Các thương vụ M&A đình đám của Việt Nam

Xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên, đặc biệt các thương vụ diễn ra dồn dập trong năm 2015.

Đứng đầu trong số các thương vụ M&A trong năm 2015 là ngành bán lẻ với tổng giá trị đạt hơn 1,5 tỷ USD. Điều này cho thấy các tập đoàn bán lẻ nước ngoài xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm trong chiến lược kinh doanh của mình.

Có thể kể tới một số thương vụ M&A nổi bật về quy mô, số vốn cũng như mức độ tác động đến ngành bán lẻ như: Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) bỏ ra 880 triệu USD mua lại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (bán buôn); Công ty Power Buy thuộc Tập đoàn Central Group cũng của Thái Lan hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.

Doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong xu hướng này có Tập đoàn Vingroup, nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group)… Theo Công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới, theo khảo sát của công ty này.

Sau Metro, Tập đoàn BJC tuyên bố muốn mua lại cả chuỗi Big C - Ảnh: Ngọc Thắng

Bán lẻ cũng ngày càng nóng hơn vào đầu năm 2016, khi các “ông lớn” bán lẻ từ Thái Lan không giấu diếm tham vọng tăng tốc mua lại doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Sau khi đã hoàn tất thương vụ Metro Cash & Carry Việt Nam, Tập đoàn BJC tuyên bố sẽ mua lại chuỗi siêu thị Big C thuộc sở hữu của tập đoàn Casino Group (Pháp). Tập đoàn này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart của Nhật (nay đổi tên thành B's Mart).

Chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam được rao bán đã thu hút hàng loạt tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Á tham gia đấu thầu.

Đầu năm 2016, ngành tư vấn vốn không sôi động bằng những ngành khác, cũng đã ghi dấu ấn bằng một thương vụ tuy không quá lớn về quy mô nhưng có tác động quan trọng tới sự cạnh tranh trong ngành.

Ngày 7/1/2016, Công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp TNK Capital của Việt Nam chính thức gia nhập Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam). Giá trị của giao dịch không được tiết lộ, nhưng theo ước đoán của một nguồn tin trong giới tư vấn chiến lược, rơi vào khoảng 2 - 4 triệu USD. Sở dĩ nói thương vụ này quan trọng đối với ngành tư vấn là vì EY Việt Nam là công ty tư vấn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, có gần 1.000 nhân viên và chuyên gia cao cấp.

Với sự sáp nhập đội ngũ tư vấn từ TNK Capital, bộ phận tư vấn giao dịch của EY Việt Nam sẽ có hơn 20 chuyên gia, tập trung vào các mảng tư vấn như: M&A; rà soát về thương mại, thuế và tài chính; tái cấu trúc và chiến lược doanh nghiệp; định giá và xây dựng mô hình kinh doanh…

Theo tiến sĩ Trần Vinh Dự, chuyên gia M&A, hoạt động M&A nóng lên kéo theo nhu cầu của hàng loạt dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này cũng tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm: tư vấn M&A; khảo sát doanh nghiệp trước M&A (gồm khảo sát về thương mại, tài chính, pháp lý của doanh nghiệp bán…); pháp lý cho giao dịch M&A; định giá phục vụ M&A.

Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp cũng trên đà tăng, lý do là các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc trong các trường hợp phát triển quá lớn, vượt xa quy mô ban đầu, khiến việc tái cấu trúc là cần thiết, nếu không sẽ bị hỗn loạn về sở hữu, quản trị, và điều hành, dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm sút...

Doanh nghiệp tư vấn lớn “nhòm ngó” Việt Nam

Theo đánh giá của EY Việt Nam, năm nay là thời điểm các doanh nghiệp tư vấn lớn trên thế giới có khả năng “đổ bộ” vào Việt Nam vì đây là thị trường còn đầy tiềm năng phát triển, đặc biệt khi hoạt động M&A đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Tốc độ phát triển của các công ty thuộc nhóm “Big 4” tại Việt Nam, theo nhiều nguồn tin, đều ở mức 2 con số trong những năm gần đây.

Trong nhóm này có EY Việt Nam, vốn có uy tín về kiểm toán cũng đang nỗ lực mở rộng sang các mảng tư vấn khác như: tư vấn M&A, định giá, khảo sát doanh nghiệp; tái cấu trúc doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng; quy hoạch phát triển ngành. Khi nhóm “Big 4” cạnh tranh, vấn đề quan trọng là họ cần có nhiều mảng dịch vụ khác nhau để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ “trọn gói” (full service). Điều này rất quan trọng vì nếu không sẽ để ngỏ cửa cho đối thủ khác nhảy vào giành lấy khách hàng.

Đó cũng là nguyên nhân chính đằng sau quyết định nhận sáp nhập TNK Capital của EY Việt Nam, trong một động thái nhằm củng cố năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn M&A và chiến lược doanh nghiệp. Trong khi đó, TNK Capital đã có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và M&A, với hành trang là những thương vụ tư vấn lớn như Giấy An Bình; Kusto – Coteccons; Masan Consumer Holdings…

Người Thái thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Tập đoàn Casino (Pháp) chính thức công bố sẽ bán chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam và theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành bán lẻ, khả năng một tập đoàn Thái Lan sẽ trở thành chủ mới của chuỗi siêu thị này.

Song Thanh
Nguồn Thanh Niên