Nỗi niềm của Beyeu.com: Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức!

Trong lúc Taembe vui mừng nhận thêm vốn, Beyeu ngậm ngùi đóng cửa. Thị trường bán lẻ trực tuyến (online) các sản phẩm dành cho trẻ em đang chứng kiến sự thay đổi lớn.

Đầu tháng 10, nhà bán lẻ trực tuyến Taembe được quỹ đầu tư nước ngoài tài trợ 228.000 USD để tiếp tục duy trì và mở rộng hệ thống. Cùng lúc này, trang thương mại điện tử Beyeu.com bất ngờ thông báo dừng hoạt động và để lại thông điệp nhiều chua xót: “Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những kẻ còn lại”.

Lời chia sẻ bất ngờ của nhà điều hành Beyeu đã hé lộ một phần sự thật đáng sợ. Đằng sau bề ngoài bóng bẩy của nhiều website thương mại điện tử đang mọc lên như nấm sau mưa là thực trạng kinh doanh thua lỗ và hụt hơi về tài chính.

Bài học Beyeu

Beyeu cùng với Lamdieu và Foreva là chuỗi 3 thương hiệu bán lẻ trực tuyến hướng đến phân khúc phụ nữ và trẻ em của Project Lana. Dự án khởi nghiệp (start-up) này nhận được vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam nên nguồn tài chính cho Beyeu không quá khó khăn.

Họ đã xây dựng được hệ thống khá quy mô, với hơn 6.000 chủng loại sản phẩm và được cung cấp hầu hết bởi các tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu tốt.

Beyeu còn được hưởng lợi không nhỏ từ một sản phẩm khác cũng thuộc Project Lana, diễn đàn Webtretho. Diễn đàn dành cho mẹ và bé này thu hút được 11 triệu khách truy cập/tháng. Thông qua Webtretho, các nhà quản trị của Project Lana nắm bắt được mối quan tâm, nhu cầu thị trường, phục vụ khá tốt quá trình xây dựng chính sách bán hàng và sản phẩm.

Nhưng cuối cùng thì Beyeu vẫn phải đóng cửa! Rõ ràng, sự hỗ trợ thông tin và quảng bá từ Webtretho chưa đủ giúp Beyeu thuyết phục người dùng ra quyết định mua sắm.

Như vậy, sau khi đóng cửa Beyeu, hiện tại Project Lana không còn sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử nào nữa. Trước đó vào năm 2013, Lamdieu.com và Foreva.vn đã phải đóng cửa vì sau nửa năm vận hành, kết quả kinh doanh không như mong đợi.

Trường hợp như Beyeu khá thường gặp trong các dự án khởi nghiệp về thương mại điện tử ở Việt Nam. Hầu hết dự án đặt mục tiêu ban đầu rất tham vọng nhưng sau đó, đều phải điều chỉnh lại chiến lược hoạt động: một số tập trung hơn và một số thậm chí phải bán đi.

Điển hình như VNG, một tên tuổi lớn trong làng công nghệ Việt Nam, đã phải bán sàn thương mại điện tử 123mua.vn cho FPT, với mức giá chỉ khoảng 10-11 tỉ đồng, vào cuối năm ngoái. Trước đó, VNG cũng đóng cửa 2 dự án thương mại điện tử là ZingDeal và 123.vn. Có thể kể thêm trường hợp đóng cửa website thương mại điện tử Nhóm Mua vào năm 2012.

Trực tuyến kết hợp hệ thống truyền thống

Đánh giá về thị trường thực phẩm và đồ dùng dành cho trẻ em ở Việt Nam, hãng nghiên cứu thị trường Nielsen nhận định tích cực.Hãng cho biết 19% người tiêu dùng ở Việt Nam đang có trẻ trong độ tuổi từ 1-2 tuổi, gấp hơn 2 lần so với con số 9% trung bình của toàn cầu. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em ra đời, tạo ra một thị trường rất lớn về sữa, thức uống dinh dưỡng, tả lót, vật dụng và đồ chơi trẻ em...

Thị trường này còn hấp dẫn các nhà bán lẻ trực tuyến bởi vì Việt Nam là một trong số các quốc gia ở Đông Nam Á có tỉ lệ dân số sử dụng internet khá cao, lên tới 44%.

Theo ghi nhận vào năm 2011 của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, sản phẩm thực phẩm dành cho trẻ em của Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 7%, trong khi các sản phẩm đồ dùng cho trẻ em có tiềm năng tăng trưởng 5% trung bình trong 5 năm kế tiếp.

Thất bại của Beyeu thật sự giống như một lời thức tỉnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khác: họ phải thật sự cẩn trọng và thực tế hơn.

Tiềm năng thương mại điện tử là thế nhưng nhìn chung, kênh bán hàng truyền thống (offline) như hệ thống cửa hàng, tiệm tạp hóa vẫn chiếm ưu thế. Điều này dễ hiểu vì gần 70% dân số Việt Nam vẫn còn sống ở nông thôn, nơi mà điều kiện hạ tầng để tiếp cận với các kênh bán lẻ hiện đại, trực tuyến vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài 2 thương hiệu kể trên, thị trường bán lẻ trực tuyến các sản phẩm cho bé còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác, như Cungmua.com, Shoptretho, Lazada và có cả nhà bán lẻ sách trực tuyến Tiki.vn.

Trong khi đó, theo ghi nhận của Tạp chí Tech in Asia, 2 nhà bán lẻ là Bilna (Indonesia) và Bakipa (Singapore) cũng bắt đầu để mắt đến Việt Nam. Rõ ràng, các nhà kinh doanh đã và sắp phải chịu đựng những sức ép rất lớn.

Để thích ứng thị trường, một số doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến bắt đầu thay đổi mô hình hoạt động, kết hợp với hệ thống truyền thống. Đầu năm nay, doanh nghiệp bán lẻ thời trang trực tuyến Zalora quyết định mở cửa hàng offline tại tòa nhà Bitexco, TP.HCM. Đây là nơi khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm trước khi đặt hàng trực tuyến.

Hình thức kết hợp giữa online và offline cũng được các nhà bán lẻ điện tử - điện thoại lớn nhất Việt Nam như Thế Giới Di Động triển khai khá hiệu quả.

Nhìn chung, thất bại của Beyeu thật sự giống như một lời thức tỉnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khác. Họ phải thật sự cẩn trọng, biết kìm nén cảm xúc và thực tế hơn. Quan điểm kinh doanh trực tuyến ít tốn kém, vì không cần thuê mặt bằng đắt đỏ, dường như không còn đúng. Tham vọng của nhiều đơn vị thương mại điện tử Việt Nam có thể bị giết chết bởi chi phí, bao gồm chi phí cho marketing, lưu trữ và quản lý kho, giao nhận, chính sách bán hàng và khuyến mãi...

Nguyễn Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư