộ gia đình ở nông thôn sở hữu một chiếc ti vi ở nhà và 57% trong số đó kết nối thường xuyên với hơn 10 kênh truyền hình. Điều đáng chú ý và mới hơn là 90% người tiêu dùng nông thôn sở hữu một chiếc điện thoại di động và 50% trong số đó là điện thoại thông minh. Không chỉ vậy, có gần 24 triệu người sử dụng Internet, xấp xỉ với số lượng ở các khu vực thành thị. Hiện tại, đã có 22,5 triệu người ở khu vực này sử dụng Facebook để liên lạc với người thân, bạn bè, chỉ kém 1 triệu so với con số 23,5 triệu ở các khu vực thành thị. Việc tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông được nhận định là sẽ khiến hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn không khác biệt so với người tiêu dùng thành thị.

Giống người thành thị

Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel ghi nhận hiện tại đã có 63% hộ gia đình nông thôn sở hữu điện thoại thông minh, tăng tới 17% so với khảo sát trước đó. Và riêng ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), cũng có rất nhiều chỉ dấu mới với các nhà sản xuất. Chẳng hạn, thị phần của mô hình cửa hàng bách hóa liên tục tăng ở thị trường nông thôn và ở báo cáo gần nhất (tháng 5-2017) thì mức tăng trưởng lên tới 31% so với cùng kỳ, cao nhất trong các mô hình và thu hút hơn 800.000 hộ mua mới. Trong khi đó, mô hình chợ truyền thống lại bị mất 1% thị phần và sụt giảm 5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng nông thôn cũng đang hướng đến các địa điểm mua sắm hiện đại, tiện nghi hơn.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng nông thôn hiện rất quan tâm đến thực phẩm đóng gói. Đây là mối quan tâm hàng đầu khi có đến 32,7% chi tiêu gia đình cho FMCG là mua những sản phẩm này (số liệu 2016). Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh và mạnh nhất phải kể đến mặt hàng sữa và đồ uống. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn còn dành không ít sự quan tâm đến các sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc bản thân, điều ít thấy trước đây.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết số lần đi mua sắm của người tiêu dùng nông thôn hiện tại là 138 lần/năm. Ở thành thị, số lần đi mua sắm trong năm là 158 lần. Người tiêu dùng nông thôn và thành thị đều đã giống nhau ở những điểm như rất quan tâm đến sự tiện lợi (thể hiện ở gần nhà); mua sắm nhiều kênh để có được giá tốt nhất; chất lượng sản phẩm phải cao và có giá hợp lý; sản phẩm phải xuất hiện trên mạng xã hội Facebook…

Go Rural bằng Thể thao

Marketing, truyền thông bằng thể thao không phải là một khái niệm lạ lẫm với những người trong ngành. Nhưng hiện nay, những người tiêu dùng bình thường cũng cảm nhận được ngay trong cuộc sống của mình sức nóng của các hoạt động quảng cáo ăn theo sự kiện thể thao. AFF Suzuki Cup 2018 sắp diễn ra và một lần nữa chúng ta được chứng kiến điều đó.

Giữa rất nhiều các chương trình marketing nổ ra trong giai đoạn này, “Sống cùng bóng đá” do 2 đơn vị tư nhân là Next Media, Green Communications phối hợp tổ chức đang nổi lên là một chương trình mang nhiều nét đặc sắc riêng và có giá trị cộng đồng rất lớn, khi đối tượng mà họ hướng đến là nông dân –nông thôn. Một chiến lược đáp ứng nhu cầu truyền thông, marketing của nhiều doanh nghiệp khi xu hướng “go rural” (Tiến về nông thôn) đang nở rộ.

Như mọi chương trình marketing khác, thể thao là công cụ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp và giá trị cốt lõi của mình. Ngay lập tức sau khi công bố chương trình,”Sống cùng bóng đá” được công bố, Công ty Cổ phần Lavifood – một doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản ở TPHCM đã quyết định đồng hành và trở thành đối tác chiến lược của chương trình này.

“Sống cùng bóng đá” và triết lý kinh doanh của Lavifood có điểm chung là chia sẻ giá trị cộng đồng, nên chúng tôi quyết định đồng hành với chương trình” ông Đinh Hùng Dũng – Phó Tổng giám đốc công ty Lavifood chia sẻ.

Ông Dũng nói: “Giống như các cầu thủ ghi bàn thắng trên sàn đấu quốc tế thì người nông dân Việt Nam cũng đã và đang “ghi bàn” ra thị trường thế giới bằng nông sản của họ. Với sự hỗ trợ của Lavifood, người nông dân sẽ sút bóng với vị thế cao hơn và giàu khát khao, giàu tự hào dân tộc như đội tuyển U23 Việt Nam.”

Tất nhiên, đối tượng gắn bó nhất với một công ty chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản như Lavifood là nông dân. Do đó việc đồng hành của Lavifood, dễ hiểu nhất cũng là phục vụ cho chiến lược của họ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Lavifood cũng đang chuẩn bị những chiến lược để tham gia vào ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam.

Như mọi chương trình marketing khác, thể thao là công cụ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp và giá trị cốt lõi của mình. Và “Sống cùng bóng đá” thực tế cũng là chương trình bắt trúng xu hướng đang nổi lên hiện nay là xu hướng “go rural”.

Kiều Nguyễn