Hành trình nuôi dưỡng hạt Arabica của "Ngôi nhà cà phê"

The Coffee House lấn thêm một bước vào thị trường cà phê khi hợp tác với nông dân vùng Cầu Đất trong dự án sản xuất nguyên liệu cà phê riêng cho thương hiệu của mình với số vốn lên tới 10 triệu đô la.

Chia sẻ về tham vọng của mình, ông Nguyễn Hải Ninh-CEO của The Coffee House cho biết:

“The Coffee House mong muốn định vị lại Việt Nam là nước có hạt cà phê chất lượng không thua kém các nước khác, không chỉ nổi tiếng về sản lượng và hạt Robusta như hiện nay. Qua đó, mang lại nhiều giá trị hơn cho hạt cà phê Arabica Cầu Đất, nông dân và cả khách hàng của mình.”

Hạt Arabica từng bị bỏ quên

Cao nguyên Cầu Đất thuộc Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, với độ cao 1.650m so với mặt nước biển, là một trong những vùng đất được coi là hiếm hoi ở Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng để trồng cà phê Arabica- một loại cà phê được ưa chuộng trên thế giới, ưa sống ở vùng núi cao với mức nhiệt từ 16-25°C và lượng mưa khoảng trên 1.000 mm.

Ông Nguyễn Hải Ninh - CEO của The Coffee House.

Hiện nay, Cầu Đất có 5.000 hecta cà phê với sản lượng hơn 10 nghìn tấn thô một năm, phần lớn trong đó là cà phê Arabica- loại cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Tiềm năng là vậy, nhưng người nông dân ở đây vẫn đang tự mày mò với kỹ thuật canh tác lạc hậu và đầu ra bấp bênh.

Từ năm 2014, The Coffee House đã chọn ra những chủ vườn cà phê có uy tín và kinh nghiệm trồng cà phê lâu năm tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành thuộc Cầu Đất để hợp tác trồng cà phê, cung cấp nguyên liệu nguồn cho cà phê của chuỗi cửa hàng này. Theo đó, người nông dân sẽ được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn từ khâu chọn giống, chăm sóc và thu hái theo cách làm cà phê mới có chất lượng hơn…

Sau đó, cà phê tươi sẽ được phơi và sơ chế tại nông trại của The Coffee House. Được biết, mỗi kg cà phê được thu mua lại với giá 80.000 đồng-cao gấp đôi giá cà phê Arabica trong nước.

Ngoài ra, từ năm 2015 The Coffee House cũng đầu tư xây dựng 50 hecta vườn mẫu cà phê của riêng mình. 50 hecta cà phê này được cải tạo lại đất để trồng thử nghiệm nhiều giống cà phê chất lượng. Các loại giống tốt nhất sẽ được chọn ra để nghiên cứu cách chăm sóc phù hợp. Trong vòng 4-5 năm nữa, những giống này sẽ được hướng dẫn lại cho người nông dân trồng và chăm sóc.

Chuyên gia cà phê “lăn xả” trên nông trại cùng người trồng

Tham vọng khép kín chuỗi cung cấp cà phê từ nông trại đến tay người tiêu dùng của The Coffee House có sự tham gia của nhiều chuyên gia cà phê quốc tế, trong đó có nghệ nhân rang Nguyễn Hữu Long. Anh chia sẻ:

“Điều khó khăn nhất trong việc hoàn thiện mô hình trồng hạt cà phê Arabica ở Cầu Đất là làm sao thay đổi thói quen canh tác lâu năm của nông dân. Ví dụ như trước đây khi thu hoạch, người nông dân tuốt nguyên cành cả trái chín và trái xanh nên việc thu hoạch 1 ha cà phê chỉ kéo dài khoảng 5-7 ngày, tuy nhiên theo tiêu chuẩn của chúng tôi, người nông dân buộc phải chọn lọc chính xác tới 99% trái chín, việc này khiến cho quá trình thu hoạch kéo dài từ 1-3 tháng, chưa kể việc sơ chế ướt và lên men tự nhiên trong 10-14 ngày sau đó. Ngoài ra, hạt cà phê nhân còn cần được lưu trữ hoàn toàn trong kho máy lạnh 24/24, môi trường lý tưởng về nhiệt độ 20 độ C, độ ẩm 20%."

Mô hình hợp tác trồng cà phê nhận được sự ủng hộ không những từ các chuyên gia mà còn từ người nông dân trồng cà phê. Chính những người nông dân được lựa chọn hợp tác với The Coffee House là những người đã có thâm niên trồng cà phê, đam mê làm giàu trên mảnh đất của mình nhưng luôn bức xúc vì đầu ra bấp bênh lại không được hướng dẫn bài bản về kỹ thuật. Nhờ The Coffee House, một cộng đồng sản xuất cà phê được lập ra ở Cầu Đất để chia sẻ thông tin về quy trình trồng và chăm sóc cà phê hiệu quả và chất lượng.

Arabica là loại cà phê ít đắng, vị chua nhẹ, chiếm tới 2/3 lượng cà phê hiện nay trên thế giới Arabica có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khẩu vị và cách uống của thế giới (uống cà phê máy). Arabica chỉ được trồng ở một số ít vùng có độ cao trên 600m, khí hậu mát mẻ. Đây là loại cà phê rất khó trồng, đòi hỏi trình độ canh tác cao mới có thể cho năng suất tốt.

Ở Việt Nam, hạt Arabica được người Pháp mang đến từ năm 1927. Hiện nay, Arabica chỉ chiếm 3-5% sản lượng xuất khẩu vì phần lớn khí hậu của Việt Nam không phù hợp và kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.

A.D
Nguồn Trí thức trẻ